Nông dân Argentina chống lại thuế xuất cảng gây tê liệt thị trường

Autumn Spredemann

Nông dân thu hoạch đậu nành ở thị trấn Estacion Islas của Argentina, hôm 03/04/2010. (Ảnh: Enrique Marcarian/Reuters)

Từ chối bán đậu nành, ngô, và lúa mì ra ngoại quốc dẫn đến tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng trên thế giới

Nhà xuất cảng lương thực toàn cầu Argentina đang phải vật lộn để tìm điểm trung gian thỏa hiệp giữa các nhà sản xuất và các chính sách của chính phủ — một sự rạn nứt có thể dẫn đến giá ngô, đậu nành, và lúa mì trên thế giới thậm chí còn lên cao hơn nữa.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, nông dân Argentina đã phải chiến đấu một cách khó khăn trước sự gia tăng của thuế xuất cảng của chính phủ, lạm phát nghiêm trọng, và đồng tiền mất giá. Đồng thời, các nhà trồng trọt cũng đang đối phó với tình trạng thiếu nhiên liệu bắt nguồn từ cuộc xung đột của Nga ở Ukraine.

Trong khi lạm phát ở Argentina đang đạt mức 70%, các chuyên gia cho rằng nó có thể lên tới 90% vào cuối năm nay.

Lạm phát phi mã đã tạo điều kiện cho một trong những vấn đề chính mà nông dân đang gặp phải với chính phủ của họ, đó là thanh toán. Do khấu trừ thuế cao và tỷ giá hối đoái thấp, các nhà sản xuất nhận được ít hơn mức 39% giá quốc tế cho vụ mùa xuất cảng của họ.

Cây đậu nành biến đổi gene được nhìn thấy trên một cánh đồng gần thành phố Santa Fe, cách Buenos Aires, Argentina khoảng 300 dặm về phía tây bắc. (Ảnh: Juan Mabromata/AFP/Getty)

Nhà phân tích Juan Carlos Lascurain, Giám đốc điều hành của Grosvenor Square Consulting Group chuyên về các chính sách kinh tế ở Mỹ Châu, nói với The Epoch Times: “Trong số 100 USD được tạo ra từ một trang trại trên mỗi ha, khoảng 62 USD là để trả thuế.”

Ông giải thích cơ cấu thuế nông nghiệp do chính phủ Tổng thống Alberto Fernández thiết lập vốn có thể thu về 300 triệu USD mỗi năm, trong đó khoảng 200 triệu USD sẽ đến từ các nhà sản xuất đậu nành và 100 triệu USD còn lại từ nông dân trồng lúa mì.

Điều đó đã tạo ra một kịch bản mà người nông dân mất động cơ bán cây trồng của họ trên thị trường quốc tế, điều này cũng làm tăng giá cây trồng của họ.

Ông Lascurain nói: “Sự gia tăng này, giống như bất kỳ sự gia tăng nào khác do việc tăng thuế suất đối với các nhà sản xuất, sẽ làm tăng giá của những mặt hàng cơ bản này. Do đó, giá hàng hóa sử dụng những mặt hàng này cũng sẽ tăng lên.”

Ông cũng lưu ý rằng Argentina có thể sẽ thua canh bạc thuế về lâu về dài vì thuế sẽ khiến hàng hóa xuất cảng của nước này trở nên kém cạnh tranh hơn trên các thị trường toàn cầu. Do đó, người tiêu dùng sẽ chuyển sang các nước láng giềng như Brazil để có giá rẻ hơn.

Thuế xuất cảng đạt 33% hồi tháng Năm, gây ra một cuộc biểu tình trên toàn quốc, các cuộc chặn đường, và một đợt đóng cửa hoàn toàn ngành nông nghiệp hôm 13/07.

Nông dân cũng đã bắt đầu tích trữ cây trồng của họ để bán trong nước, thay vì xuất cảng để tránh chi phí xuất cảng gây tê liệt. Họ đang sử dụng các mặt hàng này như một quân bài mặc cả để có được các chính sách kinh tế thuận lợi hơn.

Tựu chung lại, các nhà sản xuất chỉ bán được 46% sản lượng đậu nành thu hoạch trong tháng Bảy. Để so sánh, 57% cây đậu nành được bán vào cùng giai đoạn thu hoạch trong năm 2021.

Sự thiếu hụt trong xuất cảng đậu nành, ngô, và lúa mì từ Argentina có thể dẫn đến một cú đấm khác đối với thị trường hàng hóa toàn cầu.

Ông Lascurain cho biết sự gián đoạn trong lĩnh vực nông nghiệp có thể khiến giá lúa mì tăng trở lại mức khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu.

Cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner trong ngày cuối cùng nắm quyền tại Buenos Aires hôm 09/12/2015. (Ảnh: Juan Mabromata/AFP/Getty Images)

Xuất cảng ngũ cốc của Argentina năm ngoái đạt hơn 60 triệu tấn, ngang bằng với các nhà sản xuất ngũ cốc lớn của Âu châu như Pháp.

Chủ tịch của Liên đoàn Nông thôn Argentina, ông Jorge Chemes, đã gọi cuộc biểu tình và đóng cửa của nông dân vào tháng Bảy là “tiếng kêu khóc của sự tuyệt vọng.”

Ông nói: “Không chỉ vì áp lực thuế, mà còn vì áp lực do thiếu các chính sách [hỗ trợ nông nghiệp].”

Ông cũng lưu ý về “sự không chắc chắn và không tin tưởng” tiềm ẩn đối với chính phủ của ông Fernández. Đó là bởi vì đây không phải là lần đầu tiên một chính phủ cánh tả cố gắng bắt nông dân Argentina phải trả giá cho thói quen chi tiêu quá độ của mình.

Thuế xuất cảng đối với các sản phẩm nông nghiệp đã có trong hầu hết lịch sử đương đại của Argentina.

Nhà phân tích chính trị Orlando Gutierrez-Boronat nói với The Epoch Times: “Các loại thuế này trở nên nặng nề hơn từ năm 2003 trở đi, với sự xuất hiện của ông Nestor Kirchner và bà Cristina Kirchner.”

Các nhà sản xuất chống lại chủ nghĩa Peron

Nông dân và các chế độ theo chủ nghĩa Peron trong lịch sử luôn mâu thuẫn với nhau. Những người trồng trọt cảm thấy bị thiệt hại bởi cái mà một số người gọi là chi tiêu liều lĩnh của nhà nước, và đã cáo buộc các chế độ theo chủ nghĩa Peron thiên tả — bao gồm cả chính quyền hiện tại, trong đó chính trị gia gây phân cực Cristina Kirchner là phó tổng thống — là kém hiệu quả và tham nhũng.

Tự cho mình là một “chiến binh theo chủ nghĩa Peron” và là người ủng hộ các chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa, bà Kirchner giữ chức vụ tổng thống từ năm 2007 đến năm 2015 sau khi người chồng quá cố và cựu Tổng thống Nestor Kirchner rời nhiệm sở.

Dưới những tư tưởng dân túy cánh tả của đôi vợ chồng này — được biết đến ở địa phương là chủ nghĩa Kirchner — lạm phát đã chạm mức 127% từ năm 2007 đến năm 2012.

Nông dân cũng phải gánh chịu phần lớn gánh nặng của những nỗ lực tăng thuế. Vị cựu tổng thống kiêm đương kim phó tổng thống này đã cố gắng tăng thuế xuất cảng từ 35% lên 44% trong năm 2008.

Các nhà sản xuất đã nhanh chóng phản công bằng cách đóng cửa hoàn toàn ngành nông nghiệp và phong tỏa các tuyến đường quốc lộ trên khắp đất nước, trong một nỗ lực phối hợp giữa các nhóm nông dân Liên đoàn Nông thôn Argentina, Hiệp hội Nông thôn Argentina, và Coninagro.

Nhưng có vẻ như chính phủ của ông Fernández đã không nhận được thông điệp rằng nông dân sẽ chỉ chịu đựng việc bị thúc ép đến một mức độ nhất định.

Với lạm phát leo thang và một thị trường hàng hóa biến động, rủi ro vẫn cao hơn bao giờ hết.

Nguồn ngoại tệ chính

Ngành nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng khác đối với các chính trị gia đang gặp khó khăn của Argentina: Đây là nguồn cung cấp ngoại tệ chính yếu.

Dự trữ USD của chính phủ cạn kiệt để thực hiện thanh toán trong bối cảnh tín dụng quốc tế giảm, cùng với đồng nội tệ giảm giá, đã buộc nước này phải sử dụng USD như một chiếc phao cứu sinh.

Chỉ riêng các lô hàng hạt có dầu và ngũ cốc đã tạo ra gần 33 tỷ USD trong năm ngoái (2021).

Chính phủ của ông Fernández đã yêu cầu các nhà xuất cảng và công ty chế biến cây trồng tạo ra doanh số đạt 1 tỷ USD trong tháng Tám, dựa vào nguồn tiền mặt để giúp tăng cường dự trữ của quốc gia. Tuy nhiên, ông Gutierrez-Boronat lưu ý rằng có rất ít động lực để nông dân đáp ứng yêu cầu này với tỷ giá chính thức cho đồng peso Argentina đang giảm dần.

Ông nói: “Mỗi tấn hàng xuất cảng, một nhà sản xuất Argentina nhận được 144 USD, một nhà sản xuất Uruguay nhận được 512 USD, một nhà sản xuất ở Brazil nhận được 510 USD và một nhà sản xuất ở Hoa Kỳ nhận được 530 USD.”

Việc ông Lascurain tiếp tục thúc đẩy nông dân và hạn chế việc tiếp cận với USD của họ sẽ khiến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại thêm nghiêm trọng, vì nông dân sẽ khó khăn hơn khi giao dịch hàng hóa của họ với tỷ giá đồng peso giảm mạnh.

Trong một bài diễn văn hôm 03/08, Bộ trưởng Kinh tế đương nhiệm Sergio Massa cho biết, ông dự định tập hợp các nhà xuất cảng để mang về 5 tỷ USD trong 60 ngày tới.

Cô Autumn là một phóng viên ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.

Vân Du biên dịch

Related posts