Tin VN sáng thứ Tư: Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể dính líu trong vụ tham nhũng với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể dính líu trong vụ tham nhũng với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC (trái) và đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Reuters/AIC/RFA edit

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có thể dính líu trong vụ tham nhũng của Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC mà Chủ tịch là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang trốn truy nã. Vụ này bị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đưa vào tầm ngắm đặc biệt. Mạng báo IntelligenceOnline loan tin vừa nêu vào ngày 30/8.

Tin nhắc lại, vào ngày 18/8, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam thông báo diễn tiến mới của vụ việc đó là ra quyết định khởi tố vụ án ‘vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’ xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hồi năm 2012. Lúc đó ông Phạm Minh Chính là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh.

Chủ tịch AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng bị khởi tố trong một vụ án khác hồi tháng Tư. Bà này trốn truy nã và bị phát hiện đang ẩn mình ở Châu Âu. Bản thân bà Nhàn từng là trung gian cho các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và những nhóm quốc phòng Phương Tây. Trong đó có thương vụ mua bán một vệ tinh quân sự cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) hồi năm 2018. Và trong những ngày sắp đến, một quan chức cấp cao Việt Nam dự kiến sẽ đến Tel Aviv để thương thảo những hợp đồng quân sự mới giữa Hà Nội và IAI.

Trong vụ án mới bị khởi tố hồi 18/8, điều tra ban đầu cho thấy UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, tổng mức kinh phí hơn 238 tỷ đồng. Dự án do Sở Y tế Tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Viên chức Sở Y tế được giao nhiệm vụ trong dự án này thông đồng với đơn vị tư vấn thẩm định giá đưa ra chứng thư thẩm định với giá cao hơn giá thị trường và móc ngoặc với nhà thầu và AIC cũng như các công ty có quan hệ với AIC. Mục đích để AIC và Công ty Mopha trúng toàn bộ các gói thầu trị giá 232 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước là 73 tỷ đồng.

Đương kim thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh từ năm 2011 đến năm 2015. Nguồn tin của IntelligenceOnline cho biết mối quan hệ thân thiết giữa ông Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh lúc bấy giờ và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn dẫn đến việc nhiều hợp đồng cho AIC được ký kết với tỉnh Quảng Ninh.

Cuộc điều tra đang được thực hiện có thể làm hé lộ những sai phạm qua mối quan hệ này.

RFA

Cựu Bí thư và Chủ tịch tỉnh Bình Dương cùng bị tuyên phạt 7 năm tù

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: vov.vn)

Cựu Bí thư và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát”.

Sau hơn nửa tháng xét xử và nghị án, chiều 30/8, TAND TP. Hà Nội đã tuyên án đối với 28 bị cáo trong vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương.

Theo đó, toà tuyên phạt cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam 7 năm tù và bị cáo Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương 7 năm tù; bị cáo Phạm Văn Cành, cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương 3 năm tù treo về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

19 bị cáo còn lại là đồng phạm với ông Trần Văn Nam bị tuyên phạt từ 30 tháng tù giam đến 7 năm tù.

Ông Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3-2 bị tuyên phạt tổng cộng 27 năm tù; Trần Nguyên Vũ – cựu Tổng Giám đốc – tổng hợp 23 năm tù; cựu Phó Tổng Giám đốc doanh nghiệp này là Huỳnh Thanh Hải bị tuyên phạt tổng cộng 17 năm tù các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Nhóm tội “Tham ô tài sản”, tòa tuyên phạt ông Võ Hồng Cường, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Vượng 5 năm tù; Nguyễn Thục Anh (con gái bị cáo Minh) và Trần Đình Như Ý, cùng là cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Phát Triển cùng bị tuyên 3 năm tù treo.

Theo cáo trạng, hồi năm 2012, ông Trần Văn Nam khi còn là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đã ký công văn chấp thuận cho Tổng công ty 3/2 được lập thủ tục giao đất khu dịch vụ.

Ông Nam đã ký quyết định giao khu đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích 43 ha và 145 ha cho Tổng công ty 3/2 vào năm 2012 nhưng lại áp dụng đơn giá thuê là 51.914 đồng/m2 theo quyết định của tỉnh từ ngày 27/12/2006.

Việc làm này được xác định là trái với quy định của pháp luật và gây thất thoát cho Nhà nước hơn 761 tỷ đồng.

Ngoài ra, cáo trạng cũng xác định, vào năm 2016, khi là Bí thư Tỉnh uỷ, ông Nam đã giúp che giấu những sai phạm trong việc chuyển nhượng 43 ha đất và 30% vốn góp từ Tổng Công ty 3/2 cho Công ty Tân Phú làm vốn góp tham gia liên doanh với Công ty cổ phần bất động sản u Lạc, gây thất thoát số tiền là 985 tỷ đồng.

Riêng với lô đất 145 ha của Tổng Công ty 3/2 đã được ông Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định ngày 8/12/2017 phê duyệt giá trị doanh nghiệp Tổng Công ty 3/2 không bao gồm giá trị quyền sử dụng khu đất này. Hành vi này bị xác định đã gây thất thoát của Nhà nước hơn 4.030 tỷ đồng.

Phạm Toàn

2 người bị đề nghị tử hình trong vụ ‘bay lắc’ trong Bệnh viện Tâm thần trung ương I

10 bị cáo hầu tòa liên quan đến vụ bay lắc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. (Ảnh: Danh Lam/vnexpress.net)

Bị cáo Nguyễn Xuân Quý bị đề nghị tuyên phạt mức án tổng hợp là tử hình với 3 tội danh. Bị cáo Nguyễn Văn Ngọc bị đề nghị tuyên phạt mức án tổng hợp là tử hình với 2 tội danh.

Chiều 30/8, đại diện Viện KSND Hà Nội đã đề nghị tuyên phạt 10 bị cáo liên quan đến vụ mua bán, sử dụng ma túy ngay tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) tổng hợp mức án tử hình về các tội “mua bán trái phép chất ma túy”, “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, “tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Bị cáo Nguyễn Văn Ngọc (SN 1974) bị đề nghị mức án tổng hợp là tử hình với hai tội “mua bán, Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Cùng hai tội danh này, bị cáo Nguyễn Công Thường (SN 1986) bị đề nghị chung thân, Nguyễn Trung Nguyên (SN 1983) bị đề nghị phạt 25 năm tù.

Đỗ Thị Lưu (SN 1969), Trưởng Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, bị đề nghị mức án 2-3 về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

5 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 5 năm 6 tháng đến 7 năm 6 tháng các tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, “chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy”.

Theo cáo trạng, cuối năm 2020, bị cáo Quý tự cải tạo buồng bệnh ở Phòng điều trị tầng 2, Khoa phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, để có thêm một phòng riêng khép kín, trang bị loa, âm ly, đèn nháy phục vụ việc “bay lắc”. Bị cáo Quý rủ nhiều người nghiện tham gia mua bán trái phép chất ma tuý trong bệnh viện.

Từ tháng 3/2021, Quý thường xuyên chỉ đạo Ngọc, Thường và Nguyên đi giao hàng, trả nhóm này một triệu đồng mỗi lần và cho sử dụng ma tuý miễn phí tại phòng điều trị tầng 2.

Bị cáo Quý “dùng tiền mua chuộc” bác sĩ trưởng khoa Đỗ Thị Lưu, đưa mỗi tháng 10 triệu đồng. Quý còn mua chuộc thêm 3 nhân viên y tế Huệ, Vũ, Hạt và liên tục dọa nạt các nhân viên khác để ngang nhiên hoạt động.

Các bị cáo Huệ, Vũ, Hạt còn nhiều lần cùng sử dụng ma tuý tại phòng của Quý. Do mong muốn được sử dụng ma túy, cả ba đã bao che cho Quý.

Phạm Toàn

Cựu Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết có thể đối diện mức án tù chung thân

Ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: báo Nhân Dân.

Cựu Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vừa bị Bộ Công an Việt Nam khởi tố thêm tội danh ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với cáo buộc nâng khống vốn điều lệ để thu lợi hàng nghìn tỷ đồng với mức án có thể lên đến tù chung thân.

Theo báo chí trong nước đưa tin, vài tháng, ông Quyết, từng là một trong những tỷ phú giàu nhất Việt Nam, bị khởi tố với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán vì bán “chui” hàng chục triệu cổ phiếu.

Sau gần 5 tháng giam giữ ông Quyết, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an hôm 25/8 ra quyết định khởi tố bổ sung thêm tội danh đối với tỷ phú này cùng hai em gái theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Cáo buộc của Bộ Công an được truyền thông trong nước trích dẫn cho rằng, ông Quyết đã tăng vốn điều lệ khống của Công ty cổ phần Xây dựng FLC, Faros, từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng để phát hành 430 triệu cổ phiếu. Theo Bộ Công an, hành vi “lừa đảo” này đã chiếm đoạt trên 6.400 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Hai người em gái của ông Quyết cùng bị cáo buộc và điều tra hành vi nâng khống vốn là Trịnh Thị Thúy Nga, phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, và Trịnh Thị Minh Huế, nhân viên kế toán Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Một bị can khác là bà Hương Trần Kiều Dung, cựu chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS kiêm phó chủ tịch thường trực Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Theo Bộ luật Hình sự Việt Nam, người phạm tội thao túng thị trường chứng khoán có thể bị kết án từ 6 đến 7 năm tù.

Với việc bị cáo buộc thêm tội danh “lừa đảo chiếm đoạt” số tiền lên tới hơn 6.000 tỷ đồng, luật sư Lâm Thị Mai Anh của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nói với Tiền Phong rằng ông Quyết có thể phải đối diện với mức án kịch khung là tù chung thân.

Minh Sang

Related posts