Huyền Anh
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã đảm bảo với Bộ trưởng Thái Bình Dương của Úc Pat Conroy rằng, nỗ lực của ông trong việc trì hoãn cuộc bầu cử tiếp theo của đất nước sẽ là “một lần duy nhất”.
Động thái này diễn ra sau khi các chuyên gia cảnh báo rằng ông Sogavare – người đã vun đắp mối quan hệ sâu sắc với Bắc Kinh – có thể được ĐCSTQ khuyến khích thắt chặt quyền kiểm soát đối với quốc gia Thái Bình Dương. Đây cũng là mục tiêu chính của Bắc Kinh trong khu vực.
Ông Conroy nói với đài ABC rằng chính phủ Thủ tướng Albanese hoan nghênh “sự đảm bảo từ thủ tướng Sogavare”. Đồng thời ông cho biết, nếu điều này được thông qua sẽ “đánh dấu một lần hoãn bầu cử duy nhất” và lịch trình bầu cử sẽ trở lại chu kỳ bốn năm như thông lệ.
Ông nói vào ngày 10/8: “Chúng tôi tin rằng việc tiến hành các chu kỳ bầu cử thường xuyên là khía cạnh quan trọng của các chuẩn mực và giá trị dân chủ mà chúng tôi chia sẻ trên toàn khu vực”.
Ông khẳng định: “Chúng tôi tôn trọng quy trình nội bộ của các nước láng giềng”.
Ngày 08/08, chính quyền ông Sogavare đã đệ trình Dự luật Hiến pháp (sửa đổi) 2022 lên quốc hội với mục đích trì hoãn cuộc bầu cử của quốc gia cho đến ngày 31/12/2023, tức là muộn hơn 6 tháng. Theo luật, quốc hội Solomon sẽ bị giải tán vào tháng 05/2023. Một cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng 4 tháng sau khi quốc hội giải tán.
Thủ tướng cho biết quyết định trì hoãn cuộc bầu cử là do thiếu nguồn lực để điều hành cuộc bầu cử và đồng thời tổ chức Thế vận hội Thái Bình Dương sắp tới vào tháng 11/2023. Chính phủ Úc đã đóng góp 100 triệu SBD (tương đương 12,13 triệu USD) cho Solomon để đăng cai Thế vận hội. Các quan chức ước tính sự kiện này sẽ thu hút khoảng 5.000 du khách đến thủ đô Honiara của Solomon.
Đáp lại động thái của ông Sogavare, thủ lĩnh phe đối lập Matthew Wale nói: “Vậy là nó đang xảy ra”.
“Thủ tướng Sogavare đã đệ trình Dự luật sửa đổi Hiến pháp để hoãn giải tán quốc hội thứ 11. Tôi khuyến nghị người dân sử dụng quy trình của Ủy ban Dự luật để đưa ra quan điểm của họ”, ông Wale viết trên Twitter ngày 09/08.
Nền dân chủ đang bị tấn công
Động thái thay đổi Hiến pháp diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Sogavare buộc đài phát thanh quốc gia, Solomon Islands Broadcasting Corporation, tự kiểm duyệt nội dung chỉ trích chính phủ của ông.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thái Bình Dương Conroy cho biết, ông sẽ không bị ‘ảnh hưởng’ về việc này.
“Úc đang xây dựng các tiền đồn ở cả biên giới phía tây và phía đông để hỗ trợ các hoạt động của tàu tuần tra và cảnh sát của Solomon. Chúng tôi đang hỗ trợ các hoạt động khác để nâng cao năng lực đào tạo trong Lực lượng Cảnh sát Quần đảo Hoàng gia Solomon”.
Vào tháng 3, Thủ tướng Sogavare đã ký một hiệp ước gây tranh cãi với Bắc Kinh, qua đó mở đường cho ĐCSTQ đóng quân, trữ vũ khí và tàu hải quân trong khu vực — chỉ cách thành phố Cairns phía bắc Úc 1.700 km.
Ảnh hưởng của Bắc Kinh tiếp tục gia tăng
Sự xói mòn thể chế dân chủ của Quần đảo Solomon diễn ra khi Thủ tướng Sogavare thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh và tiến tới củng cố quyền lực của mình. Với tình hình hiện nay, ông đang đối mặt với khả năng thất bại trong cuộc đua bầu cử sắp tới.
Đây cũng là một phần của xu hướng rộng lớn hơn trong khu vực, nơi các chính phủ Thái Bình Dương ủng hộ Bắc Kinh đã dần dần làm suy yếu chính nền dân chủ của mình. Tại Vanuatu, Thủ tướng Bob Loughman cố gắng thay đổi Hiến pháp để mở rộng giới hạn nhiệm kỳ của quốc hội và cho phép công dân nước ngoài nắm giữ các chức vụ trong chính phủ. Có một số lượng lớn công dân Trung Quốc đang ở Vanuatu. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu đã thất bại.
Trong khi đó, Vương quốc Tonga đang vật lộn với vấn đề tham nhũng khi ba nghị sĩ bị loại khỏi Quốc hội vì hối lộ cử tri.
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã nói rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang nhắm đến mục tiêu “thống trị toàn cầu”.
Ông nói với Hội nghị thượng đỉnh về dầu thô Argus Americas 2022 vào cuối tháng 1/2022: “Trung Quốc đang củng cố quyền lực chính trị và ảnh hưởng trên toàn thế giới”.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times