Nga muốn chặn Đại hội đồng LHQ phát video bài phát biểu của ông Zelensky

Những người tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc im lặng trong nghi lễ tưởng nhớ cố Nữ hoàng Elizabeth của Vương Quốc Anh, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, hôm 15/9/2022. (Ảnh: Ed Jones/AFP/Getty Images)

Phiên họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã khai mạc vào ngày 13/9 và 38 quốc gia đã cùng khởi xướng ủng hộ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Nga được cho là sẽ phản đối và cố gắng chặn Liên Hợp Quốc phát bài video của ông Zelensky.

Theo tờ Capitol Hill, phát ngôn viên của phái bộ Ukraine tại Liên Hợp Quốc cho biết 38 quốc gia đã đồng bảo trợ dự thảo quyết định cho phép Tổng thống Zelensky thực hiện một bài phát biểu video trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, sẽ được tổ chức vào cuối tuần này.

Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho biết Moscow sẽ tìm cách chặn video của ông Zelensky.

Theo tờ Reuters, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Nebenzia cho biết: “Ông Zelensky có thể đi du lịch khắp đất nước, nhưng ông ấy không thể đến đây. Nếu quý vị không thể đến, điều đó có nghĩa là quý vị sẽ phải cử đại diện của mình đến phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc”.

Tờ Reuters đưa tin hôm thứ Ba (13/9), Hoa Kỳ đã thông qua yêu cầu xin thị thực của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, cấp thị thực cho khoảng một nửa phái đoàn của Nga, để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc theo yêu cầu của Moscow.

Các nhà lãnh đạo thế giới hầu như chỉ phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc qua video trong hai năm qua do đại dịch COVID.

Theo Reuters, phái bộ Ukraine tại Liên Hợp Quốc đã phát một công hàm cho 193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc giải thích rằng Tổng thống Zelensky không thể đến New York vì chiến tranh đang diễn ra.

Trong ghi chú, Tổng thống Zelensky nói rằng khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bước sang tháng thứ bảy, các lực lượng Ukraine đã bắt đầu một cuộc phản công quy mô lớn, xóa sổ các lực lượng Nga khỏi 6.000 km vuông đã bị kiểm soát trước đó bởi lực lượng Nga.

Vào ngày 14/9, ông Zelensky cũng đã đến thăm thành phố Izyum mới tái chiếm, một thành trì quân sự quan trọng của quân đội Nga ở đông bắc Ukraine kể từ tháng Ba năm nay.

Cuộc chiến Nga-Ukraine có thể sẽ là một nội dung chính trong chương trình nghị sự tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay, và Nga có khả năng sử dụng quy chế thường trực của Hội đồng Bảo an để ngăn chặn các hành động của Liên Hợp Quốc mà nước này “không ưa”.

Kể từ khi Ukraine tiến hành một cuộc phản công lớn vào ngày 08/9, cục diện chiến trường của cuộc chiến Nga-Ukraine đã mang lại lợi thế cho Ukraine chỉ trong vài ngày.

Tuy nhiên, quân đội Nga vẫn tấn công Ukraine từ phía sau chiến tuyến, dù đã bị đẩy lùi về biên giới ở một số khu vực.

Theo hãng tin AP, văn phòng tổng thống Ukraine cho biết hôm thứ Tư (14/9) rằng quân đội Nga đã bắn bảy tên lửa vào một đập hồ chứa gần quê hương của ông Zelensky, Kryvyi Rih, khiến nước lũ tràn từ hồ chứa và0 hơn 100 ngôi nhà. Tất cả đều bị hư hại.

Điều đó khiến Tổng thống Zelensky vô cùng tức giận. Ông nói trong một bài phát biểu qua video như thường lệ với người dân Ukraine vào cuối ngày thứ Tư: “Thực tế là việc tấn công hàng trăm nghìn dân thường là một lý do khác khiến Nga thất bại”.

Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng cho biết hôm thứ Tư rằng Nga đã nã pháo vào 7 khu vực của Ukraine trong 24 giờ qua, khiến ít nhất 2 dân thường thiệt mạng và 14 người khác bị thương.

Bản thân ông Zelensky vẫn lạc quan, nói rằng gần 400 khu định cư đã bị quân đội Ukraine tái chiếm trong vòng chưa đầy một tuần của cuộc giao tranh phản công.

“Đây là một phong trào chưa từng có của các chiến binh của chúng tôi – một lần nữa người Ukraine đã làm được điều mà nhiều người nghĩ là không thể”, ông nói.

Tổng thống Zelensky dự kiến ​​sẽ yêu cầu các đồng minh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, cũng như viện trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine, điều này sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy Ukraine tiếp tục phản công.

Và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trước cuộc phản công thành công của Ukraine và những chỉ trích đầu tiên trong nước, dường như vẫn quyết tâm chinh phục Ukraine hoàn toàn.

Đầu tuần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết sau cuộc điện đàm với ông Putin: “Thật không may, tôi không thể nói với quý vị rằng ông Putin hiện giờ đã nhận ra việc bắt đầu cuộc chiến này là sai lầm. Không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó”.

Thanh Hải

Theo Visiontimes

Related posts