Tại sao quan chức Trung Quốc nhất quyết chỉ thông báo nhiệt độ cao nhất ở Trung Quốc luôn dưới 40 độ
Nhiệt độ cao kéo dài gần hai tháng qua ở Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn. Phần mềm thời tiết của iPhone cho thấy nhiệt độ tối đa ở Thượng Hải đạt trên 50 ° C, nhưng Cục Khí tượng địa phương lại tuyên bố là “không có thực”. Nhiều cư dân mạng không tin vào lời giải thích của chính quyền.
Vào ngày 5 tháng 8, phần mềm thời tiết đi kèm với điện thoại di động của hãng Apple cho thấy, nhiệt độ cao nhất ở Thượng Hải ngày hôm đó lên tới 50 ° C. Ví dụ, quận Phổ Đà (Putuo) đạt 51 ° C và quận Tĩnh An (Jing’an) cũng là 47 ° C. Tuy nhiên, cục Khí tượng địa phương lại công bố nhiệt độ Thượng Hải chỉ khoảng 40 ° C, và nhiệt độ cao nhất tại Trạm Từ Gia Hối (Xujiahui) là 40,2 ° C.
Dữ liệu nhiệt độ của Apple đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cư dân mạng. Nhiều người dân ở Thượng Hải nói rằng, ít nhất nhiệt độ mà họ cảm thấy chắc chắn cao hơn mức 40 ℃ mà chính quyền TQ chính thức tuyên bố.
Đáp lại, Weibo chính thức có tên “Thời tiết Thượng Hải” của Cục Khí tượng Thượng Hải trả lời rằng, dự báo thời tiết của Apple là nhiệt độ thực tế được “ước tính bằng các phương tiện khác” từ Công ty Thời tiết (The Weather Company) của Hoa Kỳ, chứ không phải nhiệt độ thực tế khảo sát được. Nhiều phương tiện truyền thông đại lục cũng bắt đầu hợp tác, làm cái gọi là “giải thích một cách khoa học” tại sao nhiệt độ mà người dân thực sự cảm thấy lại cao hơn số liệu được công bố chính thức.
NTDTV cho hay, bởi vì tất cả dữ liệu dưới sự cai trị của ĐCSTQ phải là “chính trị”, nhiều người Trung Quốc không đồng ý với lời giải thích chính thức. Đặc biệt là sau hai tháng bị phong tỏa, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, uy tín của chính quyền Thượng Hải càng bị nghi ngờ. Một số cư dân mạng cho biết họ “thà tin vào Apple”.
Cũng có một số cư dân mạng nói rằng, dữ liệu nhiệt độ do chính phủ công bố không chỉ mang tính “chính trị”, mà còn có thể đáp ứng “nhu cầu kinh tế” của giới chức Trung Quốc. Nhiều người tiết lộ rằng, nhiệt độ trong nước sẽ không bao giờ vượt quá 40 độ, và nếu nền nhiệt vượt trên 40 độ, công việc sẽ bị đình chỉ và người lao động sẽ được trợ cấp.
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc ở nhiều nơi đã ban hành quy định các công ty phải ngừng hoạt động (hoặc ngừng hoạt động ngoài trời) khi nhiệt độ tối đa hàng ngày vượt quá 40 ° C; khi nhiệt độ tối đa hàng ngày từ 35 °C đến 40 °C, giờ làm việc hoặc điều kiện làm việc cũng được điều chỉnh.
Tính đến ngày 5 tháng 8, đã có nhiều khu vực ở Trung Quốc hứng chịu thời tiết nắng nóng trong hơn 50 ngày. Tuy nhiên, nhiệt độ tối đa do chính quyền TQ chính thức công bố hầu hết được duy trì dưới 40 ° C, đôi khi chỉ có “các khu vực riêng lẻ” vượt quá 40 ° C, nhưng nhiệt độ cao nhất chỉ là 41 ° C và 42 ° C.Kể từ ngày 5/8, nhiệt độ cao ở lưu vực Tứ Xuyên (Sichuan) và hạ lưu lưu vực sông Dương Tử (Yangtze), cũng như khu vực miền Trung và các nơi khác sẽ tiếp tục trong nhiều ngày tới.
Trần Phong
Bà Pelosi: Ông Cận Bình là ‘kẻ bắt nạt hoảng sợ’
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm thứ Ba (9/8) đã lên tiếng bảo vệ quyết định của bà về chuyến thăm Đài Loan, bất chấp những phản ứng trả đũa từ Trung Quốc. Bà Pelosi cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã phản ứng với chuyến thăm Đài Loan của bà như “một kẻ bắt nạt hoảng sợ”.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân chủ-California) đã tái khẳng định sự ủng hộ của bà đối với Đài Loan vào ngày 9/8 sau khi trở về từ chuyến công du châu Á.
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Today của đài NBC, bà Pelosi nhắc lại, “Chúng ta không thể cho phép chính phủ Trung Quốc cô lập Đài Loan”. Bà Pelosi là quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ trong 25 năm tới thăm Đài Loan trong chuyến công du châu Á tới năm quốc gia vào tuần trước, bao gồm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
ĐCSTQ đã đáp trả chuyến thăm lịch sử của bà Pelosi bằng các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật tích cực kéo dài nhiều ngày ở vùng biển xung quanh Đài Loan, một hòn đảo dân chủ tự trị.
Năm 1949, Quốc Dân Đảng bị ĐCSTQ đánh bại. Chính phủ dân tộc chủ nghĩa của Trung Hoa Dân Quốc rút về đảo Đài Loan, còn ĐCSTQ thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan (ROC) và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh vào năm 1979, nhưng vẫn duy trì quan hệ không chính thức với Đài Bắc. Theo luật liên bang, Hoa Kỳ có nghĩa vụ đảm bảo rằng Đài Loan có tất cả các phương tiện cần thiết để tự vệ.
Bà Pelosi: ‘Ông Tập Cận Bình đang hành động như một kẻ bắt nạt hoảng sợ’
ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo mà họ chưa bao giờ cai trị và tự xưng là lãnh đạo duy nhất của cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Trung Quốc coi chuyến thăm của một quan chức cấp cao của chính phủ nước ngoài tới Đài Loan là sự công nhận chính thức về chủ quyền của hòn đảo. Do đó nước này đã đưa ra một số lời đe dọa trong nỗ lực ngăn cản bà Pelosi đến thăm Đài Loan.
Khi được hỏi về những phản ứng của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Morning Joe của đài MSNBC vào ngày 9/8, bà Pelosi nói về ông Tập, “Tôi nghĩ rằng ông ấy đang ở trong một cuộc khủng hoảng mong manh. Ông ấy gặp vấn đề với nền kinh tế của mình. Ông ta đang hành động như một kẻ bắt nạt hoảng sợ”. Bà nói thêm rằng trọng tâm của ông Tập bây giờ là tái đắc cử trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 sắp tới của ĐCSTQ.
Bà Pelosi cũng nói trên chương trình Today rằng ông Tập “có những bất an riêng” và bà sẽ không để ông kiểm soát lịch trình của các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ.
“Chúng tôi đã gặp tất cả các quan chức ở tất cả năm quốc gia và các thành viên quốc hội của họ, vì vậy chuyến công du rất hiệu quả. Và về vấn đề Đài Loan, chúng tôi sẽ không đưa Đài Loan ra khỏi danh sách của mình vì tổng thống Đài Loan đã mời chúng tôi. Chủ tịch Trung Quốc không làm theo lịch trình của chúng tôi”, bà nhấn mạnh.
Khi đánh giá về chuyến đi của mình, bà Pelosi tuyên bố, “Vâng, chuyến đi rất đáng giá”. Bà ấy nói thêm rằng bà đã nhận được “sự ủng hộ của lưỡng đảng” cho chuyến thăm của bà đến Đài Loan.
Bà Nikki Haley, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc và là ứng cử viên tổng thống tiềm năng của Đảng Cộng hòa vào năm 2024, bày tỏ sự ủng hộ đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi vào ngày 7/8, nói với truyền thông rằng: “Tôi nghĩ rằng bà Nancy Pelosi đã đúng khi đến Đài Loan”. Bà nói rằng Hoa Kỳ không nên lo lắng trước “cơn giận dữ” của Trung Quốc và chỉ trích Tổng thống Joe Biden vì đã không ủng hộ nhiều hơn đối với chuyến thăm của bà Pelosi.
Thanh Hải
Theo The Epoch Times
Tổng thống Biden ký đạo luật ‘Khoa học và CHIP’ trị giá 280 tỷ USD cạnh tranh với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua đạo luật đầu tư 280 tỷ USD vào ngành bán dẫn và các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao khác nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm sự lệ thuộc vào các chuỗi cung ứng nước ngoài và tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc.
“Đạo luật Khoa học và CHIPS sẽ thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ, đảm bảo sự dẫn đầu của Hoa Kỳ trong công nghệ, tạo nền tảng cho mọi thứ từ ô tô, thiết bị gia dụng đến hệ thống phòng thủ”, theo một tờ thông tin của Nhà Trắng về đạo luật.
“Luật cũng sẽ đảm bảo Hoa Kỳ duy trì và nâng cao lợi thế khoa học và công nghệ của mình”.
Tổng thống Biden ngày 9/8 tuyên bố trong buổi lễ ký ban hành luật: “Nhiều thập niên tới kể từ bây giờ, người ta sẽ nhìn lại tuần này và tất cả những gì chúng ta đã thông qua và tất cả những gì chúng ta đã thăng tiến, và thấy rằng chúng ta đã đón lấy thời cơ tại khúc quanh này trong lịch sử”.
Đạo luật Khoa học và CHIPS có tổng giá trị 280 tỷ USD được lưỡng viện Hoa Kỳ vừa thông qua vào cuối tháng trước. Trong đó dành 52 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Chất bán dẫn là đấu trường quan trọng giữa Washington và Bắc Kinh. Những con chip nhỏ bé nhưng lại đóng vai trò là bộ não của các thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh, máy tính xách tay đến trung tâm dữ liệu, cho đến các hệ thống vũ khí tinh vi, chẳng hạn như tên lửa chống tăng Javelin mà Mỹ đang cung cấp cho Ukraine.
Washington cho rằng gói chi tiêu khổng lồ sẽ cải thiện việc làm và an ninh quốc gia bằng cách làm cho Hoa Kỳ ít phụ thuộc hơn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài, từ đó xây dựng một lực lượng lao động mạnh mẽ hơn.
“Hôm nay, tôi ký ban hành đạo luật Khoa học và CHIPS”, ông Biden nói trong một tweet. “Đó là quy luật có từ lâu đời khi đầu tư vào Mỹ bằng cách tăng cường nỗ lực của chúng ta trong việc sản xuất chất bán dẫn trong nước”.
Nhà Trắng cho biết việc thông qua đạo luật đã thúc đẩy các khoản đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất chip. Qualcomm hôm 8/8 đã đồng ý mua thêm 4,2 tỷ USD chip bán dẫn từ nhà máy GlobalFoundries ở New York, nâng tổng cam kết mua hàng lên 7,4 tỷ USD cho đến năm 2028.
Nhà Trắng cũng cho biết hãng Micron đã thông báo khoản đầu tư 40 tỷ USD vào sản xuất chip nhớ, giúp thúc đẩy thị phần của Mỹ từ mức 2% lên 10%. Đây là một khoản đầu tư được lên kế hoạch với “khoản tài trợ dự kiến” từ đạo luật “Khoa học và Chip”.
Chính quyền ông Biden cũng đã nhiều lần mô tả luật này như một phần hệ trọng trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và bảo đảm Mỹ có thể duy trì lợi thế cạnh tranh trước Bắc Kinh, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Các quan chức chính quyền đã tổ chức nhiều buổi báo cáo cho các nhà lập pháp để phác thảo các tác động an ninh quốc gia của dự luật này, và ông Biden lưu ý trong bài phát biểu hôm 9/8 rằng chính phủ Trung Quốc đã vận động các doanh nghiệp Mỹ chống lại luật này.
Tuy nhiên, có những chỉ trích coi luật này như một sự tiếp tay của các công ty sẽ làm tăng lạm phát và gây tổn hại cho những người đóng thuế ở Mỹ.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Dân chủ-Vermont) cho biết: “Câu hỏi mà chúng ta nên đặt ra là: Những người đóng thuế Mỹ có nên cung cấp cho ngành công nghiệp vi mạch một tấm séc trị giá hơn 76 tỷ USD vào đúng thời điểm các công ty bán dẫn đang kiếm được hàng chục tỷ USD lợi nhuận và trả cho các CEO của họ những gói bồi thường cắt cổ?”.
“Ông Bernie Sanders và tôi gần như không bao giờ chung quan điểm, nhưng ông ấy đã nói đúng về cái gọi là đạo luật CHIPS”, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley (Cộng hòa-Iowa) viết trên Twitter. “Đó chỉ là một khoản phân phát chính phủ khổng lồ cho các công ty lớn [và] đã có lợi nhuận. Tại sao chúng ta lại chi nhiều tiền thuế hơn cho phúc lợi doanh nghiệp không cần thiết?”.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times
Bà Pelosi: Ông Tập Cận Bình đang ở trong tình trạng “mong manh”
Ngày 9/8 (thứ Ba), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng chuyến đi của bà đến Đài Loan là rất đáng giá, và bà tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở trong tình trạng “mong manh” nên có kiểu hành xử như “kẻ bắt nạt hoảng sợ”.
Trên chương trình Morning Joe của MSNBC vào thứ Ba (9/8), khi được hỏi bà đã học được gì từ phản ứng của ông Tập Cận Bình trong chuyến đi đến Đài Loan, bà Pelosi nói:
“Tôi nghĩ ông ấy đang ở trong một tình trạng mong manh… ông ấy gặp vấn đề với nền kinh tế. Ông ta đang hành động như một kẻ bắt nạt hoảng sợ”.
Tuần trước bà Pelosi đã dẫn đầu một phái đoàn Quốc hội Mỹ đến thăm Singapore, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bà Pelosi tiếp tục nói với chương trình “Morning Joe”: “Chúng tôi đã gặp tất cả Chủ tịch Quốc hội của cả 5 quốc gia cùng thành viên Quốc hội của họ, đã rất có hiệu quả. Đối với Đài Loan, chúng tôi không loại bỏ Đài Loan khỏi danh sách vì Tổng thống Đài Loan đã mời chúng tôi. Chủ tịch Trung Quốc không có quyền định đoạt lịch trình của chúng tôi”.
Trong 25 năm qua, bà Pelosi trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan, khiến nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc tức giận (ĐCSTQ) vì họ cho rằng việc lãnh đạo nước nào đến Đài Loan là nước đó công nhận chủ quyền của Đài Loan.
Trong lịch sử, Đài Loan từng là thuộc địa của Nhật Bản và có chút quan hệ lỏng lẻo với Đế chế nhà Thanh trước thời ĐCSTQ. Năm 1949, Quốc dân đảng rút về đảo Đài Loan sau thất bại trong cuộc nội chiến với ĐCSTQ, từ đó Đài Loan lấy tên nước là “Trung Hoa Dân Quốc” và tách hoàn toàn khỏi Đại Lục. Sau đó, Đài Loan dần dần thay đổi từ chế độ độc đảng của Quốc dân đảng sang chế độ đa đảng luân phiên cầm quyền, trở thành hình mẫu của chính quyền dân chủ tự trị trong giới người Hoa, châu Á và toàn thế giới.
ĐCSTQ nắm quyền ở Trung Quốc Đại Lục chưa bao giờ cai trị Đài Loan, nhưng họ vẫn coi Đài Loan là lãnh thổ của họ và tìm cách cô lập về mặt ngoại giao và kinh tế, bên cạnh việc gia tăng các mối đe dọa quân sự đối với Đài Loan.
Bà Pelosi đã đến thăm Đài Loan từ ngày 2 – 3/8. Sau khi bà rời Đài Loan, ĐCSTQ đã tổ chức cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật lớn nhất trong lịch sử gần Đảo Đài Loan (từ ngày 4), bao gồm hàng chục máy bay bay qua vùng nhận dạng phòng không Đài Loan làm gia tăng lo ngại quốc tế về cuộc khủng hoảng đối đầu quân sự trên eo biển Đài Loan.
Sau đó vào thứ Hai (8/8), ĐCSTQ đã thông báo rằng cuộc tập trận quân sự ban đầu dự kiến kết thúc vào ngày 7 sẽ được kéo dài sang ngày 15.
Trong cuộc phỏng vấn với Today của NBC vào thứ Ba (9/8), người dẫn chương trình Savannah Guthrie đã hỏi bà Pelosi: “Phản ứng mà bà đang thấy bây giờ, (chuyến thăm Đài Loan) có đáng không? Vì ĐCSTQ đã có một loạt các hành động quân sự gây sốc đối với Đài Loan”.
Bà Pelosi trả lời: “Tất nhiên – không nghi ngờ gì về điều đó. Chuyến thăm của chúng tôi đến Đài Loan có sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng. Với tư cách là Chủ tịch Hạ viện và phái đoàn ưu tú đi cùng tôi, chúng tôi đã được chào đón nồng nhiệt. Người dân Đài Loan hoan nghênh chuyến thăm này. Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể không hoan nghênh nhưng Trung Quốc (ĐCSTQ) không thể được phép cô lập Đài Loan ”.
Sau đó bà Pelosi nói: “Vài tháng trước cũng có một phái đoàn từ Thượng viện, họ thuộc cả 2 đảng, là những người có quyền lực rất lớn. Không ai nói một lời [chuyến đi lặng lẽ]. Thậm chí, bạn có biết về chuyến đi đó không?”
Bà Pelosi đã đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể bỏ qua chuyến đi của 5 thượng nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan nhưng lại đối xử với chuyến thăm của bà ấy theo cách khác. Bà tin rằng việc Trung Quốc (ĐCSTQ) thể hiện tức giận chỉ là một trò mánh khóe.
Bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ nhắc lại rằng chuyến đi đến Đài Loan là đáng giá, bà nói: “Vâng, điều đó đáng giá. Người Trung Quốc (Đại Lục) đang làm những gì họ thường làm. Hãy nghe những gì người dân trong khu vực (Đài Loan) nói về chúng tôi, đó là rất quan trọng đối với chúng tôi”.
Thông qua các cuộc tập trận quân sự, ĐCSTQ đang cố gắng tiến gần hơn đến biên giới Đài Loan và có thể đang tìm cách thiết lập một “bình thường mới” để cuối cùng có thể kiểm soát việc tiếp cận các cảng và không phận của Đài Loan. Nhưng động thái đó có thể gây ra phản ứng dữ dội trên đảo Đài Loan, nơi mà người dân kiên quyết ủng hộ hiện trạng độc lập trên thực tế hiện nay.
Hôm thứ Ba (9/8), nhà chức trách Đài Loan cảnh báo rằng các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ không chỉ là cuộc diễn tập cho cuộc xâm lược Đài Loan, mà còn phản ánh tham vọng kiểm soát các vùng đất rộng lớn phía tây Thái Bình Dương, vì vậy Đài Loan cũng tiến hành các cuộc tập trận riêng để nhấn mạnh khả năng sẵn sàng bảo vệ quê hương của họ.
Nước Mỹ ủng hộ Đài Loan dân chủ cũng đã thể hiện sẵn sàng đối mặt với mối đe dọa từ Bắc Kinh. Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng Mỹ có nghĩa vụ pháp lý để đảm bảo Đài Loan có thể tự vệ và coi mọi mối đe dọa chống lại Đài Loan là một vấn đề đáng quan ngại.
Trình Văn, Vision Times
Các nhà điều tra LHQ: Có bằng chứng về tội ác chống lại loài người ở Myanmar
Các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba (9/8) đã báo cáo, có nhiều bằng chứng về tội ác chống lại loài người ở Myanmar, bao gồm giết người, tra tấn và bạo lực tình dục kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm ngoái.
Theo Cơ chế Điều tra Độc lập về Myanmar (IIMM) của Liên Hợp Quốc, phụ nữ và trẻ em là đối tượng đặc biệt bị nhắm tới.
Các nhà điều tra cho biết trong một tuyên bố: “Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy kể từ khi quân đội tiếp quản đất nước vào tháng 2/2021, các tội ác đã được thực hiện ở Myanmar trên quy mô và theo cách thức cấu thành một cuộc tấn công rộng rãi và có hệ thống nhằm vào dân thường.”
Quân đội Myanmar đã nắm chính quyền từ ngày 1/2 năm ngoái, lật đổ chính phủ dân sự và bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.
Theo một nhóm giám sát địa phương, chính quyền đã tiến hành một cuộc đàn áp đẫm máu đối với những người bất đồng chính kiến, sử dụng bạo lực khiến hơn 2.100 dân thường thiệt mạng và gần 15.000 người bị bắt.
Nhóm điều tra cảnh báo trong báo cáo thường niên, trong 12 tháng tính đến cuối tháng 6/2022, “phạm vi phạm tội quốc tế tiềm ẩn diễn ra ở Myanmar đã mở rộng đáng kể”.
IIMM được Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thành lập vào tháng 9/2018 nhằm thu thập bằng chứng về những tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất và chuẩn bị hồ sơ để truy tố hình sự. Cơ quan này còn hợp tác với Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa án Hình sự Quốc tế.
Giám đốc IIMM Nicholas Koumjian nhấn mạnh: “Những thủ phạm gây ra tội ác này cần biết rằng họ không thể tiếp tục hành động mà không bị trừng phạt.”
Theo các bằng chứng thu thập được, báo cáo nêu rõ, “tội phạm tình dục và giới tính, bao gồm cưỡng hiếp và các hình thức bạo lực tình dục khác, cũng như tội ác đối với trẻ em đã được thực hiện bởi các thành viên của lực lượng an ninh và các nhóm vũ trang”.
Ông Koumjian nói thêm, các nhà điều tra tập trung đặc biệt vào các tội ác đối với phụ nữ và trẻ em, là “một trong những tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất”.
Báo cáo cho thấy, trẻ em ở Myanmar đã bị giết, bị tra tấn và bị giam giữ tùy tiện. Họ cũng từng bị bạo hành tình dục, còn bị lực lượng an ninh và các nhóm vũ trang ép buộc nhập ngũ và tham gia huấn luyện.
Nhóm nghiên cứu chưa bao giờ được phép đến thăm Myanmar. Tuy nhiên họ đã tiến hành thu thập được gần 3 triệu “đầu mục thông tin”, bao gồm các tuyên bố phỏng vấn, tài liệu, ảnh chụp và hình ảnh không gian địa lý.
Các nhà điều tra nhận định, bằng chứng họ thu thập được phản ánh thực trạng rằng “một số cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra và ngày càng gia tăng trên lãnh thổ Myanmar”.
Nhóm điều tra cũng đang lập hồ sơ các vụ việc cụ thể về tội ác chiến tranh được thực hiện trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang đó, bao gồm các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào dân thường, giết người bừa bãi, đốt cháy các làng mạc và thị trấn trên diện rộng.
Đáng lưu ý, các nhà điều tra cảnh báo, ngày càng có nhiều khu vực chìm trong bạo lực và “bản chất của tội phạm tiềm ẩn cũng đang mở rộng”.
Họ chỉ ra vụ hành quyết của quân đội đối với 4 tù nhân chính trị vào tháng trước, đánh dấu vụ hành quyết đầu tiên ở nước này trong nhiều thập kỷ.
IIMM cũng nhấn mạnh hoàn cảnh ngặt nghèo của cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi ở Myanmar, 5 năm sau cuộc đàn áp đẫm máu năm 2017 dẫn đến việc di dời của gần 1 triệu người.
Hầu hết trong số khoảng 850.000 người Rohingya bị đuổi vào các trại tập trung ở nước láng giềng Bangladesh vẫn đang phải ở đó, trong khi 600.000 người khác ở bang Rakhine của Myanmar.
“Trong khi người Rohingya luôn bày tỏ mong muốn được trở về Myanmar một cách an toàn và trang nghiêm, thực tế là điều này sẽ rất khó thực hiện, trừ khi có thể giải trình trách nhiệm cho những hành động tàn bạo đã gây ra đối với họ, bao gồm cả việc truy tố những cá nhân chịu trách nhiệm cao nhất về những tội ác đó,” ông Koumjian nhận xét.
Tháng trước, Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague đã bác bỏ phản đối của Myanmar đối với một vụ án diệt chủng – liên quan đến cách chính quyền quân đội Myanmar đối xử với người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, mở đường cho một phiên tòa xét xử vụ án này.
Minh Ngọc (Theo AFP)
TT Biden ký duyệt nghị định thư gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển
AFP đưa tin, ngày 9/8, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký phê chuẩn nghị định thư gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, mở rộng liên minh phương Tây nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Ông Biden tuyên bố, hai nước Bắc Âu, sẽ trở thành “đồng minh mới mạnh mẽ, đáng tin cậy và có khả năng [quân sự] cao” trong NATO bằng cách thực hiện “cam kết thiêng liêng” về hỗ trợ phòng thủ lẫn nhau trong liên minh xuyên Đại Tây Dương do Mỹ dẫn đầu.
Ngày 3/8, Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 95-1 ủng hộ việc gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu vào NATO, đánh dấu việc Mỹ trở thành thành viên thứ 23 trong số 30 quốc gia NATO chính thức tán thành việc tham gia liên minh của Phần Lan và Thụy Điển.
Ông Biden ca ngợi NATO là “nền tảng của an ninh Mỹ”, đồng thời nhấn mạnh Phần Lan và Thụy Điển đều có “thể chế dân chủ mạnh mẽ, quân đội hùng cường và nền kinh tế minh bạch”, sẽ góp phần hỗ trợ cho NATO.
Ông Biden còn khẳng định, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin đã “phá vỡ hòa bình và an ninh ở châu Âu” khi xâm lược Ukraine. “Ông Putin cho rằng ông ta có thể chia rẽ chúng ta… Nhưng thay vào đó, những gì ông ta vấp phải đều không phải thứ mà ông ta mong muốn.”
Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO để đáp trả cuộc xâm lược ngày 24/2. Nga đã nhiều lần cảnh báo cả hai quốc gia không nên tham gia liên minh này.
Trước đó, 30 thành viên của NATO đã ký nghị định thư gia nhập cho Thụy Điển và Phần Lan vào tháng 7, cho phép họ tham gia liên minh vũ trang hạt nhân do Hoa Kỳ dẫn đầu, sau khi các quốc gia thông qua quyết định.
Tại thời điểm đó, Helsinki và Stockholm có thể tham gia các cuộc họp của NATO và tiếp cận nhiều hơn với thông tin tình báo, nhưng không được bảo vệ bởi Điều 5, điều khoản quốc phòng của NATO nêu rõ rằng một cuộc tấn công vào một đồng minh là một cuộc tấn công nhằm vào tất cả khối.
Việc gia nhập phải được quốc hội của tất cả 30 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương phê chuẩn, trước khi Phần Lan và Thụy Điển có thể được bảo vệ bằng điều khoản quốc phòng. Việc phê chuẩn dự kiến có thể mất tới một năm, mặc dù hiện một số quốc gia, bao gồm Canada, Đức và Ý đã chấp thuận.
Minh Ngọc
Ukraine kêu gọi phương Tây ban bố lệnh cấm đi lại đối với người Nga
Tổng thống Ukraine kêu gọi phương Tây áp đặt lệnh cấm đi lại đối với người Nga, một ý tưởng đã nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia châu Âu nhưng đã khiến Moscow tức giận.
Ý tưởng của Tổng thống Volodymyr Zelensky có vẻ sẽ gây chia rẽ Liên minh châu Âu, nơi những khác biệt về cách đối phó với Moscow từ lâu vẫn tồn tại giữa một số thành viên từ Đông và Tây Âu.
Ông Zelensky đưa ra đề xuất của mình trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post, theo đó ông muốn phương Tây ban hành lệnh cấm đi lại trong một năm và trục xuất những người Nga sống ở phương Tây để họ có thể sống “trong thế giới của riêng mình cho đến khi họ thay đổi triết lý”. Ông phàn nàn rằng các biện pháp trừng phạt áp đặt cho đến nay đối với Nga là quá yếu.
Ông Zelensky cũng nói rằng lệnh cấm còn nên áp dụng cả đối với những người Nga đã chạy khỏi đất nước kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào cuối tháng Hai vì họ không đồng ý với Tổng thống Vladimir Putin.
Điện Kremlin đã phản bác lại đề xuất của ông Zelensky. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cô lập Nga hoặc người Nga đều không có triển vọng.”
Các quan chức khác của Nga đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của những hạn chế như vậy, cho rằng chúng sẽ vi phạm quyền của người Nga.
Tuy vậy, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã ủng hộ ý tưởng của nhà lãnh đạo Ukraine, cho biết bà nghĩ đã đến lúc EU ngừng cấp thị thực cho người Nga.
Tuy nhiên, các quốc gia khác có quan hệ chặt chẽ hơn với Nga như Hungary có khả năng sẽ phản đối lệnh cấm của EU. Hơn nữa, Ủy ban Châu Âu đã đặt câu hỏi về tính khả thi của nó, nói rằng một số người như thành viên gia đình, nhà báo và nhà bất đồng chính kiến phải luôn được cấp thị thực.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba đã ký các văn bản ủng hộ việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, sự mở rộng quan trọng nhất của liên minh quân sự kể từ những năm 1990 và được thúc đẩy bởi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Rủi ro nhà máy hạt nhân ở mức cao
Lo ngại tiếp tục gia tăng vào hôm thứ Ba về tình hình tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia – nơi Nga chiếm đóng, khi Ukraine và Nga cáo buộc lẫn nhau đã pháo kích nhà máy này trong những ngày gần đây.
Petro Kotin, người đứng đầu công ty điện hạt nhân nhà nước Ukraine Energoatom cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng chính phủ Kyiv cần giành lại quyền kiểm soát nhà máy trong mùa đông.
Ông cho biết cuộc pháo kích của Nga vào tuần trước đã làm hư hỏng ba đường dây kết nối nhà máy ở miền nam Ukraine với lưới điện Ukraine. Nga muốn kết nối cơ sở này với lưới điện của mình, ông Kotin nói.
Ông cho biết nguy cơ pháo kích có thể bắn trúng các thùng chứa chất phóng xạ là rất cao.
Cả Ukraine và Nga đều cho biết họ muốn các kỹ thuật viên từ cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đến thăm Zaporizhzhia.
Nga đẩy mạnh nỗ lực chiếm đóng miền đông Ukraine
Trong khi đó, Nga đã tung ra các lực lượng mặt đất, tiến hành các cuộc không kích và pháo binh để cố gắng hoàn thành việc chiếm đóng miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, Kyiv cho biết quân đội của họ đang kháng cự quyết liệt và phần lớn giữ vững phòng tuyến.
Các cuộc giao tranh ác liệt đã được báo cáo hôm thứ Ba tại các thị trấn tiền tuyến gần thành phố Donetsk phía đông.
Quân đội Ukraine cho biết họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công trên bộ theo hướng các thành phố Bakhmut và Avdiivka.
Tình báo quân sự Anh cho biết việc Nga tiến tới Bakhmut là hoạt động thành công nhất của họ ở Donbass trong 30 ngày qua, nhưng họ vẫn chỉ tiến được khoảng 10km.
Nga cho biết họ có kế hoạch giành toàn quyền kiểm soát Donbass thay mặt cho các lực lượng ly khai ủng hộ Điện Kremlin, trong khi các quan chức do Nga cài đặt ở các vùng phía nam Ukraine cho biết họ có kế hoạch tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga.
Tại Bán đảo Crimea, nơi bị Nga sáp nhập vào năm 2014, một vụ nổ tại căn cứ không quân quân sự Saky đã khiến một người thiệt mạng và 5 người bị thương, chính quyền Nga cho biết.
Bộ Quốc phòng Nga trước đó cho biết đây là một vụ nổ của đạn dược hàng không, không phải kết quả của một cuộc tấn công.
Lê Vy (theo Reuters)