Bật kênh Phong “bụi” mà nghe đi…

Lê Huyền Ái Mỹ

22-8-2022

Cách đây mấy năm, tôi có coi một bộ phim tài liệu VTV đặc biệt đặc tả về số phận của những lao động Việt Nam ở Đài Bắc, hơn cả sự ám ảnh khi ống kính trần thuật những cuộc trốn chạy của người Việt vào tạm lánh trong rừng mỗi khi hay tin sắp có đợt kiểm tra của nhà chức trách; những bữa ăn với tô mì gói dưới “ngọn đèn” phát ra từ màn hình điện thoại để tránh bị phát hiện; và trong số ấy có cả cuộc tháo chạy để rồi kết cuộc, ngày trở về lại vỏn vẹn trong chiếc ba lô và di ảnh.

Những tưởng điều ấy sẽ bớt dần đi những bi thảm.

Thì mấy hôm nay, lần theo Phong “bụi” – chàng phóng viên của Người lao động năm nào, rồi đến Phụ Nữ năm ấy dụ mãi vẫn không được – và những cuộc truy tìm để giải cứu, để chuộc người từ “địa ngục trần gian” bên xứ Cam, nhiều đoạn, tôi phải nghe lại lời kể của nạn nhân như để xác tín một lần nữa những đọa đày, những kiếp nạn của những lao động Việt bên kia biên giới.

Họ bị lừa qua bạn bè, qua lời rao tuyển trên mạng xã hội, qua công ty môi giới, đến Campuchia thay vì làm việc bán hàng trên mạng, lương cao thì đó là trò lừa đảo qua mạng, nếu không đạt doanh thu thì bị bỏ đói, bị đánh đập, bị bán lại cho một nơi khác… Mấy chục con người đi làm thợ hồ về, sau bữa cơm với mỗi món canh, tỉnh dậy thì mỗi người một nơi, họ bị đánh thuốc mê và đưa đến từng nơi riêng lẻ. Có người không chịu nổi, trốn, chúng bắt được, lôi lên tầng cao đánh, thả xác xuống, mấy hôm sau báo là tự tử. Một nạn nhân tên Thùy ngồi kể với Phong về cái chết của người bạn tên Hoàng, khi biết bị lừa bán, gia cảnh nghèo, không có nổi tiền chuộc, cùng cực, Hoàng nhảy lầu. Thùy ôm xác bạn, ngày được Phong đi chuộc, Thùy mặc nguyên bộ đồ của Hoàng, “em không mang được xác bạn thì mang chút linh hồn của Hoàng về tới quê nhà”…

Họ đa phần đều túng bấn, chỉ là kiếm đường mưu sinh. Có người cha tìm đường đi bán thận để chữa bệnh cho con nhưng bị lừa.

Đường lừa cũng năm ba bảy ngõ, tưởng chỉ Tây Ninh lần sang, giờ cả Long An, An Giang, dưới nhiều vỏ bọc khác.

Trên đất Cam, lại là mấy thằng quản lý người Tàu, lao động Việt oằn mình dưới tay chúng.

Họ có người liều mình trốn thoát, có người trốn nhưng không thoát, có người được chuộc, được giải cứu, có người nằm lại phía bên kia… Cách đất nước mình có mấy bàn chân. Sao lại để dân tình lâm thảm nạn.

Không dưng, cứ trào lên những vết gợn, cứ cào lấy những phẫn uất, những cuộc ly hương, những trào di dân, ở đâu ra “lạc nghiệp” trên từng vùng đất mấy đời họ đã từng “an cư”? Nghĩ dại, cứ gia công đi, cứ phế phẩm cũng được, miễn họ có được chừng ấy công việc đủ sống…cận nghèo, nghèo mà không phải cùng đường bán mạng. Hoặc, thấy thảm cảnh kia mà còn có đường lùi, trở về.

Không dưng, tức giận và khinh bỉ những phát ngôn, tuyên xưng lồng lộng, để bỏ mặc những bàn chân trốn chạy hãi hùng, những cái chết bơ vơ. Một sinh mạng là một thần dân của các ngài cả đấy, “dám mong (các) bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm nuôi muôn dân khiến cho thôn cùng xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu…”…

Trong mấy vạn con người nằm xuống trong đại dịch, ai thay họ để gánh tiếp cuộc mưu sinh? Trong hàng ngàn lượt người và xe trốn chạy khỏi Sài Gòn những ngày bạo bệnh, họ đã quay lại hay chưa và đã sống tiếp, làm gì ra sao?

Liệu những hô hào bóng loáng đằng sau cuộc cách mạng “chuyển đổi số” kia, có chuyển nổi những số phận người lao động, để duy nhứt một điều hãy làm cho họ: công ăn việc làm. Nếu chưa thể, các ngài hãy bật kênh của Phong “bụi” và xem đi, nghe đi

Related posts