Nguyễn Hoàng Văn
Mấy ngày qua giới bình luận Úc lại rôm rả bàn tán chuyện cải tạo, re-education.
Chuyện bắt đầu khi Đại sứ Trung Quốc tại Úc, ông Tiêu Thiên (Xiao Qian – 肖千), đăng đàn thuyết trình tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia ở Canberra ngày 10/8/2022 về viễn tượng hòa giải giữa hai nước Úc-Trung nhưng bị giới ký giả tới tấp chất vấn về thái độ hung hăng, hiếu chiến với Đài Loan.
Tiêu Thiên đáp trả bằng giọng sắt thép, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không nhân nhượng Đài Loan: không thể thống nhất bằng hòa bình thì sẽ “sử dụng các phương tiện cần thiết khác”.
Bị chất vấn, Tiêu Thiên bác bỏ đó là một hành vi xâm lăng (invasion) mà đó chỉ là “thống nhất” (unification) bởi Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Có lúc ký giả Ben Packham, của tờ The Australian, đứng lên chất vấn kế hoạch cải tạo tư tưởng cho 23 triệu người dân Đài Loan, để họ thay đổi nhận thức về Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ký giả này không hề khẩu thuyết vô bằng. Trước đó mấy ngày, ông Lư Sa Dã (Lu Shaye- 卢沙野) Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, đã phát biểu trên đài truyền hình BFM TV rằng sau khi “thống nhất” Đài Loan, chính quyền Trung Quốc sẽ phải “cải tạo” người dân Đài Loan, làm thay đổi nhận thức họ về tổ quốc. La tuyên bố chắc nịch: “Tôi tin chắc rằng đến lúc đó thì nhân dân Đài Loan sẽ thích thống nhất cho mà xem. Họ sẽ yêu nước trở lại”.
Câu hỏi này làm ông Tiêu Thiên lúng túng, thú nhận ông chưa nghe qua tuyên bố của đồng nghiệp họ Lư, tuy nhiên ông thừa nhận một thực tế là cái nhìn của người Đài Loan về tổ quốc mình có phần nào khác biệt. Sau một hồi đốp chát, với Packham, Tiêu Thiên lại thú nhận rằng ông ta không nắm hết chính sách của đảng và nhà nước nhưng hiểu rõ rằng một khi đất nước đã “thống nhất” sẽ phải có một “quá trình xử lý” (process) đối với người dân Đài Loan để khiến họ hiểu rõ về tổ quốc Trung Hoa của mình.
Giới bình luận Úc đã bàn tán ầm ĩ về bài nói chuyện của Tiêu Thiên, riêng ông Greg Sheridan, chủ biên ngoại giao của tờ The Australian, nhận định rằng đây là là lời cảnh tỉnh lớn nhất với Úc: Úc phải chuẩn bị, phải nâng cao năng lực đối phó của mình chứ không thể chỉ trông cậy vào Mỹ.
Phần tôi thì nghĩ ngay đến ngàn lò cải tại của Cao Tần (Lê Tất Điều).
Trong bài thơ “Mai mốt anh về” viết trong những năm tháng di tản đầu tiên sau ngày 30/4/1975 trong tâm trạng bàng hoàng, nhà thơ này đã có thể viết nên những câu:
“…
Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương
Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng”
Cao Tần nói đến ngàn lò cải tạo nhưng còn Tập Cận Bình? Nếu “thống nhất” được Đài Loan thì, để cải tạo 23 triệu người dân tin tưởng vào “Tư tưởng Tập Cận Bình”, y sẽ phải mở ra bao nhiêu lò?
“Thống nhất” để rồi bị lùa vào nhũng trại cải tạo hay bị cho đi “xử lý” thì chẳng ai mơ và chắc chắn những nhà ngoại giao như Tiêu Tiền hay Lư Sa Dã sẽ càng làm người dân Đài Loan quyết tâm hơn, như là người Ukrain đang quyết tâm chống lại cuộc xâm lăng của Nga.
Thống nhất thì phải như người Đức, sau khi bức tường Berlin bị phá sập thì chính quyền Tây Đức vẫn tiếp tục trả lương hưu cho cựu quân nhân Đông Đức, chảng ai buồn nghĩ đến việc cải tạo họ.
Thống nhất thì phải như người Mỹ, khi quân miền Bắc thắng trận bị cấm làm lễ mừng chiến thắng, còn tổ chức mai táng tử tế cho những quân nhân miền Nam ly khai bị tử trận. Trước cả ông Võ Văn Kiệt rất lâu, những nhà lãnh đạo chỉ huy quân đội Bắc Mỹ thừa hiểu rằng bên hàng triệu người vui cũng có hàng triệu người buồn.
Trở lại với Đài Loan, theo các nhà phân tích thì đây không phải là mục tiêu quân sự dễ nuốt nên, nói nhại theo Cao Tần, bất cứ cuộc phiêu lưu nào tại đây chỉ có thể dẫn đến kết cuộc “Thắng gian lao mà bại nhục vô cùng”.
Như cái nhục mà hiện tại mà cả thế giới đều thấy rất rõ, cái nhục mà Putin không thể nuốt trôi!
Tham khảo: