Xuân Hoa
Giữa 3 cường quốc thế giới, Nepal có vẻ như đang ngả sang phe Trung Quốc.
Tôi đang sống tại Nepal – một quốc gia nhỏ, không giáp biển. Là quê hương của đỉnh núi cao nhất thế giới Everest, Nepal được biết đến là vùng đất xuất khẩu rất ít và nhập khẩu khá nhiều. Thu nhập của người dân Nepal chủ yếu đến từ du lịch.
Do vậy mà nhiều người tự hỏi, tại sao 3 trong số các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới – Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ – lại để mắt đến một đất nước có diện tích chỉ xấp xỉ bang Illinois (Mỹ)?
Nepal – Ấn Độ
Nepal có chung đường biên giới với Ấn Độ. Nhưng như bộ phim “Grumpy Old Men” đã dạy chúng ta, hàng xóm không phải lúc nào cũng hòa thuận. Bất chấp sự tương đồng về ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nepal chẳng mấy tốt đẹp. Trên thực tế, điều này đã diễn ra trong nhiều thập kỷ.
Những năm gần đây, Nepal và Ấn Độ xảy ra tranh chấp về khu vực Kalapani. Đây là vùng đất chiến lược mà Ấn Độ tuyên bố thuộc bang Uttarakhand của Ấn Độ, trong khi Nepal nói rằng nó thuộc tỉnh Sudurpashchim Pradesh của Nepal. Mặc dù Kalapani nằm dưới sự cai trị của Ấn Độ, người dân Nepal cho rằng nước láng giềng đã lấy cắp những gì hợp pháp của họ. Ấn Độ không bao giờ chán việc chọc giận người Nepal, và vì điều này, chính phủ Nepal ngày càng trở nên thân thiết với nước láng giềng khác – Trung Quốc. Không có gì ngạc nhiên khi chính phủ Ấn Độ lo lắng về sự hiện diện ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Nepal. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Narayan Khadka tại cung điện Singhadurbar, Kathmandu, Nepal, ngày 26/03/2022. (Ảnh: Prakash Mathema / AFP qua Getty Images)
Nepal – Mỹ
Một quốc gia khác cũng đang lo lắng về sức ảnh hưởng của Bắc Kinh là Mỹ. Năm 2015, Nepal đã đăng ký tham gia Chương trình Đối tác Nhà nước Mỹ (SPP), một chương trình hợp tác an ninh giữa Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) và các quốc gia khác. Đi vào hoạt động từ năm 1993, thông qua chương trình, Mỹ hiện có 77 đối tác trên khắp thế giới. Tuy nhiên, vào tháng 06/2022, chính phủ Nepal đã thay đổi quan điểm, chính thức thông báo rằng đất nước 30 triệu dân không còn quan tâm đến việc tham gia SPP.
Tại sao?
Một số nhà phê bình cho rằng SPP kết nối chặt chẽ với Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS) của Mỹ, một biện pháp được thiết kế để giải quyết mối đe dọa từ Trung Quốc. Có vẻ như Nepal không thích thú gì việc chọc giận người láng giềng Trung Quốc. Đó là bởi vì quan hệ Trung-Nepal được cho là có đi có lại.
Nepal – Trung Quốc
Nepal không phải là một quốc gia giàu có. Thu nhập bình quân đầu người tại đây chỉ nhỉnh hơn 1.000 USD. Cơ sở hạ tầng còn rất nhiều hạn chế. Nepal cần tất cả các khoản đầu tư mà họ có thể nhận được. Còn Trung Quốc thì quá là sẵn lòng hỗ trợ. Năm ngoái, Nepal đã nhận được 268 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trung Quốc cung cấp 71% (188 triệu USD) trong số đó. Tuy nhiên, câu hỏi là tại sao? Tại sao Trung Quốc lại quan tâm đến Nepal?
Đầu tiên, đó là hiệu ứng tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội). Nếu Trung Quốc không can thiệp vào Nepal, ĐCSTQ lo ngại rằng 2 đối thủ lớn nhất của họ là Ấn Độ và Mỹ sẽ làm vậy. Thứ hai, Nepal nằm một cách vững chắc giữa Ấn Độ và Trung Quốc, có ý nghĩa địa chiến lược thực sự. Thứ ba, Nepal có vô số khoáng sản quý giá như than, sắt, đồng đỏ và đá vôi.
Ngoài ra, còn có lý do thứ tư, một lý do cực kỳ hấp dẫn giải thích tại sao Trung Quốc để mắt đến Nepal. Như Trung tướng Chauhan, một chỉ huy của Quân đội Ấn Độ, gần đây đã lưu ý: “khuấy động nhỏ nhất ở Nepal sẽ tác động đến cả Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt là ở Tây Tạng”. Về nhiều mặt, Nepal là “cửa ngõ vào Khu tự trị Tây Tạng (TAR)”. Tướng Chauhan tin rằng Nepal hiện “đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tiếp cận khu vực Nam Á của Trung Quốc và là cửa ngõ vào đồng bằng Ấn – Hằng – vùng đất trung tâm của Ấn Độ”. Ông cảnh báo rằng người Trung Quốc coi Nepal là “điểm yếu của miền nam Tây Tạng và đang quyết tâm giữ Nepal trong vùng ảnh hưởng của họ”. Những người Tây Tạng lưu vong tại sự kiện kỷ niệm sinh nhật lần thứ 78 của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tại tu viện Manag ở Kathmandu, Nepal, ngày 06/07/2013. (Ảnh: Prakash Mathema / AFP / Getty Images)
Điều này đưa chúng ta đến với Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Năm 1959, khi Trung Quốc sáp nhập Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Gyalwa Rinpoche – vị Đạt Lai Lạt Ma đương nhiệm – đã chạy trốn đến thành phố Dharamsala của Ấn Độ. Nằm trên rìa dãy Himalaya, Dharamsala là nơi sinh sống của lượng lớn người Tây Tạng lưu vong, bao gồm cả Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhà lãnh đạo tinh thần không còn trẻ nữa. Gần đây ông đã tổ chức sinh nhật lần thứ 87 của mình. Người kế vị phải được chọn. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về khả năng rằng người kế vị của ông đến từ một “quốc gia tự do”. Ông cũng đưa ra ý tưởng người kế vị có thể là một phụ nữ “xinh đẹp, ưa nhìn”.
Đương nhiên, ĐCSTQ có những kế hoạch khác. Bắc Kinh đã tuyên bố rõ ràng rằng người kế nhiệm Đạt Lai Lạt Ma sẽ do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các cấp dưới của ông lựa chọn. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, “[việc chọn] người tái sinh phải tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc, tuân theo các nghi lễ và tập tục lịch sử”.
Chúng ta hiện phải đối mặt với khả năng cao là có 2 người kế vị được chọn – một bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma và một bởi ĐCSTQ. Trái với suy nghĩ của nhiều người, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh ra tại Nepal, không phải tại Ấn Độ. Nếu Nepal sử dụng ảnh hưởng của họ để ủng hộ người kế vị do ĐCSTQ lựa chọn, thì người đó sẽ có thêm độ tín nhiệm (mặc dù chỉ một chút).
Có thể thấy, Nepal là một quốc gia có tầm quan trọng thực sự, qua đó giải thích lý do tại sao Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ lại quan tâm đến quốc gia đa văn hóa và đầy biến động này. Có vẻ như Nepal chỉ quan tâm đến một trong những người “cầu hôn” họ. Khi tôi vừa viết xong bài viết này, Ngoại trưởng Nepal Narayan Khadka đang chuẩn bị lên máy bay đến Trung Quốc, khiến Mỹ rất thất vọng. Vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, Kathmandu [thủ đô của Nepal] đã chọn phe Trung Quốc và lảng tránh nước Mỹ.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Xuân Hoa
Theo John Mac Ghlionn – The Epoch Times