Cảnh sát chống buôn lậu bị đề nghị truy tố vì buôn lậu hơn 211 tỷ đồng

Lô hàng hóa buôn lậu bị phát hiện. (Ảnh từ cơ quan chức năng)

Cựu cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu công an TP.HCM đã móc nối với nhiều người nhập lậu 1.280 container hàng hóa cũ trị giá 211,4 tỷ đồng.

Ngày 23/9, công an TP.HCM đã ra bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố 26 bị can liên quan vụ án cựu cán bộ Đội chống buôn lậu tiếp tay buôn lậu hơn 1.282 container là máy móc, thiết bị cũ từ Nhật Bản, Đài Loan về Việt Nam tiêu thụ.

Trong 26 bị can có: Hoàng Duy Tiến, cựu cán bộ Đội 7, PC03 (công an TP.HCM) là chủ mưu; Võ Văn Đông (cựu cán bộ PC03); Huỳnh Thị Quỳnh Trang (kế toán); Phan Minh Tuấn; Nguyễn Thanh Bình; Lâm Hồng Đào; Trần Xuân Duận (Công ty Cổ phần giám định Đại Minh Việt)… Các bị can bị đề nghị truy tố về hành vi buôn lậu.

Theo kết luận điều tra, bị cáo Hoàng Duy Tiến bản thân là lực lượng cảnh sát phòng chống buôn lậu, am hiểu các quy định của pháp luật về xuất, nhập khẩu hàng hóa. Vì nhằm mục đích thu lợi bất chính, bị cáo Tiến đã có hành vi móc nối với nhóm chủ hàng chuyên kinh doanh mua bán máy móc, thiết bị cũ, chỉ đạo, thuê các nhân viên thành lập công ty, lập giả hồ sơ nhập khẩu hàng hóa.

Cựu cán bộ công an này còn móc nối với công ty giám định để nhập khẩu số lượng hàng hóa, máy móc đặc biệt lớn trái quy định của từ nước ngoài về Việt Nam.

Từ tháng 9/2019 đến trước ngày 24/5/2021, bị cáo Tiến đã sử dụng tư cách pháp nhân của 45 công ty, mở 1.146 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.280 container hàng, tổng giá trị tài sản hàng hóa là 211,4 tỷ đồng.

Hồ sơ vụ án thể hiện bị can Hoàng Duy Tiến là người đứng đầu, chủ mưu trong vụ án này.

Quá trình điều tra, nhà chức trách nhận thấy để thực hiện trót lọt, bị cáo Tiến đã móc nối với một số cán bộ hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, TP.HCM và một số cá nhân khác. Đối với hành vi trên, Công an TP.HCM tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ để xử lý.

Phạm Toàn

Vĩnh Long: Trưởng công an xã tử vong tại trụ sở

Một trưởng công an xã thuộc thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) được phát hiện tử vong tại trụ sở cơ quan.

Ngày 23/9, công an thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) xác nhận sự việc một công an viên tại địa phương tử vong tại trụ sở.

Người tử vong là trung tá Nguyễn Thành Thái (46 tuổi) – Trưởng công an xã Đông Thạnh.

Theo công an thị xã Bình Minh, khoảng 22h tối 22/9, công an xã Đông Thạnh thực hiện tuần tra đêm tại địa phương, ông Thái là chỉ huy tổ tuần tra.

Khoảng 23h30 cùng ngày, tổ tuần tra về lại trụ sở công an xã Đông Thạnh nghỉ ngơi. Sau đó, các công an viên trong ca trực tiếp tục đi tuần tra, còn ông Thái ở lại cơ quan xử lý công việc.

Đến khoảng 1h sáng 23/9, tổ tuần tra trở về trụ sở thì ông Thái vẫn còn thức, không có biểu hiện gì bất thường.

Các công an viên trong ca trực về nghỉ, còn ông Thái và 2 công an viên khác trực, nghỉ lại tại trụ sở công an xã.

Đến 6h40 cùng ngày, thấy ông Thái chưa dậy nên một công an viên đến gọi ông Thái thì phát hiện ông Thái đã tử vong.

Theo công an thị xã Bình Minh, nguyên nhân ông Thái tử vong được xác định là do bệnh lý.

Việt Hưng

Vụ Việt Á: Giám đốc CDC Bạc Liêu bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Trần Vĩnh An, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bạc Liêu, cùng hai thuộc cấp bị cảnh cáo do liên quan sai phạm mua kit test Việt Á. (Ảnh: C.K/baobaclieu.vn)

Ông Trần Vĩnh An, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bạc Liêu, cùng hai thuộc cấp bị cảnh cáo do liên quan sai phạm mua kit test Việt Á.

Ngày 23/9, Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Bạc Liêu triển khai quyết định kỷ luật Đảng bằng hình thức cảnh cáo đối với ông An cùng hai thuộc cấp là Phạm Thanh Hồng, Trưởng khoa Xét nghiệm và Trương Thái Hưng, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch.

Trước đó, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu đã thanh tra công tác mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng dịch bệnh COVID-19 và thực hiện quy trình, định mức, giá dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 đối với Sở Y tế và đơn vị trực thuộc Sở.

Cụ thể, CDC Bạc Liêu đã mua sắm 44 gói thầu với tổng giá trị hơn 126 tỷ đồng (trong đó ngân sách cấp hơn 123 tỷ đồng, kinh phí còn lại từ nguồn thu dịch vụ xét nghiệm COVID-19 hơn 3,2 tỷ đồng).

Đoàn Thanh tra tỉnh đã chọn 42 gói thầu để kiểm tra. Qua kiểm tra phát hiện có đến 35 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế từ nguồn kinh phí phòng dịch COVID-19 có nhiều sai phạm. Đặc biệt, 3 gói thầu mua sinh phẩm, hóa chất, vật tư y của Công ty Việt Á với tổng giá trị hơn 23,7 tỷ đồng có nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Thanh tra tỉnh cho hay việc lập, trình dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu có dấu hiệu thiếu minh bạch, vi phạm các quy định, gây thiệt hại hơn 8,9 tỷ đồng. Cùng với đề nghị kỷ luật những người liên quan, cơ quan thanh tra tỉnh đã chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Bạc Liêu điều tra.

Đầu tháng 6, Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Bạc Liêu.

Hơn 7 tháng qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và công an các địa phương đã khởi tố hơn 90 người, vì liên quan đến sai phạm của Việt Á.

Phạm Toàn

Đề xuất giảm 50% Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, 50% Thuế VAT với xăng, dầu

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế xăng dầu trong bối cảnh giá dầu thô thế giới đang trên đà sụt giảm. (Ảnh: thanhphohaiphong.gov.vn)

Bộ Tài chính lấy ý kiến đề xuất giảm 50% Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mặt hàng xăng và giảm tối đa 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) với cả hai loại xăng dầu. Trong bối cảnh giá dầu thô tiếp tục lao dốc bởi kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Ngày 23/9, Bộ Tài chính gửi văn bản đến các bộ, ngành lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TTĐB với xăng và thuế giá trị gia tăng (VAT) của xăng, dầu.

Theo đó, Bộ này đề xuất giảm 50% thuế TTĐB với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% thuế VAT đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.

Thời gian giảm thuế dự kiến trong 6 tháng từ lúc Nghị quyết có hiệu lực.

Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án và đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể.

Một là giảm 50% thuế TTĐB với xăng và giảm 20% thuế VAT với xăng, dầu.

Hai là giảm 50% thuế TTĐB đối với xăng và giảm 50% mức thuế VAT với xăng, dầu.

Theo Bộ Tài chính, mặt hàng xăng dầu đang chịu mức thuế GTGT 10% tương tự như nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác. Về thẩm quyền, tương tự như thuế TTĐB, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về diễn biến giá dầu thô, theo dữ liệu của Trading Economics hôm 23/9, giá dầu Brent đã giảm một mạch về 87,5 USD/thùng, rồi phục hồi nhẹ lên gần 88 USD/thùng, giảm 2,84% so với ngày trước đó.

Đây là mức thấp kỷ lục của dầu Brent trong vòng 8 tháng qua.

Trong khi đó, giá dầu WTI sụt giảm 3,3% xuống còn hơn 80 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 1.

Trong cuộc họp chính sách ngày 21/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3-3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008.

Sau khi Fed tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới cũng nâng lãi suất theo, làm gia tăng nguy cơ suy yếu cho nền kinh tế.

Cụ thể, hôm 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất 0,5 phần trăm, đánh dấu lần nâng lãi suất thứ 7 liên tiếp, và cho rằng nền kinh tế Anh “có thể đã suy thoái”.

Cùng ngày, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã tăng lãi suất chuẩn lên 0,5%.

Trong tháng này, Ngân hàng Trung ương ECB tăng lãi suất, đồng Euro trở lại cao hơn USD (ECB) cũng nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm để hy vọng hạ nhiệt lạm phát. Giới phân tích lo ngại rằng những quốc gia có gánh nặng nợ lớn như Italy và Hy Lạp sẽ chịu thiệt hại vì lãi suất tăng cao.

Về chính sách thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu hiện hành, Bộ Tài chính cho biết chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.

Thuế TTĐB là sắc thuế gián thu, áp vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia,…) hoặc hàng hoá, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ôtô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,…) và một số mặt hàng cần tiết kiệm (xăng, dầu,…)

Thiên

Related posts