Tuần này, Trung Quốc và Nga sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Viễn Đông với quy mô nhỏ hơn nhiều so với các cuộc tập trận cùng kỳ năm 2018, phản ánh tình hình khó khăn của quân đội Nga trên chiến trường miền đông Ukraine và áp lực mà nước này phải đối mặt. Các nhà phân tích quân sự cho rằng Nga chỉ đang sử dụng các cuộc tập trận để giả vờ rằng mọi thứ đều ổn.
Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo về cuộc tập trận hồi tháng 7 cho biết, cuộc tập trận chiến lược “Đông Phương 2022” sẽ được tổ chức từ ngày 30/8 đến ngày 5/9 tại 13 trường bắn ở Quân khu phía Đông của Nga. ĐCSTQ thông báo vào ngày 17 tháng 8 rằng họ sẽ cử quân đội tham gia cuộc tập trận. Hoa Kỳ sau đó cho biết họ đã thấy mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và Nga.
Nhưng Nga cho biết hôm thứ Hai (29/8) rằng 50.000 binh sĩ sẽ tham gia, một phần nhỏ so với con số chính thức 300.000 người tham gia cuộc tập trận cách đây 4 năm. Một số nhà phân tích quân sự phương Tây cũng nghi ngờ con số này được phóng đại.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ sẽ khai triển 140 máy bay quân sự và hơn 5.000 xe tăng và xe bọc thép – quy mô nhỏ hơn nhiều so với cuộc tập trận trước đó, cuộc tập trận năm 2018 được cho là có sự tham gia của 1.000 máy bay và 36.000 xe tăng và xe bọc thép.
Kênh tin tức Zvezda của Lực lượng Vũ trang Nga hôm thứ Hai đã công bố một đoạn video về cảnh quân đội Trung Quốc đang dỡ xuống các xe bọc thép chở quân đến Nga thông qua đường sắt.
“Đây sẽ là cuộc tập trận cấp chiến lược nhỏ nhất trong nhiều năm, vì toàn bộ lực lượng mặt đất đang hoạt động ở Ukraine. Do đó, cuộc tập trận có thể chỉ ở quy mô rất nhỏ”, ông Konrad Muzyka, Giám đốc của Rochan Military Consulting, công ty chuyên theo dõi các diễn biến trong cuộc chiến có trụ sở tại Ba Lan, nói với Reuters.
Ông Muzyka cho biết ông ước tính rằng 70-80% quân số ở Quân khu phía Đông của Nga đã được khai triển tới Ukraine, khiến Nga “không có khả năng” dành ra 50.000 quân cho các cuộc tập trận. Ông nói, một con số hợp lý hơn sẽ là 10.000 đến 15.000.
“Chỉ là Nga giả vờ rằng mọi thứ đều ổn và họ vẫn có khả năng tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, tôi nghĩ phạm vi của cuộc tập trận này, đặc biệt là từ góc độ lực lượng mặt đất, sẽ rất, rất hạn chế”, ông nói.
Tờ Financial Times đưa tin, các nhà phân tích cho biết các cuộc tập trận chủ yếu là hoạt động quân sự. Mặc dù việc hủy bỏ cuộc tập trận sẽ gửi tín hiệu sai, nhưng cũng có thể có ít lợi ích chiến lược trong việc duy trì nó, họ nói thêm.
Ông Pavel Luzin, một nhà phân tích quân sự độc lập của Nga, nói với Financial Times: “Các cuộc tập trận quân sự ở miền Đông là sự kiện thường lệ, nhưng ngày nay chúng trở nên vô nghĩa”. “Hầu như tất cả các lực lượng có khả năng chiến đấu của Nga đều tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine. (Nga ) chỉ giả vờ rằng mọi thứ đều ổn”.
Tuần trước, hai đoàn tàu vận tải của hải quân Nga đã đi qua eo biển Soya, ngăn cách Nga và Nhật Bản, cho thấy họ sẽ tham gia cuộc tập trận, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Ông Ben Barry, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, đã ví von với Financial Times rằng Moscow “tiếp tục duy trì hoạt động của các mặt tiền [phía dưới] trong khi các tầng trên của tòa nhà đang bốc cháy”.
Một số nhà phân tích Nga cũng đã phát hiện ra những sai sót trong hoạt động quân sự gần đây và vũ khí của Nga, được trưng bày tại Hội chợ vũ khí quốc tế ở Moscow vào tháng này.
Tờ Wall Street Journal trước đây đã đưa tin rằng Thomas Graham, một thành viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là một cựu chuyên gia về Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết số lượng máy bay chiến đấu thực tế trong các cuộc tập trận như vậy có xu hướng ít hơn so với quảng cáo, nhưng vào năm 2018, quân đội Nga và Trung Quốc đã chứng tỏ một mức độ khả năng tương tác, chẳng hạn như trong cấu trúc chỉ huy và các khía cạnh thông tin chung.
Ông đặt câu hỏi bây giờ là “liệu đây có phải là một cuộc tập trận để chứng tỏ rằng quân đội hai nước có thể chiến đấu cùng nhau một cách có ý nghĩa hay không, hay nó chủ yếu là một màn tuyên truyền”.
Cuộc xâm lược của Nga vào nước láng giềng Ukraine vào tháng Hai và các cuộc tập trận bắn đạn thật gần đây của Trung Quốc xung quanh Đài Loan đã làm gia tăng căng thẳng quân sự trong năm nay. Các nước G7 đã chỉ trích hành động của cả Nga và Trung Quốc về hai vấn đề này.
Theo bà Angela Stent, một chuyên gia về Nga tại Đại học Georgetown, cho biết các cuộc tập trận có thể được các bên xem xét kỹ lưỡng về khả năng tác chiến của Nga, do Nga vẫn đang có chiến tranh với Ukraine.