Cô Eileen, nguyên là một quản lý cao cấp của một công ty mạng Internet Trung Quốc, đã quyết định rời khỏi Trung Quốc sau nhiều năm bị cảnh sát theo dõi và sách nhiễu vì thẻ căn cước công dân (ID) của cô bị họ đánh dấu là “thành viên của một môn tà giáo”.
Sau khi đến Hoa Kỳ hồi tháng 8, cô nói với ấn bản tiếng Trung của thời báo Epoch Times rằng cô đã liên tục bị theo dõi khi cố gắng cứu mẹ cô khỏi bị kết án bất hợp pháp. Mẹ cô đã bị chính quyền bắt và giam giữ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần bắt nguồn từ nền văn hóa cổ xưa của Trung Hoa. Các học viên Pháp Luân Công trong cuộc sống luôn chiểu theo các nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn. Cũng giống như cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào bất kỳ tôn giáo nào ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã khởi xướng một chiến dịch đàn áp các học viên Pháp Luân Công vào năm 1999.
Khi cô Eileen tới làm việc với cơ quan chính phủ về trường hợp của mẹ mình, dù cô đã từ chối tiết lộ số thẻ căn cước của mình, nhưng chính quyền đã sử dụng máy quét khuôn mặt để tìm thông tin về cô, và sau đó đã “đánh dấu” vào thẻ căn cước của cô. Tiếp đó, cảnh sát bắt đầu theo dõi và sách nhiễu cô bất cứ nơi nào cô đến.
Một luật sư nói với cô Eileen rằng Trung Quốc đã phát triển Big Data (Dữ liệu lớn) như một dự án mạng lưới liên lạc trên toàn quốc. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó có nhận dạng khuôn mặt, đã được bổ sung vào hệ thống giám sát. Tính năng này ghi lại hình ảnh của mọi người và thông báo cho cảnh sát về hành tung của họ.
Bị theo dõi bởi Big Data
Mặc dù cô Eileen đã cố gắng giải cứu mẹ trong nhiều năm, nhưng mẹ cô vẫn bị xét xử bất hợp pháp và bị kết án tù. Từ đó, cô Eileen cũng trở thành đối tượng của chiến dịch đàn áp.
Trong một chuyến công tác vào năm 2020, cô đã bị cảnh sát chặn lại ngay trước khi lên tàu cao tốc ở một thành phố phía nam Trung Quốc, lúc đó cô nghĩ đây chỉ là một thủ tục thông thường trong hoạt động kiểm tra phòng chống dịch bệnh; nhưng sau đó cô mới biết thẻ căn cước của mình đã bị đánh dấu.
Cảnh sát đã chụp ảnh cô và để cô đi, nhưng kể từ lần đó cô biết rằng thông tin danh tính của mình đã bị đe doạ. Cũng kể từ đó, chiếc thẻ căn cước bị đánh dấu đã phủ bóng đen lên cuộc sống của cô.
Ví dụ, trong một lần công tác khác đến một thành phố phía Bắc, chuông báo động đã kêu khi cô quẹt thẻ căn cước tại một trạm xe lửa. Ngay lập tức cô được đưa đến một căn phòng tối tăm với đầy cảnh sát xung quanh.
Những người đàn ông này yêu cầu cô phải ký tên vào “tam thư” (thư hối cải, thư đoạn tuyệt, và thư cam đoan từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp) tài liệu được thiết kế đặc biệt cho học viên Pháp Luân Công. Việc ký vào những văn bản này có nghĩa là cô “thừa nhận rằng việc tu luyện hoặc bảo vệ Pháp Luân Công là sai trái và phạm tội, đồng thời thể hiện sự cảm kích của cô đối với ĐCSTQ vì đã giúp cô sửa chữa những sai lầm”.
Cô Eileen từ chối ký tên vào bất kỳ tài liệu nào, nhưng cảnh sát tiếp tục đe dọa cô cho đến khi tàu chuẩn bị khởi hành, họ mới thả cô đi.
Cô nói rằng cảnh sát thường xuyên theo dõi nơi ở của cô. Một lần nọ, một sĩ quan cảnh sát cảnh báo cô rằng, “Cô không biết rằng cảnh sát ở quê hương và nơi cô làm việc đang theo dõi cô ở khắp nơi sao?”
Buộc phải rời khỏi Trung Quốc
Cô phải thay đổi công việc vì các đặc vụ an ninh quốc gia từ một thành phố khác đã đến gặp cô khi cô đang làm việc, với mục đích là để thảo luận về vụ kiện của mẹ cô.
Cô nói: “Thật ra họ làm vậy là để đe dọa tôi. Lẽ ra một người như tôi có thể thành công trong sự nghiệp của mình”.
Trong nhiều năm, cô Eileen luôn cảm thấy rất áp lực khi bị giám sát. Cô nói: “Căng thẳng có thể khiến người ta thức trắng đêm. Cảm thấy mình như một công dân hạng hai, bị áp bức và bị giám sát mọi lúc”.
Cô chỉ muốn sống cuộc sống như một người bình thường, nhưng tất cả đã bị hủy hoại dưới sự áp bức đó. Cô nói rằng thật không may khi có quá nhiều người vẫn tuân theo mệnh lệnh của ĐCSTQ chỉ vì muốn có được địa vị và công danh, mặc dù họ biết rõ chiến dịch bức hại này là tàn ác và xấu xa.
Một lần vào trại giam thăm mẹ, nhìn bức tường thành cao chót vót bên ngoài trại giam, cô đã khóc vì nghĩ rằng mẹ cô, một người tốt bụng, luôn tuân thủ luật pháp, lại bị nhốt trong những bức tường cao đó chỉ vì đức tin của bà.
Vào tháng 8, sau khi nhận được visa du học, cô Eileen đã rời khỏi Trung Quốc.
Tencent, một trợ lý giám sát kỹ thuật số
Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, cô Eileen biết chính xác cách các công ty internet điều chỉnh nền tảng của họ để đáp ứng các yêu cầu kiểm duyệt của ĐCSTQ.
Cô giải thích rằng Bộ phận An toàn Thông tin của Tencent, công ty cung cấp dịch vụ internet hàng đầu của Trung Quốc, hoạt động với hai hệ thống để đáp ứng nhu cầu kiểm duyệt của ĐCSTQ. Một hệ thống chuyên thiết lập và cập nhật liên tục từ điển các thuật ngữ nhạy cảm dựa vào các thuật toán được áp dụng tự động với hệ thống Big Data của công ty; hệ thống còn lại là một nhóm hỗ trợ, làm việc cả ngày lẫn đêm, để xóa thủ công các bài đăng nhạy cảm được thực hiện bằng điện thoại di động.
Một đoạn video mà cô đã quay trong đợt phong tỏa ở Thượng Hải hồi tháng Tư đã được lan truyền mạnh mẽ. “Tiếng nói từ Cuộc phong tỏa ở Thượng Hải” (Voice from Shanghai Lockdown) ghi lại tiếng nói của những người dân tuyệt vọng đang tìm kiếm sự trợ giúp và cố gắng sống sót sau khi thành phố áp đặt chính sách phong tỏa và cách ly vô nhân đạo kéo dài hai tháng.
Cô nói: “Tencent đã chống lại người dân; điều này giống như một cuộc chiến giữa thiện và ác. Mọi người đã cố gắng lan truyền video bằng nhiều cách khác nhau. Nó giống như một cuộc đua vậy. Chẳng mấy chốc, liên kết web đó không còn hoạt động nữa, tài khoản đăng video đó cũng không hoạt động được nữa, tải xuống cũng không được, thậm chí phiên bản tua ngược video đó cũng không dùng được, rồi cả định dạng flash video cũng không hoạt động. Đơn giản là Tencent đã xóa hết tất cả các video, giống như một kẻ điên”.
Chỉ có bên ngoài Trung Quốc mới xem được đoạn video này.
Cô Eileen chỉ trích Tencent vì đã chọn hành động như một kẻ côn đồ chuyên theo dõi và kiểm soát mọi người, thay vì sử dụng công nghệ của họ để làm cho cuộc sống của mọi người trở nên tốt đẹp hơn.
Cô nói: “Những gì Tencent làm là sai trái”.
Theo Mary Hong/The Epoch Times