Một vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia được đánh giá sẽ không chỉ tàn phá Ukraina hay Nga, mà còn ảnh hưởng cả lục địa châu Âu, để lại những thảm họa dai dẳng trong hàng thập niên về sau.
Mới đây, cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đưa ra cảnh báo về các vụ pháo kích đang diễn ra tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát ở Ukraina. IAEA cho rằng tình hình hiện tại có nguy cơ lớn và có thể dẫn đến “thảm họa hạt nhân”.
Vị trí và tầm quan trọng của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia
Được xây dựng từ thời Liên Xô, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là nhà máy lớn nhất ở châu Âu và nằm trong số 10 nhà máy lớn nhất thế giới. Nhà máy có tổng công suất khoảng 6.000 MW, đủ cung cấp cho khoảng bốn triệu ngôi nhà.
Nhà máy Zaporizhzhia nằm cách thủ đô Kyiv của Ukraina khoảng 550 km về phía đông nam và cách nhà máy hạt nhân Chernobyl khoảng 525 km về phía nam – nơi vào năm 1986 từng xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.
Hiện tại, nhà máy được các nhân viên người Ukraina vận hành, nhưng chịu sự kiểm soát của quân đội Nga.
Nhà máy Zaporizhzhia cũng nằm cách bán đảo Crimea được Nga sáp nhập vào năm 2014, khoảng 200 km.
Theo IAEA, nhà máy này có sáu lò phản ứng làm mát bằng nước, mỗi lò có công suất thực là 950 megawatt. Một megawatt công suất sẽ cung cấp năng lượng cho 400 đến 900 ngôi nhà/1 năm.
IAEA nhiều lần lên tiếng
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP vào tuần trước, ông Rafael Mariano Grossi – Tổng giám đốc IAEA, mô tả tình hình ở nhà máy đang “hoàn toàn mất kiểm soát”.
Theo ông Grossi, mọi nguyên tắc về an toàn hạt nhân tại nhà máy đều đã bị vi phạm, đồng thời, tình hình đang cực kỳ nghiêm trọng và nguy hiểm.
Trong cuộc phỏng vấn, ông cho biết tính toàn vẹn của nhà máy không được bảo đảm và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Vì vậy, ông không rõ liệu nhà máy có nhận được những gì nó cần hay không. Ông cho biết có rất nhiều vật liệu hạt nhân ở đó cần được kiểm tra.
Ngày 9 tháng 8, ông Grossi nói ông chuẩn bị thông báo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về an toàn hạt nhân trong nhà máy, cũng như đang tìm cách cử phái đoàn chuyên gia đến nhà máy này càng sớm càng tốt.
Liệu nhà máy có phát nổ – và nếu có – điều gì sẽ xảy ra?
Theo các chuyên gia, điều này là khả dĩ nhưng hiện vẫn chưa rõ ràng.
Ông Ross Peel – Giám đốc Nghiên cứu và Chuyển giao Kiến thức của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và An ninh tại Đại học King’s College London, cho biết: “Rất khó để quân đội can thiệp. Nếu nhiều yếu tố thảm khốc kết hợp với nhau, một vụ nổ có thể xảy ra”.
Ông nói thêm rằng: “Rất khó để nói liệu điều này có [xảy ra] hay không và hậu quả như thế nào. Nó phụ thuộc vào việc vụ nổ bùng phát như thế nào”.
Nhiều người khác tỏ ra lo ngại các vụ pháo kích xung quanh nhà máy có thể phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm các lò phản ứng.
Ông MV Ramana – Giáo sư Trường Chính sách Công và Các vấn đề Toàn cầu của Đại học British Columbia (Canada), nói với Al Jazeera: “Các lò phản ứng [cần] được làm mát liên tục bằng cách cho nước đi qua”.
“Nếu dòng nước đó bị cắt theo một cách nào đó, thì lò phản ứng có thể mất khả năng làm mát, nhiên liệu sẽ bắt đầu tan chảy. Nó sẽ tạo ra áp lực cao, và dẫn đến phát nổ”.
Theo ông Ramana, nếu nhà máy thật sự phát nổ, người dân phải sơ tán trên diện rộng để tránh phóng xạ. Tuy nhiên, tác động của rò rỉ phóng xạ có thể không biểu hiện ngay lập tức mà có thể xuất hiện sau nhiều năm.
Một số căn bệnh mà con người có thể mắc phải sau khi nhiễm phóng xạ có thể là ngộ độc bức xạ cấp tính hoặc ung thư.
Những viễn cảnh khác
Thay vì một vụ nổ lõi lò phản ứng, các chuyên gia lo ngại hơn về thiệt hại đối với các hệ thống làm mát bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng và các lò phản ứng. Nếu không thể làm mát, điều này có thể dẫn đến sự tích tụ nhiệt không kiểm soát được, nóng chảy và hỏa hoạn có thể giải phóng và phát tán bức xạ.
Bà Amelie Stoetzel – Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King’s College London (Anh), nói với Al Jazeera: “Chúng tôi rất sợ phóng xạ. Phóng xạ, trong mọi trường hợp, sẽ rất thảm khốc”.
Theo bà: “Không thể đoán trước được; chúng tôi không thực sự biết phóng xạ sẽ phát tán đến đâu; nó thực sự có thể đi đến bất cứ đâu, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết”.
Do vị trí địa lý của nhà máy, một lượng phóng xạ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khu vực nào của lục địa châu Âu.
Ông Ramana cho biết: “Zaporizhzhia nằm ở giữa lục địa. Vì vậy, bất kể gió thổi theo hướng nào, đều cũng sẽ có người bị ảnh hưởng”.
Nếu có rò rỉ bức xạ, điều gì xảy ra tiếp theo?
Các chuyên gia cho rằng việc sơ tán ngay lập tức là điều cần thiết. Tuy nhiên, giữa xung đột, theo bà Stoetzel việc sơ tán người dân là vô cùng khó khăn.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, đối với nhiều người, nỗi sợ hãi về bức xạ có thể nguy hiểm hơn chính bức xạ.
Theo các chuyên gia, không ít người đến gặp bác sĩ trong tình trạng sợ sệt và tin rằng mình đã nhiễm phóng xạ dù thực tế không phải vậy. Ngoài ra một vụ nổ, hoặc hỏa hoạn, rò rỉ bức xạ có thể dẫn đến “thảm họa lâu dài”.
Nguồn: Aljazeera