Bệnh viện Tứ Xuyên họp bàn nghiên cứu cách bắt bệnh nhân ‘xếp hàng đóng tiền’

Trần Phong

Biểu ngữ treo tại Bệnh viện Khang Hoa có nội dung “Chào mừng năm con hổ, phòng mổ rủng rỉnh tiền!”

Theo một báo cáo của tờ báo nổi tiếng Trung Quốc Jimu News, một video đào tạo nội bộ của một bệnh viện ở Tứ Xuyên gần đây đã lan truyền trên Internet. Nội dung đào tạo của bệnh viện đã gây nhiều tranh cãi vì những câu như “làm sao để bệnh nhân xếp hàng trả tiền cho chúng ta” và “làm thế nào để bệnh nhân ở lại lâu dài”.

Sáng ngày 9, Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Lô Châu đã thành lập 1 tổ công tác điều tra hiện trường. Lôi Văn Quân 雷文军, Viện trưởng bệnh viện Phú Khang, Lô Châu, đã trả lời rằng đây là buổi họp đào tạo nội bộ cho toàn thể cán bộ nhân viên được bệnh viện tổ chức vào giữa tháng 7, mục đích ban đầu là nâng cao ý thức phục vụ của nhân viên trong bệnh viện. Về tác động xấu đến xã hội do lời nói gây ra, bệnh viện cho biết sẽ tích cực khắc phục và chấp nhận sự giám sát của các bộ phận liên quan.

Trang web Sina chỉ ra rằng nếu là một doanh nghiệp bình thường, việc thảo luận làm thế nào để khách hàng mua sản phẩm của mình lâu dài trong một cuộc họp tiếp thị nội bộ là điều bình thường, nhưng khi một bệnh viện lại thảo luận về việc làm thế nào để bệnh nhân ở lại lâu dài và xếp hàng trả tiền vào viện với sự có mặt của viện trưởng, bác sĩ và y tá có lẽ khiến nhiều người không khỏi rùng mình.

Dù là bệnh viện công hay bệnh viện tư thì mối quan hệ giữa bệnh viện và bệnh nhân không nên là mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng. Nếu trong mắt bệnh viện, bệnh nhân như một “con bò sữa”, nghĩa là các dịch vụ y tế mà bệnh viện cung cấp cho bệnh nhân đều dựa trên việc làm sao để bệnh nhân “ở lâu”, “trả thêm tiền” thay vì ưu tiên phục hồi càng sớm càng tốt.

Tờ báo cũng nhận định, nếu một số bệnh viện, bác sĩ trước hết nghĩ đến việc làm sao để bệnh nhân “ở lại lâu hơn, đóng tiền nhiều hơn” thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp khám chữa bệnh tương ứng, và người hưởng lợi cuối cùng không phải là bệnh nhân. Tờ báo cũng cho rằng đây là “một cuộc nổi loạn chống lại y đức.”

Đáng chú ý đây không phải là lần đầu tiên bệnh viện ở Trung Quốc đặt sai vài trò của bệnh nhân và bác sĩ là khách hàng và “nhà kinh doanh”. Chẳng hạn, vào tháng 12 năm 2012, Bệnh viện Nhân dân thành phố Ngô Xuyên, Quảng Đông đã treo một biểu ngữ lớn để chào mừng số lượng bệnh nhân nội trú trong bệnh viện đã vượt quá 40.000 người.

Tháng 1 năm 2022, một bức ảnh về Bệnh viện Khang Hoa đã lan truyền trên mạng. Hình ảnh cho thấy buổi họp tổng kết cuối năm được tổ chức tại phòng mổ của bệnh viện Khang Hoa Đông Quan, biểu ngữ treo tại địa điểm này có nội dung “Chào mừng năm con hổ, phòng mổ rủng rỉnh tiền!” Sau đó Bệnh viện Khang Hoa đã đưa ra một tuyên bố trên tài khoản WeChat chính thức của mình về các biểu ngữ không phù hợp trong phòng mổ của bệnh viện. Bệnh viện sẽ nghiêm túc phê bình, giáo dục những người có trách nhiệm liên quan, đồng thời tiến hành điều tra sâu hơn các bộ phận, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo nội quy, quy chế của bệnh viện.

Quay trở lại với trường hợp của bệnh viện Phú Khang gần đây, mặc dù, nhân viên bệnh viện cũng nhấn mạnh: “Cuộc họp của viện trưởng chúng tôi nhấn mạnh đến dịch vụ và kỹ năng y tế”. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng khi các nội dung tương tự xuất hiện trong cuộc họp bệnh viện, điều đó có nghĩa là bệnh viện đã coi các dịch vụ và kỹ năng y tế là hàng hoá “có sẵn”, mà quên mất lời tuyên thệ mà các bác sĩ thực hiện khi họ tốt nghiệp trường Y, và việc bệnh viện tổ chức “cuộc họp tiếp thị” – bản thân nó đã là vi phạm.

Vấn đề này đã thu hút rất nhiều cuộc thảo luận sôi nổi của cư dân mạng trong và ngoài nước.

Có người nói: vì lợi nhuận, họ có thể làm bất cứ điều gì.

Còn có người châm chọc nói: “Trước tiên giải quyết vấn đề bệnh nhân đến từ đâu, sau đó để bệnh nhân ở lại lâu dài, đồng thời để bệnh nhân xếp hàng trả tiền cho chúng ta. Miễn là bệnh nhân không chết, chính là có thể kiếm tiền!”

Related posts