Tổng thống Putin ký sắc lệnh động viên thêm 300,000 quân và đe dọa thế giới

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp về sự phát triển của ngành luyện kim của đất nước thông qua một hội nghị truyền hình tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 01/08/2022. (Ảnh: Pavel Byrkin / Sputnik/AFP/Getty Images)

Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Tư (21/9) đã ký sắc lệnh huy động thêm 300.000 quân, con số lớn nhất kể từ Thế chiến thứ II, đồng thời cảnh báo phương Tây rằng nếu họ tiếp tục cái mà ông gọi là “hành vi đe dọa hạt nhân” thì Moscow sẽ đáp trả bằng sức mạnh của toàn bộ kho vũ khí khổng lồ của mình.

“Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ người dân của mình”, ông Putin nói trong một bài phát biểu trên truyền hình trước quốc gia và nói thêm rằng Nga có “rất nhiều vũ khí để đáp trả”.

Phát biểu trong một tuyên bố trước người dân Nga qua sóng truyền hình vào sáng 21/9, Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây đang muốn tiêu diệt Nga và biến người dân Ukraine thành “bia đỡ đạn”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết lệnh huy động một phần này sẽ có 300.000 người được gọi nhập ngũ, và sẽ áp dụng cho những người có kinh nghiệm quân sự trước đó.

Những người được gọi nhập ngũ sẽ phải trải qua khóa huấn luyện quân sự bổ sung và phải qua bài sát hạch cuối kỳ, đồng thời tính đến kinh nghiệm của một hoạt động quân sự đặc biệt, trước khi được gửi đến các đơn vị.

Việc điều động một phần của ông Putin làm leo thang đáng kể xung đột Ukraine và diễn ra, trong bối cảnh Nga vấp phải một cuộc phản công của Ukraine khiến quân đội nước này phải rút lui và giao nộp một số lãnh thổ bị chiếm đóng, theo Reuters.

“Rõ ràng đó là điều mà chúng ta cần xem xét rất nghiêm túc. Bởi vì, quý vị biết đấy, chúng ta không kiểm soát được – tôi cũng không chắc ông ấy (Putin) cũng có thể kiểm soát được tình hình. Đây rõ ràng là một sự leo thang”, Ngoại trưởng Anh Gillian Keegan nói với đài Sky News.

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho rằng, lệnh huy động một phần là một bước đi có thể dự đoán trước, chứng tỏ cuộc xung đột không diễn ra theo kế hoạch của Moscow, theo Reuters.

Ông Putin cho biết, việc huy động quân sự một phần với 2 triệu quân dự bị của họ nhằm bảo vệ Nga và các vùng lãnh thổ của nước này. Đồng thời ông cũng cáo buộc rằng phương Tây không muốn thiết lập hòa bình ở Ukraine.

Ông nói thêm rằng, Washington, London, Brussels đang thúc đẩy Kyiv “chuyển các hoạt động quân sự sang lãnh thổ của Nga” với mục đích “cướp bóc toàn bộ đất nước Nga”.

Quân đội Ukraine đã thường xuyên tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga trong suốt cuộc xung đột, sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp.

“Mã độc hạt nhân cũng đã được sử dụng”, ông Putin nói, đề cập đến nhà máy điện hạt nhân Zaporozhzhia của Ukraine, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc đối phương gây nguy hiểm cho nhà máy trong cuộc giao tranh.

Ông cáo buộc các quan chức cấp cao dẫn đầu các quốc gia của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đưa ra các tuyên bố về “khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân hủy diệt hàng loạt chống lại Nga”.

“Đối với những người tự cho phép mình tuyên bố như vậy về Nga, tôi muốn nhắc quý vị rằng đất nước chúng tôi cũng có nhiều phương tiện hủy diệt khác nhau… hiện đại hơn so với các nước NATO. Và khi sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, để bảo vệ người dân và quốc gia Nga, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện theo ý mình”, ông Putin tuyên bố.

Ông Putin tái khẳng định mục tiêu của mình là “giải phóng” khu vực trung tâm công nghiệp Donbass ở phía đông Ukraine và hầu hết người dân trong khu vực không muốn quay trở lại cái mà ông gọi là “cái ách cai trị” của Ukraine.

Trước bài phát biểu của ông Putin, các nhà lãnh đạo thế giới họp tại Liên Hợp Quốc ở New York đã lên án việc Nga xâm lược Ukraine và có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý cho 4 khu vực bị chiếm đóng trong những ngày tới để tham gia cùng Nga.

Trong một động thái rõ ràng có sự phối hợp, các nhân vật thân Nga đã công bố các cuộc trưng cầu dân ý từ 23/9 đến ngày 27/9 tại các tỉnh Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia, chiếm khoảng 15% lãnh thổ Ukraine, một khu vực có diện tích tương đương Hungary.

Nga đã công nhận Luhansk và Donetsk, cùng tạo nên vùng Donbass mà Moscow chiếm đóng một phần vào năm 2014, là các quốc gia độc lập. Ukraine và phương Tây coi tất cả các khu vực của Ukraine do lực lượng Nga nắm giữ đều bị chiếm đóng bất hợp pháp.

Nga hiện nắm giữ khoảng 60% diện tích lãnh thổ Donetsk và đã chiếm được gần như toàn bộ Luhansk vào tháng 7 sau những bước tiến chậm chạp trong nhiều tháng giao tranh dữ dội.

Những bước tiến đó hiện đang bị đe dọa sau khi các lực lượng Nga bị đánh đuổi khỏi tỉnh Kharkiv lân cận trong tháng này, khiến Moscow mất quyền kiểm soát các tuyến tiếp tế chính của họ cho phần lớn chiến tuyến Donetsk và Luhansk.

“Người Nga có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Điều đó cũng sẽ không thay đổi bất cứ điều gì”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết hôm thứ Ba (20/9) trước câu hỏi của các phóng viên tại Liên Hợp Quốc nơi các nhà lãnh đạo đến dự cuộc họp Đại hội đồng có khả năng bị chi phối bởi chiến tranh ở Ukraine.

Trong một bài đăng trên Twitter, ông nói thêm: “Ukraine có toàn quyền để giải phóng các vùng lãnh thổ của mình”.

Nếu kế hoạch trưng cầu dân ý “không quá bi thảm thì sẽ rất buồn cười”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với các phóng viên trước cuộc họp của Liên Hợp Quốc ở New York.

Ông Putin hôm 24/2 đã ra lệnh thực hiện cái mà ông gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine nhằm tiêu diệt tận gốc những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm và “biến tướng” đất nước. Cuộc chiến đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, phá hủy các thành phố và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa của mình ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, ông Putin sẽ chỉ từ bỏ “tham vọng đế quốc” có nguy cơ hủy diệt cả Ukraine và Nga nếu ông nhận ra mình không thể chiến thắng trong cuộc chiến.

“Đây là lý do tại sao chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ nền hòa bình nào do Nga sắp đặt và đây là lý do tại sao Ukraine phải có khả năng chống đỡ cuộc tấn công của Nga”, ông Scholz nói trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Lam Giang

Related posts