PNO – Đó là một buổi tiệc cảm xúc với những ký ức về mẹ trong buổi giới thiệu sách “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật” của tác giả Đỗ Hồng Ngọc.
Những ký ức về mẹ luôn làm lòng người thổn thức. Dù người con có được lớn lên trong vòng tay mẹ hay không, dù mẹ vẫn còn ở nhân gian hay đã về chốn suối vàng, tiếng Mẹ không khỏi khiến ta rưng rưng khi nhắc về.
Bởi thế, vào mùa Vu lan này, buổi giới thiệu sách Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật của tác giả Đỗ Hồng Ngọc tại Hội quán Các Bà Mẹ (Q.1, TPHCM) bỗng trở thành cuộc hội ngộ cảm xúc của những người con. Người tóc bạc, kẻ đầu xanh cùng thả hồn theo tiếng đàn lời ca, cùng trò chuyện về nghề về đời, về sống vui sống khỏe, cùng tập thiền và thở.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhắc lại những kỷ niệm trong mái nhà xưa ở miền quê Phan Thiết (Bình Thuận). Cha ông mất trong rừng, do bị bệnh mà không được thuốc thang, nên ở tuổi 12 thời điểm đó, ông nguyện lớn lên sẽ làm nghề y.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đa tài cũng đã sớm bén duyên với nghiệp văn thơ. Hồn thơ thức dậy ngay khi ông đỡ đẻ, săn sóc em bé sơ sinh, kê thuốc cho bệnh nhi… tạo nên những vần thơ độc lạ riêng có ở nhà thơ áo blouse trắng.
Năm 2012, giỗ đầu của mẹ cũng vào mùa Vu lan, ông viết bài thơ Bông hồng cho mẹ: “Con cài bông hoa trắng/ Dành cho mẹ đóa hồng/ Mẹ nhớ gài lên ngực/ Ngoại chờ bên kia sông”.
Nỗi đau mất mẹ qua lời thơ của thi sĩ Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc trở nên nhẹ nhàng như áng mây, như cơn gió. Mẹ xa con để mà gần ngoại, tưởng chừng không có mất mát, không có chia ly chỉ có tình thương xuyên thế hệ, lưu chuyển ấm nồng trong cõi vô thường. Ông giải thích đơn giản về bút danh của mình: Đỗ là họ cha, Nghê là họ mẹ.
Chị Kim Anh (Q.Tân Phú, TPHCM) chia sẻ: “Lúc mẹ mới mất, tôi rất nhớ mẹ, cứ nặng lòng day dứt về chuyện mình đã vô tâm, về những việc chưa làm kịp cho mẹ. Nhưng giờ tôi đã hiểu mình cần làm nhiều việc tốt cho gia đình, giúp đỡ trẻ em nghèo được đi học như thuở sinh thời mẹ vẫn làm thì ở nơi xa, mẹ sẽ thỏa lòng. Và điều quan trọng nhất là phải biết yêu thương bản thân, sống thật khỏe mạnh, hạnh phúc. Mẹ cũng chỉ mong con gái cưng của mẹ được như thế”.
Vì công việc bận rộn nên anh Hoàng Quân (Q.7, TPHCM) ít về thăm cha mẹ ở quê, cũng ít gọi điện thoại trò chuyện, hỏi han, chỉ gọi khi thực sự cần thiết. Gửi tiền về cho cha mẹ, anh chỉ cần chuyển khoản cho đứa cháu. Một hôm anh gọi điện thoại, đứa cháu bắt máy. Đang lấy quần áo ở ngoài sân vì trời đổ mưa, mẹ hớt hơ hớt hải chạy vào và vấp té. Mẹ vội vã vì nghĩ chắc có chuyện gì anh mới gọi về và vì sợ con mình phải đợi lâu, con làm gì có dư thời gian.
Nhắc lại chuyện này, đôi mắt anh đỏ hoe. Anh bộc bạch: “Thời nay, câu nói cửa miệng là “bận rộn quá” đã thành quen. Thực ra ai mà chẳng có 24 giờ mỗi ngày, chỉ có điều là mình ưu tiên điều gì mà thôi. Và tại sao mẹ không nằm trong sự ưu tiên đó? Chính mẹ là người đưa mình đến thế giới này để mà tiếp cận những mối quan hệ, những cơ hội, những vui sướng, vinh quang, nói chung để mà… bận rộn”.
Một lần trò chuyện trong dịp ra mắt sách Những thằng già nhớ mẹ của Vũ Thế Thành, thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã cuộn trào cảm xúc và viết lên bài thơ Gởi người bạn trẻ: “Người bạn trẻ ơi! Đừng bao giờ như chúng tôi, những thằng già nhớ mẹ/ Hãy nhớ mẹ ngay phút giây này/ Dù mẹ ở kề bên hay xa xôi…”. Những “phút giây này”, những “kề bên”, “xa xôi” đưa chúng ta trở về với cội nguồn thân yêu và tình gia đình thiêng liêng.
Tô Diệu Hiền