Lam Giang
Trí tuệ nhân tạo (AI) là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, có giá trị ứng dụng rất lớn và là lĩnh vực chiến lược mà các quốc gia đang rục rịch triển khai. Trong cuộc đua công nghệ AI, ĐCSTQ đã để lộ ra gót chân Achilles. Sau khi Hoa Kỳ tăng cường thắt chặt việc xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ chip AI cao cấp sang nước này, khoảng cách năng lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ngày một lớn.
Tờ Reuters ngày 12/9 đưa tin, chính quyền ông Biden có kế hoạch tiếp tục mở rộng hạn chế xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo và công cụ chế tạo chip sang Trung Quốc, bao gồm KLA, Lam Research and Applied Materials. Trong đó, Mỹ cấm các công ty này xuất khẩu thiết bị chế tạo chip khi chưa được phép cho các nhà máy Trung Quốc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến dưới 14 nanomet (nm).
Trước đó, chính phủ Mỹ đã cấm Nvidia và AMD xuất khẩu ba chip AI cao cấp sang Trung Quốc.
Hoa Kỳ áp đặt vòng cấm chip chặt chẽ hơn đối với ĐCSTQ, đánh trúng điểm yếu và cản trở sự phát triển hơn nữa về công nghệ AI của nước này.
Hoa Kỳ là ‘vị vua’ không thể bàn cãi về sức mạnh tính toán
Tờ SCMP ngày 12/9 đưa tin, dịch vụ đám mây Volcengine của ByteDance đã rút ngắn thời gian huấn luyện các mô hình nhận dạng hình ảnh và trí tuệ nhân tạo từ năm ngày xuống còn ba ngày. Nền tảng điện toán Sinian của Alibaba Cloud ghi nhận 1,078 triệu hình ảnh mỗi giây ngoại tuyến, phá vỡ kỷ lục do Google nắm giữ.
Nhưng những đột phá này sẽ không thể thực hiện được đối với công ty Trung Quốc nếu không có bộ xử lý đồ họa (Graphics Processing Unit-GPU) mạnh mẽ do Nvidia cung cấp. Không có nguồn thay thế trực tiếp nào cho GPU Nvidia ở Trung Quốc để huấn luyện các mô hình AI trong lái xe tự hành, phân tích ngữ nghĩa, nhận dạng hình ảnh, thời tiết và phân tích dữ liệu big data.
Các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn của chính quyền ông Biden cũng đánh vào tham vọng quân sự của Trung Quốc. Lấy chiến trường Ukraine làm ví dụ. Người Ukraine đã sử dụng một ứng dụng để gửi ảnh các thiết bị quân sự của Nga cho quân đội Ukraine. Công nghệ AI sẽ phân loại một lượng lớn dữ liệu ảnh để xác định xem đó có phải là mục tiêu đáng để tấn công hay không.
“Ai đưa ra quyết định nhanh nhất sẽ chiếm giữ lợi thế”, ông Eric Shih, chủ tịch Dự án Nghiên cứu Năng lực Cạnh tranh Đặc biệt (SCSP) cho hay.
“Các hệ thống AI này đưa ra quyết định nhanh hơn các quyết định của con người, và đó chính là điểm khác biệt”, ông Eric Schmidt cho biết.
Ngày 12/9, “Dự án nghiên cứu năng lực cạnh tranh đặc biệt” (SCSP) đã công bố báo cáo mang tên “Những thách thức giữa thập kỷ đối với năng lực cạnh tranh quốc gia” cho biết, cạnh tranh Mỹ – Trung chủ yếu ở 3 “chiến trường”: Chip, AI và 5G.
Theo phân tích của tờ Bloomberg, trí tuệ nhân tạo bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó máy học xử lý lượng lớn dữ liệu để đưa ra một mẫu và kết quả dự đoán. Một lĩnh vực khác là phân loại, sắp xếp và khoanh vùng thông tin trực quan, nhận dạng hình ảnh theo dõi chuyển động của người và phương tiện.
AI được xây dựng dựa trên ba năng lực khác nhau, đó là dữ liệu, thuật toán và sức mạnh tính toán. Chính phủ và các công ty Trung Quốc thu thập một lượng lớn dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu của công dân Trung Quốc như hình ảnh khuôn mặt, dấu vân tay, thông tin tài chính, chuyển động của phương tiện và giám sát mạng, đồng thời sử dụng các thuật toán phức tạp để xử lý dữ liệu và tìm ra các mẫu.
Nhưng khi nói đến sức mạnh tính toán, Mỹ rõ ràng là một “vị vua”. Nvidia và AMD đang dẫn đầu thế giới về công nghệ. Chip Nvidia A100 sử dụng công nghệ sản xuất 7nm của TSMC và H100 sắp tới là 4nm. Quá trình này càng nhỏ thì hiệu suất và hiệu suất năng lượng của chip càng cao.
Ngược lại, Trung Quốc bị giới hạn 14nm bởi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, khiến công nghệ chip của họ bị tụt hậu ít nhất hai thế hệ. Tuy Bắc Kinh tuyên bố họ sẽ phát triển khả năng sản xuất chip của riêng mình, nhưng việc đó cũng vấp phải không ít khó khăn khi Washington tăng cường thắt chặt các hạn chế đối với lĩnh vực này.
Tờ Bloomberg cho rằng nếu không có khả năng đạt được tiến bộ trong lĩnh vực điện toán, Trung Quốc khó có thể duy trì vị thế dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Ông John Lee của Viện Hudson nói với đài VOA rằng, nếu Hoa Kỳ không hành động ngay bây giờ, Trung Quốc sẽ thống trị các thị trường toàn cầu trong thời gian tới. Bài học của Hoa Kỳ là mô hình kiểm soát tấm pin mặt trời của Trung Quốc. Nước này hiện đang thống trị nguồn cung cấp các tấm pin mặt trời trên thế giới.
Khi khoảng cách năng lực ngày càng tăng, ĐCSTQ rất khó bắt kịp
Một quản lý Trung Quốc tại Nvidia nói với tờ SCMP rằng, các công ty AI của Trung Quốc có thể sẽ dành nhiều thời gian hơn để đào tạo các mô hình AI của họ, điều này có thể làm chậm tiến độ phát triển AI của Trung Quốc.
Ông Sravan Kundojjala, nhà phân tích cấp cao của Strategy Analytics, cho biết các công ty Trung Quốc khó có khả năng thay thế Nvidia: “Các công ty khởi nghiệp GPU Trung Quốc không cùng đẳng cấp với Nvidia và AMD, thậm chí với kinh nghiệm của AMD, các nhà sản xuất GPU phong phú cũng khó mà cạnh tranh được với NVIDIA”.
Ông Kundujara cho biết, một trong những điểm mạnh chính của Nvidia là “kiến trúc thiết bị hợp nhất”, một mô hình lập trình song song được phát triển từ năm 2006 và đã được các nhà phát triển áp dụng rộng rãi để tăng tốc các phương pháp tính ứng dụng trong tính toán kỹ thuật. Do đó, những người dùng muốn cạnh tranh với Nvidia phải tạo ra một hệ sinh thái phần mềm hoàn chỉnh, điều này là rất khó.
Ông Randy Abrams, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chất bán dẫn châu Á tại Credit Suisse, đã viết trong một lưu ý cho tờ Financial Times rằng, trong quá khứ, Samsung của Hàn Quốc, Intel và TSMC đã hoạt động tại Trung Quốc. Các nhà máy sản xuất chip, nhà máy sản xuất bán dẫn (semiconductor fabrication plant thường được gọi tắt là fab), đã là một nguồn lực rất mạnh giúp Trung Quốc xây dựng tài sản trí tuệ, các nhân tài để phát triển ngành công nghiệp chip nội địa của mình. Việc cấm đầu tư vào sản xuất fab tiên tiến ở Trung Quốc sẽ “hạn chế hơn nữa quyền tiếp cận của ĐCSTQ đối với những nhân tài ở nước ngoài và đầu tư để xây dựng ngành công nghiệp chip trong nước”.
Do lệnh trừng phạt của Mỹ, khoảng cách về năng lực công nghệ giữa các công ty chip Trung Quốc và các công ty đẳng cấp hàng đầu thế giới sẽ ngày càng lớn hơn. Một ví dụ rõ ràng là Huawei, công ty kinh doanh điện thoại thông minh sinh lợi đã bị kìm hãm do Hoa Kỳ cắt quyền truy cập của Huawei vào các chip tiên tiến; mẫu điện thoại thông minh Huawei Mate 50 mới nhất thậm chí không hỗ trợ 5G, mặc dù nhiều năm quảng cáo thiết bị có kết nối mạng 5G.
Hoa Kỳ giới hạn phần mềm thiết kế chip (EDA) ở 3nm trở lên và việc xuất khẩu máy in thạch bản (Extreme Ultraviolet – EUV) là 14nm trở lên. Có thể thấy trong tương lai, một khi 14nm đạt đến giới hạn trên, nếu công nghệ máy in thạch bản của ĐCSTQ và EDA vẫn không thể bứt phá được NVIDIA, AMD thì khoảng cách sẽ lớn hơn nhiều.
Hiện tại, sáu nhà thiết kế CPU lớn ở Trung Quốc là Huawei Kunpeng, Haiguang CPU, Zhaoxin, Loongson, Feiteng và Shenwei, đều sử dụng các tập lệnh nước ngoài (Huawei Kunpeng và Feiteng sử dụng tập lệnh của ARM, CPU Haiguang, Zhaoxin). Lõi sử dụng Kiến trúc vi xử lý X86 về cơ bản không được sản xuất ở Trung Quốc. Huawei Kunpeng, Feiteng và Zhaoxin đều do TSMC sản xuất và Godson do STMicroelectronics sản xuất. Haiguang được sản xuất bởi GF và Samsung, và chỉ Shenwei được sản xuất bởi SMIC.
Cũng không thực tế nếu ĐCSTQ thiết lập chuỗi ngành công nghiệp chip của riêng mình, mục tiêu này hoàn toàn không thực tế đối với bất kỳ quốc gia nào.
Một bài báo trên tạp chí Spectator của Anh vào ngày 10/9 cho biết, hiện tại không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ công ty nào có công nghệ sao chép máy ASML EUV (ASML độc quyền chế tạo máy in thạch bản EUV) của Hà Lan. Điều này không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn về thiết kế mà còn yêu cầu cả một mạng lưới các nhà thầu phụ công nghệ phức tạp, có trình độ cao. Việc nhân rộng mô hình này sẽ rất khó khăn. Trở ngại chính đối với các đối thủ cạnh tranh là hàng tỷ phần mềm dòng mã có thể sẽ tăng gấp đôi sau mỗi bốn năm.
Bài báo nói rằng miễn là Hà Lan sẵn sàng hợp tác với Mỹ, Washington có thể đánh bại Trung Quốc trong cuộc đua chip, và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ kết luận rằng, hiện tại, “công nghệ chip tiên tiến của Trung Quốc vẫn nằm ngoài tầm với”.
Lam Giang
Theo The Epoch Times