Đã đến lúc gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc theo đúng bản chất của họ: Chính quyền lưu manh

Xuân Hoa

Sĩ quan cảnh sát đứng gác trước phiên bế mạc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/03/2022. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình – người thường xuyên khẳng định Trung Quốc dẫn đầu thế giới về cái này cái kia, cũng như liên tục đề cao vị thế thống trị của Trung Quốc trong mọi lĩnh vực, có vẻ như tính hiếu chiến, hung hăng, mạnh miệng, lưu manh của Đảng Cộng sản Trung Quốc lớn lên từng ngày.

Với màn hăm dọa dành cho Đài Loan để đáp lại chuyến thăm Đài Bắc ngắn ngủi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào ngày 02/08, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã một lần nữa gỡ bỏ mặt nạ của họ cho cả thế giới chiêm ngưỡng.

50 năm vỗ về và hợp tác kinh tế với ĐCSTQ đã khiến Mỹ, các phương tiện truyền thông khắp thế giới và nhiều chính trị gia “thân ĐCSTQ” hạ thấp tác hại hay bào chữa cho các cuộc khủng hoảng khác nhau mà ĐCSTQ thúc đẩy. Đến bao giờ cả thế giới mới biết rằng những lời hứa của Bắc Kinh là vô giá trị và những lợi ích có thể đạt được khi thế giới xoa dịu ĐCSTQ là phù du và nguy hiểm?

Một ví dụ từ giai đoạn ĐCSTQ tiếp quản Hong Kong — chỉ 2 năm trước! Tờ The New York Times có bài viết:Hong Kong is China, Like it or Not (Dù muốn hay không thì Hong Kong là của Trung Quốc). Phương tiện truyền thông này không hề bận tâm đến việc Bắc Kinh đã vi phạm các cam kết trong hiệp ước mà họ đã ký kết bằng cách đơn phương chấm dứt quy chế pháp lý riêng biệt của Hong Kong và khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”, đồng thời áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc lên thuộc địa cũ của Anh. Có thể thấy, lời hứa của ĐCSTQ là vô giá trị.

Sau đó, Associated Press vào năm 2021 đã đăng một bài viết về mối quan hệ Trung Quốc – Tây Tạng: “China Offers Glimpse of Tibetan Life without the Dalai Lama” (Trung Quốc mang đến trải nghiệm về cuộc sống Tây Tạng khi không có Đạt Lai Lạt Ma). Bản thân tiêu đề bài viết đã là sự xúc phạm đối với nhiều người Tây Tạng – những người luôn bám sát và cố gắng sống theo lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma bị lưu đày.

Bài báo của Associated Press ca ngợi chiến dịch tuyên truyền rộng khắp của ĐCSTQ ở Lhasa (thủ phủ của Tây Tạng). Chiến dịch đó nói rằng: “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa mới mang màu sắc Trung Quốc của ông Tập Cận Bình là kim chỉ nam cho toàn đảng và cho mọi dân tộc trong công cuộc đấu tranh vì sự hồi sinh vĩ đại của Trung Quốc”. Bài báo của Associated Press về cơ bản đã chuyển tải đường lối của ĐCSTQ rằng Tây Tạng đã được “đồng hóa” một cách hiệu quả vì lợi ích của tất cả người dân Tây Tạng.

Bài báo đó đã không hề bận tâm đến việc Tây Tạng là một quốc gia riêng biệt trong hơn 2.000 năm trước cho đến khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xâm lược và chiếm đóng miền đông Tây Tạng vào năm 1951, buộc người Tây Tạng phải ký “Thỏa thuận về các biện pháp giải phóng hòa bình cho Tây Tạng”. Associated Press cũng không để tâm đến việc trong nhiều thập kỷ, ĐCSTQ giam cầm, đánh đập, tra tấn, và cải tạo người Tây Tạng – những người từ chối trở thành một phần của nhà nước Trung Quốc vô thần. Bài báo đã tìm cách chuyển tải thông điệp rằng cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với người Tây Tạng là một “điều tốt”

. Các đệ tử Phật giáo Tây Tạng thuộc Hiệp hội Phụ nữ Tây Tạng cầm áp phích trong một cuộc tuần hành ôn hòa vào ngày 29/04/2019. Người Tây Tạng sống lưu vong ở các khu vực đông bắc Ấn Độ, như Sikkim, Darjeeling và Kalimpong, đã tổ chức một cuộc tuần hành hòa bình nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 30 của Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 — người đã bị chính quyền Trung Quốc giam giữ vào năm 1995 khi chỉ 6 tuổi, vào thời điểm 3 ngày sau khi được Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên xưng danh hiệu. (Ảnh: Dipendu Dutta / AFP qua Getty Images)

Người Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công, các tôn giáo và dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc đã có vô số trải nghiệm khủng khiếp dưới bàn tay của ĐCSTQ. Ngược lại, những người “thân ĐCSTQ” từ các giới chính trị, các tập đoàn đa quốc gia, học viện, truyền thông, và những người khác đã trở nên giàu có nhờ hối lộ và tham nhũng thông qua ĐCSTQ.

Có quốc gia văn minh nào khác đối xử với các dân tộc thiểu số bản địa của mình khắc nghiệt như ĐCSTQ?

Có chính phủ dân chủ tự tuyên bố nào khác ngược đãi công dân của mình bằng hình thức giam cầm, tra tấn và lao động dài hạn trong các trại cải tạo?

Có quốc gia nào khác vi phạm nhân quyền khủng khiếp như thế lại được đối xử một cách tôn trọng và nể phục ngoài Trung Quốc cộng sản?

Làm thế nào mà những người “thân ĐCSTQ” có thể duy trì cái nhìn lệch lạc như vậy? Cần điều gì để thừa nhận rằng việc xoa dịu, vỗ về Trung Quốc là một thất bại thảm hại?

Học viên Pháp Luân Công mô phỏng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc giết người mổ cướp tạng để phục vụ ngành ghép tạng, trong một cuộc biểu tình ôn hòa ở Washington D.C. vào ngày 19/04/2006. (Ảnh: JIM WATSON / AFP qua Getty Images)

Xoa dịu dư luận về màn hăm dọa của PLA

Những nhân vật “thân ĐCSTQ” và ủng hộ mối quan hệ “hợp tác, cạnh tranh và gắn kết” Mỹ – Trung đã nỗ lực làm việc xung quanh chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Hãy điểm qua các thông điệp ‘mềm mại’ về Trung Quốc trong vài tờ báo nổi tiếng của Mỹ:

Bloomberg đưa tin vào ngày 03/08 rằng những người ủng hộ Trung Quốc trong chính quyền Biden đang “vận động các Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ hãm phanh một dự luật. Dự luật này có thể thay đổi chính sách của Mỹ đối với Đài Loan, bao gồm cả việc chỉ định nước này là một đồng minh chính ngoài NATO”.

Ngoài ra, ngay khi cần thể hiện sức mạnh và khả năng răn đe để đối phó với tính hiếu chiến của quân đội Trung Quốc, chính quyền Biden vào ngày 04/08 đã quyết định hoãn một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman-III vốn được lên lịch từ lâu, có vẻ như là để “giảm bớt căng thẳng với ĐCSTQ”. 

Một bài viết khác đăng ngày 05/08 trên Bloomberg cho rằng “Bắc Kinh sẽ tiếp tục leo thang các phản ứng [về chuyến thăm của bà Pelosi]”. Có quốc gia văn minh nào lại đáp lại chuyến thăm chưa đầy một ngày của một vị chính khách lâu năm bằng các cuộc tập trận phối hợp trên quy mô lớn như Trung Quốc đã làm?

Reuters vào ngày 07/08 nói rằng “các tàu chiến của Trung Quốc và Đài Loan đã chơi trò mèo vờn chuột trên biển”. Đó là cách mà Reuters mô tả màn đe dọa chưa từng có của Hải quân PLA/PLA đối với Đài Loan.

Và ban biên tập của The New York Times vào ngày 06/08 đã xuất bản một bài viết có tiêu đề: “The U.S. Relationship With China Does Not Need to Be So Tense” (Mối quan hệ Mỹ – Trung không cần phải căng thẳng như vậy). Mối quan hệ này “căng thẳng” là bởi vì ĐCSTQ đã khiến nó trở nên như vậy. Bây giờ không phải là lúc nước Mỹ thể hiện sự yếu đuối khi đối mặt với tính hiếu chiến của PLA. Vậy mà, bài xã luận lại lập luận rằng nước Mỹ cần quay trở lại chính sách “hợp tác, cạnh tranh và gắn kết” với Trung Quốc, trong khi chính sách này đã được chứng minh là thất bại bởi nó dẫn đến việc Trung Quốc có thể xây dựng PLA như ngày này, khiến cho màn hăm dọa Đài Loan xảy ra!

Một tên lửa được phóng bởi lực lượng tên lửa của Bộ chỉ huy Chiến khu Đông bộ thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nhắm vào các khu vực hàng hải được chỉ định ở phía đông Đài Loan, ngày 04/08/2022. (Ảnh: Tân Hoa xã/Getty Images)

Chính quyền lưu manh

10 năm cầm quyền của ông Tập Cận Bình được đánh dấu bằng việc ĐCSTQ gia tăng tính hiếu chiến và hung hăng trong các tương tác ngoại giao, quân sự và kinh tế với phần còn lại của thế giới. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của ông Tập tạo ra bẫy nợ cho các nước đang phát triển – những nước đồng ý tiếp nhận quà tặng/khoản vay của ĐCSTQ. PLA thường xuyên đe dọa các nước láng giềng, bao gồm Nhật Bản, Philippines, Úc, Việt Nam và Hàn Quốc. Cùng với đó, các “chiến binh sói” trong đoàn ngoại giao của Bắc Kinh không ngớt buông lời đe dọa đối với các quốc gia mục tiêu, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Úc và Vương quốc Anh.

ĐCSTQ đã phát triển một sách lược về chiến tranh hỗn hợp để đạt được các mục tiêu thống trị khu vực và toàn cầu do ông Tập đề ra. Các khía cạnh khác nhau của sách lược đang được thực hiện để chống lại Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Philippines và tất nhiên, Đài Loan.

Sách lược đó bao gồm các hành động sau: đặt mục tiêu và tuyên truyền mục tiêu đó qua các phương tiện truyền thông do nhà nước điều hành; phá hoại các công ước và chuẩn mực quốc tế; phá hoại hoặc lợi dụng các thể chế quốc tế để điều chỉnh chúng sao cho trở nên phù hợp với các chính sách của ĐCSTQ; sử dụng chiến tranh tâm lý và chiến tranh thông tin để đạt được mọi mục tiêu; lờ đi các hiệp ước và cam kết trong quá khứ; khai thác luật an ninh quốc gia mới của đảng; đe dọa các bên khác (thông qua ngoại giao đoàn, lực lượng tuần duyên, hải quân và không quân Trung Quốc, v.v.); lợi dụng những người “thân ĐCSTQ” để tạo ra môi trường đồng thuận; kịch liệt chỉ trích mọi nỗ lực nhằm đánh bại và ngăn chặn các chính sách của ĐCSTQ.

Có quốc gia văn minh nào khác lại đe dọa các nước láng giềng và các nước khác như dưới đây?

Tháng 05/2021, Thời báo Hoàn cầu do nhà nước Trung Quốc điều hành đã đe dọa thực hiện “nhiều cuộc tấn công tầm xa vào các cơ sở quân sự và các cơ sở quan trọng có liên quan trên đất Úc” nếu nước này hỗ trợ Đài Loan trong cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai.

Tháng 07/2021, Trung tâm Chính sách An ninh của Mỹ cho biết “Trung Quốc đe dọa sẽ ‘liên tục tấn công Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân’ nếu Nhật Bản hỗ trợ Mỹ bảo vệ Đài Loan khỏi sự xâm lược của Trung Quốc”.

Không bị quốc tế trừng phạt, Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa các đảo ở biển Hoa Đông và biển Đông mà các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền.

Bắc Kinh thường xuyên đe dọa tấn công tại các khu vực tranh chấp dọc theo biên giới Ấn Độ – Trung Quốckhu vực Kashmir.

Theo The Australian, cựu Tổng biên tập Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) của Thời báo Hoàn cầu đã thúc giục PLA “bắn hạ máy bay của bà Pelosi”. Ông Hồ là người thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc cộng sản Trung Quốc trong nhiều năm trên Thời báo Hoàn cầu và cũng là người phát ngôn đáng tin cậy của chính quyền Bắc Kinh; do vậy không nghi ngờ gì khi ông ấy thể hiện ra bản chất của người cộng sản.

Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu Tổng biên tập của Thời báo Toàn cầu nói về chiến tranh Trung Quốc – Đài Loan, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25/09/2020 (Ảnh chụp màn hình / kênh YouTube của ông Hồ Tích Tiến)

Một ngày trước khi bà Pelosi đến thăm Đài Loan, Thời báo Hoàn cầu đã la lối om sòm rằng chuyến thăm của bà ấy “sẽ không được tha thứ”. Đây hẳn không phải là hành động của một hãng truyền thông do nhà nước điều hành ở một quốc gia văn minh.

Vào ngày bà Pelosi đặt chân đến Đài Loan, Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh PLA “sẽ không ngồi yên”. Đó là lời đe dọa quân sự trực tiếp chống lại Mỹ và các quốc gia khác cam kết bảo vệ Đài Loan.

Theo Taiwan News, “Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye (盧沙 野) hôm thứ 4 (03/08) khẳng định Bắc Kinh sẽ thực thi các biện pháp giáo dục lại [người Đài Loan] sau khi sáp nhập Đài Loan”. ĐCSTQ rõ ràng có kế hoạch giữ cho các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng của họ tiếp tục vận hành với “nhiệm vụ khác”.

Tờ Wall Street Journal đưa tin “Máy bay và tàu Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan”, vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan để tiến hành các cuộc tấn công giả định vào Đài Loan.

Đây có phải là hành động của một đất nước văn minh?

Ngày 06/08, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (cũng là một “chiến binh sói”) Vương Nghị đã cảnh báo Mỹ “không nên hành động hấp tấp để tránh tạo ra cuộc khủng hoảng lớn hơn”.

Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc báo, ngày 24/05/2022. (Ảnh: Deng Hua/Tân Hoa Xã/Getty Images)

Kết luận

Điều gì xác định một quốc gia có phải là chính quyền lưu manh? Định nghĩa lâu đời về một quốc gia lưu manh là “một đất nước không tôn trọng các nước khác trong các hành động mang tính quốc tế của họ”. Định nghĩa đó có thể được bổ sung như sau:

– Không muốn tuân theo luật pháp quốc tế.

– Hành động trái với hành vi được quốc tế chấp nhận.

– Thực hiện các mối đe dọa quân sự chống lại các quốc gia láng giềng và các quốc gia khác.

– Thực thi diệt chủng đối với các nhóm thiểu số trên chính đất nước của mình.

– Đe dọa tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân vào một quốc gia có chủ quyền khác.

Chỉ có chính quyền lưu manh không chịu tuân theo đồng thuận quốc tế và pháp quyền mới tạo ra những mối đe dọa như những gì mà ĐCSTQ đã làm. Nói tóm lại, một quốc gia lưu manh như Trung Quốc nên được trả về tình trạng trước năm 1972 (trước chuyến thăm Trung Quốc của cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon): tình trạng bị ruồng bỏ (pariah).

Càng sớm càng tốt, những kẻ “thân ĐCSTQ” – những người ủng hộ đối thoại, hợp tác, cạnh tranh và gắn kết với ĐCSTQ kể từ năm 1972 – cần thừa nhận sai lầm về đường lối của họ.

Xuân Hoa

Theo Stu Cvrk – The Epoch Times

Related posts