Châu Âu đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm
Châu Âu đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 500 năm, thời tiết khô nóng dẫn đến cháy rừng, làm giảm năng suất cây trồng và giảm sản lượng điện, theo phân tích sơ bộ từ Trung tâm Nghiên cứu Chung (JRC) của Liên minh châu Âu. Ngay cả đến sông Po ở miền Bắc nước Ý được ví như “vua của các con sông” và là nguồn nước quan trọng đối với nền nông nghiệp nước này, nay cũng ‘trơ đáy’.
Theo các nhà khoa học, đợt hạn hán năm 2022 có thể là nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong 500 năm qua. Hạn hán gây ra nhiều tác động khác như làm gián đoạn việc vận chuyển than ở Đức trong bối cảnh nước này mở rộng nguồn nhiên liệu thay thế cho khí đốt từ Nga.
Theo báo cáo mới nhất của Đài Quan sát Hạn hán Toàn cầu thuộc Liên minh châu Âu (EU-GDO), 47% diện tích lục địa đang trong tình trạng báo động do độ ẩm của đất bị giảm sút, 17% lục địa trong tình trạng báo động do thảm thực vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng cộng, khoảng 64% diện tích EU đang trong tình trạng báo động vì hạn hán.
Cũng theo GDO, từ ngày 20 cho đến ngày 30/06, hơn một nửa lãnh thổ của châu Âu và Vương Quốc Anh trong tình trạng ‘‘có nguy cơ’’ khô hạn với 51%, 44% nằm trong diện ‘‘cảnh báo’’ và 9% ở mức ‘‘báo động’’, tức mức cao nhất, theo GDO.
Mức độ cảnh báo đầu tiên là thiếu mưa: chẳng hạn như trời không đủ mưa ở miền trung nước Ý và ở vùng Campania, miền nam nước Ý.
Mức độ cảnh báo thứ hai là đất thiếu độ ẩm. Gần như toàn bộ châu Âu bị ảnh hưởng, đặc biệt là Thụy Điển, Ba Lan, Rumani, nửa phía bắc của nước Ý và Đức, Bồ Đào Nha hoặc Anh Quốc.
Mức báo động tối đa là “căng thẳng thực vật”. Báo động được đưa ra khi đất bị thiếu độ ẩm và thảm thực vật bị thâm hụt.
Nhiệt độ kỷ lục ở châu Âu trong mùa hè này đã làm gián đoạn giao thông vận tải, hàng nghìn người phải di dời và dẫn đến hàng trăm người chết vì nắng nóng. Nắng nóng cũng đã làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng, có sức tàn phá nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây, theo đài CNBC.
“Sự kết hợp giữa hạn hán nghiêm trọng và các đợt nắng nóng đã tạo ra một căng thẳng chưa từng có đối với mực nước trong toàn EU”, Ủy viên Đổi mới Châu Âu Mariya Gabriel cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi hiện đang nhận thấy một mùa cháy rừng cao hơn mức trung bình, có tác động nghiêm trọng đến sản xuất cây trồng”.
Báo cáo cho biết: “Tình trạng hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều khu vực của châu Âu kể từ đầu năm nay đã tiếp tục mở rộng và trở nên tồi tệ hơn kể từ đầu tháng 8”, đồng thời cho biết thêm rằng khu vực Tây Âu-Địa Trung Hải có thể sẽ trải qua thời tiết ấm hơn và khô hơn so với điều kiện bình thường cho đến khi tháng 11.
Các khu vực của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Croatia có thể tiếp tục trải qua điều kiện thời tiết “khô hơn so với bình thường”, trong khi thời tiết khô hạn ở dãy Alps có khả năng giảm bớt.
Báo cáo tiếp tục duy trì cảnh báo được đưa ra trước đó rằng gần 50% lãnh thổ EU có nguy cơ bị hạn hán. GDO cũng lưu ý rằng các con sông nhỏ và nguồn nước bị thu hẹp đang ảnh hưởng đến việc sản xuất năng lượng tại các nhà máy điện cũng như các vụ mùa.
Các nước châu Âu đã phải đối mặt với mùa hè nóng bức và khô hạn kỷ lục, trong đó miền Bắc nước Ý trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua khiến sông Po, được ví như “vua của các con sông” và là nguồn nước quan trọng đối với nền nông nghiệp nước này nay cũng đã “trơ đáy”.
Nước Pháp bị tàn phá vì những trận cháy rừng diện rộng và lòng sông Loire khô cằn đến mức có thể đi bộ qua. Trong khi đó, mực nước sông Rhine ở Đức giảm mạnh làm tê liệt các hoạt động thương mại thiết yếu và thuyền bè bị mắc cạn.
Các khu vực hứng chịu những đợt mưa bất thường trong 3 tháng qua bao gồm các vùng của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, miền nam nước Pháp, miền Trung nước Italy, Thụy Sĩ, miền Nam nước Đức và phần lớn lãnh thổ Ukraine.
GDO cũng cho biết lượng mưa bình thường sẽ được ghi nhận tại các khu vực của châu Âu trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 song “có thể không đủ để phục hồi hoàn toàn từ mức thất thoát tích lũy trong hơn nửa năm nay”.
Căng thẳng về nước và nhiệt đã làm giảm năng suất vụ mùa năm 2022 của châu Âu, với dự báo đối với ngô ngũ cốc, đậu tương và hoa hướng dương lần lượt thấp hơn 16%, 15% và 12% so với mức trung bình của 5 năm trước.
Việc thiếu lượng mưa cũng đã ảnh hưởng đến việc xả thải của các con sông trên khắp châu Âu. Lượng nước giảm đã ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng đối với sản xuất thủy điện và hệ thống làm mát của các nhà máy điện khác.
Báo cáo cho biết nguy cơ hạn hán đang gia tăng đáng kể nhất là ở Bỉ, Pháp, Đức, Hungary, Ý, Luxembourg, Moldova, Hà Lan, bắc Serbia, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha, Ukraine và Anh.
GDO cho biết lượng mưa vào giữa tháng 8 có thể làm giảm bớt các điều kiện khô hạn, nhưng trong một số trường hợp, nó có kèm theo giông bão gây ra thiệt hại thêm.
Chỉ số hạn hán của đài quan sát được lấy từ các phép đo lượng mưa, độ ẩm của đất và phần bức xạ mặt trời được thực vật hấp thụ để quang hợp.
Huyền Anh
Ảnh Trung Quốc chụp quân đội Đài Loan bằng UAV là có thật
Quân đội Đài Loan hôm thứ Tư (24/8) cho biết một bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy binh sĩ Đài Loan đang nhìn lên một máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc là có thực. Tuy nhiên, hình ảnh thực sự được chụp ở khoảng cách xa hơn nhiều so với ảnh được công bố và không xâm nhập vào không phận Đài Loan, theo Taiwannews.
Trong những ngày gần đây, một bức ảnh đã xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy hai binh sĩ Đài Loan đang nhìn chằm chằm vào một máy bay không người lái của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có vẻ là ở “tầm gần”.
Hôm thứ Ba (23/8), Bộ Chỉ huy Phòng thủ Kim Môn đã đưa ra một tuyên bố, trong đó họ thông báo rằng Tiểu đoàn Đồn trú Liệt Tự (Lieyu) đã phát hiện ra một vật thể giống như “máy bay không người lái dân sự” bay trên không vào lúc 6 giờ chiều ngày 16/8.
Theo Taiwan News, quân đội Đài Loan hôm 24/8 xác nhận bức ảnh này là có thật.
Bức ảnh chụp khá cận cảnh, khiến người xem có cảm giác vật thể ở rất gần với những người lính Đài Loan. Điều này làm dấy lên những đồn đoán, cho rằng Trung Quốc đã có thể xâm nhập vào Đài Loan ở khoảng cách gần như vậy.
Tuy nhiên, quân đội Đài Loan cho biết bức ảnh được chụp từ khoảng cách xa và không xâm nhập vào không phận của Đài Loan.
Những người lính canh Đài Loan đã tuân theo quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) và đã yêu cầu máy bay rời đi. Thông báo cho biết, “máy bay không người lái đã nhanh chóng bay đi”.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết các cơ sở, vị trí quan trọng đã được che đậy. Thông báo nhấn mạnh rằng, nếu xảy ra trường hợp khẩn cấp, thì quân đội sẽ xử lý theo các điều khoản sẵn sàng chiến đấu.
Một phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Quốc phòng Kim Môn hôm 24/8 nói với Taiwan News rằng máy bay không người lái chụp bức ảnh đó thực sự là máy bay dân sự. Nó bay trên vùng biển ngoài khơi thị trấn Liệt Tự, nhưng không đi vào không phận của Đài Loan.
Quan chức này nhấn mạnh rằng: Như có thể thấy trong bức ảnh, một trong những người lính đang cầm máy ảnh trên tay để chụp hình chiếc máy bay không người lái. Điều đó cũng phù hợp với quy trình tiêu chuẩn trong tình huống như vậy.
Vị đại diện này nhấn mạnh do UAV vẫn ở ngoài khơi, nên quân đội Đài Loan chỉ phát ra cảnh báo vô tuyến. Ông nói rằng quân đội không bắn pháo sáng vì UAV không xâm nhập vào không phận của Đài Loan.
Ông cho biết máy bay không người lái Trung Quốc ở độ cao khoảng 1.000 mét và đã chụp ảnh những người lính Đài Loan bằng một ống kính tele đặc biệt. Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng các binh sĩ Đài Loan được bố trí đặc biệt để theo dõi các máy bay của quân đội Trung Quốc trong khu vực, và do đó UVA đã không tiếp cận được một căn cứ quân sự lớn.
Lam Giang
Du khách Nga vô tình tiết lộ hệ thống phòng không S400 ở Crimea, Ukraine gửi lời cảm ơn
Một du khách Nga đã chụp ảnh trên bán đảo Crimea, nhưng vô tình làm lộ diện hệ thống phòng không S-400 do quân đội Nga triển khai trên bán đảo này. Phản ứng trước điều này, quân đội Ukraine đã hài hước bày tỏ lòng biết ơn và kêu gọi du khách hãy ‘tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp’ như vậy.
Theo tờ The EurAsian Times (Thời báo Châu Á) ngày 24/8 đưa tin, trong những tuần gần đây, Ukraine đã tăng cường tấn công vào Crimea do Nga chiếm đóng. Vào đầu tháng 8, quân đội Ukraine đã tấn công căn cứ không quân địa phương Saki bằng tên lửa, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các thiết bị quân sự và cơ sở hạ tầng của Nga, trong đó có ít nhất 9 máy bay quân sự.
Các vụ nổ đã khiến đám đông du khách Nga và cư dân địa phương hoảng sợ, khiến hàng nghìn người đã phải tháo chạy khỏi Crimea.
Quân đội Nga được cho là đã triển khai hệ thống phòng không S-400 tại Crimea để đánh chặn tên lửa của quân đội Ukraine. Nhưng một du khách Nga đã vô tình giúp quân đội Ukraine tìm ra vị trí của hệ thống phòng không S-400.
Một du khách Nga mặc quần bơi chụp ảnh gần hệ thống phòng không S-400, hình ảnh ngay lập tức được lan truyền trên mạng. Quân đội Ukraine không chỉ đăng lại bức ảnh trên mạng xã hội mà còn hài hước bày tỏ lòng biết ơn đối với vị du khách này.
Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 22/8 đăng dòng tweet: “Có lẽ chúng tôi đã quá khắt khe với du khách Nga rồi… Đôi khi họ thực sự hữu ích, ví như vị du khách này đã chụp ảnh các vị trí phòng không gần Yevpatoria, ở Crimea. Cảm ơn ông và mong ông hãy tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp!”.
Bức ảnh được cho là đã làm lộ diện ít nhất hai đơn vị phòng không S-400 của Nga, giúp Ukraine tiếp cận với các thông tin tình báo liên quan.
Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và gửi quân đến đó, đồng thời tuyên bố bán đảo này là một phần lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết tại “Diễn đàn Crimea” vào ngày 23/8 năm nay rằng, “Chúng tôi sẽ lấy lại Crimea, vốn là lãnh thổ của chúng tôi”.
Ông Zelensky cho biết việc giành lại quyền kiểm soát Crimea sẽ là động thái phản chiến lớn nhất. “Mọi thứ bắt đầu và kết thúc ở Crimea”.
Hệ thống phòng thủ của Nga
Sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết rằng khu vực này sẽ luôn là một phần của Nga. Tuy nhiên, các cuộc xâm nhập và tấn công bằng máy bay không người lái gần đây đã cho thấy hệ thống phòng thủ của Nga trong khu vực bị phơi bày như thế nào.
Sự chuẩn bị của Moscow trong nỗ lực tiến sâu hơn vào miền nam Ukraine cũng đã vấp phải các cuộc tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ do Nga chiếm đóng, đặc biệt là vào trụ sở của Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol. Vào tháng 4, năng lực của Hạm đội Biển Đen đã bị suy giảm đáng kể sau khi mất đi soái hạm của mình, Moskva.
Những cuộc tấn công này có thể buộc Moscow phải xem xét lại chiến lược tổng thể của mình. Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố vào ngày 16/8 rằng các con tàu của hạm đội tiếp tục “theo đuổi một vị thế phòng thủ, với các cuộc tuần tra thường chỉ giới hạn ở vùng biển trong tầm nhìn của bờ biển Crimea”.
Bất chấp việc hạm đội liên tục sử dụng tên lửa tầm xa chống lại các mục tiêu Ukraine, bộ này nói rằng “hiệu quả hạn chế của hạm đội làm suy yếu chiến lược xâm lược tổng thể của Nga” một phần vì “mối đe dọa đổ bộ đối với Odessa hiện đã bị vô hiệu hóa phần lớn”, cho phép Ukraine di dời quân đội của mình đi nơi khác.
Theo các cơ quan tình báo Ukraine, các cuộc tấn công của Kyiv cũng buộc Nga phải di dời ít nhất 24 máy bay phản lực và 14 máy bay trực thăng trở lại Nga hoặc các địa điểm xa hơn bên trong Crimea để bảo vệ những tài sản này.
Bằng cách di dời các nguồn lực như vậy, Nga sẽ gặp nhiều khó khăn khi sử dụng phần cứng để hỗ trợ quân đội của mình ở Ukraine.
Trong khi đó, các chuyên gia tin rằng mục tiêu chính của Ukraine không phải là tái chiếm Crimea mà là cản trở khả năng tiến công của Nga ở phía nam và phía đông Ukraine, nơi Kyiv đang cố gắng giành lại lãnh thổ.
Hơn nữa, theo các chuyên gia phân tích quân sự, các cuộc tấn công cho thấy Ukraine đang tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của hệ thống phòng không Nga và giờ đây có thể sử dụng thông tin tình báo và vũ khí do các quốc gia phương Tây cung cấp một cách hiệu quả.
Những sự kiện gần đây cũng đã ảnh hưởng đến an ninh và tinh thần của người Nga sống ở Crimea. Hàng nghìn dân thường, nhiều khách du lịch, dường như đã sơ tán khỏi bán đảo sau vụ nổ tại căn cứ không quân Saki.
Tầm quan trọng của Crimea
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga và Ukraine đã có nhiều phen đụng độ về Crimea. Các bến cảng tự nhiên của Biển Đen ở Crimea đã được Hải quân Nga công nhận là một lợi thế quân sự quan trọng dưới thời Peter đại đế I.
Crimea là một phần của Nga trong suốt thời kỳ Xô viết cho đến khi nó được trao cho Ukraine bởi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev vào năm 1954. Khi Liên Xô tan rã, biên giới của các quốc gia mới giống hệt với biên giới của các nước Cộng hòa Xô viết trước đó, vì vậy Crimea tiếp tục là một phần của Ukraine.
Tuy nhiên, đã có sự bất mãn ngay lập tức và sâu sắc ở Nga. Điều này chủ yếu là do ý nghĩa chiến lược của khu vực và 60% dân số sắc tộc Nga trên bán đảo Crimea.
Trong Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, trong số các bên ký kết, Nga và Hoa Kỳ đã hứa hẹn về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine để đổi lấy việc loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi quốc gia đó.
Năm 2013, Nga đã cố gắng kiểm soát gián tiếp Ukraine bằng cách duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Ukraine khi đó, Viktor Fedorovych Yanukovych.
Tuy nhiên, sau các cuộc biểu tình lớn trên đường phố Maidan ở Kyiv vào năm 2013 và từ bỏ ý định tiến gần hơn đến EU, ông Yanukovych đã bị quốc hội lật đổ và buộc phải chạy trốn.
Năm 2014, Nga sáp nhập Crimea sau khi triển khai binh lính đến khu vực, dàn dựng một cuộc đảo chính của quốc hội và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times