Tin VN sáng thứ Bảy: Sắp hết hạn, gói 6,600 tỷ hỗ trợ thuê nhà mới giải ngân được 11%

Sắp hết hạn, gói 6.600 tỷ hỗ trợ thuê nhà mới giải ngân được 11%

Ngày 15/8 là hạn cuối nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà với hơn 6.600 tỷ đồng cho hơn 3,4 triệu người lao động, song gói hỗ trợ mới chỉ giải ngân được 11,23%.

Báo Lao Động đưa tin, tính đến thời điểm hiện tại có 56/63 tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho người lao động. Tuy nhiên, 4 địa phương đã có đối tượng đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân được đồng nào là Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên. Các tỉnh, thành phố như An Giang, Hải Phòng, Kiên Giang, Bình Định dù đã giải ngân nhưng tiến độ rất chậm chạp. Đặc biệt, còn rất nhiều tỉnh tỉ lệ giải ngân trên dưới 1% như Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hoá, Vĩnh Long, Thanh Hoá…

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, trình tự, thủ tục giải ngân đã đơn giản hết mức, chỉ cần một tờ đơn đề nghị của người lao động, song ở một số nơi, chính quyền, doanh nghiệp vẫn yêu cầu thêm vài ba loại giấy tờ khiến hồ sơ chậm trễ. Người sử dụng lao động sợ bị thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

“Nếu các địa phương làm hết trách nhiệm, tốc độ giải ngân sẽ nhanh”, ông Thanh nói, kỳ vọng tới 20/8 sẽ hoàn thành. Bởi Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác nhận hơn 3 triệu hồ sơ trong số 3,4 triệu người thụ hưởng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói gói hỗ trợ tiền thuê nhà được đánh giá nhân văn, cần thiết, lao động khát khao chờ đợi, nhưng triển khai rất chậm so với nhu cầu của người lao động cũng như tốc độ phục hồi kinh tế. Trong khi đó ngân sách đã chi về từng tỉnh và địa phương cuối cùng nhận tiền là ngày 17/7.

Liên quan đến hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chiều qua – 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhất trí ban hành nghị quyết cho phép tiếp tục chi khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ cho khoảng 414.000 người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết 03 ngày 24/9/2021. Thời gian thực hiện chi trả chậm nhất vào ngày 10/9/2022.

Huệ Liên

Mỹ yêu cầu hộ chiếu mới của Việt Nam cần có bị chú về nơi sinh

Hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam được cấp từ ngày 1/7/2022 (ảnh: Dân Trí).

Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngày 12/8, yêu cầu người nộp đơn xin thị thực hoặc có lịch hẹn phỏng vấn phải bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu Việt Nam mẫu mới.

“Chính phủ Mỹ đang tiếp tục xem xét mẫu hộ chiếu mới màu xanh tím than của Việt Nam, được cấp từ ngày 1/7, để xác định xem có đáp ứng yêu cầu về cấp thị thực và đi lại của Mỹ hay không. Chúng tôi dự kiến sớm đưa ra quyết định”, Đại sứ quán Mỹ thông báo được báo VnExpress đang tải.

Đại sứ quán Mỹ khuyến cáo để tránh bị gián đoạn, kể từ 15/8, những người chuẩn bị nộp hồ sơ xin thị thực cho hộ chiếu mẫu mới hoặc có lịch phỏng vấn cần đề nghị cơ quan chức năng bổ sung thông tin bị chú về nơi sinh.

Sứ quán cũng lưu ý những người có lịch hẹn phỏng vấn cần mang theo giấy khai sinh. Nếu không có bản gốc giấy khai sinh, họ cần mang theo hộ chiếu Việt Nam mẫu cũ (bìa xanh lá cây, có thông tin nơi sinh) cùng hộ chiếu mới.

Cơ quan này khuyến cáo người nộp đơn xin thị thực DS-160 (người đi du lịch hoặc du học) hoặc DS-260 (định cư) ghi rõ thông tin về nơi sinh trong tờ khai. “Không điền quê quán hoặc nơi đăng ký khai sinh, phải điền tên tỉnh thành và quốc gia nơi người nộp đơn sinh ra”, đại sứ quán Mỹ lưu ý.

Trước đó Tây Ban Nha, Đức, Cộng hòa Czech và Phần Lan, đều thuộc khối Schengen, thông báo chưa chấp nhận cấp thị thực cho hộ chiếu Việt Nam mẫu mới với lý do thiếu thông tin nơi sinh.

Tuy nhiên, Đại sứ quán Tây Ban Nha đã thay đổi quyết định nhưng yêu cầu người xin cần nộp kèm Chứng minh thư hoặc Căn cước công dân còn hiệu lực để chứng minh nơi sinh.

Liên quan việc cấp hộ chiếu mẫu mới, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết đã cấp được 272.000 hộ chiếu theo mẫu mới và trước mắt sẽ tiến hành bị chú “nơi sinh” khi có đề nghị để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam làm thủ tục xin thị thực vào 26 nước châu Âu.

Về lâu dài, Bộ Công an cho biết sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục “nơi sinh” trang nhân thân hộ chiếu.

Hội An

Hòa Bình: 2 vợ chồng tử vong và mất tích do bị lũ cuốn

Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. (Ảnh: Hóng Biến Hoà Bình).

Hai vợ chồng ở Hòa Bình đi qua suối không may bị lũ cuốn trôi khiến người vợ tử vong, chồng hiện đang mất tích.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 2) thời tiết khu vực tỉnh Hòa Bình có mưa to, có nơi mưa rất to. Tính đến 15h ngày 11/8, mưa lũ đã gây thiệt hại cho nhiều địa phương trong tỉnh Hòa Bình. Đặc biệt đã có 2 người tử vong và mất tích do lũ cuốn trôi.

Theo thông tin ban đầu trên Báo Giao Thông, ngày 11/8, vợ chồng chị Đinh Thị Nguyệt (SN 1987, trú tại thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy) trong lúc đi qua suối Ba Hang thuộc địa bàn thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm (suối nước chảy từ xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam sang thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm) thì bị nước lũ cuốn trôi.

Thi thể chị Nguyệt được tìm thấy vào lúc 11h cùng ngày, còn anh Đinh Ngọc Hướng (SN 1984 là chồng chị Đinh Thị Nguyệt) vẫn đang mất tích.

Bên cạnh thiệt hại về người, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hoà Bình cũng gây thiệt hại cho 12 hộ dân tại các huyện: Tân Lạc, Cao Phong, Đà Bắc, Mai Châu. Gần 280ha diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 230 con gà bị nước cuốn trôi thuộc địa bàn xã Phong Phú, huyện Tân Lạc…

Ngoài ra, mưa lũ cũng gây sạt lở, nước dâng cao tại các ngầm tràn ở nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh.

Hội An

Giám đốc CDC Bến Tre bị cảnh cáo do liên quan Việt Á

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bến Tre (CDC). (ảnh: PLO).

Ngày 12/8, ông Nguyễn Văn Chanh- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, đã thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Hữu Định – Giám đốc CDC tỉnh Bến Tre và ông Phạm Hồng Thái – Phó Giám đốc CDC Bến Tre cùng các thuộc cấp do có liên quan đến Công ty Việt Á.

Theo PLO, ngoài việc bị kỷ luật, đoàn kiểm tra của UBKT Tỉnh ủy kiến nghị chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra và xử lý theo quy định.

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bến Tre, trong 2 năm 2020 – 2021, CDC Bến Tre là một trong những đơn vị được UBND tỉnh Bến Tre giao quyền trực tiếp mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19.

CDC Bến Tre đã lập dự toán gói thầu mua sắm với Công ty TNHH thiết kế XD-TM-DV Nam Phong chưa đúng quy định khi không đưa tên nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa (kit xét nghiệm của Công ty Việt Á) vào trong danh mục để lập dự toán và trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; việc phân nhóm cho sản phẩm không đúng theo quy định; mua sản phẩm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á với giá cao hơn giá của các mặt hàng khác cùng loại trên thị trường đã được công bố… gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền gần 3,5 tỷ đồng và 1 gói thầu mua sản phẩm của Công ty Việt Á giá trị hơn 600 triệu đồng.

Sau khi có kết luận thanh tra, ông Nguyễn Hữu Định, Giám đốc CDC Bến Tre, đã tự nguyện nộp vào ngân sách số tiền gần 3,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Hội An

Mưa lớn, phố phường Hà Nội thành sông, giao thông tê liệt

Ảnh: Zing.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 gây mưa lớn liên tục nhiều giờ khiến các tuyến phố nội thành Hà Nội chìm trong biển nước, giao thông tê liệt.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 5h20 sáng 12/8, qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh và ảnh radar thời tiết cho thấy mây đối lưu đang phát triển trên hầu khắp khu vực các quận/huyện của thành phố Hà Nội gây mưa vừa đến mưa to.

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ vào thời điểm trên, tại khu vực ngã ba đường gom đại lộ Thăng Long – Lê Trọng Tấn, Thụy Khuê… đang xảy ra ngập úng khiến các phương tiện di chuyển khó khăn. 

Trên dọc tuyến đường gom đại lộ Thăng Long từ Phú Đô về An Khánh (Hoài Đức) có nhiều điểm ngập khá sâu, thậm chí đoạn giao đại lộ Thăng Long với đường Lê Trọng Tấn, đoạn cầu vượt An Khánh ngập sâu 30 – 40cm khiến xe cộ di chuyển rất khó khăn gây ùn ứ giao thông. 

Không ít xe máy bị chết máy do nước vào, khiến lái xe phải dắt trong tình trạng ngập nước. Bên cạnh đó, một số hầm chui dân sinh trên dọc đoạn đường này cũng bị ngập sâu 30 – 40cm khiến xe cộ không thể di chuyển qua.

Nhiều tuyến đường xung quanh bến xe Mỹ Đình như đường Phạm Hùng, Nguyễn Hoàng, Tôn Thất Thuyết ngập nửa bánh xe khiến người tham gia giao thông quanh khu vực di chuyển khó khăn ngay từ sáng sớm.

Hàng loạt phương tiện chết máy giữa đường.

Do đường ngập, giá cước vận tải các phương tiện xe ôm công nghệ tăng mà cũng không bắt được xe, nhiều người phải lội nước ngập sâu ra khỏi bến xe.

Trong khi đó, ghi nhận của hệ thống quan trắc tự động (Công ty Thoát nước Hà Nội) lúc 6h30, nhiều địa điểm tại các quận nội thành Hà Nội có mưa to với lượng mưa phổ biến hơn 100mm, nhiều nơi đang xảy ra ngập úng như đường Nguyễn Trãi, Phan Văn Trường, Trần Bình, Đỗ Đức Dục, Vương Thừa Vũ, Vũ Trọng Phụng – Quan Nhân, Nguyễn Chính, Minh Khai đang ngập 0,1 – 0,3m.

Giao thông hỗn loạn trên nhiều tuyến phố của Hà Nội do ảnh hưởng của mưa lớn. (Ảnh: Zing).

Dự báo khu vực Hà Nội hôm nay tiếp tục có mưa rào và dông. Cảnh báo mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành.

Hội An

Related posts