Điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân nghi lấy từ Bộ GD

Hội An

Ảnh minh hoạ.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 10/8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đang điều tra vụ rao bán 30 triệu thông tin cá nhân người Việt được cho là có nguồn từ Bộ Giáo dục – Đào tạo.

Theo Thanh Niên, thông tin trên được bộ trưởng trả lời khi đại biểu Siu Hương (Gia Lai) nêu tình trạng vi phạm bảo vệ thông tin cá nhân đang rất đáng báo động.

Để hạn chế tình trạng này, ông Lâm cho biết, Bộ Công an triển khai một số giải pháp, trong đó đầu tiên là xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý, sắp tới sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

“Hiện chúng tôi đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu thông tin cá nhân được cho là từ Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, có một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như y tế cũng có nguy cơ bị lộ lọt, sẽ được tập trung để xử lý, ngăn ngừa”, ông Tô Lâm nói.

Trước đó, trên một diễn đàn tin tặc, hacker “meli0das” đã rao bán một cơ sở dữ liệu chứa khoảng 30 triệu bản ghi và tương ứng với mỗi bản ghi là dữ liệu của một người Việt Nam.

“Meli0das” cho biết dữ liệu được khai thác từ “một trang web phổ biến về giáo dục” ở Việt Nam vào tháng 7/2022. Mỗi bản ghi bao gồm tên người dùng, địa chỉ email, số điện thoại, họ tên, điểm số, trường học, quận (huyện), tỉnh (thành phố), ngày khởi tạo…

Giá bán cho tập dữ liệu này được hacker đề ra là 3.500 USD và thanh toán bằng token XMR.

Trả lời về việc “cấp hộ chiếu mới không có nơi sinh, một số quốc gia từ chối chấp nhận”, song Bộ trưởng cho rằng đây “là vấn đề kỹ thuật”.

Bộ trưởng cho hay, những hộ chiếu cũ còn thời hạn vẫn được sử dụng. Hộ chiếu cũ hết hạn sẽ được đổi mới. Sắp tới, Bộ Công an sẽ áp dụng hộ chiếu điện tử, hộ chiếu gắn chip, “không có hộ chiếu nào phải bỏ đi, gây lãng phí”.

Từ năm 2020 tới 2021: Mỗi ngày 294 ha rừng tự nhiên biến mất

Phá rừng lấy gỗ làm trụ trồng tiêu ngay trên chính diện tích rừng bị phá, tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, năm 2017. (Ảnh: daksong.daknong.gov.vn)

Chỉ sau một năm, từ 2020 đến 2021, diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam đã giảm 107.428 ha, bình quân mỗi ngày mất 294 ha. Diện tích rừng trồng tăng 175.414 ha. Tỷ lệ che phủ của rừng trên toàn quốc chỉ tăng 0,01%.

Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021.

Cụ thể, tính đến hết ngày 31/12/2021, diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14.745.201 ha; trong đó, rừng tự nhiên là 10.171.757 ha; rừng trồng là 4.573.444 ha.

Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc là 13.923.108 ha, tỷ lệ che phủ là 42,02%.

Con số tương ứng về hiện trạng rừng toàn quốc năm 2020 như sau: diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán 14.677.215 ha; trong đó, rừng tự nhiên 10.279.185 ha; rừng trồng 4.398.030ha.

Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc là 13.919.557 ha, tỷ lệ che phủ là 42,01%.

Theo đó, sau một năm, rừng tự nhiên giảm 107.428 ha; diện tích rừng trồng tăng 175.414 ha. Tỷ lệ che phủ của rừng trên toàn quốc chỉ tăng 0,01%.

Khu vực Tây Nam Bộ có diện tích rừng giảm mạnh nhất, 2.479 ha (giảm 552 ha rừng tự nhiên, giảm 1.927 ha rừng trồng). Diện tích rừng tăng cao nhất là khu vực Tây Bắc, tăng 26.075 ha (rừng tự nhiên tăng 10.177 ha; rừng trồng tăng 15.896 ha).

Tính theo phân loại rừng, rừng tự nhiên biến mất nhiều nhất tại khu vực Tây Nguyên, với diện tích 75.697 ha. Kế đến là khu vực Duyên Hải, giảm 4.266 ha; Bắc Trung Bộ giảm tới 3.998 ha.

Cần lưu ý, theo phân loại rừng của cơ quan quản lý, 10.171.757 ha rừng tự nhiên tính đến hết năm 2021 bao gồm 2.100.785 ha rừng đặc dụng, 4.069.390 rừng phòng hộ và 4.001.582 rừng sản xuất. Diện tích rừng sản xuất đang cao gần gấp 2 lần diện tích rừng đặc dụng và chiếm tới 39% trong tổng diện tích “rừng tự nhiên”.

Theo phân loại quản lý, rừng tự nhiên mất nhiều nhất là nhóm do Tổ chức KH&CN, ĐT, GD, làm mất 25.464 ha; kế đến là nhóm do Ban quản lý rừng đặc dụng, mất 22.354 ha.

Diện tích rừng tự nhiên tăng cao nhất trong nhóm của Tổ chức kinh tế, tăng 26.288 ha; tiếp đến là nhóm của Ban quản lý rừng phòng hộ, tăng 17.683 ha.

Rừng trồng cũng bao gồm ba loại rừng: rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Diện tích rừng trồng tăng cao nhất trong nhóm của UBND xã, tăng 320.401 ha; tiếp đến là Ban quản lý rừng phòng hộ, tăng 17.988 ha. Giảm mạnh nhất trong nhóm của Hộ gia đình, cá nhân trong nước, giảm tới 92.988 ha; tiếp đến là Tổ chức kinh tế, giảm 19.133 ha

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp sau khi công bố hiện trạng rừng thuộc về Tổng cục Lâm nghiệp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Vĩnh Long

Related posts