Mộc Vệ
Tại sao hai lãnh đạo Tập Cận Bình và Vladimir Putin lại nóng lòng muốn gặp nhau trong thời điểm trước thềm Đại 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga cắt nguồn khí đốt tự nhiên cho châu Âu? Liệu Trung Quốc và Nga đang chuẩn bị sẵn sàng để đảo ngược tình thế chiến sự ở Đài Loan và Ukraine? Dưới đây là phân tích của nhà bình luận gốc Hoa, ông Đường Hạo của Kênh Ngã Tư Thế Giới.
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: plavevski / Shutterstock)
Gần đây, Nga đã công khai cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu, đồng thời tuyên bố rằng nếu các nước phương Tây không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thì nguồn cung khí đốt tự nhiên sẽ không được phục hồi. Tại sao ông Putin lại chọn thời gian này để hành động? Ông ấy có tính toán gì? Ngoài ra, phía Nga cũng thông báo hai lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp song mặt phương tại Uzbekistan vào tuần tới. Tại sao ông Tập lại muốn gặp ông Putin trước thềm Đại hội 20 ĐCSTQ? Hai nhà lãnh đạo này đang có tính toán gì? Liệu cuộc chiến Ukraine và tình hình eo biển Đài Loan có thay đổi sau cuộc gặp Tập-Putin này?
Lợi ích đối với ông Putin
Lợi ích 1: Qua cuộc gặp Tập-Putin lần này, ông Putin có thể tuyên bố với các nước châu Âu và Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt và cô lập Nga của phương Tây đã thất bại, vì vẫn còn các đồng minh như ĐCSTQ và Ấn Độ đứng sau ủng hộ Nga.
Trong khi các nước phương Tây tẩy chay dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, thì vào thời điểm này Trung Quốc và Ấn Độ lại làm ngược lại khi ráo riết mua hàng hóa từ Nga, khiến nền kinh tế thương mại của Nga có thể duy trì.
Theo thống kê, vào tháng Sáu mỗi ngày ĐCSTQ đã nhập khẩu 2 triệu thùng dầu từ Nga; vào tháng Bảy xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Quốc cũng tăng gần gấp 3 lần so với các năm trước. Chỉ tính riêng trong quý II năm nay, thu nhập ngoại hối của Nga từ Trung Quốc và Ấn Độ đã lên tới 24 tỷ USD.
Không chỉ vậy, gần đây Nga đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự ở Viễn Đông, và cuộc tập trận này cũng có cả Ấn Độ và ĐCSTQ cử quân đội tham gia. Dù Ấn Độ lâu nay vẫn thân Mỹ và có xung đột không nhỏ với ĐCSTQ, nhưng tình hình cho thấy họ dường như không muốn làm “mếch lòng” Nga. Đây quả thực là một mối nguy tiềm ẩn đối với phương Tây, vì nếu nền kinh tế Nga cứ duy trì ổn định thì cuộc chiến ở Ukraine sẽ còn kéo dài.
Lợi ích 2: Cuộc chiến năng lượng và vấn đề kinh tế có thể buộc phương Tây phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Hơn nữa, cuộc gặp cũng là lời cảnh báo của ông Putin đối với phương Tây rằng đã phát động “chiến tranh năng lượng”. Nếu phương Tây không lùi bước thì sẽ gặp phải mùa đông tồi tệ nhất và khủng hoảng kinh tế do giá cả tăng cao.
Bởi vì mặc dù Nga đã cắt giảm khí đốt đối với châu Âu, nhưng khí đốt tự nhiên và dầu của nước này vẫn có thể được bán cho Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác. Vậy nên, Nga không quá lo ngại về việc không có thị trường. Ông Putin cũng vừa tuyên bố rằng trong tương lai, các giao dịch khí đốt tự nhiên giữa Trung Quốc và Nga sẽ được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ và rúp thay vì USD. Điều đó cho thấy ĐCSTQ đang giúp Nga thoát khỏi các lệnh trừng phạt tài chính từ Mỹ, ngay cả khi Nga không dựa vào USD thì họ vẫn có thể kinh doanh quốc tế và tồn tại.
Tóm lại, Nga muốn chứng minh với phương Tây rằng họ có thể tồn tại mà không có thị trường châu Âu. Tuy nhiên, nếu châu Âu không có khí đốt tự nhiên của Nga thì không những không đủ sưởi ấm và cuộc sống sẽ khó khăn, mà thậm chí giá năng lượng leo thang sẽ kéo theo giá cả các mặt hàng khác leo thang, làm nghiêm trọng hơn tình hình lạm phát, khiến cho nền kinh tế châu Âu suy thoái nghiêm trọng hơn.
Lợi ích 3: Buộc phương Tây nhượng bộ trong cuộc chiến Ukraine.
Vì vậy, ông Putin sẽ lợi dụng mùa đông năm nay để dùng năng lượng gây sức ép, buộc các nước phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt, thậm chí có thể yêu cầu phương Tây nhượng bộ trong cuộc chiến Ukraine và đáp ứng yêu cầu của Nga để chấm dứt chiến tranh.
Tất nhiên điều này khá khó, vì ai tấn công Nga mạnh nhất? Chính quyền Tổng thống Biden. Ông Biden không chỉ cho rằng Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ, mà còn chỉ trích ông Putin không thể tiếp tục cầm quyền, đồng thời viện trợ hàng chục tỷ USD vật tư và vũ khí cho Ukraine. Hơn nữa, Mỹ sẽ sớm có bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, nếu Mỹ nhượng bộ Nga thì không chỉ tác động đến cuộc bầu cử của Đảng Dân chủ mà còn có thể tác động đến việc ông Biden tái đắc cử vào năm 2024.
Vì vậy, Mỹ khó có thể dễ dàng nhượng bộ trong cuộc chiến Ukraine, nhưng Nga chắc chắn sẽ dùng mùa đông hiếm hoi này để phản công gây sức ép đối với các nước Âu Mỹ.
Tuy nhiên, các nước châu Âu cũng không ngồi yên. Ví dụ như gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua rằng việc sử dụng khí đốt tự nhiên ở các nước sẽ giảm 15% trong mùa đông này, để cùng nhau khắc phục khó khăn, cũng thông báo trữ lượng khí đốt của họ vượt mức 80%.
Chỉ là, nếu ai xem xét kỹ số liệu trữ lượng của các nước, sẽ thấy rằng các nước Tây Âu và Ba Lan có tỷ lệ lưu trữ tương đối cao. Tuy nhiên, nhiều nước Đông Âu như Hungary, Bulgaria… chỉ có được mức trữ lượng khí đốt tự nhiên khoảng 50-60%, như vậy hơi nguy hiểm.
Ngoài ra, phải kể mùa hè năm nay đợt nắng nóng gay gắt ở châu Âu cũng tiêu thụ rất nhiều khí đốt tự nhiên, do máy điều hòa nhiệt độ ở nhiều nơi sử dụng khí đốt tự nhiên để làm mát, nhằm làm giảm lượng khí thải carbon. Vậy rốt cuộc việc Nga cắt khí đốt tự nhiên lần này sẽ ảnh hưởng đối với châu Âu đến mức độ nào? Có lẽ phải đến khi đó mới rõ!
Lợi ích của ông Tập Cận Bình
Nhìn từ quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc, cuộc gặp Tập-Putin lần này sẽ mang lại những lợi ích gì cho ông ấy?
Lợi ích 1: Trở lại sân khấu quốc tế để tạo uy thế duy trì quyền lực tại Đại hội 20.
Trước hết, nếu ông Tập Cận Bình thực sự gặp ông Putin, điều đó cho thấy ông ta cảm thấy rất tin tưởng vào khả năng tái nhiệm tại Đại hội 20 mới tự tin ra nước ngoài. Cuộc gặp gỡ Tập-Putin này sẽ trở thành buổi biểu diễn công khai đầu tiên của ông Tập trở lại sân khấu quốc tế, cũng tuyên truyền cho người dân Trung Quốc về “hình ảnh quốc tế” của Tập Cận Bình để củng cố uy thế tại Đại hội 20.
Lợi ích 2: Chống lại cô lập từ Âu Mỹ và hàn gắn quan hệ Trung-Nga.
Cuộc gặp với ông Putin vào thời điểm này vừa dịp ông ta phát động cuộc chiến tranh năng lượng chống lại châu Âu. Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đang hợp tác cùng ông Putin trong việc tuyên truyền chiến lược: một là sẵn sàng cho thấy có thể chống lại sự cô lập và trừng phạt của các nước Âu Mỹ; hai là như cho thấy việc sửa chữa những khó chịu đã xảy ra trước đây vì cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng ông Putin luôn hy vọng ĐCSTQ sẽ cung cấp viện trợ chiến tranh cho Nga, nhưng ĐCSTQ lo lắng về việc bị Mỹ trừng phạt và bị nhiều nước hạn chế quan hệ nên đã luôn né tránh. Điều này khiến cho có những lúc hai bên căng thẳng với nhau. Vì vậy, lần này ông Tập Cận Bình tái hiện diện trực tiếp trên sân khấu thế giới và nhà lãnh đạo đầu tiên gặp là Putin, cho thấy ĐCSTQ đang mong muốn hàn gắn quan hệ với Nga, tránh một kẻ thù lớn khác ở miền bắc Trung Quốc trong tương lai.
Lợi ích 3: Gây áp lực ngoại giao để buộc châu Âu và Mỹ đàm phán thỏa hiệp.
Ông Tập công khai gặp ông Putin vào thời điểm này, thực chất là cố tình làm “bàn đạp ngoại giao”, muốn nhắn với các nước Âu Mỹ rằng: Trong trường hợp phương Tây cần một “cầu nối” nói chuyện với ông Putin thì ông Tập có thể vào vai, dĩ nhiên khi “nhờ vả” thì sẽ phải có những nhượng bộ.
Còn nhớ, sau khi chiến tranh Ukraine bùng nổ, Mỹ đã nhiều lần yêu cầu ĐCSTQ can thiệp để ngăn Nga xuất quân xâm lược nhưng phía ĐCSTQ đều “làm ngơ”. Giờ đây, các nước châu Âu đã bị ông Putin cắt khí đốt trong khi họ không thể dễ dàng có thể nhượng bộ Nga, vậy phải làm sao? Chỉ có cách tìm bên có quan hệ tốt với ông Putin để đàm phán và thương lượng riêng?
Có lẽ ĐCSTQ đã xác định được cục diện này, nên ngay khi ông Putin phát động cuộc chiến tranh năng lượng thì đã đứng lên bắt tay ông ấy. Một mặt, họ muốn nhắn nhủ “là bạn tốt” với ông Putin, mặt khác là nhắn đến các nước phương Tây rằng ĐCSTQ là “trung gian tốt” cho phương Tây. Chiêu bài này giúp ĐCSTQ có cơ hội ở thế “ngư ông đắc lợi”.
Nếu các nước Âu Mỹ thực sự mong thảo luận riêng, và yêu cầu ĐCSTQ giúp xoa dịu hoặc giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt nguy hiểm cho châu Âu, thì họ nhất định sẽ nhân cơ hội này yêu cầu Âu Mỹ nhân nhượng theo điều kiện trao đổi. ĐCSTQ muốn những điều kiện tốt nào? Ông Đường Hạo nghĩ 3 điều rất có thể xảy ra:
– Yêu cầu châu Âu và Mỹ nhượng bộ trong vấn đề Đài Loan, không can thiệp quân sự vào eo biển Đài Loan.
– Yêu cầu Mỹ dỡ bỏ thuế quan thương mại.
– Yêu cầu Mỹ hủy bỏ việc kiểm soát xuất khẩu công nghệ và thiết bị bán dẫn.
Vì vậy, đừng xem nhẹ cho rằng vấn đề Nga cắt khí đốt của châu Âu không liên quan gì đến châu Á. Thực tế, chuyến công du nước ngoài này của ông Tập Cận Bình là muốn lợi dụng cuộc khủng hoảng khí đốt sinh tử này, để chơi “quân bài ngoại giao”, lấy châu Âu làm đòn bẩy để đánh đổi lợi ích của ĐCSTQ ở Đông Á: một là để giảm bớt trở ngại cho ĐCSTQ tấn công eo biển Đài Loan; hai là để bù đắp cho nhiều đánh giá sai lầm về ngoại giao trong vài năm qua.
Lợi ích 4: Bán lại khí đốt tự nhiên của Nga vì lợi ích kinh tế và ngoại giao.
Cuối cùng, trong tình huống không hay nhất nếu ông Tập Cận Bình không kiếm chác được gì từ “quân bài ngoại giao” trong cuộc gặp ông Putin sắp tới, thì ít nhất ông ta cũng có thể bán lại khí đốt tự nhiên của Nga cho châu Âu để kiếm lợi ích kinh tế và ngoại giao.
Rõ ràng từ tháng Sáu năm nay, sản lượng khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu liên tục bị cắt giảm, nay đã bị cắt đứt hoàn toàn. Nhưng tại sao Nga giảm sản lượng mà châu Âu vẫn có thể công bố gần đây rằng họ đã đạt 80% trữ lượng khí đốt tự nhiên?
Ngoài việc châu Âu mua khí đốt tự nhiên từ các nước như Mỹ và Qatar, một điểm quan trọng khác là ĐCSTQ bán lại khí đốt tự nhiên giá rẻ mà họ mua từ Nga cho châu Âu. Theo Nikkei, chỉ riêng Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) đã bán sang châu Âu 45 lô khí đốt tự nhiên (khoảng 3 triệu tấn), tương đương 6% tổng lượng nhập khẩu của châu Âu trong nửa đầu năm nay.
Hơn nữa lợi nhuận của giao dịch này rất cao, có khi chỉ một giao dịch có thể tạo ra lợi nhuận 100 triệu USD. Do đó, đối với ĐCSTQ đó là một giao dịch bán lại được đảm bảo “lợi nhuận khủng” chắc chắn. Hơn nữa, trong khi châu Âu khan hiếm khí đốt lại được ĐCSTQ bán khí đốt tự nhiên cho thì có nghĩa là châu Âu mang món nợ ân tình. Điều này có thể giúp ĐCSTQ chia rẽ châu Âu và Mỹ, có thể khiến châu Âu hợp tác với ĐCSTQ và nhượng bộ ĐCSTQ về các vấn đề eo biển Đài Loan và Biển Đông trong tương lai.
Tóm lại, vấn đề ông Tập Cận Bình và ông Putin muốn gặp nhau trước thềm Đại hội 20 ĐCSTQ, vì cuộc gặp này là “ván bài ngoại giao” quan trọng cho cả hai bên.
Mộc Vệ