56 người Việt tháo chạy khỏi casino Campuchia
56 lao động người Việt đã tháo chạy khỏi casino ở tỉnh Svay Rieng, Campuchia, gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh, Việt Nam).
Chiều 17/9, mạng xã hội Facebook xuất hiện video ghi lại hình ảnh hàng chục lao động Việt Nam chạy khỏi một casino ở gần khu vực cửa khẩu Bavet, tỉnh SvayRieng (Campuchia), hướng về cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh).
Thời điểm các lao động chạy khỏi casino, trời mưa lớn. Có nhiều người mặc đồng phục màu đen từ phía sau đuổi theo. Một số thanh niên, phụ nữ ngã xuống đường, không kịp thoát bị nhóm bảo vệ bắt giữ, đánh đập.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, xác nhận trên báo Vnexpress, lúc hơn 14h, có 56 người chạy khỏi casino.
Cảnh sát địa phương sau đó đã giữ nhóm người này lại để đưa về trụ sở điều tra. Phía tỉnh Tây Ninh đã cử lực lượng qua phối hợp Campuchia bảo hộ công dân và làm rõ vụ việc.
Đến 18h30, một người trong nhóm tháo chạy khỏi casino cho biết tất cả người Việt đã được nhà chức trách Campuchia đưa đến khách sạn gần đó nghỉ ngơi, phục vụ công tác điều tra, theo báo Vnexpress.
Báo VOV dẫn thông tin ban đầu của cơ quan chức năng, trong 56 người Việt Nam tháo chạy khỏi casino có 3 nữ. Trong đó có 10 người có hộ chiếu, 21 người có căn cước, 6 người có chứng minh nhân dân, 4 người có bằng lái xe và 15 người không có giấy tờ.
Trước đó, ngày 18/8, 42 người Việt tháo chạy khỏi casino thuộc ấp Chrey Thum, tỉnh Kandal, bơi qua sông Bình Di (An Giang) về nước.
Trong quá trình vượt sông, có 1 người bị phía casino giữ lại, 1 thiếu niên là Đ.M.H. (16 tuổi, ngụ Gia Lai) mất tích và thi thể tìm thấy sáng 20/8.
Có 40 người về tới Việt Nam, bị lực lượng Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình phát hiện, bắt giữ. Sau đó, những người ngày được cơ quan chức năng tỉnh An Giang bố trí ở tạm tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Đa Phước, để lấy thông tin, làm rõ vụ việc.
Sau 5 ngày ở Trung tâm học tập cộng đồng xã Đa Phước, khoảng 17h ngày 23/8, 40 người đã được về địa phương và gia đình.
Trước khi trở về địa phương, mỗi công dân được nhà hảo tâm hỗ trợ 1,5 triệu đồng.
Một người bị phía casino giữ lại sau đó cũng được giới hữu trách đưa về Việt Nam.
Minh Long
Vụ Việt Á: Bắt cựu Bí thư tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng
Ông Phạm Xuân Thăng bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngày 17/9, cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư tỉnh Hải Dương.
Ông Thăng bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng tội danh, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương.
Cơ quan điều tra xác định ông Thăng và ông Cường đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Đây là diễn biến mới nhất quá trình C03 mở rộng điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến vụ nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và nhiều địa phương.
Trước đó tại Hải Dương, C03 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC và Nguyễn Mạnh Cường, cựu Kế toán trưởng CDC. Ông Tuyến bị C03 cáo buộc nhận hối lộ 27 tỷ đồng từ Công ty Việt Á.
Tính đến nay cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố hơn 90 người liên quan vụ Công ty cổ phần công nghệ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19, trong đó, có 8 quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành phố.
Hai tư lệnh của hai Bộ cùng bị bắt tạm giam là ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Phạm Toàn
Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ hơn 16,580 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022
Theo báo cáo kết quả kinh doanh vừa được công bố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận lỗ sau thuế tới hơn 16,580 tỷ đồng (khoảng 994.8 triệu Úc kim), dù doanh thu đạt 211.631 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tập đoàn EVN vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, ghi nhận hết quý 2/2022, tập đoàn này có tổng tài sản là trên 673.150 tỷ đồng, giảm hơn 32.200 tỷ đồng so với đầu năm 2022.
Trong khi đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 221,230 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.
Mặc dù doanh thu tăng nhưng do giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn, lên gần 225,450 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp của EVN lỗ hơn 4.200 tỷ đồng.
Do vậy, sau khi trừ tiếp chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý,… EVN ghi nhận khoản lỗ sau thuế tới 16.586 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của công ty mẹ cũng ghi nhận doanh thu đạt 189.190 tỷ đồng, trong đó lỗ gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là gần 13.400 tỷ đồng và lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh sau thuế là 22.215 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Tập đoàn EVN là gần 442.480 tỷ đồng, gồm nợ ngắn hạn là hơn 152.190 tỷ đồng và nợ dài hạn khoảng 290.280 tỷ đồng, đều giảm so với đầu năm.
Vốn chủ sở hữu của tập đoàn là khoảng 230.680 tỷ đồng, giảm 17.230 tỷ đồng so với đầu năm.
Báo cáo mới nhất của EVN về tình hình hoạt động trong 8 tháng đầu năm, tập đoàn này cho biết sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong 8 tháng đạt 181,92 tỷ kWh, tăng 5% so với cùng kỳ 2021.
Trong đó nguồn điện được huy động trên toàn hệ thống là thủy điện, đạt 63,25 tỷ kWh, chiếm 34,8%; nguồn nhiệt điện than đạt 71,67 tỷ kWh, chiếm 39,4%; tua bin khí đạt 19,67 tỷ kWh, chiếm 10,8%. Nguồn điện từ năng lượng tái tạo đạt 24,95 tỷ kWh, chiếm 13,7% (trong đó điện mặt trời đạt 18,82 tỷ kWh, điện gió đạt 5,84 tỷ kWh…). Điện nhập khẩu đạt 1,91 tỷ kWh, chiếm 1%.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 84,57 tỷ kWh, chiếm 46,49% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.
Trong thông báo chính thức này, EVN cho hay do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí tăng từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng cao, dẫn tới thua lỗ.
Trước đó, dẫn báo cáo của EVN, Bộ Công thương cho biết vài năm tới miền Bắc sẽ đối mặt nguy cơ thiếu điện. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện việc nhập khẩu điện từ Lào để đối phó.
Bộ Công thương cho biết việc nhập khẩu điện từ Lào dự kiến qua 5 dự án/cụm nhà máy thủy điện (tổng công suất 705,5 MW) gồm: Nam Ou 5 (240 MW), Nam Ngum 4 (240 MW), Nam Chiane (104 MW), Cụm nhà máy thủy điện khu vực Nam Mo (99 MW) và Hoauy Kaoban (22,5 MW).
Bộ này cũng đề nghị bổ sung xây dựng mới đường dây 220 kV mạch kép Điện Biên – Nam Ou 5 (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), chiều dài khoảng 20 km phục vụ đấu nối để tiếp nhận công suất từ các nhà máy thủy điện bán điện về Việt Nam. Các công trình đấu nối nhà máy phía Lào do các chủ đầu tư Lào chịu trách nhiệm đầu tư.
Thiên Tín