Nội dung lệnh bố ráp Mar-a-Lago được công khai, tiết lộ tại sao FBI điều tra ông Trump
Thẩm phán Bruce Reinhart vào chiều thứ Sáu (12/8, giờ Mỹ) đã cho phép gỡ niêm phong lệnh lục soát dinh thự của ông Trump hồi đầu tuần này. Lệnh dày 7 trang cho thấy ông Trump đang bị điều tra ở cấp độ liên bang vì cản trở tư pháp và các vi phạm bị cáo buộc khác.
Theo lệnh lục soát, ông Trump đang bị điều tra về các cáo buộc theo 18 USC 2071 như che giấu, loại bỏ hoặc cắt xén tài liệu; theo 18 USC 793 của Đạo luật Gián điệp như thu thập, lan truyền, hoặc làm mất thông tin quốc phòng; và theo 18 USC 1519 như hủy bỏ, thay thế hoặc làm giả hồ sơ của các cuộc điều tra liên bang.
Lệnh lục soát và tịch biên cho thấy mật vụ FBI đã nhắm mục tiêu vào tất cả các phòng chứa tài liệu của “Văn phòng 45 và tất cả các phòng hoặc khu vực nằm trong phạm vi được cựu tổng thổng Mỹ và nhân viên của ông sử dụng, nơi đó có các hộp đựng tài liệu hoặc các tài liệu có thể được lưu trữ, gồm tất cả các công trình hoặc tòa nhà trong dinh thự”.
Mật vụ FBI được trao quyền tịch thu “tất cả các văn kiện bản in và các hồ sơ cấu thành tang chứng, hàng vi phạm, bằng chứng tội phạm hoặc những tài liệu được sở hữu bất hợp pháp”, theo lệnh lục soát. Những hạng mục được thu giữ đó bao gồm các tài liệu được đánh dấu mật hoặc những hồ sơ tổng thống đã được soạn thảo trong khoảng thời gian ông Trump tại nhiệm từ 20/1/2017 đến 20/1/2021.
Theo lệnh lục soát, FBI đã không cố gắng đòi quyền tiếp cận lục soát các phòng khách riêng tư, bao gồm cả các phòng riêng của các thành viên làm việc tại Mar-a-Lago.
Theo một biên lai kiểm kê tài sản tịch thu được gỡ niêm phong cùng với lệnh lục soát, mật vụ FBI cũng đã lấy đi các tài liệu được cho là “tối mật/thông tin liệt vào mức nhạy cảm (SCI)”, 4 bộ tài liệu “tối mật” và ba bộ tài liệu “mật” (secret) và ba bộ tài liệu “tin mật” (confidential).
Thẩm phán Reinhart đã không gỡ niêm phong bản khai tuyên thệ, trong đó ủng hộ lệnh lục soát và nêu chi tiết các lý do FBI tin rằng họ có thể tìm thấy trong tư dinh của ông Trump bằng chứng phạm tội.
Các luật sư của ông Trump lập luận rằng cựu tổng thống trước khi rời nhiệm vào đầu năm 2021 đã sử dụng quyền tổng thống để giải mật các tài liệu mà ông dự định sẽ đưa về tư dinh ở Mar-a-Lago, tiểu bang Florida.
Ông Trump hôm thứ Sáu (12/8) đã đăng bình luận trên mạng xã hội Truth Social nói rằng các tài liệu mà FBI tịch thu “tất cả đều đã được giải mật” và mật vụ “họ có lẽ đã có các tài liệu đó vào bất kỳ lúc nào họ muốn mà không cần chơi trò chính trị, không cần đột nhập vào Mar-a-Lago như vậy”.
Ông Trump nói thêm rằng: “[Các tài liệu] đã được lưu trữ an toàn, có lắp thêm khóa theo yêu của FBI”.
Cũng trong ngày 12/8, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham đã viết trên Twitter nói rằng Bộ Tư pháp “phải công khai thông tin tại sao cần phải có lệnh lục soát… họ có thể che tên và các thông tin nhạy cảm, nhưng Bộ Tư pháp phải ngửa bài ra”.
Xuân Thành
Nhiều quốc gia EU kêu gọi ngừng cấp thị thực cho du khách Nga
Một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi khối này ngừng cấp thị thực với những du khách Nga. Động thái trên được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định rằng các biện pháp trừng phạt Nga hiện tại vẫn còn ở mức yếu và phương Tây phải cấm mọi người dân “xứ sở Bạch Dương” nhập cảnh trong 1 năm.
Theo ông Zelensky, các biện pháp trừng phạt quan trọng nhất là đóng cửa biên giới và người Nga nên sống trong thế giới riêng cho đến khi họ thay đổi triết lý của mình. Ông khẳng định đây là cách duy nhất để gây ảnh hưởng tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong khi đó, Thủ tướng Estonia là bà Kaja Kallas cho hay rằng: “Đã đến lúc chấm dứt hoạt động du lịch từ Nga. Hãy ngừng cấp thị thực du lịch cho người Nga”.
Trước đó, Phần Lan cho biết ngày càng có nhiều người Nga đi qua biên giới dài 1.335 km giữa 2 nước để mua sắm tại các cửa hàng ở biên giới, đi đến các điểm đến khác của EU kể từ khi các nước gỡ bỏ biện pháp ứng phó với COVID-19.
EU đã cấm đi lại bằng đường hàng không từ Nga sau khi nổ ra xung đột ở Ukraine vào tháng 2. Tuyến đường sắt chở khách cuối cùng giữa St Petersburg và Helsinki đã bị đình chỉ vào tháng 3, nhưng người Nga vẫn có thể vào Phần Lan bằng đường bộ.
Tuần trước, Phần Lan đã công bố kế hoạch hạn chế thị thực du lịch đối với người Nga, nhưng nước này hiện chưa rõ cấm hoàn toàn người Nga nhập cảnh có vi phạm pháp luật không.
Trong khi đó, các quốc gia khu vực Schengen khác có chung biên giới với Nga, như Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan, đã thắt chặt đáng kể các quy định về cấp thị thực.
Tất cả các động thái cho thấy các nước EU cần phải có một quyết định trên toàn khối về vấn đề thị thực bởi thành viên này không thể từ chối cấp thị thực do một thành viên khác cấp. Có nghĩa là những người Nga bình thường không bị trừng phạt cá nhân có thể nhập cảnh các nước láng giềng để quá cảnh và từ đó đi lại trong khu vực EU.
Ủy ban châu Âu đã đặt câu hỏi về tính khả thi của lệnh cấm nhập cảnh toàn diện, khi cho biết rằng một số loại khách du lịch như các thành viên gia đình, nhà báo và những người bất đồng chính kiến nên được cấp thị thực trong mọi trường hợp.
Phan Anh
‘Thái tử Samsung’ Lee Jae-yong được ân xá
Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc hôm 12/8, tân Tổng thống Yoon Suk-yeol đã ân xá cho Phó chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics Lee Jae-yong và gần 1.700 người khác nhân dịp lễ Quốc Khánh.
Trước đó, cựu Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo từng đề nghị ân xá cho ông Lee Jae-yong và kiến nghị này đã nhận được sự đồng tình rộng rãi. Cuộc thăm dò mới nhất được thực hiện đồng thời bởi 4 tổ chức điều tra dân ý ở Hàn Quốc cho thấy, 77% người dân đồng ý rằng ông Lee Jae-yong sẽ được ân xá vào ngày 15/8 (Tiết Quang Phục, ngày Quốc Khánh ở Hàn Quốc) . Cuộc khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ phần trăm ủng hộ từ cả hai phe tả cũng như hữu đều cao (cánh hữu 88% và cánh tả là 69%). Truyền thông Hàn Quốc cũng tin rằng ông Lee Jae-yong có khả năng lớn được ân xá.
Trong bối cảnh cuộc chiến về chip giữa phương Tây và Trung Quốc đang diễn ra ngày một gay gắt, Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật CHIPS và Khoa học” trị giá 280 tỷ USD, nhằm dịch chuyển chuỗi cung ứng chip ra khỏi Trung Quốc và ngăn chặn hiện đại hóa quân sự của nước này. Đạo luật quy định trong 10 năm tới, các công ty chip đặt nhà máy ở Mỹ sẽ không thể mở rộng sản xuất chip ở Trung Quốc hoặc các quốc gia có liên quan khác (như Nga) nếu họ nhận được trợ cấp từ Chính phủ Mỹ, và không thể sản xuất bất kỳ con chip nào ở Trung Quốc có kích thước nhỏ hơn 28 nanomet và cao cấp hơn.
Trong khi đó, Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng ở lĩnh vực này. Samsung Electronics, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, vào năm ngoái đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư 17 tỷ USD vào một nhà máy mới ở Texas để bắt kịp ngành công nghiệp này của đối thủ TSMC Đài Loan. Trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng Năm, Tổng thống Biden đã tham quan nhà máy của Tập đoàn Samsung ở Pyeongtaek. Mỹ và Hàn Quốc đã xây dựng Liên minh chip tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn vào tháng Năm, trong đó Samsung với tư cách là công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn ở Hàn Quốc, có vai trò nòng cốt và luôn được Mỹ coi trọng. Vậy nên, có quan điểm cho rằng Samsung không phải như một công ty bình thường, mà có ý nghĩa là một biểu tượng quốc gia của Hàn Quốc.
Nói theo lời của giáo sư Yoon Kyung Lee, giáo sư xã hội chính trị thuộc Đại học Toronto (Canada) với BBC là: “Hiện tồn tại một niềm tin cốt lõi rằng nếu Samsung phát triển thì Hàn Quốc cũng phát triển. Lúc này, trong lúc kinh tế đi xuống, người dân muốn nhìn thấy các dấu hiệu cụ thể cho thấy chúng ta đang tiến về phía trước. Việc ông Lee được ân xá là một tín hiệu của điều đó.”
Bản thân tân Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của chất bán dẫn như tài sản an ninh quốc gia và ngành công nghiệp cốt lõi.
Tuy vậy, với tư cách là lãnh đạo của Samsung nhưng vài năm qua ông Lee Jae-yong đã không thể thực hiện các hoạt động kinh tế bình thường vì bản án. Giới tài chính Hàn Quốc đã lo lắng rằng hoạt động bán dẫn của Samsung sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Ông Lee Jae-yong bị kết án 2 năm 6 tháng tù hồi tháng 1/2016 trong vụ án liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye. Vốn dĩ bản án của ông Lee đã mãn hạn vào ngày 29/7 năm nay, nhưng theo luật pháp Hàn Quốc ông vẫn bị hạn chế làm việc trong vòng 5 năm sau khi mãn hạn tù. Vậy nên ông vẫn cần được ân xá để khôi phục hoàn toàn mọi quyền của mình.
Tuyết Mai
Bộ trưởng Quốc phòng Anh: Nga không có khả năng chiến thắng tại Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh, ông Ben Wallace, cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin khó có thể thành công trong nỗ lực chiếm đóng Ukraine.
Tại một hội nghị ở Copenhagen vào ngày 11/08, ông Wallace phát biểu: điều quan trọng là phải hiểu rằng giao tranh và thiệt hại về nhân mạng vẫn đang diễn ra, nhưng Nga đã “bắt đầu thất bại tại nhiều khu vực”
Ông nói: “Họ đang thất bại và không có khả năng thành công trong việc chiếm đóng Ukraine”.
“Cuộc xâm lược của họ đang mất dần sức mạnh và liên tục bị điều chỉnh đến mức họ thực sự chỉ tập trung vào các khu vực ở phía nam và phía đông – một khác biệt rất dài, rất xa so với cái gọi là hoạt động đặc biệt kéo dài 3 ngày của họ. 3 ngày bây giờ là hơn 150 ngày – gần 6 tháng, với thiệt hại đáng kể về cả thiết bị và con người ở phía Nga”.
Tiếp tục hỗ trợ
Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết ông Putin đã đánh cược khi cho rằng các đồng minh phương Tây có thể đã “chán với cuộc xung đột” và liên minh sẽ bắt đầu tan vỡ trong vòng vài tháng.
Tuy nhiên, ông Wallace khẳng định việc các đồng minh tiếp tục thể hiện sự cam kết của họ tại Hội nghị Copenhagen đã chứng minh điều ngược lại.
Tại hội nghị, Anh và các đồng minh chủ chốt nhất trí mở rộng Quỹ Quốc tế vì Ukraine (IFU) để cấp tiền cho đào tạo và trang bị quân sự cho Ukraine.
Anh cam kết chuyển 250 triệu bảng Anh (303 triệu USD) vào quỹ. Canada, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Hà Lan đều đã thông báo rằng họ sẽ hỗ trợ quỹ.
Ông Wallace nói: “Chúng tôi đã bước ra khỏi cuộc họp với nhiều cam kết tài chính hơn, nhiều cam kết đào tạo hơn và nhiều cam kết viện trợ quân sự hơn; tất cả đều được thiết kế để giúp Ukraine giành chiến thắng, giúp Ukraine đứng lên bảo vệ chủ quyền, và để đảm bảo rằng tham vọng của Tổng thống Putin sẽ thất bại ở Ukraine bởi chúng nên như vậy”.
Kho vũ khí cạn kiệt
Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết các đồng minh sẽ sớm mua vũ khí từ các nước khác hoặc đặt hàng từ các nhà sản xuất vũ khí khi các kho dự trữ đang cạn kiệt.
Theo ông, các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ cần “nhiều vũ khí hơn nữa” trong “vài tháng và vài năm tới”; việc bổ sung quỹ mới đây sẽ cho phép các đồng minh “mua từ bất cứ nơi nào có khả năng cung cấp”.
Bộ Quốc phòng Anh trước đó xác nhận sẽ gửi thêm vũ khí cho Ukraine, bao gồm các hệ thống tên lửa phóng nhiều lần (MLRS), cũng như tên lửa dẫn đường chính xác có thể tấn công mục tiêu cách xa tới 50 dặm, được thiết kế để phòng thủ trước pháo hạng nặng của Nga.
Quân đội Ukraine đã được đào tạo tại Anh về cách sử dụng bệ phóng. Anh cũng đã cam kết đào tạo 10.000 binh sĩ Ukraine về các kỹ năng chiến trường bộ binh trong những tháng tới.
Xuân Hoa
Theo Alexander Zhang – The Epoch Times
McDonald’s sẽ mở cửa trở lại ở Ukraine
Hôm 11/8, McDonald’s thông báo sẽ bắt đầu mở cửa một số cửa hàng ở miền tây Ukraine và thủ đô Kyiv, một biểu tượng cho sự trở lại bình thường của đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh và thể hiện sự ủng hộ với nước này sau khi chuỗi cửa hàng ăn nhanh của Mỹ rút khỏi Nga.
Gã khổng lồ bánh mì kẹp thịt đã đóng cửa các nhà hàng ở Ukraine sau “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga gần sáu tháng trước. Tuy nhiên, McDonald’s vẫn tiếp tục trả lương cho hơn 10.000 nhân viên tại nước này.
“Chúng tôi đã nói chuyện với các nhân viên của chúng tôi, họ rất mong muốn quay trở lại làm việc và thấy các cửa hàng tái mở cửa ở Ukraine”, Phó chủ tịch của McDonald’s ở mảng thị trường quốc tế, ông Paul Pomroy cho biết trong một thông điệp gửi tới nhân viên.
Nền kinh tế Ukraine đã bị thiệt hại nặng nề do chiến tranh và việc khởi động lại các doanh nghiệp, dù trong khả năng hạn chế, cũng sẽ giúp ích được một phần. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến nền kinh tế Ukraine sẽ sụt giảm 35% trong năm nay.
McDonald’s có 109 cửa hàng ở Ukraine nhưng không cho biết bao nhiêu cửa hàng sẽ mở cửa trở lại, thời điểm mở cửa hay địa điểm đầu tiên chào đón khách hàng trở lại.
Ông Pomroy cho biết, trong vài tháng tới, McDonald’s sẽ bắt đầu làm việc với các nhà cung cấp để đưa sản phẩm đến các cửa hàng, chuẩn bị các cơ sở vật chất sẵn sàng để phục vụ, thu hút nhân viên của cửa hàng trở lại, áp dụng các quy trình an toàn khi tình hình chiến sự vẫn đang tiếp diễn ở phía đông Ukraine.
Trước khi mở cửa trở lại tại Ukraine, McDonald’s đã nhượng quyền sở hữu 850 cửa hàng tại Nga, vốn từng là biểu tượng xoa dịu căng thẳng thời kỳ chiến tranh lạnh.
McDonald’s đã đóng cửa hàng trăm địa điểm ở Nga vào tháng 3, khiến công ty tiêu tốn khoảng 55 triệu USD mỗi tháng. Việc bán các cửa hàng Nga là lần đầu tiên công ty “phá sản” hoặc thoát ra khỏi một thị trường lớn.
McDonald’s đã bán hàng trăm địa điểm ở Nga cho Doanh nhân Nga Alexander Govor. Ông bắt đầu mở lại với một thương hiệu mới – Vkusno-i Tochka, hay Tasty-period (tạm dịch: Ngon, thế thôi!).
Huyền Anh
Theo The Epoch Times
WSJ: Ông Tập Cận Bình sẽ gặp ông Biden vào tháng 11 tới
Ngày 12/8, Wall Street Journal đưa tin độc quyền cho biết, những người nắm được thông tin tiết lộ rằng Trung Quốc đang xây dựng kế hoạch để ông Tập Cận Bình thăm Đông Nam Á và gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây là cuộc chuyến thăm quốc tế đầu tiên sau 3 năm của ông Tập, cũng là lần đầu tiên lãnh đạo 2 nước gặp mặt kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống.
Công tác chuẩn bị cho chuyến đi cho thấy ông Tập, 69 tuổi, đầy tự tin về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào mùa thu. Dư luận phổ biến dự đoán ông Tập sẽ được bầu lại làm Tổng Bí thư ĐCSTQ nhiệm kỳ thứ ba. Các quan chức tham gia chuẩn bị cho biết ông Tập dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia vào giữa tháng 11 sau Đại hội 20 của ĐCSTQ và 2 ngày sau đó sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Bangkok, Thái Lan.
Nguồn tin cho biết, những kế hoạch đó có thể thay đổi, với việc ông Tập và ông Biden có thể sẽ gặp nhau bên lề một trong hai hội nghị này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khi trả lời WSJ rằng: “Trung Quốc ủng hộ Indonesia và Thái Lan với tư cách là nước chủ nhà của hai hội nghị và sẵn sàng làm việc với tất cả các bên để giành được các kết quả tích cực.”
Nhà Trắng từ chối bình luận về vấn đề này. Một quan chức Nhà Trắng cho biết ông Biden và ông Tập đã thảo luận về khả năng gặp mặt trực tiếp trong một cuộc điện đàm gần đây.
Lần gần đây nhất ông Tập Cận Bình ra nước ngoài trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Myanmar vào tháng 1/2020, khi các cơ quan y tế Trung Quốc vừa thừa nhận một đợt bùng phát nghiêm trọng của virus corona mới ở Vũ Hán. Vào ngày 1/7 năm nay, ông Tập cũng đã có một chuyến đi ngắn đến Hồng Kông để kỷ niệm 25 năm Hồng Kông trao trả về Trung Quốc.
Sự vắng mặt của ông Tập trên sân khấu toàn cầu đã loại bỏ tất cả các cơ hội tiếp xúc trực tiếp cấp cao, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về quan hệ xấu đi giữa Bắc Kinh và Washington. Gần đây, Trung Quốc đã phản ứng dữ dội trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, bao gồm các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn và 8 biện pháp đáp trả, dẫn đến rất nhiều cuộc thảo luận liên quan đến khả năng xảy ra xung đột Mỹ – Trung tại eo biển Đài Loan.
Nguồn tin cho biết, nếu chuyến đi thành hiện thực, ông Tập dự kiến sẽ thăm cấp nhà nước tới các nước khác và gặp gỡ các nhà lãnh đạo, và chuyến thăm như vậy cũng sẽ chứng tỏ sự tập trung của Bắc Kinh vào Đông Nam Á. Mỹ gần đây đã tăng cường các nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Đông Nam Á.
Vào tháng Bảy, ông Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Widodo tại Bắc Kinh. Ông Biden đã gặp lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á tại Nhà Trắng vào tháng Năm và thông báo khoảng 150 triệu USD đầu tư mới của Mỹ vào khu vực, bao gồm cơ sở hạ tầng, an ninh và phát hiện bệnh sớm. Trong cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN tại Campuchia vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, Mỹ quyết tâm “làm sâu sắc hơn và tăng cường” quan hệ đối tác với họ.
Nguồn tin còn nói rằng sự tự cô lập của ông Tập trong 2 năm qua là xuất phát từ những lo ngại về sự bùng phát dịch. Chính sách ‘zero COVID” của ông Tập đã khiến Trung Quốc trở thành quốc gia lớn duy nhất trên thế giới vẫn hạn chế nghiêm ngặt việc di chuyển của người dân để kiềm chế sự lây lan của virus, nhưng nền kinh tế Trung Quốc đã phải trả một cái giá rất đắt cho điều đó.
Tiêu Nhiên, Vision Times