17-9-2022
Mấy năm dịch bệnh, hệ tại chức phải học online, dẫu biết không thể chất lượng như học trực tiếp, nhưng tôi lại thấy thích hơn. Thích vì trút được cái gánh nặng từng đeo đẳng tôi suốt 30 năm trong nghề.
Bài này dẫu biết là khó có sự đồng tình của đa số giảng viên đại học. Nhưng vẫn phải viết ra. Bởi giáo dục muốn thay đổi, trước hết phải thay đổi tư cách người học lẫn người dạy. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương “lấy người học làm trung tâm” là đã xác định một tư cách cho chính người học. Người học là chủ: chủ của mái trường, chủ của hoạt động học hành. Nhưng sự thật, không ai ngay cả trong chính những người ra khẩu hiệu ấy, muốn thay đổi tư cách nô lệ của người học. Bắt đầu từ quan hệ thầy trò.
Hôm nay tôi mới bắt đầu đi dạy trực tiếp ở xa. Lại phải đối mặt với vấn nạn luôn có kẻ hầu người hạ. Vừa lên xe đã có điện thoại hỏi thầy đi xe gì, đến đâu để em đón. Thôi thì coi đó là sự quan tâm của trò đối với thầy. Nhưng mới 5 giờ sáng đã có điện thoại réo lên liên tục. Không phải sợ thầy ngủ quên mà… mời thầy ăn sáng. Và sáng nay cũng như mọi sáng, luôn xuất hiện ngoài cửa vài học viên ngồi chờ đợi thầy, dù có lúc trời mưa tầm tã và lạnh lẽo. Có học viên cách trung tâm cả trăm cây số cũng lặn lội đến sớm để mời thầy đi ăn sáng. Sau đó là cả cơm trưa, cơm chiều, ăn tối. Có thầy cô còn nhậu nhẹt li bì. Tôi thường từ chối và giải thích thế nào học viên cũng phải đeo bám cho bằng được. Đến mức tôi phải nói: “Bạn không là người hầu của tôi. Và điều bạn làm vô tình cũng biến tôi thành nô lệ của bạn. Bạn cần được tự do và tôi cũng có nhu cầu tự do”.
Đó là chưa nói, học xong còn đủ thứ phong bì, phong bao và quà cáp biếu xén. Tôi từ chối thì bị đồng nghiệp chỉ trích cực đoan. Còn học viên thì sợ hãi. Tôi hiểu tâm lý của họ. Họ sợ tôi không ăn nhậu, không nhận quà thì đề thi sẽ khó hoặc đánh trượt họ. Mặc dù đối với hệ đào tạo này, tôi luôn chia sẻ và nâng đỡ họ. Thành phần trượt chỉ là thành phần không chịu đi học buổi nào. Với thành phần học hệ này, tôi chỉ cần ở họ động lực và tinh thần học tập. Nếu cực đoan thì xin thưa, họ phải bị trượt thẳng cẳng, bởi học chỉ vài ba ngày xong một giáo trình thì đạt đến chất lượng gì?
Tôi từng trao đổi với một số nhà quản lý lẫn đồng nghiệp, rằng có thể dẹp bỏ cái tư cách nô lệ này được không? Không ai đồng tình với tôi là dẹp bỏ. Ai cũng nói đó là tấm lòng của học viên, cần trân trọng. Có lãnh đạo trung tâm còn nói, đó là chỉ đạo chung, học viên phải có trách nhiệm với thầy cô. Tôi nói, tư cách nô lệ thì không thể trân trọng được. Và các anh không nhìn ra cái giá của thứ quan hệ này. Học viên cột chặt thầy vào họ để đòi hỏi thẳng thừng, đến mức có học viên không học ngày nào cũng đòi tôi cấy điểm cho họ vào cột điểm chuyên cần vì đã nộp tiền quỹ để hầu hạ thầy. May là tôi biết từ chối ăn nhậu, phong bì chứ nếu không, đến lượt tôi lại bị làm nô lệ bởi cái xiềng xích của miếng ăn hay đồng tiền ấy.
Giáo dục khai phóng con người. Nhưng cứ lạm dụng cái quan hệ gọi là “tôn sư trọng đạo” theo cách ấy thì ngàn năm nữa cũng không có sự khai phóng. Tư cách nô lệ trong giáo dục là cha đẻ của tư cách nô lệ ngoài đời sống xã hội. Các chiêu trò hầu hạ, nịnh nọt, đút nhét, biếu xén đều do giáo dục mà ra.