Huyền Anh
Các tàu chiến của Trung Quốc và Đài Loan đã chơi trò “mèo vờn chuột” trên biển vào Chủ nhật (07/8) trước khi kết thúc cuộc tập trận quân sự kéo dài bốn ngày. Đây là cuộc tập trận chưa từng có của Trung Quốc, được coi là phản ứng ‘giận dữ’ của Bắc Kinh trước chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Chuyến thăm của bà Nancy Pelosi đến hòn đảo tự trị vào tuần trước đã khiến Trung Quốc tức giận. Ngay lập tức, nước này đã đáp trả bằng các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo quanh hòn đảo, cũng như đình chỉ các cuộc đối thoại với Mỹ về một loạt vấn đề từ biến đổi khí hậu cho tới quốc phòng.
Theo một người am hiểu vấn đề, khoảng 10 tàu chiến của Trung Quốc và Đài Loan đã tiến gần eo biển Đài Loan, trong đó một số tàu Trung Quốc băng qua đường trung tuyến, một vùng đệm không chính thức ngăn cách hai bên.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong một thông cáo, nhiều tàu quân sự, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Trung Quốc đang mô phỏng các cuộc tấn công vào hòn đảo. Bộ này cho hay, họ đã gửi máy bay và tàu để phản ứng một cách “thích hợp”. Một tàu quân sự Đài Loan tuần tra gần bờ biển phía đông ở quận Yilan vào ngày 07/8/2022.
Cuộc diễn tập ‘mèo vờn chuột’
“Hai bên đang thể hiện sự kiềm chế, người này nói, mô tả các cuộc diễn tập như “mèo vờn chuột” trên biển cả.
“Một bên cố gắng vượt qua, còn bên kia cản đường và buộc đối phương rơi vào thế bất lợi để cuối cùng quay trở về”.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết tên lửa chống hạm trên bờ và tên lửa đất đối không Patriot của họ đã sẵn sàng ở chế độ chờ.
Các cuộc tập trận của Trung Quốc, tập trung vào sáu địa điểm xung quanh hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, bắt đầu vào thứ Năm (04/8) và dự kiến kéo dài đến trưa Chủ nhật (07/8), Tân Hoa xã đưa tin vào tuần trước.
Quân đội Trung Quốc hôm 06/8 cho biết, các cuộc tập trận chung trên biển và trên không ở phía bắc, tây nam và đông của Đài Loan, tập trung vào khả năng tấn công trên bộ và trên biển.
Hoa Kỳ gọi các cuộc tập trận là một sự leo thang.
Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết: “Những hoạt động này là một bước leo thang đáng kể trong nỗ lực thay đổi hiện trạng của Trung Quốc. Chúng mang tính khiêu khích, vô trách nhiệm và làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm”.
“Những hoạt động trên cũng mâu thuẫn với mục tiêu lâu dài của chúng tôi là duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, cũng là điều mà thế giới mong đợi”.
Bắc Kinh tuyên bố sẽ tập trận thêm một tháng
Trung Quốc vừa thông báo mở các đợt tập trận mới kéo dài cả tháng trong khu vực ngay sau khi cuộc tập trận quanh Đài Loan kết thúc trong ngày 07/8.
Cục Hải sự Trung Quốc ngày 06/8 thông báo sẽ tổ chức các hoạt động quân sự tại biển Bột Hải từ ngày 08/8 đến ngày 08/9 và tại miền nam Hoàng Hải từ ngày 07/8 đến ngày 15/8. Mọi tàu thuyền, máy bay đều bị cấm đi vào khu vực trong thời gian này, theo tờ South China Morning Post.
Trung Quốc: Hoa Kỳ không nên ‘hấp tấp’
Trung Quốc nói rằng, mối quan hệ của họ với Đài Loan là vấn đề nội bộ và Bắc Kinh có quyền đưa hòn đảo này vào tầm kiểm soát của mình bằng vũ lực nếu cần thiết. Đài Loan bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc, nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của chính họ.
Trung Quốc cũng đã cảnh báo Hoa Kỳ không nên “hành động hấp tấp” và tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn.
Đề cập đến phản ứng đối với chuyến thăm của bà Pelosi, tờ Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ cho biết, nước này đã áp dụng “các biện pháp hiệu quả chứng tỏ rằng Trung Quốc hoàn toàn quyết tâm và có khả năng bảo vệ sự thống nhất quốc gia và bảo vệ … chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Thủ tướng Đài Loan Su Tseng-chang nói với các phóng viên rằng Trung Quốc đã “ngạo mạn” sử dụng hành động quân sự để phá vỡ hòa bình. Đồng thời, ông kêu gọi Bắc Kinh không được sử dụng cơ bắp quân sự của mình.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng trong hôm 06/8 cho biết, các lực lượng của họ đã điều động máy bay phản lực để cảnh báo 20 máy bay Trung Quốc, trong đó có 14 chiếc đã băng qua đường trung tuyến. Bộ này cũng phát hiện 14 tàu Trung Quốc đang tiến hành hoạt động xung quanh eo biển Đài Loan.
Bộ đã công bố một bức ảnh cho thấy các thủy thủ Đài Loan đang theo dõi sát sao một tàu Trung Quốc gần đó.
Các lực lượng phòng vệ trên đảo Kim Môn của Đài Loan (nằm ngay sát thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến của đại lục) hôm thứ Sáu (05/8) đã bắn pháo sáng để cảnh báo các máy bay không người lái (UAV) bay qua hòn đảo cùng máy bay không xác định bay qua đảo Matsu của nước này. Cả hai nhóm đảo này đều nằm sát bờ biển của Trung Quốc.
Bà Pelosi: ‘Thế giới đang đứng trước một sự lựa chọn’
Là một phần trong phản ứng với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Pelosi, Trung Quốc đã ngừng liên lạc thông qua nhiều kênh khác nhau với Hoa Kỳ, bao gồm các vấn đề của quân đội và về biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cáo buộc Trung Quốc thực hiện các bước “vô trách nhiệm” và không ưu tiên giải pháp hòa bình theo hướng sử dụng vũ lực.
Bà Pelosi, một nhà phê bình Trung Quốc lâu năm và là đồng minh chính trị của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã đến Đài Loan vào cuối ngày thứ Ba (02/8) trong chuyến thăm cấp cao nhất tới hòn đảo của một quan chức Mỹ trong nhiều thập kỷ, bất chấp những cảnh báo của Trung Quốc. Bà nói rằng chuyến thăm của bà cho thấy cam kết vững chắc của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ nền dân chủ của Đài Loan.
Bà nói: “Thế giới đang phải đối mặt với sự lựa chọn giữa chuyên quyền và dân chủ”. Bà cũng nhấn mạnh rằng chuyến đi của bà “không nhằm mục đích thay đổi hiện trạng ở Đài Loan hay khu vực”.
Đài Loan đã tự trị kể từ năm 1949, khi những nhà cầm quyền dưới thời Mao Trạch Đông nắm quyền ở Bắc Kinh sau khi đánh bại những người theo chủ nghĩa dân tộc Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch trong một cuộc nội chiến, khiến họ phải rút lui về hòn đảo này.
Phát biểu trong chuyến thăm Philippines, ông Blinken cho biết Hoa Kỳ đã nghe thấy lo ngại từ các đồng minh về hành động mà ông gọi là hành động gây bất ổn và nguy hiểm của Trung Quốc nhưng Washington đã tìm cách tránh làm tình hình leo thang.
Ông cho rằng việc Trung Quốc ngừng đối thoại song phương trong 8 lĩnh vực chính là động thái sẽ trừng phạt thế giới.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, hôm thứ Sáu (05/8) cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Blinken phát tán “thông tin sai lệch”.
Huyền Anh