Bảo Nguyên
Chính sách zero-Covid đang phá hủy vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc. Các công ty bị buộc phải phá sản trong khi các trung tâm sản xuất của Trung Quốc bị tê liệt. Trong khi đó, các công ty nước ngoài tiếp tục tìm cách rời khỏi quốc gia này.
Mọi thứ đều cay đắng, Paris thì ngọt ngào hơn
“Mọi thứ đều cay đắng, nhưng Paris thì ngọt ngào hơn” là bản dịch tiếng Anh của một cụm từ tiếng Trung lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, phản ánh sự khó khăn của người dân Trung Quốc dưới chính sách Zero-COVID kéo dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Zero-COVID là chính sách phong tỏa được ban hành trên toàn bộ thành phố và khu vực ngay cả khi chỉ có một số trường hợp được xác định mắc COVID-19.
Cụm từ trên thể hiện sự ủng hộ đối với chuỗi cửa hàng bánh mì nổi tiếng của phương Tây, Paris Baguette. Chuỗi này đã cung cấp bánh mì giá cả phải chăng cho những người dân Thượng Hải đang đói vào tháng 4 – thời kỳ thiếu lương thực khó khăn nhất trong thời gian phong tỏa. Nhưng tiệm bánh đã bị giám sát thị trường của thành phố phạt 585.000 CNY (nhân dân tệ), tương đương khoảng 84.000 USD, vì bị cáo buộc “giấy phép sản xuất không khớp với địa điểm bán hàng thực tế”.
Chính sách zero-COVID đang phá hủy vị thế công xưởng của thế giới của Trung Quốc, với số lượng lớn các công ty bị phá sản và một số lượng lớn người dân đột ngột mất việc làm.
Trong nửa đầu năm 2022, có tổng cộng 460.000 công ty tuyên bố phá sản trên khắp Trung Quốc và khoảng 3,1 triệu chủ doanh nghiệp cá nhân hủy đăng ký công ty của họ, theo ông Zheng Yuhuang, giáo sư marketing tại Viện Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Thanh Hoa.
Các trung tâm sản xuất của Trung Quốc bị tê liệt
Năm nay đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp ở Quảng Đông đóng cửa. Đây là tỉnh sản xuất chính ở Trung Quốc.
Alco Electronics, một nhà sản xuất các thiết bị điện tử nhỏ như máy tính xách tay, máy tính bảng và dàn âm thanh, đã thông báo vào ngày 30/08 rằng họ sẽ đóng cửa dây chuyền sản xuất tại Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông vào ngày hôm sau. Công ty cho biết hoạt động kinh doanh xuất khẩu của họ đã bị tê liệt kể từ khi COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Gần 600 người đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa này.
Một thông báo đóng cửa tương tự được đưa ra vào ngày 29/08 đến từ Goodway Electrical, một thương hiệu thiết bị gia dụng uy tín. Công ty là một nhà sản xuất đồ điện tử có trụ sở tại Hong Kong đã hoạt động tại Thâm Quyến được 38 năm.
Goodway Electrical đã sản xuất bàn là điện, lò nướng, quạt điện, nồi cơm điện, máy hút bụi và các thiết bị gia dụng khác và khách hàng của công ty trải dài tại hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Đông Hoản cũng là cơ sở sản xuất quan trọng đối với hàng may mặc, dệt may, đồ chơi, vật liệu hóa học và các sản phẩm khác của Trung Quốc.
Vào tháng 8, Kaishan Toys, một nhà sản xuất đồ chơi thuộc sở hữu của Hong Kong, thông báo rằng họ sẽ đóng cửa nhà máy ở Đông Hoản sau khi đơn đặt hàng sụt giảm và khó khăn về biên chế.
Vào ngày 30/08, Công ty Dệt may Dongguan Hongpeng đã ban hành một thông báo cho phép nhân viên nghỉ việc cho đến tháng 2 tới, với lý do sự thiếu hụt chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra.
Một ngày trước đó, một công ty đồ dệt kim khác ở Đông Hoản, Kaiwei Knitting Clothing, cũng đóng cửa.
Vào tháng 3, Nanzha International Stationery, một công ty thuộc sở hữu của Hong Kong ở Đông Hoản, đã thông báo đóng cửa hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch.
Chính quyền tỉnh Quảng Đông vào tháng 8 đã công bố kế hoạch 5 năm (2021–2025) lần thứ 14 cho ngành sản xuất, liệt kê Quảng Châu, Thâm Quyến, Phật Sơn và Đông Hoản là các cơ sở cụm công nghiệp chính.
Ngành công nghiệp sản xuất đồ thông tin điện tử của Đông Hoản có tổng sản lượng gần 1 nghìn tỷ CNY (143,8 tỷ USD) vào năm 2020. Hầu hết các vụ phong tỏa zero-COVID bắt đầu sau thời gian đó.
Các hoạt động của nhà máy thỉnh thoảng bị đình chỉ do gián đoạn hậu cần và thiếu nguyên liệu sau khi các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt được thực thi ở Thượng Hải và các tỉnh lân cận, một trung tâm kinh tế và sản xuất lớn khác ở Trung Quốc. Quang cảnh khu tài chính Lục Gia Chủy trong lúc mặt trời mọc ở Thượng Hải vào ngày 07/09/2022. (Ảnh: HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)
Công ty nước ngoài rời Trung Quốc
Kể từ ngày 02/09, ít nhất 33 thành phố vẫn trong tình trạng phong tỏa COVID một phần hoặc hoàn toàn, theo BBC đưa tin.
Việc cách ly bắt buộc đang diễn ra và hoạt động xét nghiệm thường xuyên với quy mô lớn đang thúc đẩy các công ty nước ngoài nghiêm túc hơn trong ý định chuyển ra khỏi Trung Quốc, theo báo cáo của A.T. Kearney, một công ty tư vấn quản lý.
Báo cáo cho thấy có tới 92% CEO tham gia bày tỏ thái độ tích cực về việc quay trở lại Mỹ; 79% Giám đốc điều hành trong lĩnh vực sản xuất cho biết họ đã chuyển một số hoạt động kinh doanh trở lại Mỹ hoặc có kế hoạch làm như vậy trong vòng ba năm tới; 15% đang cân nhắc các kế hoạch tương tự.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4 với The Market, một kênh truyền thông Thụy Sĩ, ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc đang đánh mất danh tiếng là điểm đến tìm nguồn cung ứng tốt nhất thế giới và đây là lần đầu tiên ông thấy một số công ty tìm kiếm nguồn cung ứng tại các nước châu Á khác.
Bảo Nguyên