Du Uyên
Ai cũng nói là mình thích tự do nhưng có những nơi, Nữ thần Tự Do sẽ cô đơn, ra rìa.
Trong khi đó, tối 9-8 ở Việt Nam, có cô gái khỏa thân đi ngoài đường Hà Nội (cô này có bệnh về thần kinh). Trước đây, cổ cũng từng cầm di ảnh của người thân khóc lóc, chạy khắp nơi, hoặc xách xe lái lạng lách khắp đường phố. Và tất cả những lần cô này “phát bệnh” đều được quay video clip lại, đăng lên mạng, với cảnh đám đông hiếu kỳ đứng xem, chỉ trỏ ba bốn vòng trong vòng ngoài dẫn đến kẹt xe, tắc đường cho tới khi công an tới áp giải cô gái về đồn. Tôi không biết họ bu coi cái gì, có thấy thích thú sau khi coi hay không? Sao không ai “làm màu” cứu cô gái, che chắn cho cô ấy trước các camera đang chĩa vào cơ thể cổ. Sao không ai “làm màu” bằng cách xóa các video quay cảnh khỏa thân đó đi, không đăng lên mạng để cười cợt, bình phẩm.
Hoặc ở Trung Quốc, Zeng Ying – một phóng viên tự do và influencer Trung Quốc – bị toàn xã hội bắt nạt, dọa giết, bức hại công khai lẫn trên mạng, ngay cả gia đình cổ cũng phải chuyển nhà để tránh “bão” dư luận… chỉ vì cô gái này khóc, tỏ vẻ thương tiếc trong lúc đưa tin về vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng trước. Peter Yang, bạn của Zeng ở Tokyo (Nhật Bản), cho biết nhiều người tự nhận là người thân của nữ phóng viên và lan truyền thông tin sai lệch về cô. Số khác làm phiền đồng nghiệp, gọi điện đến công ty Dodoculture (trụ sở tại Tokyo) do Zeng sáng lập, thậm chí gửi vòng hoa tang lễ cho bố mẹ cô như lời đe dọa. Không cảnh sát hay người của chính quyền lẫn truyền thông nào tới “làm màu” để “giải cứu” Zeng Ying và gia đình khỏi búa dư luận. Thậm chí tài khoản cá nhân trên Weibo (mạng xã hội độc tài Trung Quốc) với hơn 2.4 triệu người theo dõi của cô cũng đã bị ngừng hoạt động vì “vi phạm luật và quy định liên quan”. Zeng cô đơn ở đất nước có hàng tỷ dân này, hoặc trong hàng tỷ người dân, chỉ có mình cô không cô đơn. Vì cô có lý tưởng riêng mình, lý tưởng đó đang được hàng tỷ người dân khác trên thế giới ủng hộ và tin theo.
“Nhiều khi muốn một mình nhưng sợ cô đơn…” Ðây là câu trích trong một bài hát “Ai chung tình được mãi” đang rất được người trẻ trong nước ưa thích, riêng câu trích này cũng được nhiều người hết trẻ trích lại để đăng lên mạng. Trong bài hát này cũng có giải thích về cô đơn “Sợ cảm giác trống vắng mỗi ngày mỗi lớn”, có lẽ là như vậy, cô đơn không phải vợ chú đơn mà là “cảm giác trống vắng” trong mỗi con người. Và cô đơn không chỉ sanh ra khi con người ta ở một mình, còn có người “cô đơn giữa đám đông” và cũng có những “đám đông cô đơn”.
Người ta giải quyết nỗi cô đơn bằng nhiều cách khác nhau, tùy theo xã hội họ thuộc về và điều kiện quanh họ. Ở Việt Nam, thứ dễ thấy nhất là những đám đông chém gió, ném gạch đá vào nhau trên mạng và những đám đông “nâng cao trình độ”, cập nhật tình hình xã hội, tranh luận mọi chuyện bằng cách chém gió phèo phèo trên bàn nhậu. Không ở đâu thấy nhiều người Việt bằng trên mạng xã hội và trong các quán nhậu. Bởi vậy, dầu chỉ có cỡ trăm triệu dân, mà Tiếng Việt lọt top 10 ngôn ngữ sử dụng nhiều lần nhất trên internet (đứng thứ 9, hơn cả ngôn ngữ Tàu), Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia tiêu thụ nhiều bia nhất thế giới (cũng đứng thứ 9).
Ða số cư dân mạng Việt sẽ biết nhậu, và đa số người Việt biết nhậu sẽ có tài khoản mạng xã hội. Vì đôi khi người ta kết bạn với nhau từ trên mạng rồi rủ nhau đi nhậu, hoặc có những người gặp nhau trên bàn nhậu xong rồi kết bạn với nhau trên cõi mạng. Nhưng cũng có khi, nhiều bợm nhậu không thích dùng internet để “chém gió”, làm “anh hùng bàn phím”. Và tương tự, có lúc, nhiều cư dân mạng không thích nhậu. Thế là, để chứng minh lời bạn tôi, họ nói xấu nhau.
Không chỉ cư dân mạng nói xấu/chỉ trích cư dân mạng, không chỉ người nhậu nói xấu/chỉ trích người nhậu, mà cư dân mạng lẫn người nhậu cũng hay nói xấu nhau. Tôi vừa thích mạng vừa thích nhậu, đọc qua thấy góc nhìn nào cũng đúng, cũng hay, nên xin trích dẫn lại.
Ðầu tiên là bài viết của Facebooker Hoàng Ngọc Diêu đang được chia sẻ rộng rãi trên cõi mạng: “Mấy bạn Úc đi Việt Nam về kể đủ thứ chuyện. Mình hỏi một đứa: “Mày đi Việt Nam, cái gì làm cho mày ngạc nhiên nhất?”
Nó trả lời không hề đắn đo: “Quán nhậu!”
Mình hỏi: “Tại sao mày ngạc nhiên chuyện quán nhậu?”
Nó nói: “Tao đi gần hết thế giới, chưa thấy có quốc gia nào nhiều quán nhậu như ở Việt Nam. Tao đi từ Hà Nội vô tới Sài Gòn, dừng lại ở Huế, Hội An, Ðà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, không có thành phố nào mà không tràn ngập quán nhậu. Ở Ireland, nơi tao sinh ra và ở Úc, quê hương thứ hai của tao, mỗi thị trấn chỉ có một cái pub và dăm ba cái club, có thị trấn không có club. Ðó là Úc và Ireland được xếp loại là dân uống rượu có tầm cỡ thế giới. Ở Việt Nam thì pub và club khắp nơi.”
Mình hỏi: “Mày nghĩ quán nhậu ở Việt Nam nhiều như vậy là không tốt?”
Nó đáp:”Tất nhiên! Một xã hội mà thanh niên và thiếu nữ không biết đi đâu, không biết làm gì khác ngoài việc đi vào quán nhậu thì đó là biểu hiện của sự bế tắc ở cấp độ từng cá nhân và nếu có vô số những đám đông với những cá nhân như vậy, đó là sự bế tắc của cả xã hội. Họ tìm đến với cồn để tạm quên những vấn đề trước mắt.”
Mình hỏi thêm: “Vậy thì mấy cái chỉ số đo lường hạnh phúc các quốc gia là sai?”
Nó nói: “Ðúng và sai. Ðúng ở chỗ, dân Việt Nam tỏ vẻ hạnh phúc khi họ ngồi trước ly bia và tạm quên những thử thách trước mắt nhưng sai ở chỗ, họ vẫn phải đối diện với những thử thách sáng hôm sau.”
Hay như Facebooker Ðoàn Phú Hòa: “Ðiều mà đa số đàn ông ở Việt Nam quan tâm nhất không phải vận mệnh đất nước mà là những bữa nhậu với bạn bè.” – Hết trích.
Và hổm tôi ngồi ở quán nhậu, cũng nghe ông kia chửi: “Bọn cư dân mạng toàn là lũ xấu tính, cái gì cũng lôi ra chửi. Mặc cũng chửi, không mặc cũng chửi. Nhậu cũng chửi, không nhậu thì chúng nói “nam vô tửu như kỳ vô phong”…”
Cách đây vài năm, ở Úc Ðại Lợi, chính quyền thành phố Melbourne đã định danh từng cái cây, tạo email cho chúng, sau đó cung cấp địa chỉ email của 70 ngàn cái cây để người dân có thể báo kịp cho chính quyền về tình trạng xấu của cây xanh (gãy, bật gốc, sâu bệnh…) dễ dàng hơn. Tuy nhiên ngay sau đó, mọi người dân ở đây không hẹn đã cùng viết tặng cây hàng ngàn bức thư tình, những câu hỏi ngớ ngẩn và đôi khi là vài dòng tâm sự mà người viết không biết bày tỏ cùng ai. Bên cạnh đó, còn có những câu hỏi rất nghiêm chỉnh và đậm tính thời sự được gửi tới địa chỉ email của những cây này. Tôi nghĩ đa số những người gửi các email cho cây cối trong câu chuyện này đều là người cô đơn, có những tâm sự không biết nói cùng ai, vì thế họ chọn gửi thư đến các email này và không mong trả lời. Nhưng không phải lá thư nào cũng bị bỏ mặc, người của chính quyền thành phố đã đại diện cho cây cối trả lời nhiều câu hỏi của người dân. Những câu chuyện dạng này thường cũng bị các cư dân mạng Việt cho là «làm màu». Vì ở Việt Nam, người dân phải kính trọng «đầy tớ nhân dân», không có chuyện hỏi khùng hỏi điên, tâm sự chuyện Ðông Tây cây cối như vầy. Như mới đây, Chủ tịch nước xin lỗi đồng bào vì lụt lội nặng nề ở thủ đô. Chỉ có điều: đó là “chủ tịch nước” của Hàn Quốc, tức là tổng thống Hàn. Chưa bao giờ có chuyện, chủ tịch nước Việt xin lỗi dân Việt vì điều gì. Vì vậy, cũng rất khó khi trách cứ người ta không chịu chọn thứ khác để bù đắp sự cô đơn ngoài việc nhậu và chém gió trên mạng, khi tự do tinh thần duy nhất của người Việt là tự do cô đơn. Chứ u uất, thất vọng, khó chịu… bậy bạ cũng dễ trở thành “phản động”.
Xin góp vui thêm câu chuyện nói xấu dân nhậu, để kết thúc bài viết:
Ba ông Sing, Thái và Việt khoe tài xây dựng.
Ông Thái: Ðầu năm chúng tôi khởi công xây cầu thì cuối năm thông xe.
Ông Sing: Ðầu tháng chúng tôi bắt đầu xây bệnh viện thì cuối tháng đón bệnh nhân.
Ông Việt: Lúc 8h chúng tôi bắt đầu xây nhà máy bia thì 9h là cả lũ say bí tỉ rồi.
Du Uyên