Chuyên gia: ĐCSTQ xóa nợ để các nước châu Phi lún sâu hơn vào nợ nần

Cát Duyên

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (trái), Tổng thống Senegal Macky Sall (phải), nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tham dự hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh 2018 của Diễn đàn Hợp tác Trung – Phi, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/09/2018. (Ảnh: Lintao Zhang / Pool / Getty Images)

Bắc Kinh đã công bố kế hoạch xóa 23 khoản vay không lãi suất đáo hạn vào cuối năm 2021 cho 17 quốc gia châu Phi. Người dân Trung Quốc phản ứng bằng những lời mắng nhiếc trên mạng xã hội. Trong khi đó, một nhà phân tích lên tiếng cảnh báo về cái bẫy thật sự đằng sau sự hào phóng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hôm 18/08, tại hội nghị Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi (FOCAC), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã trình bày quyết định xóa nợ của Bắc Kinh.

Ông Vương khẳng định đây là hành động quyết liệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm thực hiện và thúc đẩy “hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao”.

Người dân Trung Quốc đã phản ứng ở mức độ chưa từng có với tuyên bố này. Một nhà phân tích cũng nghi ngờ rằng quyết định này sẽ chỉ khiến các nước châu Phi rơi vào tình trạng kinh tế tồi tệ hơn.

Quyết định thất nhân tâm

Mặc dù chưa biết chính xác số nợ được miễn, một bài báo trực tuyến của Trung Quốc cho biết tính đến cuối năm 2020, tổng các số tiền mà châu Phi vay từ Trung Quốc là 145 tỷ USD.

Quyết định mới nhất của Bắc Kinh đã bị chỉ trích gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc.

Một người dân đã viết: “Những kẻ phản bội, đây thực sự là những tên trộm tầm vóc quốc gia!”.

Một người khác nói: “Chi hàng nghìn tỷ RMB [nhân dân tệ] để các anh em châu Phi ủng hộ [chính sách] ‘một Trung Quốc’; đây là phong cách của một quốc gia lớn”.

Một cư dân mạng hỏi: “Người Trung Quốc phổ thông cũng có thể được xóa các khoản nợ của họ?”.

Công nhân Trung Quốc làm việc tại công trường xây dựng ở thành phố cảng Colombo, một phần trong dự án Vành đai và Con đường trị giá nghìn tỷ USD của Trung Quốc ở Colombo, Sri Lanka, hôm 24/02/2020. (Ảnh: Ishara S. Kodikara / AFP qua Getty Images)

Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa), ĐCSTQ đã tung ra nhiều gói viện trợ nước ngoài để đổi lấy sự công nhận ngoại giao – kể cả khi người dân Trung Quốc phải trải qua nạn đói khủng khiếp kéo dài 3 năm.

Tuy nhiên, lần này ĐCSTQ thực sự tự đưa họ “đi ngược lại ý chí của 1,4 tỷ người”, như một cư dân mạng bình luận.

Ông Chen (tên giả), một người dân Thượng Hải, tiết lộ rằng có rất nhiều người dân không đồng tình với chính sách đối ngoại của ĐCSTQ.

Ông nói: “Thật là sai lầm khi tiếp tục làm điều này. Kinh tế đất nước bị thiệt hại nặng nề vì đại dịch, nay đập Tam Hiệp không sản xuất đủ điện, thậm chí Nhà máy Sản xuất Ô tô Thượng Hải phải tạm ngừng hoạt động một tuần … tiền đâu? … Đó là các khoản cho vay không lãi suất, giờ đây tất cả đã bị xóa sạch … Cộng với nhiều dự án chưa hoàn thành trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI); người dân thực sự cảm thấy tồi tệ về điều này”.

Ngoại giao đô-la

Nhà kinh tế học Davy Jun Huang giải thích rằng ĐCSTQ không tự dưng xóa nợ. Họ đã chọn thời điểm sao cho phù hợp với mục đích của họ, đó là giành được sự ủng hộ ngoại giao từ các nước châu Phi.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, Đại sứ Malawi tại Trung Quốc, ông Allan Joseph Chintedza, đã ca ngợi hành động của Bắc Kinh và nói rằng các quan chức tham gia hội nghị đều nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với chính sách một Trung Quốc.

Chính sách một Trung Quốc là lập trường của ĐCSTQ về chủ quyền lãnh thổ, trong đó khẳng định Đài Loan thuộc về CHND Trung Hoa.

Ông Huang tin rằng trong cuộc chiến địa chính trị giữa ĐCSTQ với phương Tây, sức mạnh của tiếng nói từ Tây Phi là một phần lý do cho cử chỉ ngoại giao này của Bắc Kinh.

Hồi tháng 6, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết huy động 600 tỷ USD trong vòng 5 năm để tài trợ cho hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các nước đang phát triển. Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch đầu tư 300 tỷ EUR (khoảng 299,9 tỷ USD) trong vòng 6 năm cho cơ sở hạ tầng toàn cầu. Cả hai dự án này đều được coi là đối thủ của BRI của Trung Quốc.

BRI của Trung Quốc được đánh giá là đã tàn phá các nước đang phát triển bằng các khoản nợ chồng chất cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng không bền vững và các dự án ngổn ngang chưa hoàn thiện.

Vào tháng 8, khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken thăm Nam Phi, Tòa Bạch Ốc đã phát hành “Chiến lược của Mỹ về châu Phi vùng cận Sahara” (pdf) — một lời hứa mang đến lợi ích về dân chủ và an ninh cho khu vực. “Chiến lược này vạch ra 4 mục tiêu nhằm thúc đẩy các ưu tiên của Mỹ cùng với các đối tác ở châu Phi cận Sahara trong 5 năm tới”.

Chiến lược nói rằng ĐCSTQ “coi khu vực là một đấu trường quan trọng để … thúc đẩy các lợi ích thương mại và địa chính trị có tính hạn hẹp của họ … và làm suy yếu mối quan hệ giữa Mỹ với các dân tộc và chính phủ châu Phi”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã phản đối tuyên bố của Mỹ bằng cách nói rằng không ai được “gièm pha và bôi nhọ mối quan hệ hợp tác Trung Quốc – châu Phi”.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (trái), Tổng thống Senegal Macky Sall (phải), nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tham dự hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh 2018 của Diễn đàn Hợp tác Trung – Phi, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/09/2018. (Ảnh: Lintao Zhang / Pool / Getty Images)

Lún sâu hơn vào bùn lầy

Nhà kinh tế học Huang tin rằng ĐCSTQ đã hoạch định kỹ càng chiến lược cho vay của họ. Trong chính sách ngoại giao bẫy nợ của Bắc Kinh, quyền tiếp cận các mỏ khoáng sản, nhà máy điện, bến cảng, v.v., tại địa phương thường được liệt kê vào khía cạnh kinh tế của một khoản cho vay.

Ngoài ra còn có các khía cạnh chính trị của khoản cho vay. Ông Huang nói: “Trong hiệp định được ký kết, [châu Phi nhận được] nhiều khoản vay lãi suất thấp và khoản vay không lãi suất; các khoản vay không lãi suất hầu hết được thiết kế để phục vụ các đòi hỏi chính trị [từ ĐCSTQ]”.

Ông Huang dự đoán rằng đi kèm với việc xóa nợ là các hình thức nợ mới.

Theo ông, sẽ có các cuộc đàm phán thương mại không được tiết lộ. Điều này sẽ chỉ làm trầm trọng hơn tình hình kinh tế vốn đang tồi tệ tại các nước châu Phi.

Ông Huang trích lời một nguồn tin nội bộ từ ĐCSTQ để giải thích về mục đích của BRI: BRI là một âm mưu được tính toán cẩn thận — không phải là những khoản lợi nhuận hay khoản lỗ trên sổ sách. 

Ông Huang nói: “ĐCSTQ sẽ không cho phép các nước đối tác có được thịnh vượng thực sự”.

Để so sánh, BRI giống như một con voi cày ruộng. Khi nó dẫm lên đất, nó càng làm đất chặt hơn. Voi sẽ chỉ làm cho đất ruộng khó trồng cây hơn và do đó năng suất cây trồng thấp hơn. Sau khi được ĐCSTQ xóa nợ, các nước châu Phi có khả năng trở nên phụ thuộc nhiều hơn về mặt tài chính vào ĐCSTQ.

Ông Huang nói thêm: “Tài chính [tại các nước châu Phi] sẽ sụp đổ, … và họ sẽ chỉ trở nên nghèo hơn”. 

Cát Duyên

Related posts