Mạc Văn Trang
29-8-2022
Trong thang máy có 5-6 người, một cậu bé chừng học lớp 3, hỏi bố:
– Ba ơi “già d*i non hột” là gì? Thằng Quý nó bảo con thế…
– Chỉ được cái nói bậy. Nó nói láo vậy sao con không thưa cô giáo!
Thằng bé im lặng vẻ ấm ức.
Tôi bảo, cháu nó hỏi đúng đấy. Đó là một thành ngữ, cháu về tra Google xem nhé.
Nhiều người bảo gốc của câu này là “Già trái, non hột/hạt” rồi nói trẹo ra như vậy. Nhưng từ bé tôi chỉ nghe người lớn ở quê tôi nói “Già d*i, non hột”.
“Già trái, non hột”, thực ra cũng là mượn quả để nói người, cũng như TBT Nguyễn Phú Trọng bảo cán bộ: “Đừng thấy đỏ tưởng chín”, đừng có “Cua cậy càng, Cá cậy vây”… Nói “quả”, nói “cua”, “cá” nhưng là nói cán bộ, đảng viên đó.
Thuở bé thấy anh cu Q đứng ở cổng nhà cu B, hung hăng chửi bới, mày hèn không dám thò mặt ra hả?
Đến lúc cu B cầm cái que chạy ra, cu Q ù té chạy mất. Người lớn bảo, thằng Q chỉ được cái “già d*i, non hột”! Dùng thành ngữ này sát ý với con người hơn là “Già trái, non hột”.
Nhân tiện đây xin kể ra hai trường hợp người lớn mà tôi đã gọi là “già d*i non hột“!
Một hôm hai người đàn ông đến nhà tôi, tự giới thiệu là K và N, ở Bình Dương, bảo là, đọc FB của bác thấy bác nói thay dân oan, nên nhờ bác lên tiếng. Ông K chìa ra một bó giấy tờ, chúng em đem đơn ra tận Hà Nội, gặp ông này, ông nọ, báo cáo lên tận Trung ương rồi. Chính quyền ở quê em câu kết với tư bản đỏ lừa dân. Đây, nó mời dân họp bàn về đền bù giải tỏa đất, nó bảo, ai đến họp thì ghi tên, ký tên vào tờ “danh sách” này, để chứng tỏ có mặt. Nó phổ biến, nhưng dân phản đối, không ai đồng ý giá đền bù như vậy. Thế mà nó báo cáo lên trên, là dân đồng ý, ký tên cả rồi. Nhưng em đã vạch mặt chúng nó gian dối, lừa dân.
Em nói thật, em đây là Cựu chiến binh, bao phen xông pha trên chiến trường không sợ chết, nay em không sợ thằng nào hết. Mà người lính chúng em không nói nhiều, nếu cần là pằng pằng luôn!
Người trẻ bảo, cháu có doanh nghiệp vận tải nhỏ, có mấy cái xe, nay có mấy trăm mét đất làm nhà xưởng, đỗ xe, cũng vào diện giải tỏa, bức xúc lắm.
Tôi bảo, chụp chung cái hình và tôi đăng cùng với câu chuyện hai ông vừa kể nhé. Có ngại gì không?
– Chúng em đã đấu tranh, không sợ gì hết. Bác cứ đăng lên để xã hội biết, hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của chúng em. Không thể để bọn tham nhũng ức hiếp dân mãi được.
Bài đăng lên Facebook được 3 ngày, ông K gọi điện:
– Bác ơi, bác làm ơn gỡ bài, gỡ ảnh xuống hộ chúng em với.
– Sao bảo không sợ, cần thì pằng pằng cơ mà?
– Việc vận tải của thằng N nó bắt đình hết. Còn công việc của con em bị trắc trở rồi. Nó phức tạp lắm bác ơi!
– Chỉ được cái “già d*i non hột”! Tôi gỡ luôn đây.
– Cá nhân em không sợ, nhưng ảnh hưởng các cháu. Bác làm ơn giúp em.
Chuyện thứ hai. Buổi chiều nọ, vợ chồng tôi đang đi dạo ở bờ biển Vũng Tàu, một ông reo lên: Ô bác Trang, bác Chi. Em đọc facebook thấy hình hai bác, nhận ra ngay. May quá, em báo cáo hai bác, em có chuyện bức xúc vô cùng. Cái chính quyền này chuyên ức hiếp, tước đoạt của dân. Ông ta kể ra bao nhiêu chuyện.
Mình bảo ông cứ thế mà viết đăng lên đi, sợ gì?
– Em từng là công nhân dầu khí nghỉ hưu. Em không sợ chi hết. Nhưng facebook của em ít người đọc lắm. Mà em cũng không biết viết sao cho rõ sự tình. Mai em đem những tài liệu, bác giúp em.
Chiều hôm sau ông ta gọi vào messenge:
– Em đây, hôm qua chuyện với bác. Bác có nhà em đem tài liệu đến, hay ra chỗ đi dạo hôm qua cũng được.
Tôi bảo, mình đang bị công an theo dõi đây!
Vậy là ông ta tắt máy rụp cái và biệt tăm luôn!
Tôi cười bảo bà xã, lại một anh “già d*i non hột” nữa! Dân mình thật là vui!