Lam Giang
Hai người thuộc Quần đảo Marshall gốc Hoa đã bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố về tội hối lộ các quan chức chính phủ ở đảo quốc Thái Bình Dương bằng tiền từ Trung Quốc. Hai người đã nhận tội vào ngày 6/9.
Một cặp đôi người Quần đảo Marshall gốc Hoa bị giới chức Mỹ truy tố với cáo buộc rửa tiền và vi phạm Đạo luật Hành vi Tham nhũng nước ngoài, Business Insider đưa tin hôm 6/9.
Theo thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, cặp đôi trên – Cary Yan, 50 tuổi và Gina Zhou, 34 tuổi – đã sử dụng “nhãn mác” của một tổ chức phi chính phủ tại New York để hối lộ các quan chức Quần đảo Marshall, vi phạm Đạo luật Hành vi Tham nhũng nước ngoài. Khi thực hiện hành vi này, họ đang sinh sống tại Mỹ, The Washington Times đưa tin.
Hai người này đã bị bắt giữ tại Thái Lan tháng 11/2020, trước khi bị dẫn độ sang New York, Mỹ. Cả Yan và Zhou đều đã có hộ chiếu Quần đảo Marshall, Bộ Tư pháp Mỹ nói.
Bộ Tư pháp Mỹ hôm 2/9 cho biết hai nhân vật này đã sử dụng “tiền từ Trung Quốc và các nơi khác” để cố gắng hối lộ sáu quan chức chính phủ Quần đảo Marshall để bàn việc xây dựng một khu vực bán tự trị trên rạn san hô Rongelap thuộc lãnh thổ Quần đảo Marshall, với tên gọi “Đặc khu kinh tế Rongelap” (Rongelap Atoll project).
Ông Yan và bà Chu đã nhận tội tại tòa án liên bang Manhattan hôm thứ Ba (6/9).
Các tài liệu của tòa án không nêu rõ nguồn gốc quốc tịch của họ, nhưng tiết lộ rằng họ cần một thông dịch viên tiếng Quan Thoại tại phiên tòa nhận tội.
Hai nhân vật trên “đã có nhiều hành động bất hợp pháp để thu lợi cá nhân, gây thiệt hại cho người dân quần đảo Marshall”, Trợ lý Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Michael J. Driscoll tuyên bố.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, hai người này có thể bị phạt tới 20 năm tù cho mỗi tội danh rửa tiền, và tới 5 năm tù do vi phạm Đạo luật Hành vi Tham nhũng nước ngoài.
Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện một kế hoạch lớn nhằm mở rộng ảnh hưởng tại quốc đảo Thái Bình Dương như một phần trong chiến lược chống lại sự thúc đẩy của Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực.
Bà Pascal, một chuyên gia về các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Foundation for the Defense of Democracy, FDD), cho biết Trung Quốc đang hoạt động bí mật ở quần đảo Marshall.
Bà nói: “Quần đảo Marshall nằm ở vị trí chiến lược giữa Hawaii và châu Á, nó công nhận Đài Loan, và nó nằm trong ‘liên kết tự do’ với Hoa Kỳ, có nghĩa là Hoa Kỳ hoàn toàn chịu trách nhiệm về quân sự và an ninh của quốc gia này”.
Quần đảo Marshall từng là lãnh thổ của Mỹ, trước khi được trao trả độc lập năm 1986. Washington vẫn giữ thẩm quyền và trách nhiệm bảo vệ quốc gia này về mặt quân sự, Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định.
Quần đảo Marshall cũng sở hữu địa điểm thử nghiệm tên lửa đạn đạo Ronald Reagan. Bà Pascal cho biết Bắc Kinh muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền quần đảo và tạo khoảng cách với Hoa Kỳ.
“Điều này sẽ đưa Trung Quốc đến gần hơn với mục tiêu cô lập Guam, quần đảo Mariana, Nhật Bản và Hàn Quốc và đẩy Mỹ trở lại Hawaii”, bà nói.
Bà cho biết các cáo buộc trong bản cáo trạng cho thấy các hoạt động này là một phần của hoạt động gây ảnh hưởng bí mật của Trung Quốc bằng cách “ủy nhiệm”, vì không có đại sứ quán Trung Quốc ở Quần đảo Marshall.
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Kenneth A. Polite Jr. thuộc Bộ phận Hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết: “Yan và Zhou bị cáo buộc đã tham gia vào một kế hoạch kéo dài nhiều năm nhằm hối lộ các quan chức được bầu ở Quần đảo Marshall và phá hoại quy trình lập pháp”.
Ông Alex Gray, một cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, nói rằng “Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động gây ảnh hưởng phức tạp và các hoạt động mặt trận thống nhất trên các đảo Thái Bình Dương quan trọng về mặt chiến lược, vốn rất đáng lo ngại vì sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở đó”, ông nói.
Ông Grey tin rằng chính quyền ông Biden nên gia hạn các “hợp đồng” quan trọng của Hoa Kỳ với Marshall, Palau và Micronesia.
Các quan chức của Quần đảo Marshall lần đầu tiên tiết lộ các hoạt động cho chính phủ Hoa Kỳ. Vụ việc đã bị trì hoãn bởi quá trình dẫn độ kéo dài của Thái Lan, bắt đầu vào năm 2020.
Yan giữ chức Chủ tịch Tổ chức Quản trị và Cạnh tranh Thế giới cho đến năm 2019. Nhóm tự mô tả mình là một “tổ chức quốc tế hỗn hợp” gồm các nhóm không chính thức và chính thức, với tư cách tham vấn đặc biệt theo một chương trình của Liên Hợp Quốc được gọi là Các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Cộng hòa Quần đảo Marshall, bao gồm 29 đảo san hô và 4 đảo, trở nên độc lập vào năm 1979. Quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân trên một trong những hòn đảo, Bikini Atoll, từ năm 1948 đến năm 1958.
Lam Giang
Theo Visiontimes