Chuyên gia: Trung Quốc và Mỹ đang tiến vào cuộc cạnh tranh hải quân dài hạn

Huyền Anh

Chuyên gia: Trung Quốc và Mỹ đang tiến vào cuộc cạnh tranh hải quân dài hạn
Việc đánh bắt bất hợp pháp của ĐCSTQ ở các đại dương xa xôi đang cướp bóc nguồn lợi thủy sản toàn cầu và phá hủy sinh kế truyền thống của nhiều quốc gia. Bức ảnh chụp một tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Argentina vào ngày 4/5/2020. (Ảnh: Văn phòng báo chí Hải quân Argentina/AFP/Getty Images)

Ông Bruce Jones, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings, nhận định rằng, quốc gia nào thống trị các đại dương trên thế giới, quốc gia đó sẽ sở hữu một tầm ảnh hưởng phi thường đối với các vấn đề toàn cầu. Điều này lại trùng khớp với tham vọng bá chủ của Trung Quốc. Do đó ông dự đoán rằng, Mỹ-Trung đang bước vào thời kỳ cạnh tranh hải quân kéo dài và có thể sẽ nổ ra xung đột.

Ông Bruce Jones cho biết, giới lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã học hỏi được từ lịch sử rằng, các cường quốc lớn nhất thế giới cần phải sở hữu lực lượng hải quân hùng hậu và cả hai nước này hiện đang cạnh tranh để giành quyền thống trị trong lĩnh vực hàng hải.

Ông Jones nói trong một cuộc phỏng vấn với đài NTD hôm 10/9 rằng: “Thật ấn tượng khi nhìn lại lịch sử của các đế chế trong thời kỳ hiện đại”.

“Trong vài trăm năm qua, các nhà nước, đế chế hoặc quốc gia thống trị các vấn đề toàn cầu thành công nhất là những nhà nước, đế chế hoặc quốc gia sở hữu lực lượng hải quân hùng mạnh và hiệu quả nhất trên thế giới”.

Ông Jones lập luận rằng, lý do là các cường quốc đòi hỏi một nguồn lực lớn. Trong khi phần lớn các nguồn lực mang lại sức mạnh cho nền kinh tế của Trung Quốc và Hoa Kỳ lại phụ thuộc vào biển.

Ông Jones cho biết, 93% dữ liệu trên thế giới nằm ở cáp ngầm dưới biển và 85% hoạt động thương mại thế giới nằm ở các con tàu container và tàu chở hàng qua lại trên đại dương.

“Nếu quý vị có thể thống trị các đại dương trên thế giới, quý vị sẽ sở hữu một tầm ảnh hưởng phi thường đối với các vấn đề toàn cầu”.

Ông Jones nhận định rằng thương mại toàn cầu hiện đang liên kết với nhau chặt chẽ đến mức, khi một cường quốc phát triển kinh tế thì cường quốc khác cũng vậy. Do đó, khi Hoa Kỳ thịnh vượng thì Trung Quốc cũng vậy, và ngược lại.

Đây là lợi ích kiểu “đôi bên cùng có lợi” trong các mối quan hệ thân thiện. Tuy nhiên, kiểu liên kết như vậy cũng đặt ra những thách thức không nhỏ theo thời gian vì nó gia tăng sự thù địch và cạnh tranh giữa các quốc gia.

Ông Jones nói: “Mỹ dành một lượng lớn nguồn lực của mình để bảo vệ dòng chảy thương mại ở Tây Thái Bình Dương, mà người hưởng lợi chính là Trung Quốc, hiện là đối thủ lớn nhất của chúng ta”.

“Và vì vậy, có một thứ logic mâu thuẫn rất kỳ lạ giữa thương mại toàn cầu mà tất cả chúng ta đang nỗ lực, đi kèm với căng thẳng địa chính trị cũng như căng thẳng hải quân đang gia tăng. Đây chính là là thực tế ở thời đại chúng ta”.

“Những thực tế đó không thay đổi việc chúng ta hiện đang phải đối mặt với những căng thẳng địa chính trị này. Và tôi lo ngại rằng nước Mỹ đang đánh giá thấp sự mâu thuẫn đó, dẫn đến việc không chuẩn bị đầy đủ cho những chi phí và hậu quả tiềm tàng trong cuộc cạnh tranh ngày càng được quân sự hóa và những cuộc đụng độ tiềm ẩn giữa chúng ta với Trung Quốc”.

Bất chấp sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau kể trên, ông Jones nói rằng ĐCSTQ, vốn cai trị Trung Quốc như một quốc gia độc đảng, có thể tiếp tục theo đuổi các hành động và chính sách có nguy cơ gây xung đột giữa nước này với Hoa Kỳ.

Ông giải thích, vì ĐCSTQ đang tập trung vào việc củng cố quyền lực của mình, nên ban lãnh đạo của nước này có thể không quan tâm đến xung đột có khả năng gây thảm họa nhiều như Hoa Kỳ.

“Nếu là một cường quốc đang lên và đang củng cố nền tảng quyền lực của mình, quý vị có thể không quan tâm lắm đến việc kiềm chế [một] cuộc khủng hoảng”, ông Jones nói.

“Nếu Trung Quốc muốn kích động chiến tranh, tất cả các biện pháp ngoại giao trên thế giới sẽ không thể ngăn họ làm điều đó. Điều tôi quan tâm lúc này là những thứ có thể giúp Mỹ tránh làm mọi thứ leo thang ngoài tầm kiểm soát, đương nhiên là không ai có ý định để điều đó xảy ra”.

Với suy nghĩ đó, ông Jones nói rằng ĐCSTQ sẽ tiếp tục xây dựng lực lượng hải quân với hy vọng một ngày nào đó có thể giành quyền kiểm soát các vùng biển và thương mại toàn cầu từ Hoa Kỳ. Do đó, ông dự đoán sẽ nổ ra một cuộc cạnh tranh kéo dài và căng thẳng nhằm giành quyền kiểm soát các vùng biển trong những năm tới giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Trung Quốc rõ ràng nhận ra rằng, để có thể sử dụng loại ảnh hưởng và sức mạnh mà họ muốn, nước này sẽ phải sở hữu một lực lượng hải quân nước xanh toàn cầu có thể … vượt mặt Mỹ”, ông Jones nói.

“Tôi nhận thấy trong một thời gian dài tới đây, sẽ có sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực hải quân giữa các cường quốc hải quân hàng đầu. Rõ ràng Mỹ và Trung Quốc là hai nước đi đầu trong lĩnh vực đó”.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Related posts