Vy An
Theo tài liệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nước này đã rút lại cam kết sẽ không gửi quân đội hoặc những người lãnh đạo cộng sản đến Đài Loan nếu giành được quyền kiểm soát hòn đảo.
Động thái này dường như báo hiệu quyết định của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình rằng sẽ trao cho Đài Loan ít quyền tự chủ hơn so với những gì đã hứa trước đó, nếu chế độ này thành công trong việc buộc Đài Loan thống nhất với Đại lục.
Tài liệu gần đây, được xuất bản trên kênh truyền thông nhà nước China Daily, cũng tương tự với hai tài liệu khác, được xuất bản vào năm 1993 và 2000. Tuy nhiên, trong phiên bản mới nhất, ĐCSTQ đã xóa bỏ cam kết sẽ “không gửi quân đội hoặc quan chức chính quyền đến đặt trụ sở tại Đài Loan”.
“Chúng tôi sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực và chúng tôi bảo lưu tùy chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết,” tài liệu cho biết.
“Chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng đáp trả bằng việc sử dụng vũ lực hoặc các phương tiện cần thiết khác đối với sự can thiệp của các thế lực bên ngoài hoặc hành động cực đoan của các phần tử ly khai.”
Việc tiếp tục nhắm mục tiêu vào “những người ly khai cực đoan” và đảm bảo “không cho phép các hoạt động ly khai dưới mọi hình thức” đối với Đài Loan là đáng chú ý, vì tuyên truyền của ĐCSTQ mô tả Tổng thống Đài Loan là một người ly khai cực đoan.
ĐCSTQ tuyên bố Đài Loan là một tỉnh ngoan cố và cần phải thống nhất với Đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết. Tuy nhiên, quốc đảo dân chủ Đài Loan đã tự quản từ năm 1949 và chưa bao giờ bị kiểm soát bởi ĐCSTQ.
Các nhà chức trách ĐCSTQ thường đề xuất, Đài Loan sẽ bị buộc phải sáp nhập thông qua mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, tương tự như hình thức mà Hồng Kông dưới quyền thống trị của Trung Quốc vào năm 1997. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã xóa bỏ mô hình đó một cách hiệu quả vào năm 2020, khi chế độ này cưỡng chế thông qua Luật An ninh Quốc gia vi phạm hiến pháp của Hồng Kông.
Do đó, mọi đảng chính trị chính thống của Đài Loan đều từ chối đề xuất “một quốc gia, hai chế độ”, vốn hầu như không nhận được sự ủng hộ của công chúng ở Đài Loan.
Một dòng trong phiên bản năm 2000 của tài liệu viết rằng “bất cứ điều gì đều có thể được thương lượng” nếu Đài Loan không đòi độc lập, tuy nhiên dòng này cũng bị xóa trong phiên bản mới nhất.
Tài liệu được công bố chỉ một tuần sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi có chuyến thăm Đài Loan. ĐCSTQ đã sử dụng chuyến thăm đó để biện minh cho các cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay xung quanh Đài Loan, cuộc tập trận đã phong tỏa hòn đảo khiến một số tàu quốc tếkhông tiến vào được và tên lửa Trung Quốc cũng đã bắn vào vùng biển của Nhật Bản.
Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan đã lên án tài liệu, cho rằng nó “đầy dối trá” và Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền.
Hội đồng tuyên bố: “Chỉ 23 triệu người Đài Loan mới có quyền quyết định về tương lai của Đài Loan. Họ sẽ không bao giờ chấp nhận kết quả do một chế độ chuyên quyền đặt ra.”
Vy An (Theo Epoch Times)