Bảo Nguyên
Mặc dù ý nghĩa thực sự của Đạo luật CHIPS cho nước Mỹ là không rõ ràng, Bắc Kinh tỏ ra rất tức giận và hứa sẽ trả đũa đạo luật này của Mỹ. Trung Quốc vẫn trợ cấp ngành sản xuất chip trong nước với quy mô lớn hơn nhiều, nhưng lại phản đối quyết liệt khi Mỹ làm như vậy.
Bắc Kinh tức giận trước CHIPS cho nước Mỹ
Mặc dù chỉ có khoảng 52 tỷ USD trong Đạo luật CHIPS cho nước Mỹ trị giá 280 tỷ USD của Washington thực sự có mục đích thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ, Bắc Kinh đang rất tức giận và đã hứa sẽ trả đũa.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã tuyên bố rằng Bắc Kinh “kiên quyết phản đối” đạo luật có tên gọi chính thức là Đạo luật Tạo động lực hữu ích để Sản xuất Chất bán dẫn cho Mỹ (có từ viết tắt sáng tạo là CHIPS cho nước Mỹ). Đại sứ quán Trung Quốc cũng mô tả luật mới là sự gợi nhớ đến “tâm lý Chiến tranh Lạnh”. Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc cho biết rằng các phần trong luật mới của Mỹ “vi phạm các nguyên tắc thị trường công bằng” và sẽ “giúp các đối thủ của Trung Quốc”. Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố đạo luật này sẽ “làm gián đoạn thương mại quốc tế”. Washington đã làm trầm trọng thêm căng thẳng khi quyết định bắt đầu đàm phán thương mại với Đài Loan. Mặc dù ít có khả năng Mỹ sẽ nhượng bộ trước sự phản đối của Trung Quốc, nhưng các chi tiết đe dọa trả đũa từ phía Bắc Kinh vẫn chưa rõ ràng.
Mối quan tâm của Bắc Kinh dường như tập trung vào cách thức mà trợ cấp cho sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ sẽ hạn chế dòng vốn đầu tư của phương Tây (vào Trung Quốc). Nguồn vốn là quan trọng đối với Trung Quốc, nhưng việc tiếp cận các công nghệ phương Tây mà việc đầu tư mang lại cũng rất quan trọng. Về cả hai điểm này, Bắc Kinh đã đặc biệt rõ ràng về sự phụ thuộc của mình, tuyên bố rằng định hướng nội địa cho các nhà sản xuất có trụ sở tại Mỹ sẽ cản trở nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình. Thật là một điều kỳ lạ ngay sau vô số sự khoe khoang về sức mạnh khoa học và kỹ thuật từ phía Trung Quốc. Những phát biểu như vậy gần như thừa nhận sự phụ thuộc của Trung Quốc vào sự đổi mới kỹ thuật của phương Tây. Nó cũng chỉ ra nhu cầu cấp thiết của Trung Quốc, khi mà hiện nay, nỗ lực sản xuất chip của Trung Quốc chỉ có thể cung cấp khoảng 10-15% nhu cầu của đất nước.
Ý nghĩa thực sự của đạo luật?
Trong khi Bắc Kinh phản đối một cách quyết liệt, thì việc đạo luật mới của Mỹ có thể chuyển hướng các nhà sản xuất chip khỏi con đường mà họ đang đi theo là điều không rõ ràng. Washington thực sự đã hạn chế quyền truy cập của nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, Semiconductor Manufacturing International Corp., vào các hệ thống in thạch bản tia cực tím tiên tiến tại ASML Holdings, nhưng điều đó không liên quan gì đến Đạo luật CHIPS cho nước Mỹ.
Dường như để hưởng ứng đạo luật, Intel và Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã quảng cáo các cơ sở sản xuất chip nội địa mới của Mỹ. Tuy nhiên, những dự án này đã được lên kế hoạch từ rất lâu trước khi đạo luật được đưa ra tại Quốc hội. Giống như một số công ty khác, các công ty này đã phản ứng đối với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch và sự phục hồi hơn là đối với sự hỗ trợ tiềm năng của chính phủ. Tất nhiên, luật mới khuyến khích, nhưng những nỗ lực nội địa này có thể đã được tiến hành ngay cả nếu không có Đạo luật CHIPS cho nước Mỹ, ngoại trừ giờ đây những nỗ lực này có quyền tiếp cận nguồn tài trợ của người đóng thuế. Quang cảnh của một nhà máy của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) ở Nam Kinh, thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc vào ngày 10/08/2022. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)
Tính đạo đức giả của Trung Quốc
Trong khi đó, sự tức giận của Bắc Kinh chắc chắn mang theo tính đạo đức giả đáng kể. Chế độ Trung Quốc từ lâu đã cung cấp các khoản trợ cấp cho ngành sản xuất trong nước và áp đặt các quy tắc tìm nguồn cung ứng trong nước, nhiều hơn bất cứ điều gì mà Washington đã làm với đạo luật này hay bất kỳ đạo luật nào khác. Ví dụ, hãy so sánh 52 tỷ USD trợ cấp cho sản xuất trong nước của Mỹ được bao gồm trong Đạo luật CHIPS cho nước Mỹ với 150 tỷ USD trợ cấp của Bắc Kinh nhằm xây dựng ngành sản xuất chip của Trung Quốc vào năm 2030.
Nhưng sau đó, cũng như rất nhiều thứ khác ở Bắc Kinh, sự khác biệt ít liên quan đến những gì đang được thực hiện mà liên quan tới ai đang làm điều đó. Trong trường hợp này, đó là trợ cấp cho tôi (Trung Quốc) chứ không phải cho bạn (Mỹ) (Trung Quốc chỉ ủng hộ trợ cấp cho nền công nghiệp nước này, chứ không ủng hộ trợ cấp cho nền công nghiệp của Mỹ). Bây giờ ta có một câu hỏi mở là Bắc Kinh sẽ trả đũa như thế nào và đến lượt mình, Washington sẽ đáp trả như thế nào.
Bảo Nguyên