Minh Ngọc
Chuyên gia hàng đầu của Liên Hợp Quốc về vấn đề lao động nô lệ cho biết trong một báo cáo công bố tuần này, “hoàn toàn hợp lý để kết luận rằng vấn nạn lao động cưỡng bức thành viên của các nhóm thiểu số đã diễn ra ở khu vực Tân Cương phía Tây Trung Quốc”.
Ông Tomoya Obokata – báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về các hình thức nô lệ hiện đại, nhấn mạnh trong một báo cáo mà ông đã chia sẻ trên tài khoản Twitter của mình hôm thứ Ba (16/8) rằng, phát hiện này “dựa trên đánh giá độc lập về thông tin có sẵn”.
Ông Obokata nhận định, kết luận về việc có tồn tại nạn lao động cưỡng bức ở người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan và các dân tộc thiểu số khác trong các lĩnh vực như nông nghiệp và sản xuất đã diễn ra ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc là hoàn toàn hợp lý.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn luôn bác bỏ mọi cáo buộc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.
Báo cáo đề ngày 19/7 này được công bố rộng rãi trong thư viện tài liệu của Liên Hợp Quốc.
Có hai hệ thống “do nhà nước ủy quyền” khác biệt ở Tân Cương: Hệ thống trung tâm giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề, nơi người thiểu số bị giam giữ và bị ép vào các vị trí làm việc; thứ hai là xóa đói giảm nghèo thông qua hệ thống chuyển dịch lao động liên quan đến lao động nông thôn.
Báo cáo nêu rõ: “Mặc dù các chương trình này có thể tạo ra cơ hội việc làm cho người thiểu số và nâng cao thu nhập của họ, theo tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh, nhưng Báo cáo viên đặc biệt nhận thấy, có tồn tại các chỉ số về lao động cưỡng bức từ nhiều trường hợp xuất hiện tình trạng không tự nguyện làm việc trong các cộng đồng.” Báo cáo cũng đề cập đến các vấn đề và mối quan tâm liên quan đến nô lệ hiện đại ở các quốc gia khác.
Ngày 17/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa phủ nhận sự tồn tại của nạn lao động cưỡng bức ở Tân Cương, bảo vệ thành tích của Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền của người lao động, đồng thời chỉ trích gay gắt kết quả của báo cáo.
“Một báo cáo viên đặc biệt tin vào những lời nói dối và thông tin sai lệch về Tân Cương do Mỹ và một số nước phương Tây khác cùng các lực lượng chống Trung Quốc lan truyền,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhận xét trong một cuộc họp báo thường nhật ở Bắc Kinh.
Đáng lưu ý, báo cáo của ông Obokata tách biệt hoàn toàn với một báo cáo đang rất được mong đợi về nhân quyền ở Tân Cương do Cao ủy Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet thực hiện. Bà cam kết sẽ công bố báo cáo này trước khi rời nhiệm sở vào cuối tháng 8.
Minh Ngọc (Theo Reuters)