Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết hôm 15/9 rằng, G7 đã nhất trí duy trì lập trường cứng rắn và chặt chẽ hơn đối với Bắc Kinh về các vấn đề thương mại và ‘không còn ngây thơ với Trung Quốc’. Các chuyên gia tin rằng nguyên nhân chính là do các nước ngày càng không hài lòng với hành vi xấu xa và sự kiêu ngạo của ĐCSTQ.
Ngày 15/9, các bộ trưởng kinh tế và thương mại của các nước G7 đã kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày tại Cung điện Neuhardenberg ở phía đông Berlin, nước Đức.
Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Liên Bang Đức Robert Habeck phát biểu trong cuộc họp báo khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 tại Neuhardenberg, miền Đông nước Đức, hôm 15/9/2022. (Ảnh: John Macdougall/AFP/Getty Images)
Ông cho biết các cuộc thảo luận về Trung Quốc là một phần trong nỗ lực đảm bảo các tiêu chuẩn cao trong lĩnh vực thương mại quốc tế và ngăn Bắc Kinh sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để áp đảo các nước khác.
“G7 không còn ngây thơ về Trung Quốc nữa”, ông Habeck nói. “Khi mọi người nói rằng ‘thương mại bằng mọi cách’, bất kể các tiêu chuẩn xã hội hay nhân đạo, đó đều là điều chúng ta không nên cho phép nữa”.
Ông Harbeck cũng nói rằng Đức sẽ vận động Liên minh Châu Âu (EU) xây dựng chính sách thương mại mạnh mẽ hơn với Trung Quốc để đáp trả các biện pháp cưỡng chế mà nước này thực hiện để bảo vệ nền kinh tế của mình. Ông tin rằng các quốc gia khác cũng sẽ làm như vậy.
Các thành viên G7 bao gồm Hoa Kỳ, Đức, Vương quốc Anh, Canada, Pháp, Ý và Nhật Bản. Đức hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của G7.
Tại sao G7 “không còn ngây thơ” đối với ĐCSTQ?
Ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Viện Chiến lược và Nguồn lực Quốc phòng Đài Loan, giải thích với The Epoch Times hôm 16/9 về lập luận của Bộ trưởng Kinh tế Đức rằng, “Thứ nhất là do chính sách ngoại giao chiến binh sói và sự mở rộng quân sự của ĐCSTQ. Thứ hai là do Đức nay đã từ bỏ sự xoa dịu từ thời bà Merkel”.
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thường bị cáo buộc có “đường lối thân thiện về kinh tế” đối với Trung Quốc và không đủ cứng rắn về nhân quyền khi bà còn đương nhiệm.
Số liệu thống kê từ Đức đến cuối năm 2021 cho thấy, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất trên thế giới của Đức trong sáu năm liên tiếp và kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 235,12 tỷ USD Mỹ, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Tô Tử Vân cho biết, trước đây, Đức muốn dựa vào hợp tác kinh tế với Nga để đảm bảo hòa bình. Nhưng việc Nga xâm lược Ukraine lần này đã dạy cho Đức một bài học rằng Đức quá phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga. Ngay cả khi cho phép Nga kiếm tiền cũng không giữ được hòa bình mà còn gây nguy hiểm cho hoạt động độc lập của hệ thống kinh tế của chính nước Đức.
“Sau đó, nếu Đức quá phụ thuộc vào thương mại của Trung Quốc, cũng sẽ có mối đe dọa tương tự như Nga. Vì vậy, trong trường hợp này, chính phủ Đức sẽ thay đổi hướng đi và sẽ không còn ngây thơ nữa”, ông Tô nhận định.
Ông Tô nói rằng Đức phụ thuộc vào Nga về năng lượng và kinh tế, đồng thời phụ thuộc về thương mại với Trung Quốc. Sau lời cảnh báo của Nga, Đức đã điều chỉnh định hướng chiến lược của mình một cách rõ ràng, dù vẫn sẽ giao thương với Trung Quốc nhưng sẽ không bị coi là đối tượng phụ thuộc. Điều này nhằm cải thiện an ninh kinh tế của chính nước Đức.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Reuters hôm thứ Ba (13/9), ông Harbeck xác nhận rằng chính phủ Đức đang xây dựng một chính sách thương mại mới với Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô, pin và các sản phẩm bán dẫn của Trung Quốc.
Ông Harbeck nói rằng mục đích của sáng kiến “Vành đai và con đường” của ĐCSTQ là giành được cơ sở hạ tầng chiến lược và gây ảnh hưởng lên các chính sách thương mại của châu Âu. Do đó, châu Âu không nên ủng hộ dự án này của ĐCSTQ. Ông cũng ủng hộ việc giám sát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc ở châu Âu, và phản đối việc COSCO Shipping góp cổ phần vào Cảng Hamburg của Đức.
Các quốc gia ngày càng không hài lòng với hành vi xấu xa và sự kiêu ngạo của ĐCSTQ
Tuyên bố chung sau cuộc họp các bộ trưởng thương mại G7 không nêu tên Trung Quốc, nhưng bày tỏ lo ngại về các hành vi không công bằng, bao gồm các hình thức cưỡng bức chuyển giao công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ, hạ thấp tiêu chuẩn lao động và môi trường để đạt được lợi thế cạnh tranh cùng các hành vi bóp méo thị trường và hứa hẹn sẽ cải cách WTO.
Ông Lý Chính Tu (Li Zhengxiu), một chuyên gia quân sự tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan (National Policy Foundation), nói với The Epoch Times hôm 16/9 rằng ông không ngạc nhiên khi một tuyên bố như vậy được đưa ra tại cuộc họp G7.
“Các quốc gia này ngày càng không hài lòng với các biện pháp đối ngoại ngày càng cứng rắn của ĐCSTQ. Trước đây, tất cả mọi người đều làm ngơ trước những hành vi bất hợp pháp của các công ty Trung Quốc, như đánh cắp bí mật, đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, đạo văn … Mọi người đều phàn nàn và phản đối nhưng không có biện pháp đối phó thiết thực. Tuy nhiên những năm gần đây, hành vi đối ngoại của ĐCSTQ ngày càng ngạo mạn và cứng rắn, khiến các quốc gia này ngày càng trở nên không thể dung thứ”.
Ông Lý tin rằng G7 đã bắt đầu cứng rắn với ĐCSTQ. Một lý do khác là ĐCSTQ thường tận dụng lợi thế kinh tế và thương mại của họ trong những năm gần đây để gây áp lực lên các nước tương đối yếu với mong muốn họ sẽ tuân theo. Trong đó phải kể đến các quốc gia lạc hậu đã bị ảnh hưởng bởi sáng kiến ”Vành đai và Con đường”, cũng như một số nước Trung và Đông Âu. Các động thái này của ĐCSTQ khiến cho G7 khó có thể chấp nhận được.
Hơn nữa, ông Lý Chính Tu tin rằng việc nội bộ ĐCSTQ đàn áp nhân quyền, đặc biệt là đàn áp các dân tộc thiểu số, cũng đã làm dấy lên sự phẫn nộ của nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Lý cho rằng việc sử dụng nhân quyền và ngoại giao, cũng như liên kết toàn diện nền kinh tế để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm và yêu cầu ĐCSTQ thay đổi đường hướng vẫn còn khá khó khăn. Tuy nhiên, các nước phương Tây cần phải đứng trên lập trường bảo vệ nhân quyền.
Thanh Hải