Greg Sargent phỏng vấn Francis Fukuyama
Đỗ Kim Thêm dịch
12-09-2022
Hồi giữa tháng 3, chưa đầy một tháng sau khi Nga xâm lăng Ukraine, nhà khoa học chính trị Francis Fukuyama đã đưa ra một dự đoán nổi bật: Ukraine sẽ chiến thắng.
Sáu tháng sau, Ukraine đang trên đà tấn công và tái chiếm lãnh thổ quan trọng giữa nhiều dấu hiệu là quyết tâm của Nga đang suy yếu. Các bản tường thuật chỉ ra rằng, vũ khí và thông tin tình báo do Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh khác cung cấp đang mang lại cho cuộc phản công của Ukraine một sự thúc đẩy nghiêm trọng. Liên minh NATO vẫn bền vững và đoàn kết đứng sau Ukraine, bất chấp nỗ lực của Nga nhằm làm suy yếu sự thống nhất đó bằng cách hạn chế xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu.
Mặc dù không thể nói rằng liệu Ukraine có thắng thế không, nhưng hiện nay đó là một khả năng thực sự. Fukuyama, tác giả của luận đề về “sự kết thúc của lịch sử” và có một cuốn sách mới về những khó khăn của chủ nghĩa tự do, tin rằng một thất bại đối với Nga và Tổng thống Vladimir Putin có thể phục hồi cho nền dân chủ tự do và giáng một đòn mạnh nơi chủ nghĩa độc đoán đang trỗi dậy trên toàn cầu.
Tôi đã nói chuyện với Fukuyama về những diễn biến mới nhất và ý nghĩa về sự thất bại của Nga. Sau đây là phiên bản được tu chỉnh và tóm lược việc trao đổi của chúng tôi.
***
Greg Sargent: Trong lần cuối chúng ta đã nói chuyện, ông đã dự đoán về một chiến thắng của Ukraine. Hiện nay, Ukraine đang trên đà tấn công. Tiên đoán của ông bây giờ là gì?
Francis Fukuyama: Người Ukraine sẽ tiếp tục đánh bại hoàn toàn người Nga. Thật khó để biết chính xác việc này sẽ mất trong bao lâu. Nhưng tôi nghĩ nó sẽ xảy ra sớm hơn.
Hiện nay, có thể suy ngẫm sự giải phóng chung cuộc của Crimea, với tốc độ mà người Ukraine đang tiến hành. Việc này tạo ra một triển vọng về địa chính trị hoàn toàn khác cho tất cả mọi người.
Nếu loại thành công này tiếp tục mở ra, thì ông có thể nghĩ là chiến tranh kết thúc.
Sargent: Việc đạt được một giải pháp thuận lợi cho Ukraine sẽ được hình dung như thế nào?
Fukuyama: Điều kiện tối thiểu là người Nga phải bị trục xuất ra khỏi các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng sau ngày 24/2.
Sargent: Ông xác định một tình trạng bất trắc đang đe doạ: Liệu các nền dân chủ phương Tây có duy trì sự ủng hộ đối với Ukraine khi chúng ta bước vào thời tiết lạnh hơn và giá năng lượng tiếp tục gia tăng?
Động lực dường như là nếu Ukraine có thể tiếp tục thắng, các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ dễ dàng hơn trong việc thuyết phục dân chúng của họ để cầm cự.
Fukuyama: Tôi không nghĩ rằng sẽ có bất kỳ vấn đề gì khi liên minh phương Tây giữ vững đoàn kết trong mùa đông này. Ukraine đã cho thấy có ánh sáng ở cuối đường hầm về cuộc xung đột quân sự. Và họ đã làm điều đó trong khi nắm lá bài chủ.
Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nói với người dân của họ tương đối dễ dàng: “Vâng, điều đó thật tồi tệ. Có vấn đề lạm phát. Bạn đang trả nhiều tiền hơn cho khí đốt. Nhưng người Ukraine đang trên đà chuyển động. Một mùa đông sẽ giúp chúng ta vượt qua và cho phép chúng ta đạt được chiến thắng huy hoàng này cho nền dân chủ Ukraine“.
Sargent: Sự đoàn kết đứng sau Ukraine dường như bắt nguồn từ lòng mong muốn của người dân trong các nền dân chủ tự do phương Tây, họ đứng về một phía của cuộc xung đột giữa nền dân chủ tự do và chế độ chuyên chế không tự do.
Ông có nghĩ là mọi người trong các nền dân chủ tự do phương Tây hiểu rằng đây là một loại xung đột thuộc về ngưỡng cửa giữa các lựa chọn thay thế ý thức hệ?
Fukuyama: Tôi nghĩ rằng, trong tâm trí của nhiều người ở phương Tây, Putin biểu hiện cho một điều gì đó rất nham hiểm.
Rất nhiều người trong các nền dân chủ phương Tây thấy ở ngay trong đất nước của họ có một chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu hoặc đang ủng hộ Putin hoặc hành động rất giống Putin. Đó là Matteo Salvini ở Ý; Éric Zemmour, Marine Le Pen ở Pháp; Viktor Orban ở Hungary. Và ngay cả Donald Trump.
Vì vậy, tôi nghĩ, có một loại nhận thức của những người có tinh thần tự do hơn cho rằng, một giải pháp tương ứng thay thế cũng có thể có ở đất nước của họ.
Sargent: Nó giống như một Phong trào Quốc tế độc đoán theo cánh hữu. Ông nghĩ gì về quyền toàn cầu?
Fukuyama: Tôi nghĩ nó sâu xa hơn nhiều khi so với những gì nhiều người nhận ra. Nga đã và đang ủng hộ từng người trong số những người theo chủ nghĩa dân túy thuộc cánh hữu này.
Tôi không biết có một nền dân chủ duy nhất nào mà không bị ảnh hưởng bởi vô số các thông tin sai lệch của Nga, tất cả đều đang cố gắng làm suy yếu niềm tin của người dân vào các thể chế và nhà lãnh đạo hiện nay của họ.
Sargent: Ý tưởng cho rằng các nền dân chủ tự do đã tiêu hao sức lực, họ suy vi và không còn có thể đưa ra quyết định quan trọng – có vẻ như là một điểm tuyên truyền chủ yếu đứng sau Phong trào Quốc tế độc đoán này.
Điều gì phải xảy ra để kết quả ở Ukraine làm suy giảm tương lai của Phong trào Quốc tế theo cánh hữu này?
Fukuyama: Vấn đề có hai mặt. Một là, để chứng minh rằng việc đưa ra quyết định độc đoán có thể là thực sự cực kỳ tồi tệ. Putin đã làm được điều đó.
Trung Quốc cũng đang thực hiện nhiều việc làm suy yếu niềm tin trong hệ thống của họ, thí dụ như với chiến lược điên rồ là không còn Covid.
Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng, lời buộc tội chống lại các nền dân chủ phương Tây có sức hút, bởi vì có một cái gì đó với vấn đề này. Nhiều nền dân chủ thực sự đã không vượt qua một số thách thức mà họ đang phải đối mặt.
Sargent: Chúng ta đang ở trong một thời điểm hình ảnh bị cắt đôi: Các nền dân chủ tự do đang chứng tỏ nhiều kiên quyết và có khả năng hơn trong việc kết hợp đứng sau Ukraine như nhiều người mong đợi.
Nhưng trong khi đó, hệ thống của chúng ta vẫn đang gặp khó khăn rất lớn trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng như tình trạng bất bình đẳng và biến đổi khí hậu. Chúng ta đang bị cản trở bởi việc kéo dài thủ thục thảo luận. Bạo lực chính trị đang ngày càng gia tăng. Một phong trào quyết tâm độc đoán đã xảy ra ngay trong nước. Trách nhiệm giải trình thực sự đối với giới lãnh đạo như Trump dường như còn xa vời.
Để nền dân chủ tự do phát triển mạnh mẽ, liệu chúng ta không cần phải thể hiện khả năng?
Fukuyama: Trước hết, các lực lượng tự do hơn và các đảng phái chính trị ở thế giới phương Tây cần phải thắng cử. Trong ngắn hạn, ông không thể cải cách các thể chế, trừ khi ông có đủ quyền lực chính trị để thực hiện.
Ý kiến cá nhân của tôi là, gần đây đảng Dân chủ đã không thực hiện tốt các công việc cần thiết để thu hút các cử tri đứng trung dung nhằm thắng cử trong cuộc bầu cử đại cử tri đoàn. Đó là một phần của lý do khiến chủ thuyết Trump đã thành công.
Ông phải giải quyết vấn đề ngắn hạn là thắng cử và được sự đồng thuận đầy đủ về chính trị để ông có thể chuyển sang việc sửa đổi thể chế sâu rộng hơn.
Sargent: Ở Hoa Kỳ, theo ông, một loạt các cải cách về mặt thể chế là gì?
Fukuyama: Tôi sẽ đặt giới hạn nhiệm kỳ cho Tối cao Pháp viện. Tôi sẽ chuyển sang cách đầu phiếu bằng cách lựa chọn việc xếp hạng. Chắc chắn, ông có thể loại bỏ các thủ tục câu giờ hoặc giảm số lượng đòi hỏi để thông qua pháp chế thông thường cho một cái gì đó ít hơn 60 thượng nghị sĩ.
Những điều như vậy có thể được thực hiện một cách hoàn toàn tốt đẹp trong một khuôn khổ dân chủ. Chúng ta đã hoàn thành những việc quan trọng trong những năm 1930. Khi chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng tương tự, tôi nghĩ là chúng ta có thể làm điều đó ngày nay.
Sargent: Có vẻ như là có một sự căng thẳng đáng lo ở đây. Một mặt, theo một nghĩa nào đó, nếu Ukraine chiếm ưu thế, sẽ phục hồi niềm tin nơi nền dân chủ tự do. Nhưng mặt khác, chúng ta đang gặp nguy hiểm khi ngồi trên bờ vực thẳm của tất cả các loại thoái trào, bất kể điều gì xảy ra ở Ukraine.
Cộng với tất cả các rào cản về mặt thể chế để cho nền dân chủ của chúng ta được thực hiện thực sự – điều đó tạo thêm một thời điểm quan trọng của khả năng có thể bị lãng phí.
Fukuyama: Điều đó có thể xảy ra. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu Ukraine có thể đánh bại Nga, hiệu ứng phô trương sẽ thực sự là cực kỳ to lớn. Nó sẽ gây ra những hậu quả chính trị ở trong nước bên trong mọi nền dân chủ mà nó đang bị đe dọa bởi một trong những đảng theo trào lưu dân túy này.
Ông đã có một danh sách dài các đảng viên Cộng hòa theo cánh hữu với chủ trương ‘làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’ (MAGA), họ đã bày tỏ niềm cảm thông với Nga và lòng thù địch với Ukraine, họ dựa vào lý do là cần có tinh thần lãnh đạo của một con người cứng rắn. Nếu Putin gục ngã do thất bại mà do ông ta đã tạo ra, nó sẽ làm suy yếu điều này như một giải pháp cho các vấn đề của nước Mỹ.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể phục hồi một chút tinh thần của năm 1989. Ukraine có thể kích hoạt một cái gì đó như thế ở Hoa Kỳ và Châu Âu.
Sargent: Hãy để cho tôi hỏi ông thêm về kịch bản lạc quan đó. Có vẻ như là có một bài học rõ ràng trong vài thập niên vừa qua, đối với nhiều người trên thế giới, một giải pháp thay thế tương ứng – tinh thần dân tộc của người da trắng, theo Cơ đốc giáo, thái độ gia trưởng, chống dân chủ, độc đoán – có vẻ như là không thể cưỡng lại được.
Thành công ở Ukraine gây ra sự sút giảm nào trong đó?
Fukuyama: Trước hết, không có nền dân chủ hiện đại nào mà trong đó loại cử tri chiếm ưu thế. Vấn đề là những giới đối kháng của những người theo tinh thần dân tộc mang màu sắc dân túy này đã không tổ chức được các liên minh đủ rộng rãi. Họ đã không thể hình thành một giải pháp thay thế đủ thu hút.
Nhưng tiềm năng là ở đó, bởi vì họ đã có đa số phiếu bầu. Tôi nghĩ rằng một khoảnh khắc xúc tác của thành công dân chủ có thể truyền cảm hứng.
________
Bài liên quan: Điểm sách: Chủ thuyết tự do và các giới bất mãn