Lam Giang
Sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi rời Đài Loan, tình hình ở eo biển Đài Loan nóng lên ngay lập tức. Ông Akio Yaita, giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản chỉ ra rằng, cuộc tập trận của ĐCSTQ chống lại Đài Loan chỉ là một màn diễn chính trị, và ông Tập Cận Bình không dám kích động chiến tranh ở eo biển Đài Loan vào lúc này.
Ông Akira Yaita đăng tải một bài viết trên trang Facebook cá nhân hôm 05/8 cho rằng, từ trưa ngày 04/8, ĐCSTQ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở sáu vùng biển xung quanh Đài Loan. Động thái này đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Theo quan sát của ông Akio Yaita về khuôn mẫu hành vi của ĐCSTQ trong nhiều năm, ông đi đến kết luận rằng đây chỉ là một màn trình diễn chính trị có mục đích tuyên truyền lớn hơn nhiều so với mục đích quân sự. Quân đội ĐCSTQ hiện tại sẽ không và không dám kích động chiến tranh ở eo biển Đài Loan.
Ông đưa ra ba lý do để chứng minh cho nhận định này.
Thứ nhất: Bản thân ông Tập Cận Bình đang muốn tái đắc cử và không muốn sự việc ‘ngoài tầm kiểm soát’.
Bài viết cho biết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ còn vài tháng nữa mới diễn ra và bản thân ông Tập Cận Bình đang muốn tái tranh cử. Hiện tại, những kẻ thách thức trong nội bộ đảng chưa hình thành mối đe dọa mạnh mẽ. Như vậy, có khả năng ông Tập sẽ tái đắc cử. Lúc này, điều ông Tập lo sợ nhất chính là tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.
Nếu xảy ra xung đột vũ trang ở eo biển Đài Loan, quân đội Trung Quốc có thể gặp bất lợi hoặc có thể rơi vào vũng lầy chiến tranh. Như vậy, cho dù có chiến thắng cũng chắc chắn sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc từ cộng đồng quốc tế. Những yếu tố bên ngoài này có thể thay đổi cấu trúc quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ và ảnh hưởng đến việc tái đắc cử của ông Tập Cận Bình.
Thứ hai: ĐCSTQ không dám hành động hấp tấp vì lo sợ gây phẫn nộ cho công chúng.
Bài viết chỉ ra rằng, kể từ khi thành lập chính phủ của ĐCSTQ, điều mà ông Tập mong muốn chính là “thống nhất đất nước”. Sau bao nhiêu năm, sở dĩ chưa thể ‘hiện thực hoá’ là vì ông Tập còn lo sợ Mỹ can thiệp. Một khi Hoa Kỳ can thiệp, ĐCSTQ sẽ không có cơ hội giành chiến thắng. Hơn nữa, ngày 04/8 là thời điểm quân đội Mỹ có nhiều khả năng can thiệp vào cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan kể từ khi ĐCSTQ được thành lập hơn 70 năm trước.
Giờ đây, cả thế giới đang quan tâm đến hòa bình của eo biển Đài Loan. Thậm chí, ngay cả chính trị gia ôn hòa của Nhật Bản (cựu Bộ trưởng Quốc phòng) Shigeru Ishiba cũng đến tham gia ‘cuộc vui’. Không chỉ Hoa Kỳ, mà nhiều quốc gia có thể sẽ can thiệp bằng nhiều cách khác nhau. Theo lẽ thường, ĐCSTQ đã chờ đợi hơn 70 năm và không thể lựa chọn thời điểm bất lợi nhất vào lúc này.
Thứ ba: Cả bà Pelosi và chính quyền ông Biden đều đã thực hiện đánh giá rủi ro trước đó
Ông Akio Yaita tin rằng, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khởi hành sau khi Tổng thống Biden đi đến kết luận rằng “chuyến đi sẽ không dẫn đến một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan”. Cả hai đều là những chính trị gia “lão luyện” trên chính trường và khó có khả năng tính toán sai lầm. Ngoài ra, trước khi bà Pelosi thực hiện chuyến công du đến các quốc gia Châu Á, ông Biden đã có một cuộc điện đàm đặc biệt với ông Tập Cận Bình, với mục đích rõ ràng là làm tốt công tác quản lý rủi ro cho cả hai bên.
Ông Yaita Akio phân tích, “Chúng ta thấy rằng quân đội của ĐCSTQ đã không bắt đầu các cuộc tập trận quân sự cho đến sau khi bà Pelosi rời Đài Loan. Nếu sớm hơn một ngày, bà Pelosi có thể bị mắc kẹt ở Đài Loan. Tại sao Trung Quốc không làm điều đó?”.
Ông Yaita Akio cũng mô tả, “Điều đó giống như hồi chúng ta còn đi học. Ngay sau khi giáo viên rời đi, một số học sinh xấu bắt đầu nghịch ngợm và khi giáo viên quay lại, chúng ngay lập tức trở nên ngoan ngoãn”. Lực lượng hải quân Hoa Kỳ đang ở gần Biển Đông. Nếu ĐCSTQ làm điều gì đó nhỏ nhặt để trút giận, Hoa Kỳ có thể bỏ qua. Nhưng nếu Trung Quốc làm điều gì đó lớn hơn, chắc chắn Mỹ sẽ bước vào. Ông Tập Cận Bình hiểu rõ điều này hơn bất kỳ ai.
Ngoài ra, tờ Agence France-Presse ngày 04/8 đưa tin, mục tiêu của cuộc tập trận quân sự quy mô lớn này của ĐCSTQ là không làm cho tình hình ở eo biển Đài Loan leo thang đến mức ngoài tầm kiểm soát. “Điều cuối cùng ông Tập Cận Bình muốn là một cuộc chiến bất ngờ”, ông Chen Zhijie, phó giáo sư tại Viện Khoa học Chính trị tại Đại học Sun Yat-sen cho hay.
Lam Giang
Theo secretchina