Mới đây, một đoạn video thu hút sự chú ý, khi chỉ ra cách trong 2 thập kỷ qua, ĐCSTQ đã từng bước tìm ra tài sản của những người giàu trong và ngoài nước, đồng thời đưa ra thuế bất động sản và thuế tài sản thừa kế để “thu hoạch rau hẹ” triệt để hơn.
Video có tên “Mọi thứ đều bị kiểm soát, không thể thoát khỏi móng vuốt của quỷ”. Từ video này có thể thấy, vào tháng 3/2004, thẻ căn cước thế hệ thứ hai của Trung Quốc được cấp để làm rõ về từng đối tượng công dân; sau đó vào tháng 5/2007, các tài khoản ngân hàng được kết nối với Internet và tài sản của tất cả các ngân hàng đều được thống nhất, tất cả đều có thể kiểm tra được; tháng 7/2012, đăng ký kết hôn của Bộ Dân chính đã được đưa lên mạng, như vậy có thể hiểu được mối quan hệ họ hàng giữa mọi người; vào tháng 2/2014, đăng ký doanh nghiệp công thương đã được đưa lên mạng, công ty, xí nghiệp và cổ phần dưới tên của người dân có thể được tìm thấy; cuối năm 2017, chính quyền Trung Quốc đưa ra đăng ký thống nhất về bất động sản và tất cả các bất động sản của một người đều được chính quyền biết hết; đến tháng 2/2018, đã có sàn giao dịch thông tin tài chính toàn cầu (CRS), như vậy công dân có tài sản gì ở nước ngoài chính quyền đều biết.
Video tổng kết lại: ĐCSTQ mất gần 20 năm, từng bước, từng bước liên kết tất cả các thông tin của cá nhân lại với nhau như trong nhà có ai, có bao nhiêu tiền, có bao nhiêu tài sản cổ phần, có bao nhiêu bất động sản, có bao nhiêu tài sản ở nước ngoài…, trong khi người đó không biết và không cảm giác được. Bằng cách này, chính quyền có thể biết rõ người đó đã kiếm được bao nhiêu tiền trong đời, và liệu đã nộp các khoản thuế tương ứng hay chưa.
Cuối video còn nhấn mạnh, sau khi chết, những tài sản này đều biến thành di sản, như thế chính quyền lại tiếp tục thu 40% thuế tài sản thừa kế. Nếu di sản thừa kế là 100 triệu nhân dân tệ, thì người muốn thừa hưởng trước hết cần phải nộp 40 triệu nhân dân tệ bằng tiền mặt, nếu không nộp thì không thể nào kế thừa di sản này.
Đặc biệt là thuế bất động sản, video cảnh báo: “Bởi nếu giá nhà không lên, tiền thuê nhà không thu được, không bán được hay quy ra tiền mặt được thì sống chết không biết đường nào.”
Lấy một ngôi nhà ở Bắc Kinh làm ví dụ, “Một ngôi nhà 10 triệu nhân dân tệ có diện tích khoảng 100 m2. Giả sử rằng thuế bất động sản được tính bằng 5% giá trị thị trường, một ngôi nhà 10 triệu nhân dân tệ sẽ phải trả 500.000 nhân dân tệ tiền thuế bất động sản, mỗi tháng phải có tiền thuê hơn 40.000 nhân dân tệ (khoảng 144 triệu VNĐ) thì mới đủ (trả tiền thuế cho 1 năm). Hiển nhiên đây là điều không hiện thực (vì giá cho thuê quá cao).”
Theo thông tin công khai ở Trung Quốc Đại Lục, thuế bất động sản là loại thuế đánh vào chủ sở hữu bất động sản dựa trên giá trị còn lại (sau khi đã khấu hao trong quá trình sử dụng) của ngôi nhà hoặc thu nhập cho thuê.
Năm ngoái, các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã đăng bài viết “Thúc đẩy thịnh vượng chung một cách vững chắc” của ông Tập Cận Bình, đề xuất rằng Trung Quốc nên ngăn chặn sự phân cực, “cần tích cực thúc đẩy lập pháp và cải cách về thuế bất động sản, và làm tốt công tác thí điểm”.
Kể từ năm 2011, ĐCSTQ đã tiến hành đợt thí điểm đánh thuế bất động sản đầu tiên ở Thượng Hải và Trùng Khánh. Thành phố Thượng Hải đánh thuế nhắm vào những cư dân có nhiều nhà ở, trong khi thành phố Trùng Khánh nhắm vào những ngôi nhà sang trọng cao cấp.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự và là cựu phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nói với Epoch Times rằng chính sách của ĐCSTQ là kiểm soát tất cả mọi người, kể cả người giàu và người nghèo.
Ông phân tích trong những ngày đầu, những người giàu có được lợi ích thông qua sự kết hợp quan – thương (quan chức và thương nhân). Trong môi trường Trung Quốc, không thể thực sự tuân thủ pháp luật và kỷ luật, bất kỳ doanh nhân nào tuân theo pháp luật và kỷ luật thì đều sẽ không thể kiếm tiền, trên thực tế, đều phải làm trái với pháp luật để kiếm tiền.
Ông nói, “Ngay cả khi bạn thực sự tuân thủ luật pháp, thì họ (ĐCSTQ) cũng có thể bố trí một tội danh sau đó trừng trị bạn. Cho nên, ĐCSTQ chắc chắn muốn kiểm soát tất cả.”
“Ví dụ, người giàu nhất, cho anh vào tù thì anh vào tù, danh sách người giàu nhất cũng giống như danh sách giết mổ lợn. Khi họ muốn tiền của bạn, thì họ sẽ lấy danh nghĩa quốc gia để yêu cầu bạn giao tiền ra. Đó là lý do tại sao rất nhiều người giàu muốn để con cái, người thân và tài sản của mình đi ra nước ngoài, họ không có cảm giác an toàn.”
Ông Lý Nguyên Hoa cho rằng ĐCSTQ không chỉ kiểm soát tài sản và nguồn tiền của người giàu, mà còn kiểm soát cuộc sống hàng ngày của người nghèo và tất cả mọi người, chẳng hạn kiểm soát tư tưởng và tự do ngôn luận,khiến mọi người sống trong sợ hãi. “Có tất cả thông tin của bạn liên kết trực tuyến bao gồm cả mã sức khỏe, có nghĩa là mọi thứ bạn có đều nằm trong tầm kiểm soát của ĐCSTQ.”
Ông cho rằng ông Tập Cận Bình không yên tâm về các doanh nghiệp tư nhân, “bởi vì những người này đã trở nên giàu có trước khi ông ấy lên nắm quyền, thậm chí có người còn tham gia vào cuộc đảo chính của Giang Trạch Dân, nên ông ta cũng không yên tâm về nhóm người này.”
Ngay từ tháng 9/2020, ĐCSTQ đã ban hành “Ý kiến về việc tăng cường công tác Mặt trận thống nhất kinh tế tư nhân trong thời đại mới”. Đây là văn kiện mặt trận thống nhất kinh tế tư nhân đầu tiên do ĐCSTQ ban hành kể từ năm 1978. Bình luận cho rằng việc Chính phủ ĐCSTQ sẽ “thu hoạch tài sản doanh nghiệp tư nhân” càng có sức thuyết phục và có căn cứ hơn. Đã đến lúc chính quyền cần phải thu hoạch toàn diện tài sản của doanh nghiệp tư nhân.
Học giả kinh tế có biệt danh “Mắt lạnh Tài chính” trước đó cho biết, trong những năm gần đây, cho dù là cải cách hỗn hợp của các doanh nghiệp nhà nước, hay các vụ tai nạn liên tục của các doanh nhân tư nhân, tài sản bị tịch thu, và cả việc doanh nghiệp nhà nước mua lại quy mô lớn cổ phiếu của các công ty tư nhân niêm yết đang gặp khó khăn, những điều này đều khẳng định quan điểm của ông: ĐCSTQ sẽ theo đuổi nền kinh tế kế hoạch và tước đoạt tài sản của các doanh nghiệp tư nhân.
Theo Lạc Á, Epoch Times