Tin thế giới trưa thứ Năm

Forbes liệt kê 5 tổn thất về khí tài quân sự lớn nhất của ông Putin ở Ukraine

Theo tính toán của Forbes, 5 tổn thất quân sự lớn nhất nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến đang diễn ra với Ukraine có tổng trị giá hơn 1 tỷ USD.

Tính toán đã xác định những tổn thất nặng nề nhất của quân đội Nga, bao gồm việc tàu chiến Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga, trị giá 750 triệu USD, bị chìm hồi tháng 4. Ukraine nói rằng họ đã tấn công và đánh chìm con tàu, mặc dù Nga nói rằng đó là do một vụ hỏa hoạn trên tàu.

Ngoài tàu Moskva, 4 thiệt hại lớn nhất khác của Nga về khí tài quân sự bao gồm:

– Máy bay Il-76 trị giá 86 triệu USD;

– Tàu tấn công đổ bộ Saratov 75 triệu USD;

– Máy bay Su-30SM 50 triệu USD; và

– Máy bay Su-34 trị giá 40 triệu USD.

Forbes tính toán rằng từ thời điểm bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24 tháng 2 đến thời điểm kéo dài 6 tháng vào ngày 24 tháng 8, Nga đã mất 12.142 thiết bị trị giá 16,56 tỷ USD. Con số này chưa bao gồm tên lửa của Nga.

Báo cáo: Các vụ nổ ở Crimea đã phá hủy hơn một nửa số máy bay của Nga tại Biển Đen

Lễ kỷ niệm sáu tháng bắt đầu cuộc chiến thứ Tư, cũng rơi vào Ngày Độc lập của Ukraine, là một cột mốc đáng chú ý trong cuộc chiến mà một số từng người tin rằng sẽ dẫn đến chiến thắng nhanh chóng của Nga.

Tuy vậy, Ukraine đã tận dụng vũ khí do phương Tây cung cấp, bao gồm Hệ thống Tên lửa Cơ động Cao (HIMARS) của Mỹ trong những tuần gần đây, để thực hiện các cuộc tấn công thành công nhằm vào các mục tiêu của Nga.

Trong khi Ukraine giành điểm ở những cuộc phản công này, Moscow bị cho là đã ra lệnh để lấp đầy các vị trí còn trống trong hàng ngũ của mình một cách cưỡng ép, đồng thời đưa ra các ưu đãi bằng tiền mặt cho đội quân hiện tại để thúc đẩy họ chiến đấu.

Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Barry McCaffrey hôm thứ Hai đã tweet rằng ông Putin “đã cạn ý tưởng” và sẽ thấy mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhanh chóng trong cuộc chiến. Ông cũng nói rằng quân đội của Putin “hoạt động trong cái hộp” và nhìn chung tất cả “có những dấu hiệu căng thẳng nghiêm trọng do tổn thất quân sự và sự cô lập về kinh tế ngày càng tăng.”

Ngược lại với đánh giá của ông McCaffrey, Nga tiếp tục bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng thành công trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình. Ivan Nechayev, Phó Cục trưởng Cục Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao Nga, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Năm tuần trước rằng các mục tiêu của đất nước ở Ukraine sẽ đạt được.

Ông nói: “Chỉ khi [các mục tiêu của Nga] đạt được, thì mới có thể đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.”

Hiện chưa rõ thiệt hại về thiết bị của Ukraine trong cuộc chiến so với Nga là bao nhiêu. Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội cho biết trong một báo cáo vào cuối tháng 6 rằng Chuẩn tướng Ukraine Volodymyr Karpenko đã ước tính một số đơn vị thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine đã bị thiệt hại tới một nửa số trang thiết bị của họ.

Lê Vy (theo Newsweek)

NASA sẵn sàng cho sứ mệnh sớm đưa con người quay trở lại Mặt Trăng

Tên lửa SLS đặt tại Trung tâm Không gian Kennedy ở Florida, Mỹ trong một cuộc thử nghiệm hồi tháng 6 vừa qua. (Ảnh: NASA)

Khoảng nửa thế kỷ sau khi kết thúc “kỷ nguyên Apollo” của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) với 6 lần đưa con người lên Mặt Trăng, tổ chức này đặt mục tiêu đưa con người trở lại Mặt Trăng một lần nữa với kế hoạch phóng thử tên lửa thế hệ mới và tàu vũ trụ Orion được thiết kế dành cho các phi hành đoàn, tại Florida vào ngày 29/8 tới đây, theo tờ Space.

Cụ thể, vụ phóng tàu vũ trụ Orion bằng tên lửa cực mạnh mang tên Hệ thống Phóng Không gian (SLS) dự kiến sẽ được thực hiện từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở mũi Canaveral thuộc bang Florida với sứ mệnh thử nghiệm có tên gọi Artemis I, theo đó đưa khoang tàu không có phi hành đoàn bay xung quanh Mặt Trăng và trở lại Trái Đất trong vòng 6 tuần. Vụ phóng này sẽ là bài thử nghiệm nghiêm ngặt trên thực tế đối với SLS trước khi loại tên lửa này được đánh giá là sẵn sàng đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng.

Phát biểu tại cuộc họp báo tối 22/8, Giám đốc trung tâm vũ trụ Kennedy, ông Robert Cabana, cho biết rằng trung tâm này đã sẵn sàng tiến hành vụ phóng với SLS, được đánh giá là loại lửa đẩy mạnh nhất và có cấu tạo phức tạp nhất thế giới hiện nay.

Được biết, SLS cao 98 m, là một hệ thống phóng thẳng đứng mới và lớn nhất của NASA được lắp ráp kể từ sau khi tên lửa đẩy Saturn V được sử dụng trong các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng Apollo của cơ quan này vào giai đoạn 1969-1972. Theo ước tính, NASA đã phải chi ít nhất 37 tỷ USD cho thiết kế, lắp ráp, thử nghiệm và các hệ thống vận hành dưới mặt đất liên quan tới tàu vũ trụ Orion và tên lửa SLS trong hơn một thập kỷ qua.

Phan Anh

Sergei Shoigu: Nga đã “chủ ý” tiến chậm ở Ukraine để cứu dân thường

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm thứ Tư (24/8) cho biết quốc gia của ông đã cố tình giảm tốc các cuộc tấn công chống lại Ukraine vì để tránh xảy ra thêm thương vong cho dân thường.

“Tất nhiên điều này làm chậm nhịp độ của cuộc tấn công,” ông Shoigu nói.

Bình luận của quan chức đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga được đưa ra trước các Bộ trưởng quốc phòng khác trong cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc tổ chức ở Uzbekistan, tờ The Moscow Times đưa tin. Ông Shoigu nói thêm rằng Nga tuân thủ nghiêm ngặt “các quy tắc của luật nhân đạo.”

Tuyên bố của ông được đưa ra trong bối cảnh các lực lượng Nga đang vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ quân đội Ukraine. Nga cũng không có thêm chiến thắng quân sự lớn nào thời gian gần đây.

Theo Lầu Năm Góc, số thương vong của Nga, bao gồm số người bị thương và số người chết, được ước tính vào khoảng từ 70.000 đến 80.000 người.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) đã ghi nhận, tính đến ngày 21/8, có 13.477 thương vong dân thường ở Ukraine, gồm 5.587 người chết và 7.890 người bị thương.

Con số trên bao gồm 7.620 người thương vong (3.317 người thiệt mạng, 4.303 người bị thương) tại các khu vực Donetsk và Luhansk và 1.475 người (302 người thiệt mạng, 1.173 người bị thương) trên lãnh thổ do Nga kiểm soát.

“Hầu hết các thương vong dân sự được ghi nhận là do sử dụng vũ khí nổ có tầm ảnh hưởng trên diện rộng, bao gồm pháo kích từ pháo hạng nặng, các hệ thống tên lửa phóng, tên lửa và các cuộc không kích”, OHCHR báo cáo và cho biết thêm rằng số liệu thực tế có thể “cao hơn đáng kể.”

Theo báo cáo của tờ New Voice of Ukraine, ông Shoigu lặp lại một cách sai lầm rằng việc Nga xâm lược Ukraine là “cần thiết” do “các mối đe dọa thực sự từ Kyiv đối với cư dân của Donbass”, trong khi không đề cập đến việc sáp nhập phi pháp Crimea vào năm 2014 và ảnh hưởng của nó trong 8 năm qua đối với cư dân Donbass.

Ông Shoigu cũng cáo buộc rằng Ukraine đã từ chối tuân thủ các thỏa thuận Minsk, gây ra mối đe dọa cho cư dân ở khu vực Donbass và Nga.

Nga và Ukraine đã chốt các thỏa thuận tại thủ đô Minsk của Belarus vào năm 2015, bao gồm các biện pháp như ngừng bắn, thả tù nhân chiến tranh, loại bỏ vũ khí hạng nặng trên tiền tuyến và khôi phục biên giới Ukraine trong khi chấp thuận quyền tự quản của họ trong các khu vực của Donbass.

Chỉ vài ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các thỏa thuận Minsk “không tồn tại”, đồng thời nói thêm rằng Nga không có động cơ thực hiện chúng nếu quốc gia của ông công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk.

Ông Shoigu gần đây đã ca ngợi quan hệ đối tác với các “quốc gia thân thiện” như Burundi, Cộng hòa Guinea, Cameroon, Mali, Sudan, Uganda, Chad, Ethiopia và Cộng hòa Nam Phi khi được hỏi liệu Nga có đang tự cô lập mình trên phạm vi toàn cầu hay không.

Ông cũng tuyên bố rằng Nga đang bảo vệ thế giới khỏi một cuộc tấn công hạt nhân của Ukraine chứ không phải ngược lại.

“Từ quan điểm quân sự, không cần thiết phải sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine để đạt được mục tiêu của chúng tôi”, ông Shoigu nói. “Nhiệm vụ chính của lực lượng hạt nhân Nga là cung cấp khả năng răn đe chống lại một cuộc tấn công hạt nhân.”

Nhật Minh (theo Newsweek)

Du khách chưa tiêm vắc-xin đầy đủ sẽ không cần cách ly khi nhập cảnh Singapore

Từ ngày 29/8 tới đây, những du khách chưa tiêm vắc-xin đầy đủ sẽ không còn phải thực hiện việc cách ly 7 ngày tại nơi ở khi đến Singapore. Tuy nhiên, họ vẫn phải xuất trình kết quả âm tính với COVID-19 bằng phương pháp PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) trong vòng 2 ngày trước khi nhập cảnh và vẫn phải mua bảo hiểm du lịch COVID-19.

Khách du lịch được coi là đã tiêm vắc-xin đầy đủ nếu họ đã tiêm đầy đủ các loại vắc-xin được phê duyệt.

Trước đó, kể từ ngày 1/4, những khách du lịch đã tiêm chủng đầy đủ có thể nhập cảnh vào Singapore mà không cần phải thực hiện việc cách ly 7 ngày tại nơi ở sau khi đến nước này. Họ phải xuất trình bằng chứng về việc đã tiêm phòng bằng tiếng Anh hoặc tài liệu đã dịch sang tiếng Anh, trong đó có các chi tiết nhận dạng cá nhân trùng khớp với thông tin trên hộ chiếu của họ.

Tại cuộc họp báo của Lực lượng đặc trách ứng phó với COVID-19 ngày 24/8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong cho biết kể từ ngày 29/8, người dân sẽ không phải đeo khẩu trang tại hầu hết các điểm trong nhà. Đeo khẩu trang sẽ chỉ bắt buộc trong 2 lĩnh vực là các cơ sở y tế, khu dưỡng lão và trên các phương tiện công cộng.

Trong động thái liên quan, Hãng hàng không Singapore (SIA) cùng ngày cho biết đã cập nhật chính sách theo hướng dẫn của chính phủ và sẽ không yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang trên các chuyến bay của SIA kể từ ngày 29/8, trừ các chuyến bay đến và từ các quốc gia vẫn bắt buộc đeo khẩu trang. Đồng thời, quy định đeo khẩu trang tại sân bay Changi cũng sẽ chính thức được bãi bỏ.

Phan Anh

Người đàn ông Ý đầu tiên trên thế giới được chẩn đoán nhiễm COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ và AIDS cùng lúc

Một người đàn ông Ý đã trở thành trường hợp đồng nhiễm SARS-CoV-2, bệnh đậu khỉ và HIV đầu tiên trên thế giới. Hình ảnh dưới kính hiển vi về virus đậu mùa khỉ (Ảnh: Smith Collection / Gado / Getty Images)

Trong khi đại dịch toàn cầu COVID-19 vẫn chưa kết thúc, bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách Các trường hợp Khẩn cấp Y tế Công cộng (PHEIC). Giờ đây, một người đàn ông Ý đã trở thành trường hợp đầu tiên trên thế giới được chẩn đoán nhiễm COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ và bệnh AIDS cùng một lúc.

Một người đàn ông Ý 36 tuổi đã ở lại Tây Ban Nha trong 5 ngày từ ngày 16/6 đến ngày 20/6, tạp chí y học Anh Journal of Infection trích dẫn các báo cáo về trường hợp này. Trong thời gian này, người đàn ông có quan hệ tình dục với nhiều người đàn ông khác mà không áp dụng các biện pháp bảo vệ.

Sau khi trở về Ý, anh bị sốt (39°C) kèm theo các triệu chứng như đau họng, mệt mỏi, đau đầu và sưng hạch bạch huyết ở đùi bên phải. Vào ngày 02/7, người đàn ông có kết quả dương tính với COVID-19. Chiều cùng ngày, trên cánh tay trái bắt đầu nổi mẩn đỏ. Vào ngày 03/7, các mụn nước nhỏ gây đau đớn bao quanh các vết phát ban đỏ xuất hiện ở chân, tay và mặt.

Vào ngày 06/7, người đàn ông này chính thức được chẩn đoán là một bệnh nhân nhiễm COVID-19 (trong đó virus SARS-CoV-2 là một chủng biến thể của Omicron BA.5.1) và virus đậu mùa khỉ cùng lúc. Virus đậu mùa khỉ là một nhánh virus có nguồn gốc từ Tây Phi, cũng là virus đột biến gây ra dịch đậu mùa khỉ ở Tây Ban Nha.

Hồ sơ bệnh án cũng cho biết, khi nhập viện điều trị, người đàn ông Ý thừa nhận rằng anh đã được điều trị bệnh giang mai vào năm 2019. Vào tháng 9/2021, anh làm xét nghiệm HIV, cho kết quả là âm tính. Anh mắc chứng rối loạn lưỡng cực và thường xuyên phải uống 200 mg Carbamazepine (thuốc chống co giật) mỗi ngày.

Vào tháng 12/2021, người đàn ông này đã tiêm hai liều vaccine mRNA BNT162b2 do Pfizer sản xuất. Tuy nhiên, anh được chẩn đoán nhiễm COVID-19 vào tháng 1/2022.

Hiện tại, người đàn ông đã được chẩn đoán nhiễm virus HIV, trở thành trường hợp đầu tiên trên thế giới được xác nhận nhiễm COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ và bệnh AIDS cùng lúc.

Theo báo cáo vụ việc, trường hợp của người đàn ông Ý cho thấy:

  1. Con người có thể bị nhiễm cả virus đậu mùa khỉ và SARS-CoV-2 cùng lúc;
  2. Không nên loại trừ những người có các triệu chứng giống cúm và xét nghiệm axit nucleic dương tính với COVID-19 khỏi nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ;
  3. Trong tình huống thông thường, bệnh đậu mùa khỉ lây truyền qua đường tình dục;
  4. Xét nghiệm virus đậu mùa khỉ vẫn cho kết quả dương tính trong nhiều ngày sau khi các triệu chứng lâm sàng đã thuyên giảm;
  5. Do không có phương pháp điều trị hoặc biện pháp phòng ngừa phổ biến rộng rãi, cho nên chẩn đoán nhanh là chìa khóa để hạn chế sự lây lan của virus.

Những ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ ở bên ngoài châu Phi

Theo thống kê của WHO, từ tháng 1/2022 đến ngày 22/7/2022, trên thế giới đã có 5 trường hợp tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ, tất cả đều đến từ Châu Phi, 3 người từ Nigeria và 2 người đến từ Trung Phi. Sau khi Brazil báo cáo ca tử vong đầu tiên do bệnh đậu mùa khỉ, Châu Âu cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên lại lục địa này, trở thành ca tử vong thứ hai do nhiễm đậu mùa khỉ xuất hiện bên ngoài Châu Phi.

“Trong số 3.750 bệnh nhân đậu mùa khỉ, có 120 người phải nhập viện, chiếm 3,2%; một người đã tử vong”, Trung tâm điều phối cấp cứu và cảnh báo của Tây Ban Nha cho biết. Tây Ban Nha chưa tiết lộ nguyên nhân cái chết của bệnh nhân này.

Huyền Anh

Hỏa hoạn bất ngờ bùng phát ở Tứ Xuyên, các tòa nhà dân cư bị thiêu rụi

Vào khoảng 16 giờ ngày 24/8, một đám cháy bùng phát ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, khiến một số tòa nhà dân cư bị lửa thiêu rụi. (Ảnh: chụp từ video)

Chiều ngày 24/8, một đám cháy bất ngờ bùng phát ở thị trấn Linh Gia, thành phố Tân Giang, tỉnh Tứ Xuyên, thiêu rụi nhiều tòa nhà dân cư. Hiện chưa có tin tức về thương vong. Nguyên nhân vụ hỏa hoạn cũng như thiệt hại về người và tài sản đang được xác minh.

Vào khoảng 16 giờ ngày 24/8, một đám cháy bùng phát ở thị trấn Linh Gia, thành phố Tân Giang, tỉnh Tứ Xuyên, khiến một số tòa nhà dân cư bị lửa thiêu rụi.

Có video trực tiếp cho thấy, một lượng lớn gỗ chất đống bên ngoài ngôi nhà bị thiêu rụi, ngọn lửa bùng cháy dữ dội và những làn khói dày đặc nghi ngút bốc lên trời.

https://youtube.com/watch?v=HSGhfZ6we6s

Một người đàn ông hét lên: “Oái, dập lửa đi! Cháy dữ quá, chợ rau cháy rồi!”.

Một người chứng kiến ​​cho biết: “Có khoảng 10 hoặc 20 xe cứu hỏa, nhưng trên đường đó có xưởng sản xuất gỗ, cạnh nhà có rất nhiều gỗ. Đường cũng rất nhỏ, xe cứu hỏa không vào được”.

Đến nay xe cứu hỏa vẫn đang xử lý vụ cháy. Hiện chưa rõ thiệt hại về người và tài sản.

Một đoạn video khác trên mạng xã hội cho biết: “Thị trấn Linh Gia, Tân Giang, Tứ Xuyên đang bùng cháy, toàn bộ khu nhà dân cư bị thiêu rụi”.

4 quận nội thành Trùng Khánh, thành phố trực thuộc trung ương ở tây nam Trung Quốc, liên tục ghi nhận cháy rừng từ ngày 18/8, khiến 1.500 người từ 540 hộ gia đình phải sơ tán. Đám cháy mới nhất bùng lên ở quận Ba Nam ngày 21/8, trong khi một vụ khác ở quận Giang Tân khởi phát hôm 18/8 và chỉ được khống chế sau 4 ngày.

Có lúc, ngọn núi Trùng Khánh cháy lớn đến mức ngay cả một số người già ở địa phương cũng chưa từng nhìn thấy.

Đặc điểm lớn nhất trong các vụ cháy núi ở Trùng Khánh là có nhiều điểm rải rác, không thể dập tắt một lần. Lý do là Trùng Khánh đang trải qua thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất kể từ năm 1961. Hơn nữa, Trùng Khánh, gần Tứ Xuyên, cũng bị hạn hán nhiệt độ cực đoan, dẫn đến cháy rừng.

“Cháy rừng ở Trùng Khánh không nằm trong danh sách tìm kiếm nóng dù đã cháy suốt 6 ngày 6 đêm!”, cư dân mạng cho biết. Số lượt đọc chủ đề đã lên tới 900 triệu lượt nhưng vẫn không nằm trong danh sách hot search.

Vụ cháy rừng Trùng Khánh xảy ra lần đầu tiên vào ngày 17/8, đêm đó, các đám cháy rừng đã bùng phát ở Bắc Sơn Bình và Đại Lương Sơn ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc kéo dài gần 30 giờ đầu tiên. Chỉ trong hai ngày từ ngày 20/8 đến ngày 21/8, các đám cháy rừng cũng đã bùng phát ở Ba Nam, Bắc Bội, Đại Túc, Khai Châu và Đồng Lương ở Trùng Khánh, trong khi Ba Nam và Bắc Bội là ngọn lửa dữ dội nhất.

Hiện nay, người dân Trùng Khánh đang phải đối mặt với nhiều thảm họa của thiên nhiên và nhân tạo, cháy rừng, nhiệt độ cao, hạn hán, hạn chế điện, kiểm soát dịch bệnh và các thảm họa khác chồng chất lên nhau. Đây là đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất của Trùng Khánh trong 60 năm, khiến 66 con sông và 25 ao hồ ở thành phố khô hạn vì thời tiết khắc nghiệt và hạn hán kéo dài.

Huyền Anh

TT Lukashenko, đồng minh của ông Putin, chúc mừng Ukraine nhân ngày Quốc khánh

FILE PHOTO: Belarusian President Alexander Lukashenko attends a meeting with Russian President Vladimir Putin at the Vostochny Cosmodrome in Amur Region, Russia April 12, 2022. Sputnik/Mikhail Klimentyev/Kremlin via REUTERS

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã chúc mừng nước láng giềng Ukraine nhân Ngày Độc lập hôm thứ Tư (22/8), trong bối cảnh Nga vẫn đang xâm lược đất nước này.

Ông Lukashenko, một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Putin, đã đưa ra một tuyên bố trên trang web chính thức của mình để chúc mừng lễ kỷ niệm độc lập chính thức của Ukraine.

Tuyên bố viết: “Tôi tin rằng những mâu thuẫn ngày nay sẽ không thể phá hủy nền tảng hàng thế kỷ của mối quan hệ láng giềng tốt đẹp chân thành giữa nhân dân hai nước.”

Belarus, quốc gia có chung biên giới với Ukraine và Nga, đã đứng về phía Moscow trong cuộc xung đột. Trong suốt cuộc xâm lược, ông Lukashenko đã cho phép quân đội của ông Putin sử dụng lãnh thổ của đất nước mình để tiến hành cuộc chiến. Tháng trước, quân đội Nga đã bắn tên lửa vào Ukraine từ Belarus.

Ông Lukashenko nói: “Belarus sẽ tiếp tục ủng hộ việc gìn giữ hòa hợp, phát triển các mối quan hệ hữu nghị tôn trọng lẫn nhau ở tất cả các cấp”.

Tuyên bố nói thêm rằng nhà nước Belarus “chúc người dân Ukraine một bầu trời hòa bình, lòng khoan dung, lòng dũng cảm, sức mạnh và thành công trong việc khôi phục một cuộc sống tốt đẹp.”

Ukraine đánh dấu 31 năm kể từ khi độc lập khỏi Liên Xô cũ vào thứ Tư và ngày này cũng rơi vào đúng sáu tháng sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược, mà họ gọi là một “hoạt động quân sự đặc biệt.”

Nhiều lo ngại về một cuộc tấn công của Nga vào Ngày Độc lập đã xuất hiện khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo về khả năng Nga có các hành động khiêu khích.

Quyết định chúc mừng Ukraine độc ​​lập của ông Lukashenko được đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng Belarus có khả năng tham gia cuộc chiến để ủng hộ Nga. Mỹ đã chỉ trích chính phủ của ông Lukashenko vì đã cho phép Nga sử dụng Belarus làm nơi chuẩn bị cho chiến tranh.

“Chế độ [Lukashenko] đã gạt bỏ những gì lẽ ra là chủ quyền và độc lập của riêng Belarus cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của họ bằng cách cho phép các lực lượng của Nga thực hiện một cuộc tấn công tàn bạo, được tính toán trước, không chính đáng chống lại nước láng giềng của mình ở phía nam,” Ned Price, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết trong tháng này.

TT Zelensky đã cảnh báo người dân Belarus vào tháng 6 rằng họ không nên cho phép ông Putin lôi kéo đất nước của họ vào cuộc chiến chống Ukraine. “Các bạn đang bị cuốn vào cuộc chiến. Điện Kremlin đã quyết định mọi thứ cho các bạn. Nhưng bạn không phải là nô lệ… Các bạn không cần phải chết.”

Và vào tháng 7, một phụ tá của TT Zelensky cho biết Ukraine đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công từ Belarus. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Moosystemrskyi nói với một bản tin địa phương rằng các cơ quan thực thi pháp luật đang tăng cường các biện pháp để ngăn chặn các cuộc tấn công gần biên giới Belarus.

Belarus cũng có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến như một mục tiêu. Một sân bay quân sự ở Belarus, nơi máy bay Nga được cho là đóng quân đã bị tấn công bởi các vụ nổ trong tháng này, mặc dù Bộ Quốc phòng Belarus phủ nhận bất kỳ vụ nổ nào đã xảy ra.

Trước đó, hồi năm 2007, ông Putin cũng đã từng chúc mừng Ukraine nhân ngày độc lập, tuyên bố hai nước có “mối quan hệ văn hóa và tinh thần hàng thế kỷ và quan hệ láng giềng hữu nghị không thể tách rời.”

Lê Vy (theo Newsweek)

Đảng Cộng Hòa chỉ trích việc ông Biden xóa nợ cho sinh viên là để mua phiếu bầu

Tổng thống Joe Biden. (Nguồn: Adam Schultz/ Nhà Trắng)

Ngày 24/8, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thông báo sẽ hủy bỏ một phần khoản nợ cho sinh viên liên bang, khiến người Mỹ có thể phải trả gần 300 tỷ USD cho khoản nợ này. Đảng Cộng hòa đã chỉ trích động thái này của ông Biden, vì đã thúc đẩy lạm phát và mua phiếu bầu trước cuộc bầu cử giữa kỳ.

Ông Biden cũng thông báo rằng sẽ gia hạn lệnh tạm hoãn thanh toán khoản vay cho sinh viên liên bang từ cuối tháng Tám đến cuối năm.

“Để giữ đúng lời hứa tranh cử của mình, chính quyền của tôi đang công bố một kế hoạch, giúp các gia đình trung lưu dễ thở hơn khi họ chuẩn bị tiếp tục thanh toán khoản vay sinh viên liên bang vào tháng 1/2023,” ông Biden tweet.

Khoản nợ sinh viên liên bang ở Hoa Kỳ đã vượt quá 1.600 tỷ USD. Hơn 43 triệu người có khoản nợ sinh viên liên bang, trong đó 1/3 nợ dưới 10.000 USD, và hơn một nửa nợ dưới 20.000 USD.

Nợ quốc gia của Hoa Kỳ hiện ở mức 30.700 tỷ USD.

Ông Biden cho biết, những người đi vay với các khoản vay dành cho sinh viên chưa tốt nghiệp sẽ có thể “giới hạn khoản hoàn trả ở mức 5% thu nhập hàng tháng”.

Trong một tuyên bố hôm thứ Tư (24/8), Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cho biết: “Kiếm được bằng đại học hoặc chứng chỉ sẽ mang lại cho tất cả mọi người ở Mỹ một tương lai tươi sáng. Nhưng đối với quá nhiều người, khoản nợ vay sinh viên đã cản trở khả năng đạt được ước mơ của họ, gồm cả việc mua nhà, khởi nghiệp hoặc nuôi sống một gia đình … Khoản cứu trợ này sẽ giúp đảm bảo những người đi vay không bị rơi vào tình thế tồi tệ hơn về mặt tài chính vì đại dịch, và khôi phục niềm tin vào một hệ thống được cho là tạo ra cơ hội, chứ không phải là một cái bẫy nợ.”

Bộ Giáo dục cho biết, bản cập nhật sẽ “giảm đáng kể các khoản trả nợ hàng tháng trong tương lai cho những người vay có thu nhập thấp và trung bình”. Quy tắc được đề xuất sẽ giảm số tiền sinh viên đại học vay hàng tháng phải trả từ 10% xuống 5%.

Một phân tích gần đây của Ủy ban Ngân sách Liên bang (CRFB) cho thấy, chương trình nới lỏng 10.000 USD sẽ làm suy yếu “Đạo luật Cắt giảm Lạm phát”, bằng cách tiêu tốn gần một thập kỷ, để giảm thâm hụt và loại bỏ các lợi ích giảm phát (sự sụt giảm chung về giá cả hàng hóa và dịch vụ).

“Việc hủy bỏ khoản nợ 10.000 USD có thể làm tăng thêm tới 15 điểm cơ bản (đơn vị đo lường phổ biến của lãi suất và những tỷ lệ khác trong tài chính) và tạo ra áp lực lạm phát bổ sung theo thời gian”, CRFB viết trong phân tích của mình.

Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết, “sự kết hợp” giữa các chính sách gia hạn thời hạn hoàn trả khoản vay và “xóa nợ có mục tiêu” sẽ “bù đắp phần lớn” cho lạm phát.

Đảng Cộng hòa đang lên án động thái này của chính quyền Biden. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, bà Ronna McDaniel, gọi đây là hành động mua phiếu bầu trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Bà McDaniel nói: “Khi những người Mỹ chăm chỉ đang chiến đấu với chi phí tăng cao và suy thoái kinh tế, ông Biden lại đang phân phát cho những người giàu có.” “Gói giải cứu của ông Biden trừng phạt một cách không công bằng đối với những người Mỹ tiết kiệm để học đại học, hoặc có những lựa chọn nghề nghiệp khác nhau.”

Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, ông Mitch McConnell, cũng chỉ trích các đảng viên Dân chủ, vì đã “tìm ra một cách khác khiến lạm phát trở nên tồi tệ hơn, thưởng cho các nhà hoạt động cấp tiến phe cực tả, nhưng hàng triệu gia đình đang làm công ăn lương ở Mỹ lại không nhận được bất cứ thứ gì.”

“Kế hoạch xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Biden, về việc xóa nợ cho sinh viên là một cái bạt tai đối với những gia đình đã hy sinh việc học đại học, đối với những sinh viên tốt nghiệp đã trả hết nợ, và với những người lựa chọn một con đường sự nghiệp nhất định, hoặc tình nguyện phục vụ trong lực lượng vũ trang của chúng ta”, ông McConnell nói. “Chính sách này rất không công bằng.”

Ông McConnell chỉ ra: “Thu nhập trung bình của người Mỹ có các khoản vay sinh viên đã cao hơn đáng kể, so với thu nhập trung bình của người Mỹ nói chung … Đây là một sợi dây nhất quán, kết nối chính sách của đảng Dân chủ: Lấy tiền và sức mua từ các gia đình làm công ăn lương và phân phối chúng lại cho những người bạn yêu thích của họ.”

Phản hồi của người Mỹ

Ông Paulson, 42 tuổi, một chuyên gia tiếp thị kỹ thuật số và là người sáng lập công ty riêng của mình, đã làm việc chăm chỉ trong gần 20 năm, để trả gần 28.000 USD khoản nợ vay sinh viên. Ông nói, đi học đại học và có được khoản vay sinh viên là sai lầm tài chính lớn nhất mà ông từng mắc phải, và ông có trách nhiệm nhận hậu quả tương ứng và sửa chữa nó.

Ông Paulson đặt câu hỏi về chính sách của ông Biden: “Nếu mọi người không nhận ra sự nguy hiểm của việc gánh quá nhiều nợ khi họ mắc sai lầm lần đầu, thì trong tương lai họ sẽ mắc sai lầm như thế nào khi mua nhà và những món hàng có giá trị lớn?”

Vợ chồng ông Josiah Poletta có 2 con tại bang Ohio đã trả hết 126.000 USD khoản vay sinh viên sau nhiều năm cố gắng.

Ông Poletta nói với Fox News Digital: “Tôi nghĩ rằng việc xóa bỏ một phần khoản vay cho sinh viên có thể là một con đường tiềm năng có lợi cho nền kinh tế, nhưng chỉ khi được thực hiện đúng cách. Chính phủ nên tập trung vào việc miễn lãi trước khi miễn nợ gốc.”

“Tiền gốc là số tiền được đồng ý vay và trả, còn tiền lãi là tiền do chính phủ kiếm được. Chính phủ không nên kiếm tiền sau lưng người dân,” ông Poletta nói thêm. “Tôi cho rằng việc miễn trừ cho các khoản thanh toán lãi suất không phải là chuyển nợ cho công dân Hoa Kỳ, nhưng tiền gốc lại có thể được xem là như vậy.”

Một ông bố 4 con nói với Fox News Digital, rằng kế hoạch của ông Biden là không công bằng. Ông nói: “Tại sao trong nhiều trường hợp, những người đang trả tiền học đại học thông qua nhiều công việc khác nhau, lại phải trả tiền cho những người đang vay tiền vì cùng một chuyện như vậy?” “Mọi người cần phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.”

Tiêu Nhiên / Vision Times

Related posts