Lam Giang
Tân Thủ tướng Anh Liz Truss được biết đến với tài hùng biện về chính sách đối ngoại cứng rắn. Cũng chính vì thái độ cứng rắn của bà đối với ĐCSTQ, cho nên kể từ khi nhậm chức Tân Thủ tướng vào ngày 06/9, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã không gửi lời chúc mừng đến bà. Giới chuyên gia nhận định rằng, động thái này đã đánh dấu sự kết thúc của ‘kỷ nguyên vàng’ Trung – Anh.
Có nhiều sự kiện trọng đại đã và đang xảy ra ở Vương Quốc Anh thời gian gần đây. Chiều 08/9, Nữ hoàng Elizabeth II qua đời tại lâu đài Balmoral, Scotland. Hai ngày trước (06/9) cũng tại lâu đài này, Nữ hoàng vừa bổ nhiệm bà Liz Truss làm Tân Thủ tướng Anh. Cung điện Buckingham cho biết trong một tuyên bố, bà Truss đã được Nữ hoàng bổ nhiệm để thành lập nội các.
Đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh đã công bố bà Truss là nhà lãnh đạo mới vào ngày 05/9, thay thế cựu Thủ tướng Boris Johnson, người bị buộc phải từ chức trong bối cảnh hàng loạt các vụ bê bối nổ ra. Bà Truss đã đánh bại đối thủ của mình, cựu Thủ tướng của Exchequer Rishi Sunak, để trở thành nhà lãnh đạo Đảng Bảo thủ trong một cuộc bỏ phiếu do các thành viên Đảng Bảo thủ tổ chức.
Sau khi bà Truss nhậm chức, các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi điện đàm chúc mừng đến bà, trong khi các quan chức ĐCSTQ giữ thái độ có phần “lạnh nhạt”. Mãi đến tối ngày 07/9, Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ mới thông báo rằng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gọi điện cho bà Truss “vài ngày trước “để chúc mừng bà được bổ nhiệm làm Thủ tướng Anh”.
Vào ngày 06/9, tại một cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Ngoại giao ĐCSTQ tổ chức, một phóng viên đã đặt hỏi rằng trong khi nhiều quốc gia đã gửi lời chúc mừng tới bà Truss thì liệu Trung Quốc có kế hoạch chính thức chúc mừng bà hay không. Bà Mao Ninh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Phía Trung Quốc cho biết: Việc chúc mừng sẽ được xử lý theo thông lệ ngoại giao”. Bà Mao Ninh cũng nói rằng bà hy vọng mối quan hệ Trung-Anh sẽ “đi đúng hướng”.
Ngược lại, khi Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác bầu chọn chủ tịch nước hoặc thủ tướng, ông Tập Cận Bình sẽ chúc mừng họ một cách trang trọng.
Vào ngày 10/3 năm nay, sau khi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc đã được công bố, ông Yoon Suk-yeol, ứng cử viên của Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) vào thời điểm đó, được bầu làm tổng thống Hàn Quốc. Ông Tập Cận Bình đã gửi điện mừng tới ông Yoon Suk-yeol cùng ngày. Tương tự, sau khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên thệ nhậm chức vào ngày 4/10/2021, ông Tập Cận Bình cũng gửi điện mừng cùng ngày.
Một số nhà phân tích bên lề tin rằng việc ĐCSTQ lựa chọn chúc mừng bà Truss theo cách thức kín đáo lần này có thể liên quan đến phong cách cứng rắn của bà đối với ĐCSTQ.
“Bà đầm thép” nước Anh tiếp tục cứng rắn với ĐCSTQ
Bà Liz Truss, 47 tuổi, được bầu vào Hạ viện Anh năm 2010 và từng phục vụ trong nội các của ba Thủ tướng Đảng Bảo thủ trước đó là ông David Cameron, bà Theresa May và ông Johnson. Bà từng đảm nhiệm các vị trí như Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Bộ trưởng Ngoại giao Sự vụ.
Nữ thủ tướng thứ ba trong lịch sử nước Anh nổi tiếng với tài hùng biện cứng rắn. Bà đã “nâng địa vị” của ĐCSTQ từ một “đối thủ cạnh tranh có hệ thống” thành một “mối đe dọa nghiêm trọng” vào ngày nhậm chức. Điều đó đặt Bắc Kinh ngang hàng với Nga, quốc gia được xác định là “mối đe dọa nghiêm trọng” trong báo cáo đánh giá toàn diện của Anh công bố năm ngoái. Báo cáo nêu rõ các ưu tiên quốc phòng và đối ngoại của Vương quốc Anh trong 10 năm tới.
Thái độ cứng rắn của bà Truss đã khiến ĐCSTQ không khỏi giật mình, đồng thời tuyên bố đây là một “hành động vô trách nhiệm”.
Sau bài phát biểu tranh cử vào ngày 31/8, bà Truss được hỏi liệu ông Tập có phải là “kẻ thù” hay không.
Bà đáp:”Tôi sẽ không dùng từ ‘kẻ thù’, nhưng tôi rất lo ngại về hành vi độc tài của ĐCSTQ”.
Tờ Times của Anh ngày 29/8 đưa tin, một nguồn tin trong chiến dịch tranh cử của bà Truss nói với tờ báo rằng, bà đã củng cố lập trường của Anh đối với Bắc Kinh kể từ khi bà trở thành ngoại trưởng. Với tư cách là thủ tướng, bà sẽ tiếp tục lập trường diều hâu.
Nguồn tin cho biết: “Bà ấy đã lên tiếng về hành động ép buộc kinh tế của Trung Quốc, làm việc với G7 và các đồng minh khác để huy động đầu tư vào các nước thu nhập thấp và trung bình nhằm chống lại sáng kiến ’Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc”.
Bà Truss tin rằng ĐCSTQ gây ra mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ sau Thế chiến II. Bà cho biết công việc của bà là xây dựng một hàng rào phòng thủ trước mối đe dọa này.
Đầu năm nay, bà Truss nói trong một bài phát biểu rằng các nước phải chơi theo luật, bao gồm cả Trung Quốc. Bà cho biết Bắc Kinh đang “nhanh chóng xây dựng một lực lượng quân sự có khả năng phóng sức mạnh tới các khu vực có lợi ích chiến lược của châu Âu”.
Bà nói rằng sẽ có hậu quả nếu Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc toàn cầu.
Bà Truss cũng hình dung vai trò lớn hơn của G7. Bà tin rằng G7 nên đóng vai trò của một “NATO kinh tế”. Có nghĩa là, nếu một trong các quốc gia thành viên bị tấn công bởi một “chế độ hiếu chiến”, G7 nên hỗ trợ về phương diện kinh tế.
Sau đó vào năm 2021, bà Truss thuyết phục các ngoại trưởng khác của G7 đưa một câu vào thông cáo kết thúc, nhằm tố cáo các chính sách kinh tế của Trung Quốc: “các chính sách đầu tư toàn cầu của Bắc Kinh có thể khiến các nước nghèo rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc”.
Khi còn là Bộ trưởng Thương mại, bà Truss đã cảnh báo rằng phương Tây có thể mất quyền kiểm soát thương mại toàn cầu trừ khi họ cứng rắn với Bắc Kinh và thúc đẩy cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Bà nói: “Nếu chúng ta không hành động, thương mại toàn cầu có nguy cơ tan rã dưới sự chuyên chế của nền kinh tế lớn nhất”.
Với luận điệu sác bén và thái độ cứng rắn, bà Truss mang phong cách của bà Margaret Thatcher, nữ thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Anh, và bà Truss được một số phương tiện truyền thông mệnh danh là “Bà đầm thép” vì lý do này.
‘Kỷ nguyên vàng’ Trung – Anh đã kết thúc
Bà Truss cho rằng Trung Quốc là một “mối đe dọa nghiêm trọng”, đánh dấu sự kết thúc của “kỷ nguyên vàng” mà cựu Thủ tướng Anh David Cameron trước đó đã nhận định.
Dưới thời ông Cameron, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Anh giống như tuần trăng mật. Vào tháng 10/2015, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Vương quốc Anh và ở lại London trong ba ngày để tham dự hơn 20 sự kiện chính trị. Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, cho biết trong một báo cáo vào thời điểm đó rằng động thái của ông Tập Cận Bình đã mở ra một “kỷ nguyên vàng” cho sự phát triển của quan hệ Trung-Anh.
Chỉ tính riêng trong ngày 21/10/2015, đã có tới 28 thỏa thuận thương mại được ký kết giữa Trung Quốc và Anh, với tổng trị giá gần 40 tỷ bảng Anh (khoảng 61,8 tỷ USD).
Các dự án trọng điểm mà hai bên ký kết vào thời điểm đó bao gồm Dự án Điện hạt nhân Hinkley Point, trong đó Trung Quốc đầu tư 6 tỷ bảng Anh (khoảng 9,2 tỷ USD) vào dự án, nhằm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở hạt Somerset, phía Tây Nam nước Anh. Các công ty Trung Quốc cũng tham gia vào ngành công nghiệp taxi ở London và ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác với thương hiệu xe thể thao hạng sang của Anh Aston Martin. Công ty Merlin Entertainments của Anh có kế hoạch xây dựng công viên giải trí Legoland lớn nhất thế giới ở thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc vào năm 2024, theo cổng thông tin của Thượng Hải ITsai Global.
Đầu năm 2015, ĐCSTQ cũng đã thành lập cơ quan hàng đầu để thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đối với kế hoạch toàn cầu đầy tham vọng này, ĐCSTQ cần sự tán thành của các nước phương Tây.
Dưới sự thúc đẩy chính trị của Trung Quốc và Anh, một số lượng lớn các dự án đã được ký kết. Quan hệ Trung-Anh cũng được cả hai bên xác định là đang hướng tới một “thập kỷ vàng”, với việc truyền thông nhà nước Trung Quốc coi Anh là “đối tác tốt nhất ở phương Tây”.
Tuy nhiên, trong bảy năm qua, với ba lần thay đổi thủ tướng Anh, sự chỉ trích ngày càng tăng của ĐCSTQ về thương mại ở Anh và việc không thể đàm phán về các vấn đề Hong Kong và Tân Cương, Vương quốc Anh nay đã rời xa ĐCSTQ. Quốc gia Châu Âu từng ủng hộ mạnh mẽ, nay trở thành một trong những nước chỉ trích Trung Quốc gay gắt nhất.
Chính phủ Anh gần đây đã tiến tới hạn chế sự tham gia của Trung Quốc vào ngành điện hạt nhân của Vương quốc Anh. Nước này cũng đã ký một thỏa thuận quốc phòng cung cấp cho Úc công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân để giúp chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Lam Giang