KCNA: Bắc Hàn phủ nhận việc cung cấp vũ khí hoặc đạn dược cho Nga
Ngày 22/9, Triều Tiên khẳng định họ chưa bao giờ cung cấp vũ khí hoặc đạn dược cho Nga và cũng không có kế hoạch làm như vậy, đồng thời cảnh báo Mỹ nên dừng việc tung ra những tin đồn nhằm “làm hoen ố” hình ảnh đất nước.
KCNA dẫn lời phó cục trưởng Tổng cục Trang bị của Bộ Quốc phòng Triều Tiên nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Gần đây, Hoa Kỳ và các thế lực thù địch khác nói về ‘vi phạm nghị quyết’ của UNSC, lan truyền ‘tin đồn giao dịch vũ khí’ giữa CHDCND Triều Tiên và Nga… Chúng tôi chưa bao giờ xuất khẩu vũ khí hoặc đạn dược cho Nga trước đây và chúng tôi sẽ không lên kế hoạch xuất khẩu chúng.”
Dù vậy, KCNA không nêu tên của vị quan chức này.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết hồi đầu tháng, Nga “đang trong quá trình mua hàng triệu tên lửa và đạn pháo từ Triều Tiên để sử dụng ở Ukraine,” theo AP.
Sau đó, ngày 6/9, người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby sau đó đã phải giải thích rõ rằng đây chỉ là “giao dịch tiềm năng” và “không có dấu hiệu nào cho thấy thương vụ mua bán đã hoàn tất và chắc chắn không có dấu hiệu nào cho thấy những vũ khí đó đang được sử dụng bên trong Ukraine.”
Tháng 8 vừa qua, trong một bức thư gửi đi nhân ngày giải phóng Triều Tiên khỏi lực lượng Nhật Bản, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rằng hai nước sẽ “mở rộng quan hệ song phương toàn diện và mang tính xây dựng với những nỗ lực chung”.
Ông Kim cũng hồi đáp một bức thư cho ông Putin, tuyên bố “sự hợp tác chiến lược và chiến thuật, sự ủng hộ và đoàn kết” giữa hai nước đã đạt đến một tầm cao mới, trong bối cảnh họ cùng nỗ lực nhằm ngăn chặn các mối đe dọa và khiêu khích từ “các thế lực quân sự thù địch”.
Trước đó, hồi tháng 7, Ukraine đã cắt đứt quan hệ với Bình Nhưỡng sau khi quốc gia này công nhận hai “nước cộng hòa nhân dân” do Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine là các quốc gia độc lập.
Trong một diễn biến khác, Hoa Kỳ cũng cáo buộc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine, điều mà Tehran cực lực bác bỏ. Phía Nga cũng bác bỏ cáo buộc nêu trên và yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp bằng chứng.
Nhật Minh
Mỹ thông báo chi thêm gần 3 tỷ USD nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu
Hôm 21/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo hỗ trợ thêm 2,9 tỷ USD cho quỹ ứng phó với tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.
Nhà Trắng cho biết theo dự kiến, Tổng thống Biden sẽ đưa ra thông báo trên khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 77 đang diễn ra tại New York trong ngày 21/9. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, số tiền trên là khoản bổ sung cho gói 6,9 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ đã cam kết trong năm nay nhằm hỗ trợ an ninh lương thực toàn cầu.
Nhà Trắng cho biết thêm các nguồn cung lương thực đang bị gián đoạn nghiêm trọng do tác động của nhiều cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, giá năng lượng và phân bón tăng cao, trong khi các cuộc xung đột kéo dài, trong đó có cả cuộc xung đột ở Ukraine, khiến giá lương thực toàn cầu cũng tăng vọt. Đặc biệt, hạn hán kéo dài cũng đang khiến nhiều khu vực ở Somalia có nguy cơ xảy ra nạn đói.
Theo đó, Nhà Trắng cho rằng khoản hỗ trợ 2,9 tỷ USD của Mỹ nói trên sẽ cứu sống nhiều người thông qua các biện pháp can thiệp khẩn cấp và đầu tư vào hỗ trợ an ninh lương thực trong trung hạn và dài hạn nhằm bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Trước đó, phát biểu tại sự kiện trên của LHQ, nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng đã kêu gọi hành động khẩn cấp để đảm bảo an ninh lương thực. Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng không có hòa bình khi còn đói kém và không thể chống đói kém khi hòa bình không tồn tại.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng an ninh lương thực vẫn là vấn đề đặc biệt khẩn cấp dù Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại hội nghị cấp cao hồi tháng 6 ở Đức đã cam kết chi 5 tỷ USD cho mục tiêu này. Thủ tướng Đức nhận định rằng xung đột giữa Nga và Ukraine là một phần nguyên nhân và thúc đẩy một cuộc khủng hoảng đa chiều toàn cầu.
Phan Anh
Nga, Ukraine tuyên bố trao đổi tù nhân lớn nhất từ đầu cuộc chiến
Nga và Ukraine đã tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân đầy bất ngờ vào ngày 21/9. Đây là lần trao đổi tù binh lớn nhất kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, có sự tham gia của gần 300 người, bao gồm 10 người nước ngoài và các chỉ huy dẫn đầu cuộc phòng vệ kéo dài của Ukraine ở Mariupol hồi đầu năm nay.
Những người nước ngoài được thả bao gồm hai người Anh và một người Maroc đã bị kết án tử hình hồi tháng 6 sau khi bị bắt giữ trong lúc chiến đấu cho Ukraine. Ngoài ra còn có ba người Anh khác, hai người Mỹ, một người Croatia và một người Thụy Điển.
Thời điểm và mức độ của cuộc trao đổi tù binh lần này thực sự gây bất ngờ, bởi ngay cả những người ly khai thân Nga hồi tháng trước cũng khẳng định, các chỉ huy tại Mariupol sẽ bị đưa ra xét xử.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay, cuộc trao đổi tù binh với sự giúp đỡ từ Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út này đã được chuẩn bị trong một thời gian dài và phải tiến hành tranh cãi gay gắt. Theo các điều khoản của thỏa thuận, 215 người Ukraine – hầu hết trong số họ đã bị bắt sau khi Mariupol thất thủ – đã được phóng thích.
Đổi lại, Ukraine đã trao trả lại 55 người Nga cùng những người Ukraine thân Moscow, còn có ông Viktor Medvedchuk, lãnh đạo của một đảng thân Nga đang phải đối mặt với cáo buộc phản quốc.
“Đây rõ ràng là một chiến thắng cho đất nước chúng ta, cho toàn xã hội của chúng ta. Và điều quan trọng chính là 215 gia đình có thể thấy những người thân yêu của mình được trở về nhà an toàn,” Tổng thống Zelensky phát biểu trong một đoạn video.
“Chúng tôi ghi nhớ tất cả người dân của mình và cố gắng cứu mọi người Ukraine. Đây là ý nghĩa của Ukraine, bản chất của chúng ta, đây là sự khác biệt của chúng ta với kẻ thù.”
Ông Zelenskiy cũng gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và cho biết, 5 chỉ huy cấp cao của Ukraine sẽ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Kyiv đã phải trải qua một cuộc chiến lâu dài và khó khăn để đảm bảo 5 chỉ huy này được trả, ông nhấn mạnh.
Trong số đó có Trung tá Denys Prokopenko, chỉ huy tiểu đoàn Azov đã tham gia nhiều trận giao tranh, phó tướng của ông là ông Svyatoslav Palamar, và ông Serhiy Volynsky, chỉ huy của Lữ đoàn 36 Thủy quân lục chiến.
Ba vị chỉ hủy này đã lãnh đạo một cuộc kháng cự kéo dài hàng tuần từ các boongke và đường hầm bên dưới nhà máy thép khổng lồ Mariupol trước khi họ cùng hàng trăm chiến binh Azov đầu hàng các lực lượng do Nga hậu thuẫn hồi tháng 5.
Ả Rập Xê Út đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận, do đó đó 10 người nước ngoài sẽ đến Ả Rập Xê Út. Cuộc hòa giải có sự tham gia của Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, người vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với ông Putin.
Các tù nhân được trả tự do bao gồm công dân Hoa Kỳ Alexander Drueke, 39 tuổi và Andy Huynh, 27 tuổi, cả hai đều đến từ Alabama, những người bị bắt vào tháng 6 khi đang chiến đấu ở miền Đông Ukraine.
Ngoài ra còn có các công dân Anh Aiden Aslin và Shaun Pinner, công dân Maroc Brahim Saadoun, tất cả đều bị tòa án ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng kết án tử hình.
Một số lượng lớn người nước ngoài đã đến Ukraine để chiến đấu kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2 của Nga.
Người đứng đầu phái bộ nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Ukraine hồi đầu tháng này lưu ý, Nga không cho phép tiếp cận tù nhân chiến tranh, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc Liên Hợp Quốc có bằng chứng cho thấy một số người đã bị tra tấn và đối xử tệ bạc, có thể dẫn đến tội ác chiến tranh.
Dù vậy, phía Nga vẫn phủ nhận việc tiến hành tra tấn cũng như các phương thức ngược đãi tù binh.
Minh Ngọc (Theo Reuters)
TT Zelensky nói với LHQ: Chúng tôi yêu cầu ‘trừng phạt thích đáng’ Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Tư (21/9) đã nói với Liên Hiệp Quốc rằng Ukraine muốn “trừng phạt thích đáng” Nga vì những tội ác quân đội nước này đã đang gây ra tại Ukraine thời gian qua.
Trong đoạn video ghi trước gửi Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổng thống Zelensky nói Kyiv đã có kế hoạch 5 điểm để thiết lập hòa bình lâu dài, nhưng ông bác bỏ mọi đề nghị rằng quốc gia từng thuộc Liên Xô này nên thông qua vị thế trung lập.
Ông cũng đã loại trừ mọi đề xuất hòa bình khác với kế hoạch mà Ukraine đưa ra.
Tổng thống Zelensky cho biết những điều kiện không đàm phán vì hòa bình bao gồm trừng phạt hành vi xâm lược của Nga, khôi phục an ninh của Ukraine, toàn vẹn lãnh thổ và các đảm bảo an ninh.
“…Đây là điểm đầu tiên trong công thức hòa bình của chúng tôi. Điểm rõ ràng nhất. Trừng phạt”, ông Zelensky nói trong đoạn video gửi Đại hội đồng LHQ.
“Trừng phạt tội phạm xâm lược. Trừng phạt xâm phạm biên giới và toàn vẹn lãnh thổ. Biện pháp trừng phạt phải được thực thi cho đến khi biên giới đã được quốc tế công nhận được khôi phục”, ông Zelensky nói.
Tổng thống Ukraine nói thêm: “Điều gì KHÔNG nằm trong công thức của chúng tôi? [Đó là] Trung lập”.
Nhiều phái đoàn tham dự phiên họp Đại hội đồng LHQ đã đứng dậy tán dương phát biểu qua video của Tổng thống Ukraine Zelensky. Nhưng phái đoàn Nga vẫn ngồi im.
Như Ngọc (Theo Reuters)
Nhiều CEO ngân hàng Mỹ sẵn sàng rời thị trường Trung Quốc nếu Đài Loan bị xâm lược
Hôm thứ Tư (21/9), CEO của 8 ngân hàng bao gồm Bank of America, Citibank và JPMorgan Chase đã điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ. Ít nhất 3 CEO đã cam kết sẽ theo lệnh của Washington rút khỏi thị trường Trung Quốc nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tấn công Đài Loan.
Các CEO của những ngân hàng lớn nhất của Mỹ như Bank of America, Citigroup và JPMorgan Chase đã đưa ra cam kết trong phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ.
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Blaine Luetkemeyer bang Missouri hỏi liệu họ có sẵn sàng rút các khoản đầu tư ra khỏi Trung Quốc nếu Đài Loan bị tấn công quân sự hay không.
CEO Brian Moynihan của Bank of America, trả lời: “Chúng tôi sẽ tuân theo hướng dẫn của Chính phủ Mỹ, vài chục năm qua (chúng tôi) vẫn hợp tác với Trung Quốc, nhưng nếu họ thay đổi lập trường thì chúng tôi cũng sẽ ngay lập tức thay đổi giống như chúng tôi đã làm ở Nga”.
CEO Jane Fraser của Citibank và CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase đều tán thành quan điểm Moynihan.
CEO Dimon nói: “Chúng tôi tuyệt đối hướng về Chính phủ Mỹ và tuân thủ những chính sách của Chính phủ Mỹ”.
Sau cuộc tấn công của Điện Kremlin vào Ukraine, các ngân hàng Mỹ đã nhanh chóng có hành động đáp lại lên án của quốc tế đối với Điện Kremlin bằng cách thông báo kế hoạch chấm dứt hoạt động ngân hàng của họ ở Nga. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn nhiều so với nền kinh tế của Nga và nhiều ngân hàng phương Tây đang muốn mở rộng hoạt động tại Trung Quốc.
Tính đến cuối năm 2021 mức độ tiếp xúc của Citibank với Trung Quốc lên đến 27,3 tỷ USD với các khoản cho vay và đầu tư chứng khoán, gấp 5 lần quy mô của họ ở Nga. Còn JPMorgan Chase vào năm 2011 đã thành lập công ty cổ phần chứng khoán tại Trung Quốc và vào năm ngoái mới nhận được chấp thuận đặc biệt của nhà chức trách để được phép sở hữu 100% vốn.
Trong 18 tháng qua, các công ty đa quốc gia đã trở nên lo ngại hơn về khả năng xảy ra xung đột ở Đài Loan khi ĐCSTQ tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo này.
Các CEO đã rất quan tâm hỏi các chuyên gia an ninh của Washington về khả năng xảy ra chiến tranh Trung – Mỹ trong vấn đề Đài Loan, qua đó tìm hiểu các biện pháp tránh rủi ro.
Vào tháng 3/2021, Tướng Philip Davidson khi đó là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, đã gây chú khi tuyên bố trước Quốc hội rằng ông tin ĐCSTQ có thể tấn công Đài Loan vào năm 2027.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm Chủ nhật (18/9) cho biết, Mỹ sẽ gửi quân đến bảo vệ Đài Loan nếu ĐCSTQ tấn công. Trong năm qua Tổng thống Biden đã 4 lần đưa ra các cảnh báo tương tự, giới quan sát cho rằng có thể Mỹ đã có sự thay đổi trong chính sách đối với Trung Quốc khi mối đe dọa của ĐCSTQ đối với Đài Loan ngày càng tăng.
Dù sau cuộc phỏng vấn của Tổng thống Biden, quan chức Nhà Trắng lại giải thích rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi, có vẻ cho thấy vẫn “mơ hồ về mặt chiến lược” trong việc liệu quân đội Mỹ có bảo vệ Đài Loan hay không, nhưng “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” quy định rằng Mỹ có nghĩa vụ hỗ trợ trang bị Đài Loan để tự vệ.
Về vấn đề này, trong một bài đăng trên Facebook, giám đốc Akio Yaita của chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun Nhật Bản, từng có thời gian 10 năm là phóng viên tại Trung Quốc, cho biết rằng đây là lần thứ 4 Tổng thống Mỹ Biden nói công khai trước truyền thông về vấn đề Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan. Vấn đề là cuộc phỏng vấn này không được truyền hình trực tiếp mà được ghi hình trước. Có nghĩa là, nếu Tổng thống Biden mắc sai lầm lỡ lời trong cuộc phỏng vấn, thì nhân viên Nhà Trắng tháp tùng ông ấy sẽ có đủ thời gian để yêu cầu cơ quan truyền thông cắt bỏ đoạn phát biểu đó.
Ông Yaita tin rằng thực tế chuyện cho rằng ông Biden “lỡ lời” thường là phát ngôn từ những người không hiểu về chính trị quốc tế. Bởi vì “lỡ lời” từ một nhân vật quan trọng như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia. Trong trường hợp đó, người lỡ lời sẽ phải tự cải chính và xin lỗi để loại bỏ hậu quả. Về tuyên bố của người phát ngôn Chính phủ Mỹ phản hồi bằng cụm từ “Chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi”, ông tin rằng cách hiểu chính xác nên là: “Chính sách của Mỹ đối với Đài Loan luôn là bảo vệ Đài Loan. Chỉ là trước đây tuyên bố không tiện, nhưng bây giờ có thể công khai”.
Trong 2 năm qua quân đội ĐCSTQ đã tăng cường số lượng máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tập trận đột nhập “vùng nhận dạng phòng không” của Đài Loan khi băng qua đường trung tâm của eo biển.
Vào tháng Tám, sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, quân đội ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn đầy kịch tính, bao gồm lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo qua vùng không phận Đài Loan, trong khi có vài tên lửa rơi xuống khu vực kinh tế của Nhật Bản.
Mộc Vệ
FED nâng lãi suất cao nhất kể từ năm 2008, đồng USD tiếp tục mạnh hơn
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 21/9. Chỉ số US Dollar Index đã tăng 15% từ đầu năm cho thấy đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng mạnh, đồng thời lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi đã ở mức 8,3% vào tháng 8.
Tại cuộc họp ngày 21/9, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết việc nâng lãi suất sẽ còn tiếp tục trong hai cuộc họp còn lại của năm 2022. Ông Powell cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa giúp lạm phát tăng chậm lại, dù có ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Với thêm 0,75 điểm phần trăm trong lần tăng này, đây đã là mức cao nhất kể từ năm 2008. Đồng thời, đánh dấu lần tăng thứ ba liên tiếp với cùng mức này.
Các quan chức hiện dự kiến lãi suất sẽ kết thúc năm ở mức 4,4%, tăng từ 3,4% trong dự báo trước đó và sẽ đạt 4,6% vào năm 2023, tăng từ 3,8% trước đó.
Fed tuyên bố rằng họ “rất chú ý đến rủi ro lạm phát”.
Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) cho biết lạm phát vẫn tăng cao, sự mất cân bằng giữa cung cầu liên quan đến giá thực phẩm, năng lượng đang cao hơn, áp lực về giá cả cũng mở rộng.
FOMC chỉ ra sự tăng trưởng khiêm tốn trong chi tiêu và sản xuất, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
Giới quan sát dự đoán có tới 89% khả năng Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp FOMC tháng 11.
Theo Tóm tắt các dự báo kinh tế, Fed nhận thấy mức tăng trưởng trung bình của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế sẽ ở mức 0,2% trong năm nay và 1,2% vào năm 2023.
Con số này giảm so với dự báo 1,7% vào tháng 12 trong cả hai năm. Ít nhất một quan chức ngân hàng trung ương cho rằng nền kinh tế sẽ suy giảm 0,3% vào năm 2023.
Tỷ lệ thất nghiệp cũng được ước tính sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4,4% vào năm tới.
Tuy nhiên, các chỉ số chuẩn hàng đầu đã phải vật lộn để duy trì trạng thái tích cực sau cuộc họp báo của Powell. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 522 điểm, tương đương 1,7%. S&P 500 giảm 1,7% và Nasdaq Composite giảm 1,79%.
Quyết định của Fed có ảnh hưởng thế nào?
Khi lãi suất tăng, chi phí đi vay trở nên đắt đỏ hơn đối với các doanh nghiệp, người tiêu dùng và chính phủ. Điều này tạo ra hiệu ứng xếp tầng khi nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu, hoạt động kinh doanh chậm lại, các nhà đầu tư đầu tư ít vốn hơn và khả năng chi trả nhà ở giảm dần.
Trong khi mục tiêu đằng sau một chiến dịch tăng lãi suất là kiềm chế lạm phát, chỉ thị chính sách tiền tệ có thể gây ra hậu quả rộng lớn hơn cho nền kinh tế, đặc biệt là một chỉ thị được thúc đẩy bởi nền kinh tế phụ thuộc 2/3 tiêu dùng.
Sau hơn một thập kỷ với các chính sách tiền tệ dễ dàng, lãi suất cao hơn có thể “có nghĩa là đau đớn, thuần túy và đơn giản”, theo Kirk Kinder, một nhà hoạch định tài chính tại Picket Fence Financial.
“Tất cả giá tài sản đều phát triển mạnh nhờ lãi suất thấp: cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản. Khi tỷ giá tăng, tất cả các tài sản này, vốn được định giá cao trong lịch sử, sẽ chịu áp lực”, ông nói với The Epoch Times, lưu ý rằng người tiêu dùng sẽ có thu nhập tùy ý ít hơn và lợi nhuận của công ty sẽ bị ảnh hưởng.
“Nền kinh tế đã trở nên quen thuộc lãi suất thấp đến mức sự gia tăng như chúng ta đã thấy có thể gây ra thảm họa cho nền kinh tế và thị trường. Nó tương tự như dùng ma túy từ một người nghiện. Việc rút tiền thật đau đớn”.
Nhưng trong khi Powell đã nói trong suốt phần lớn năm 2022 rằng ông sẽ cố gắng hướng nền kinh tế đến một cái gọi là hạ cánh mềm, ông dường như đã từ bỏ luận điệu này để ủng hộ “suy thoái tăng trưởng”. Đây là khi tăng trưởng kinh tế ảm đạm nhưng không đủ thấp để được định nghĩa là một cuộc suy thoái kỹ thuật, mặc dù Hoa Kỳ đã rơi vào suy thoái kỹ thuật sau hai phần tư liên tiếp các bản báo cáo GDP âm.
Ngoài các vấn đề trong nước, việc Fed tăng lãi suất cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường quốc tế. Khi ngân hàng trung ương tham gia vào việc thắt chặt định lượng, nó đã củng cố đồng đô la Mỹ lên mức cao nhất trong hơn 20 năm.
Chỉ số Đô la Mỹ (DXY), đo lường đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, đã tăng 15% từ đầu năm đến nay lên khoảng 110,00. Một đồng đô la mạnh hơn có thể khiến những người tham gia nước ngoài mua hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ trở nên đắt đỏ hơn.
Cuộc họp chính sách FOMC kéo dài 2 ngày tới sẽ diễn ra vào ngày 1/11 và 2/11. Hành động trong tương lai của Fed có thể phụ thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng tiếp theo và báo cáo việc làm.
Hiện tại, thị trường đang trong một mức tăng 75 điểm cơ bản khác. Nhưng rất nhiều điều có thể thay đổi từ bây giờ đến khi các nhà hoạch định chính sách của Fed ở cuộc họp tiếp theo.
Nhất Tín, theo The Epoch Times