Cựu Tổng thống Sri Lanka xin nhập cảnh Thái Lan “ở tạm một thời gian”

Cựu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa

Sau gần 1 tháng chạy trốn đến Singapore dưới áp lực biểu tình của người dân, cựu Tổng thống (TT) Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã yêu cầu nhập cảnh vào Thái Lan để “ở tạm một thời gian”. Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết chưa xác định thời điểm ông Gotabaya sẽ “ghé thăm”, theo Nikkei Asia.

Khủng hoảng nền kinh tế Sri Lanka dưới sự điều hành yếu kém của chính quyền Gotabaya Rajapaksa trong hơn 7 thập kỷ đã khiến quốc đảo này lâm vào tình trạng thiếu thốn lương thực, năng lượng và vật tư y tế.

Hôm 14/7, ông Gotabaya đã chạy trốn đến Singapore dưới áp lực của các cuộc biểu tình, nổi giận của người dân Sri Lanka xông vào dinh thự và văn phòng tổng thống.

Sau gần 1 tháng ở Singapore, ông Gotabaya được cho là đang yêu cầu được nhập cảnh vào Thái Lan để ở tạm một thời gian, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết hôm thứ Tư (10/8).

Dự kiến cựu TT Sri Lanka sẽ đến thủ đô Bangkok của Thái Lan vào thứ Năm (ngày 11/8), hai nguồn tin yêu cầu giấu tên cho biết, Bộ Ngoại giao Sri Lanka đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Tanee Sangrat – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan, cho biết Gotabaya có hộ chiếu ngoại giao cho phép ông nhập cảnh vào nước này trong 90 ngày. Ông Tanee không cho biết khi nào Gotabaya có ý định đến Bangkok.

“Việc cựu TT Sri Lanka nhập cảnh vào Thái Lan là để ở lại tạm thời”, ông Tanee nói.

“Phía Sri Lanka thông báo với chúng tôi rằng cựu TT không có ý định tị nạn chính trị ở Thái Lan và sẽ đến một quốc gia khác sau đó”.

Ông Gotabaya đã không xuất hiện công khai hay đưa ra bất kỳ bình luận nào kể từ khi rời Sri Lanka và Reuters không thể liên lạc ngay với ông.

Chính phủ Singapore cho biết trong tháng này rằng không dành cho ông Gotabaya bất kỳ đặc quyền hay miễn trừ nào.

Là thành viên của gia đình Rajapaksa có ảnh hưởng, người đàn ông 73 tuổi này từng phục vụ trong quân đội Sri Lanka và sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng.

Trong thời gian làm Bộ trưởng Quốc phòng, các lực lượng chính phủ cuối cùng đã đánh bại phiến quân Hổ Tamil vào năm 2009 để chấm dứt một cuộc nội chiến đẫm máu.

Một số nhóm nhân quyền hiện muốn các cáo buộc rằng Gotabaya Rajapaksa phạm tội ác chiến tranh cần được điều tra. Gotabaya trước đó đã vất vả phủ nhận các cáo buộc.

Anh trai của ông Gotabaya là Mahinda Rajapaksa, cũng là một cựu tổng thống và thủ tướng. Còn em trai của họ, Basil Rajapaksa – từng là Bộ trưởng Tài chính cho đến đầu năm nay.

Người kế nhiệm Gotabaya – TT Ranil Wickremesinghe đã gợi ý rằng cựu tổng thống nên hạn chế quay trở lại Sri Lanka trong tương lai gần.

Tôi không tin rằng đã đến lúc ông ấy trở lại”, ông Wickremesinghe nói với Wall Street Journal trong một cuộc phỏng vấn vào hôm 31/7. “Tôi cũng không có dấu hiệu nào cho thấy ông ấy sẽ sớm trở lại”.

Nếu Gotabaya trở lại Sri Lanka, ông ta có thể không được bảo vệ theo luật pháp nếu có bất kỳ cáo buộc nào được đệ trình chống lại ông, các chuyên gia pháp lý cho biết.

Thêm 2 quốc gia có thể nối gót Sri Lanka rơi vào tình trạng vỡ nợ nền kinh tế

Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) đã cảnh báo rằng nguy cơ vỡ nợ có chủ quyền ở các thị trường biên giới ở châu Á đang gia tăng do nguy cơ lạm phát tăng nhanh và chi phí đi vay tăng. Giờ đây, Lào và Mông Cổ có thể sẽ tiếp bước Sri Lanka trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2026, và Myanmar là một quốc gia tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngoài Sri Lanka, các nước châu Á đang phát triển khác dường như cũng đang đi theo con đường tương tự, bao gồm Lào, Pakistan, Maldives và Bangladesh. Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) đã công bố một báo cáo vào ngày 21/7, trong đó chỉ ra rằng Lào và Mông Cổ có khả năng vỡ nợ trong khoảng thời gian từ năm nay đến năm 2026, và Myanmar cũng là một quốc gia khác tiềm ẩn rủi ro cần được chú ý.

EIU cho rằng việc giảm dự trữ ở các nền kinh tế biên giới này do chi phí nhập khẩu tăng cao, cùng với sự gia tăng chi phí đi vay toàn cầu do lãi suất tăng mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đã làm tăng nguy cơ vỡ nợ; đồng thời lạm phát và tiền tệ mất giá cũng có thể khiến Mông Cổ phải phụ thuộc vào dòng nợ mới để có thể trả lãi.

Đối với Myanmar, mặc dù EIU dự đoán rằng tình hình ở Myanmar tương đối ổn định, nhưng xung đột nội địa của nước này có thể leo thang mà không có cảnh báo trước, và nó cũng sẽ gây ảnh hưởng cho khả năng thanh toán của quốc gia.

Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra một báo cáo trong tuần này, chỉ ra rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Myanmar còn yếu, hơn nữa lạm phát tăng cao, thiếu đô la Mỹ và xung đột trong nước, đều là những thách thức mà Myanmar phải đối mặt trong quá trình phục hồi sau đại dịch.

Tú Minh

Related posts