Reuters: Hàng không Nga phải tháo máy bay lấy phụ tùng do bị cấm vận

Các hãng Hàng không Nga phải đối mặt với nguy cơ an toàn bay từ việc thiếu phụ tùng thay thế và bảo trì do bị cấm vận. (Ảnh minh họa: Aappp/Shutterstock)

Không thể mua phụ tùng và mang máy bay bảo trì ở các nước phương Tây vì bị cấm vận, các hãng Hàng không Nga đang phải tháo dỡ một số chiếc máy bay để làm phụ tùng thay thế cho việc sửa chữa. Việc này được cho là biến những chiếc máy bay không sử dụng thành “cây thông Noel”, nguồn tin của Reuters cho biết.

Các Hãng hàng không Nga, bao gồm cả hãng Aeroflot do Nhà nước Nga kiểm soát đang phải tháo dỡ máy bay để sử dụng làm phụ tùng thay thế mà họ không thể mua hay đem máy bay đi bảo trì ở nước ngoài vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, theo bản tin của Reuters.

Việc trừng phạt này bắt nguồn từ việc Nga xâm lược Ukraine từ cuối tháng 2 năm nay. Vào tháng 6, Chính phủ Nga đã cho phép các hãng hàng không của Nga sử dụng cách thức trên để bảo đảm các máy bay có thể tiếp tục sử dụng ít nhất đến năm 2025.

Nguồn tin giấu tên của Reuters cho biết ít nhất một chiếc máy bay Airbus A350 và Sukhoi Superjet 100, cả hai đều do Aeroflot khai thác, hiện đang bị cấm sử dụng và đang được tháo rời.

Những chiếc Sukhoi Superjet do Nga lắp ráp cũng phụ thuộc nhiều vào các bộ phận của nước ngoài. Một động cơ đã được loại bỏ khỏi một superjet để cho phép một superjet khác tiếp tục bay.

Bên cạnh đó, một vài chiếc Boeing 737 và Airbus A320 của Aeroflot cũng bị lấy đi phụ tùng để duy trì một số máy bay còn lại có thể tiếp tục sử dụng.

Hầu hết các đội máy bay của Nga bao gồm các máy bay phản lực chở khách phương Tây. Việc “xẻ thịt” máy bay này để lắp vào chiếc máy bay khác ở Nga “chỉ là vấn đề thời gian”, một nguồn tin trong ngành hàng không phương Tây cho biết.

Các thế hệ máy bay phản lực mới hơn như Airbus A320neo, A350; Boeing 737 MAX và 787 có công nghệ phải được cập nhật liên tục.

Trong vòng một năm kể từ khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực, đây sẽ là một “thách thức” để giữ cho các máy bay phản lực hiện đại hoạt động ngay cả đối với cơ sở kỹ thuật có năng lực và phát triển cao của Nga.

Gần 80% đội bay của Aeroflot bao gồm các máy bay Boeing và Airbus. Theo đó, có 134 máy bay Boeing và 146 máy bay Airbus, cùng với gần 80 máy bay Sukhoi Superjet-100 do Nga sản xuất tính đến cuối năm ngoái, dựa trên dữ liệu mới nhất có sẵn.

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu từ Flightradar24, khoảng 50 máy bay của Aeroflot – tương đương 15% đội bay của hãng, bao gồm cả máy bay phản lực bị mắc kẹt do lệnh trừng phạt, đã không cất cánh kể từ cuối tháng 7.

Ba trong số bảy chiếc Airbus A350 do Aeroflot khai thác, bao gồm một chiếc hiện đang được sử dụng cho các bộ phận, đã không cất cánh trong khoảng ba tháng, dữ liệu của Flightradar24 cho thấy.

Việc tìm kiếm các nguồn cung từ các quốc gia chưa thực hiện cấm vận không giúp ích gì cho Nga, vì các công ty từ châu Á và Trung Đông lo ngại nguy cơ bị chính phủ phương Tây trừng phạt thứ cấp đối với họ.

“Mỗi bộ phận đều có số (duy nhất) riêng và nếu các tài liệu sẽ có một hãng hàng không Nga là người mua cuối cùng, thì sẽ không ai đồng ý cung cấp, cả Trung Quốc và Dubai”, nguồn tin của Reuters nói thêm rằng tất cả các bộ phận phải được Boeing và Airbus biết trước khi chúng được cung cấp cho người dùng cuối.

Oleg Panteleev, người đứng đầu tổ chức tư vấn hàng không Aviaport cho biết thách thức chính của các hãng hàng không Nga sẽ là giữ cho động cơ và thiết bị điện tử tinh vi hoạt động tốt. Vì chúng rất khó sửa chữa.

Việc thực hành loại bỏ các bộ phận để giữ cho một chiếc máy bay khác bay thường được gọi là biến những chiếc máy bay không sử dụng thành “cây thông Noel”. Mặc dù tương đối hiếm, nhưng nó thường liên quan đến những khó khăn tài chính và chưa bao giờ xảy ra trên cùng quy mô ở Nga để giải quyết tác động của các lệnh trừng phạt.

Bộ Giao thông vận tải Nga và hãng Aeroflot đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Kiến Minh, theo Reuters

Lầu Năm Góc dự đoán số thương vong của Nga ở Ukraine là khoảng 70,000 – 80,000

Theo một quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ, khoảng 70.000 đến 80.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào cuối tháng Hai.

Dự đoán mới này đã được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về Chính sách Colin Kahl cung cấp cho các phóng viên trong cuộc họp giao ban chiều thứ Hai.

Ông giải thích: “Khoảng 70.000 – 80.000 thương vong trong vòng chưa đầy sáu tháng là một dự đoán an toàn… Con số đó có thể thấp hơn một chút, cao hơn một chút, nhưng đại thể là như vậy.”

Ông Kahl cho biết rất khó dự đoán chính xác Nga có thể duy trì các nỗ lực chiến tranh trong bao lâu khi có tỷ lệ thương vong như hiện nay.

“Đó là một câu hỏi thú vị và không phải là câu hỏi mà tôi có thể trả lời với mức độ chắc chắn cao. Rõ ràng, Nga là một quốc gia rất rộng lớn. Bây giờ, bạn biết đấy, phần lớn điều đó sẽ phụ thuộc vào các quyết định chính trị mà Vladimir Putin sẽ đưa ra.”

“[Putin] đã cố gắng mô tả cuộc xâm lược tổng lực này như một hoạt động quân sự đặc biệt và cho đến nay vẫn do dự trong việc huy động toàn bộ đất nước của mình tham gia vào nỗ lực này”, ông Kahl tiếp tục. “Vì vậy, tôi không biết và rất nhiều thứ cuối cùng sẽ phụ thuộc vào quyết định mà họ sẽ đưa ra.”

Ngay trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố khoản viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine. Khoản viện trợ này sẽ đến từ kho dự trữ quân sự của chính Hoa Kỳ và đây là gói thứ 18 như vậy mà Hoa Kỳ đã cung cấp kể từ khi Nga xâm lược vào tháng Hai. Tổng viện trợ quân sự của Hoa Kỳ đã lên tới hơn 9 tỷ đô la.

Ngân Hà (theo Washington Examiner)

Related posts