Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Pelosi’s Taiwan visit is Xi’s final exam to stay top leader,” Nikkei Asia, 04/08/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Chủ tịch Trung Quốc đang chịu áp lực phải chứng minh rằng ông có thể quản lý quan hệ Trung-Mỹ như những người tiền nhiệm của mình.
Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan và cách Chủ tịch Tập Cận Bình lựa chọn các phản ứng của Bắc Kinh đã khiến người ta quan tâm nhiều hơn đến việc liệu nhà lãnh đạo Trung Quốc có đủ bản lĩnh để xử lý các vấn đề phức tạp như vậy hay không. Ở một góc độ nào đó, đây là thử thách cuối cùng mà ông phải vượt qua để giành được nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vào mùa thu này.
Điều quan trọng là Tập không thể mắc bất kỳ sai lầm nào trong việc quản lý quan hệ với Mỹ hoặc giải quyết vấn đề Đài Loan.
Tuần này, Tập có lẽ sẽ đặc biệt bận rộn khi gặp gỡ các đảng viên lão thành đã nghỉ hưu tại “mật nghị Bắc Đới Hà” hàng năm tại khu nghỉ mát bên bờ biển ở tỉnh Hà Bắc.
Trước khi Pelosi hạ cánh xuống Đài Bắc, một nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã ẩn ý rằng Trung Quốc có thể bắn rơi máy bay của bà. Các nhà ngoại giao Trung Quốc thì lặp đi lặp lại rằng nước này sẽ thực hiện “các biện pháp đáp trả” đối với bất kỳ chuyến đi nào như vậy.
Chuyến bay của Pelosi đã hạ cánh vào đêm thứ Ba mà không có sự cố rõ ràng nào xảy ra.
Đây không phải là lần đầu tiên một Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến thăm Đài Loan. Newt Gingrich đã từng đến hòn đảo cách đây 25 năm.
Hồi đó, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã khéo léo đối phó với Gingrich. Vậy nên việc người ta so sánh Tập với Giang sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tập đã có nhiều động thái để thể hiện rằng ông đã vượt qua Giang, cũng như một cựu Chủ tịch Trung Quốc khác, Hồ Cẩm Đào, về mặt thành tích. Việc thông qua “nghị quyết lịch sử lần thứ ba” của Đảng Cộng sản vào năm ngoái, sau nghị quyết đầu tiên vào năm 1945 dưới thời Mao Trạch Đông và nghị quyết thứ hai vào năm 1981 dưới thời Đặng Tiểu Bình, là một trong những ví dụ như vậy.
Giờ đây, Chủ tịch Tập sẽ phải chứng minh rằng ông thực sự vượt trội hơn Giang và Hồ, và hoàn toàn có khả năng khéo léo điều phối chính trị trong nước và ngoại giao đối với vấn đề Mỹ và Đài Loan. Cũng vì thế, chuyến thăm của Pelosi là một vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc chặn được việc Pelosi đến thăm Đài Loan thông qua các nỗ lực vận động hành lang hoặc bằng cách gây áp lực, Tập hẳn đã có thể đến Bắc Đới Hà trên cương vị người chiến thắng.
Nhưng sức mạnh ngoại giao của Trung Quốc cũng có giới hạn của nó.
Ngày 02/04/1997, Gingrich, nhân vật nặng ký của Đảng Cộng hòa và một người ủng hộ Đài Loan, đã có một chuyến thăm ngắn tới hòn đảo. Ông đã gặp Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là Lý Đăng Huy tại văn phòng của ông này trong khoảng một giờ.
Nhưng khác với Pelosi, Gingrich không cùng Đảng Dân chủ với Tổng thống Mỹ đương nhiệm khi ấy là Bill Clinton.
Lịch trình của Gingrich cũng rất khác, ông đã dừng lại ở Bắc Kinh trước và tổ chức hội đàm với Giang Trạch Dân.
Một năm trước đó, vào tháng 3/1996, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận bắn tên lửa trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của Đài Loan, nhằm cảnh báo các lực lượng ủng hộ quốc đảo giành độc lập. Đáp lại, Mỹ đã điều hai hàng không mẫu hạm đến Eo biển Đài Loan.
Trong cuộc hội đàm với Gingrich, Giang nói rằng căng thẳng Mỹ-Trung hiện đã ‘có chút nắng ấm sau những ngày mưa.’
Giang cũng nhắc Gingrich về tầm quan trọng của vấn đề Đài Loan, nhấn mạnh đây là một vấn đề “nhạy cảm và cốt lõi,” lên tiếng cảnh báo Chủ tịch Hạ viện Mỹ trước khi ông đến hòn đảo.
Tuy nhiên, việc Giang đồng ý gặp Gingrich trước khi ông đến Đài Loan có thể được hiểu là một cái gật đầu ngầm. Giang có lẽ đánh giá cao việc Gingrich đến thăm Bắc Kinh trước để thể hiện sự tôn trọng.
Chuyến thăm của Pelosi có một số điểm tương đồng. Ngày 28/07, Tập đã có cuộc điện đàm kéo dài hai tiếng rưỡi với Tổng thống Mỹ Joe Biden dù đã biết về kế hoạch thăm Đài Loan của Pelosi. Tuy vẫn bất đồng về Đài Loan, nhưng có thể nói, cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý rằng nên tránh một cuộc đụng độ.
Nhưng Tập cần thể hiện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như công chúng thấy một thái độ mạnh mẽ hơn.
Một phần tư thế kỷ sau chuyến thăm Đài Loan của Gingrich, sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Công chúng kỳ vọng Trung Quốc phô trương sức mạnh của mình. Nếu không, người ta nghĩ rằng đất nước sẽ mất thể diện. Rủi ro ở đây là rất lớn.
Theo Tân Hoa Xã, Tập nói với Biden rằng: “Nếu ông đùa với lửa, ông sẽ tự làm bỏng mình.”
Những lời này được hiểu là một cảnh báo, rằng Trung Quốc có thể dùng đến các hành động quân sự nếu Pelosi vẫn tiến hành chuyến thăm.
Nguy hiểm là tai nạn có thể xảy ra. Tháng 4/2001, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc và một máy bay giám sát điện tử của Hải quân Mỹ đã đối đầu giữa không trung ở Biển Đông gần đảo Hải Nam của Trung Quốc. Ngay cả khi các nhà lãnh đạo có sự kiềm chế, những người lính trên mặt đất vẫn có thể trở nên quá khích.
Cuối tháng 7, một hạm đội tàu Mỹ do tàu sân bay USS Ronald Reagan dẫn đầu đã quay trở lại Biển Đông sau khi tạm dừng ở Singapore. Quân đội Trung Quốc cũng đang tiến hành tập trận ở các khu vực ven biển.
Việc Không quân và Hải quân Mỹ triển khai máy bay và tàu chiến trên diện rộng nhằm quản lý rủi ro liên quan đến chuyến thăm Đài Loan của Pelosi đóng vai trò là một thông tin tham khảo hữu ích cho quân đội Trung Quốc, vốn thường xuyên mô phỏng các cuộc xâm lược Đài Loan.
Trước khi bay đến Đài Loan vào năm 1997, Gingrich và đội ngũ của mình đã bay từ Trung Quốc đến Nhật Bản. Chủ tịch Hạ viện Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Ryutaro Hashimoto đã cùng nhau dùng bữa vào sáng ngày 31/03.
Khi ở Nhật Bản, Gingrich trông có vẻ mệt mỏi. Ông dường như cũng không hài lòng với cách Trung Quốc tiếp đãi mình ở Bắc Kinh.
Có lẽ là vì Phó Tổng thống Mỹ Al Gore cũng đang thăm Trung Quốc vào cùng thời điểm. Giang đã gặp Gore trước khi nói chuyện với Gingrich. Đương nhiên, phía Trung Quốc sẽ dành hết sức lực để chào đón Gore, vì ông đại diện cho chính phủ Mỹ.
Nửa năm sau, vào tháng 10/1997, Giang đã bay tới Mỹ – thực hiện chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của một nguyên thủ Trung Quốc trong vòng 12 năm. Đến tháng 06/1998, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton đã có chuyến công du 9 ngày tới Trung Quốc.
Giang, hiện là một nhân vật lão thành đã nghỉ hưu của đảng, luôn tự hào về cách ông hàn gắn lại quan hệ của Trung Quốc với Mỹ, vốn đã từng ở giai đoạn tồi tệ nhất của nó.
Giang đã đối phó thành công với chuyến thăm Trung Quốc của Gore cũng như các chuyến đi Trung Quốc và Đài Loan của Gingrich, sau đó nhanh chóng cải thiện quan hệ của Trung Quốc với Mỹ
Trong lúc đại hội toàn quốc của đảng sắp đến gần, câu hỏi đặt ra là: Giang và các phụ tá cũ của ông ta có ý định gì?
Sẽ không có gì lạ nếu họ muốn Tập quản lý quan hệ Trung-Mỹ một cách tốt hơn, và phải cân nhắc đến sự suy giảm kinh tế lớn chưa từng có của Trung Quốc.
Nhưng điều này không có nghĩa là họ muốn Tập nhượng bộ trong vấn đề Đài Loan.
Thay vào đó, có thể ý định của họ là: dù ý muốn tấn công với mục tiêu thống nhất Đài Loan của Tập có thể là điều tự nhiên, nhưng Tập nên đưa ra quyết định có tính thực tế sau khi xem xét quan hệ với Mỹ.
Ý định của Giang, người sắp bước sang tuổi 96, và những cán bộ lão thành khác trong đảng sẽ được truyền đến Tập theo nhiều cách khác nhau, và Tập không thể phớt lờ suy nghĩ của họ.
Điều này giải thích tại sao Tập phải nói chuyện với Biden qua điện thoại, bất chấp việc quan hệ song phương vẫn còn nhiều trắc trở.
Pelosi từng đến thăm Bắc Kinh vào năm 1991, hai năm sau cuộc đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn.
Vào ngày cuối cùng của chuyến thăm Bắc Kinh, bà đã đến quảng trường và dương một biểu ngữ có nội dung “Dành cho những người đã chết vì dân chủ ở Trung Quốc.” Thông điệp được viết bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh.
Tại Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan, Pelosi đã ca ngợi nền dân chủ và hội đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Dù Trung Quốc đang thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề Đài Loan, nhưng thực tế thì họ muốn tránh gây hiểu nhầm trước thềm đại hội toàn quốc.
Không nghi ngờ gì, 25 năm sau chuyến thăm Đài Loan của Gingrich, quan hệ Mỹ-Trung vẫn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chính trường Trung Quốc.
Có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục “các biện pháp đáp trả” sau khi Pelosi rời Đài Bắc. Một trong số các lý do để họ làm như vậy là nhằm ngăn cản các quan chức Mỹ đến thăm Đài Loan sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.
Trận chiến mà Tập không thể để thua vẫn còn tiếp diễn.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.