Không chỉ định người kế nhiệm: Tập Cận Bình sẽ gặp nguy hiểm?

Mạn Vũ

Ảnh Tập Cận Bình chụp từ trang Youtube Bloomberg Quicktake: Originals.

Hiện nay nhiều người quan tâm đến thông tin ‘Lý thượng Tập hạ’, tức Lý Khắc Cường đang lên, Tập Cận Bình đang xuống. Nhưng thực tế chứng minh rằng ông Lý Khắc Cường không nắm lợi thế và nhiều chuyên gia cũng dự đoán ông Lý sẽ rút lui ở Đại hội 20.

Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ‘ đăng ngày 2/9, Giáo sư Chương Thiên Lượng lại chú ý đến ‘tiêu điểm’ khác, đó là việc Tập Cận Bình có chỉ định người kế nhiệm hay không là một tiêu chí quan trọng ở Đại hội 20, nó quyết định đến an toàn của cả gia đình ông Tập. Từ phân tích tâm lý và nhận thức thông thường, Giáo sư Chương đã làm rõ đánh giá của mình như sau.

Là người am hiểu chính trường Trung Quốc, Giáo sư Chương giải thích, nếu Tập Cận Bình chỉ định người kế nhiệm sẽ cho mọi người một chút hy vọng và chờ đợi, kiểu như ‘ông Tập làm thêm 5 năm nữa rồi thôi’. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa thấy ông Tập có bất cứ dấu hiệu nào chỉ định người kế nhiệm.

Theo phân tích cơ cấu Thường Uỷ trong bài viết trước đây, thì Hồ Xuân Hoa là người trẻ nhất. Năm nay Hồ Xuân Hoa 59 tuổi, sau khi Hồ Xuân Hoa làm Thủ tướng một nhiệm kỳ 5 năm thì ông ấy đã 64 tuổi (chưa vi phạm ‘thất thăng bát giáng’). Nhưng nếu Hồ Xuân Hoa tiếp nhận vị trí của Tập Cận Bình, thì chỉ làm được một nhiệm kỳ, bởi vì khi ấy ông đã 69 tuổi; tình huống này không thể xảy ra. 

Giáo sư Chương giải thích, ĐCSTQ sẽ không muốn vị trí lãnh đạo tối cao (Tổng Bí thư) chỉ làm một nhiệm kỳ rồi thay người khác, Thủ tướng thì có thể nhưng lãnh đạo tối cao phải làm ít nhất 10 năm. Cho nên Hồ Xuân Hoa cũng không phải là người kế nhiệm của Tập Cận Bình. Vậy thì trong Bộ Chính trị năm nay liệu có xuất hiện người kế nhiệm của ông Tập, người này phải dưới 57 tuổi? Tức là đến Đại hội 21 người ấy 62 tuổi, làm thêm một nhiệm kỳ nữa thì tới 67 tuổi, phù hợp với quy định ‘thất thăng bát giáng’. 

Giáo sư Chương đánh giá không có người như vậy. Bởi vì sau Đại hội 18 năm 2012, ông ấy đã thanh tẩy (清洗: thanh trừng) quá nhiều ‘nhân mã’ của Giang phái, cũng ức chế thẳng tay đối với phái cải cách mở cửa của Lý Khắc Cường – Đoàn phái, do đó ông Tập đã đắc tội với rất nhiều người, rất nhiều phe phái trong đảng.

Nếu đại quyền của Tập Cận Bình rơi rụng, thì sự an toàn của ông, thậm chí cả gia đình ông đều gặp vấn đề. Là người am hiểu chính trường Trung Quốc, Giáo sư Chương nhìn nhận, đấu tranh chính trị trong ĐCSTQ rất khốc liệt, chính là ‘ngươi chết ta sống’. Vì đắc tội với nhiều phe phái, Tập Cận Bình sẽ bị các đối thủ chăm chăm lật đổ. 

Tập Cận Bình không giống Giang Trạch Dân ‘buông rèm chấp chính’ một đoạn thời gian, ngay cả ông Tập làm như thế cũng không kéo dài được vài năm, bởi vì ‘nhân mã’ của ông sớm muộn cũng đến tuổi nghỉ hưu. Khi không có sự bảo hộ từ ‘nhân mã’ của mình, gia đình ông Tập sẽ gặp nguy hiểm.

Do đó Giáo sư Chương nhìn nhận, đối với Tập Cận Bình mà nói việc nắm giữ quyền lực là đại sự hàng đầu, là việc liên quan đến sinh tử. Nhưng sự việc nào luôn có 2 mặt: Tập Cận Bình nắm quyền càng lâu thì đắc tội càng nhiều.

Còn nếu Tập Cận Bình có hạn chế nhiệm kỳ, mọi người sẽ cảm thấy ‘nhẫn thêm 5 năm nữa vẫn được’, khi ông Tập xuống thì họ lên. Nhưng nếu Tập Cận Bình không chỉ định người kế nhiệm (Giáo sư Chương cũng nhìn nhận sau Đại hội 20 ông Tập cũng không chỉ định), dưới tình huống như vậy, thì rất nhiều người sẽ ‘nhẫn vô khả nhẫn’ (忍無可忍: không thể nhẫn được). 

Chúng ta biết rằng, ĐCSTQ có nét giống hắc bang, vị trí lãnh đạo tối cao là giành được, nó không có tính hợp pháp. Nếu không có tính hợp pháp, anh có thể giành được, thì tại sao người khác không giành được. Do đó lãnh đạo tối cao cũng biết rằng mình không có tính hợp pháp, nên càng ngày càng đa nghi, càng ngày càng nghi ngờ những người xung quanh ấp ủ âm mưu. 

Ngay cả Mao Trạch Đông nắm chặt quyền lực, đánh đổ Lâm Bưu, Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài v.v. khiến người khác không có cơ hội hay lực lượng để phản kháng. Mao Trạch Đông cũng không có cách nào không nghi ngờ người bên cạnh có ấp ủ âm mưu hay không, huống hồ là Tập Cận Bình. 

Người càng gần Tập Cận Bình, họ giúp ông Tập làm các việc, nhưng nói không chừng sẽ một sự việc nào đó khiến ông Tập không vừa ý. 100 việc, thì 99 việc họ làm tốt, Tập Cận Bình có thể cho rằng nó là đương nhiên. Chỉ cần 1 việc làm không tốt, Tập Cận Bình sẽ không vui; hễ ông Tập không vui, và người đó thất sủng, thì người ấy sẽ bị xử lý. Người bị thất sủng mang oán hận Tập Cận Bình, họ sẽ muốn tạo phản. Sự việc này trong lịch sử có rất nhiều.

Những năm đầu thời Tây Hán, có một văn học gia, chính luận gia nổi tiếng là Giả Nghị đã viết ‘Trị an sách’. Ông đã đưa sách lược này cho Hán Văn Đế xem, trong đó có một câu nói về tình huống ở trên, gọi là: “Thượng hạ tương nghi chi thế” (上下相疑之勢: hình thế trên dưới nghi ngờ lẫn nhau). 

Người dưới tuy rằng không muốn tạo phản, nhưng cả ngày người trên nghi ngờ người dưới muốn tạo phản, thì người dưới cảm thấy người trên suốt ngày muốn xử lý mình. Kỳ thực họ không muốn tạo phản, nhưng khi suốt ngày bị hoài nghi, họ không thể không tạo phản. Tình huống này Giả Nghị gọi là: “Thượng hạ tương nghi chi thế”. 

Khi hình thế này xuất hiện, thì một cuộc thanh tẩy chính trị, phong ba chính trị sẽ đến, đến lúc ấy ai có nằm trong vòng xoáy sẽ không có ngày sống tốt.

Ngày 1/9, Đài Á Châu Tự Do RFA đăng tin: Cựu quan chức cấp cao của Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương là Lưu Ngạn Bình bị ‘song khai’ (khai trừ các chức vụ trong đảng và nhà nước).

Ảnh Lưu Ngạn Bình chụp từ trang web của Đài Á Châu Tự Do.

Ông từng làm Thứ trưởng Bộ Công an, đến năm 2015 làm Bí thư Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật của Bộ Công an. Nhìn vào cấp bậc của Lưu Ngạn Bình thấy rằng ông là cán bộ cấp Thứ trưởng. Tháng 3 Lưu Ngạn Bình ngã ngựa, tuy rằng ĐCSTQ liệt kê một loạt tội danh như sinh hoạt xa xỉ, làm ‘giao dịch quyền tiền’, ‘giao dịch quyền sắc’ v.v. nhưng nguyên nhân ngã ngựa của ông là tham gia băng nhóm Tôn Lực Quân (băng nhóm đảo chính). 

Cán bộ cấp Thứ trưởng không thể an bài nhân sự sau chính biến, phải là cấp Phó Quốc gia hoặc cấp Quốc gia mới làm nổi. Quanh đi quẩn lại, người phù hợp nhất vẫn là Tăng Khánh Hồng. 

Do đó khi sự việc Lưu Ngạn Bình bị ‘song khai’, Giáo sư Chương nhìn nhận, sau Đại hội 20, Tập Cận Bình sẽ nhân nắm đại quyền mà tiến hành một cuộc thanh tẩy tập đoàn Tăng Khánh Hồng và Giang Trạch Dân, còn kết quả như thế nào, chúng ta chỉ có thể chờ xem.

Mạn Vũ

Related posts