Tin thế giới trưa thứ Bảy: Ủy ban điều tra Liên Hợp Quốc: Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine

Ủy ban điều tra Liên Hợp Quốc: Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine

Ủy ban điều tra Liên Hợp Quốc: Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine
Khói bốc lên mịt mù sau cuộc tấn công tên lửa vào Lviv khiến 6 người chết và 8 người bị thương, trong đó có một trẻ em ở ngoại ô Lviv, Ukraine hôm 18/4/2022. Các cuộc tấn công tên lửa xảy ra sau vụ đánh chìm tàu chiến của Hải quân Nga, Moscow ở Biển Đen. (Ảnh: Matthew Hatcher/SOPA Images/LightRocket/Getty Images)

Đã xảy ra các tội ác chiến tranh bao gồm hãm hiếp, tra tấn, hành quyết và giam giữ trẻ em ở các khu vực do Nga chiếm đóng tại Ukraine, người đứng đầu cơ quan điều tra do Liên Hợp Quốc ủy nhiệm cho biết hôm thứ Sáu (23/9).

Ủy ban điều tra của Liên Hợp Quốc là một trong những cơ quan quốc tế đầu tiên đưa ra kết luận trên cơ sở bằng chứng thực địa. Ukraine và các đồng minh phương Tây đã cáo buộc binh sĩ Nga có nhiều hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2. Tuy nhiên, Moscow thường xuyên bác bỏ cáo buộc này là một chiến dịch bôi nhọ.

Ông Erik Mose, người đứng đầu Ủy ban Điều tra về Ukraine (Commission of Inquiry on Ukraine), nói với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (U.N. Human Rights Council) tại Geneva: “Dựa trên các bằng chứng mà Ủy ban thu thập được,chúng tôi kết luận rằng tội ác chiến tranh đã được thực hiện ở Ukraine”.

Ông không đưa ra ước tính có bao nhiêu tội ác đã xảy ra nhưng trong một cuộc phỏng vấn sau đó, ông nói rằng “một số lượng lớn tội ác” đã được thực hiện bởi Nga và chỉ có hai trường hợp của Ukraine liên quan đến việc đối xử tệ với quân nhân Nga.

Nga phủ nhận việc cố tình tấn công dân thường trong thời gian nước này thực hiện “hoạt động quân sự đặc biệt” trên lãnh thổ Ukraine.

Nga đã được kêu gọi trả lời các cáo buộc tại cuộc họp của Hội đồng nhân quyền, nhưng ghế của họ bị bỏ trống. Không có phản ứng chính thức ngay lập tức từ Moscow.

Văn phòng công tố Ukraine đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Các nhà điều tra từ Ủy ban do Hội đồng nhân quyền thành lập vào tháng 3 đã đến thăm 27 địa điểm và phỏng vấn hơn 150 nạn nhân và nhân chứng ở các khu vực Kyiv, Chernihiv, Kharkiv và Sumyformerly do Nga nắm giữ.

Họ đã tìm thấy bằng chứng về một số lượng lớn các vụ hành quyết bao gồm các thi thể bị trói tay, rạch cổ và đầy vết thương do súng bắn vào đầu, ông Mose nói.

Ông cho biết các nhà điều tra đã xác định được các nạn nhân của bạo lực tình dục trong độ tuổi từ 4 đến 82. Trong khi một số binh sĩ Nga đã sử dụng bạo lực tình dục như một chiến lược, Ủy ban “không thiết lập bất kỳ hình mẫu chung nào cho vấn đề đó”, ông Mose nói thêm.

Phản ứng trước bài phát biểu, một số quốc gia cho rằng những hành vi lạm dụng này bị quy vào tội ác chống lại loài người.

“Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa kết luận rằng có tội ác chống lại loài người”, ông Mose nói và nói thêm rằng đây là những phát hiện sơ bộ và việc thu thập và phân tích bằng chứng vẫn được tiếp tục.

Một thế giới đầy tăm tối

Ủy ban tiếp theo sẽ chú ý đến các cáo buộc về các trại “thanh lọc” (filtration camps) ở các khu vực do Nga chiếm đóng để xử lý tù nhân Ukraine, cũng như các tuyên bố về nạn cưỡng ép chuyển người dân di cư và nhận trẻ em Ukraine ở Nga làm con nuôi.

Ukraine và một số quốc gia khác kêu gọi Ủy ban điều tra một khu chôn cất tập thể gần thành phố Izium, miền đông Ukraine, nơi hàng trăm thi thể đã được tìm thấy.

“Nếu không có câu trả lời, (các vi phạm của Nga) sẽ kéo chúng ta vào một thế giới đen tối của sự trừng phạt và dễ dãi”, đặc phái viên của Ukraine Anton Korynevych nói với hội đồng thông qua liên kết video. Ông Mose sau đó nói rằng họ có ý định điều tra các ngôi mộ tập thể tại thành phố Izium, Ukraine.

Đôi khi các cuộc thăm dò do Hội đồng đưa ra có thể được sử dụng trước các tòa án quốc gia và quốc tế, chẳng hạn như trong trường hợp một cựu sĩ quan tình báo Syria bị bỏ tù vì tội tra tấn được nhà nước hậu thuẫn ở Đức hồi tháng Giêng.

Ông Mose cho biết ông đã liên lạc với Tòa án Hình sự Quốc tế về những phát hiện của ủy ban. Cơ quan này sẽ nộp một báo cáo đầy đủ cho hội đồng khi kết thúc nhiệm vụ vào tháng 3/2023, bao gồm danh sách thủ phạm có thể có và các khuyến nghị về cách xử lý những đối tượng này.

Thanh Hải

Ukraine hạ cấp quan hệ với Iran vì cung cấp máy bay không người lái cho Nga

Ukraine đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran và tước quyền công nhận đại sứ nước này, lên án về quyết định “không thân thiện” của Tehran trong việc cung cấp máy bay không người lái cho lực lượng Nga.

Thông báo vào cuối ngày thứ Sáu (23/9) được đưa ra sau khi Ukraine cho biết họ đã bắn rơi 8 máy bay không người lái “kamikaze” do Iran sản xuất. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phàn nàn rằng Tehran đang làm tổn hại đến chủ quyền và công dân của Ukraine.

“Sáu trong số các máy bay không người lái này của Iran đã bị bắn hạ bởi lực lượng phòng không của Bộ Tư lệnh mặt trận phía Đông và phía Nam của chúng tôi. Một chiếc nữa bị bắn hạ bởi lực lượng phòng không của Hải quân…. Và bây giờ tôi đang được thông báo về việc bị lực lượng phòng không của Bộ chỉ huy miền Nam bắn rơi một máy bay không người lái tấn công khác của Iran,” ông nói.

Ukraine và Mỹ đã cáo buộc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga, điều mà Tehran đã phủ nhận. Các quan chức Iran trước đó đã nói rằng Iran sẽ không hỗ trợ bên nào trong cuộc chiến vì họ ủng hộ giải pháp của mình thông qua đối thoại.

Một tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết: “Cung cấp vũ khí cho Nga để tiến hành chiến tranh chống lại Ukraine là một hành động không thân thiện, giáng một đòn nghiêm trọng vào quan hệ giữa Ukraine và Iran.”

“Trước một hành động thiếu thân thiện như vậy, phía Ukraine đã quyết định tước quyền công nhận đại sứ Iran và giảm đáng kể số lượng nhân viên ngoại giao của đại sứ quán Iran tại Kyiv”.

Thông điệp được chuyển tới quyền đại sứ của Iran vì đặc phái viên thường trực, Manouchehr Moradi, hiện không ở Ukraine.

Các nhà chức trách quân sự ở miền nam Ukraine trong một tuyên bố cho biết họ đã bắn hạ máy bay không người lái Shahed-136 trên vùng biển gần cảng Odessa.

Ngân Hà (tổng hợp)

Những người tuần hành do nhà nước Iran tổ chức kêu gọi hành quyết những người biểu tình

Iran đã bị rung chuyển bởi bạo lực đường phố đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 17 người kể từ cái chết của cô gái trẻ 22 tuổi Mahsa Amini vào tuần trước, người bị giam giữ vì đội khăn trùm đầu “không đúng cách”. Hình ảnh người dân Iran diễu hành ở thủ đô Tehran, Iran, hôm 23/9/2022. (Ảnh: Getty Images)

Các cuộc tuần hành do nhà nước tổ chức đã diễn ra ở một số thành phố của Iran vào thứ Sáu (23/9) để chống lại tình trạng bất ổn chống chính phủ trên toàn quốc, sau cái chết của một phụ nữ bị cảnh sát giam giữ. Những người tuần hành kêu gọi hành quyết “những kẻ bạo loạn”.

Các cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ diễn ra sau lời cảnh báo mạnh mẽ nhất từ ​​các nhà chức trách khi quân đội nước này cho biết họ sẽ đối đầu với “những kẻ thù” đằng sau tình trạng bất ổn. Đây là một động thái có thể báo hiệu kiểu đàn áp đã đè bẹp các cuộc biểu tình trong quá khứ.

Đám đông đã lên án những người biểu tình chống chính phủ là “binh lính của Israel”, theo truyền hình trực tiếp của nhà nước.

“Những kẻ vi phạm Kinh Koran phải bị xử tử”, đám đông hô vang.

Tài khoản Twitter 1500tasvir, có 117.000 người theo dõi, đã báo cáo về các cuộc đụng độ nặng nề ở thành phố Isfahan, miền trung nước này giữa những người biểu tình chống chính phủ và lực lượng an ninh.

Tài khoản này cũng cho thấy các cuộc biểu tình trên đường phố chống chính phủ ở một số khu vực của thủ đô và ở Shahin Shahr ở miền trung Iran.

Đài truyền hình nhà nước cho biết, 35 người đã thiệt mạng trong tình trạng bất ổn cho đến nay. Con số chính thức sẽ sớm được công bố.

Nhiều người dân Iran đang xôn xao trước trường hợp của cô gái 22 tuổi Mahsa Amini, đã qua đời vào tuần trước sau khi bị cảnh sát đạo đức bắt giữ vì mặc “trang phục không phù hợp”.

Cảnh sát đạo đức (morality police), trực thuộc cơ quan thực thi pháp luật của Iran, có nhiệm vụ đảm bảo tôn trọng các đạo đức Hồi giáo như mô tả của các cơ quan chức năng của nước này.

Cái chết của cô gái trẻ Amini đã làm dấy lên sự tức giận về các vấn đề bao gồm các hạn chế về quyền tự do cá nhân ở Iran, quy định nghiêm ngặt về trang phục đối với phụ nữ và một nền kinh tế quay cuồng với các lệnh trừng phạt.

Các nhà phân tích nhận định, các cuộc biểu tình chống chính phủ được cho là sẽ không gây ra mối đe dọa ngay lập tức đối với giới cầm quyền của Iran. Chính quyền nước này đã sử dụng lực lượng an ninh để dập tắt hết cuộc biểu tình này đến cuộc biểu tình khác trong những năm gần đây, các nhà phân tích cho biết.

Nhưng các cuộc biểu tình rõ ràng đã khiến các nhà chức trách lo lắng. Phụ nữ, những người đóng một vai trò nổi bật, đã thách thức quy tắc ăn mặc của người Hồi giáo của đất nước này. Họ vẫy tay và đốt mạng che mặt của mình.

Một số cô gái đã công khai cắt tóc khi đám đông giận dữ kêu gọi Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thoái vị.

Lằn ranh đỏ

Cảnh sát trưởng Iran Hossein Ashtari đã dùng những lời lẽ cứng rắn trong nỗ lực ngăn chặn các cuộc biểu tình.

“An ninh nhân dân là lằn ranh đỏ của chúng tôi”, ông nói với đài truyền hình nhà nước. “Những kẻ tham gia phá hoại và gây mất an ninh dựa trên chỉ thị từ bên ngoài nên hiểu rằng họ sẽ bị xử lý thẳng tay”.

Thông điệp của quân đội hôm thứ Sáu, được coi như một lời cảnh báo đối với những người biểu tình, có đoạn: “Những hành động tuyệt vọng này là một phần trong chiến lược xấu xa của kẻ thù nhằm làm suy yếu chế độ Hồi giáo”.

Quân đội Iran cho biết, họ sẽ “đối đầu với nhiều âm mưu khác nhau của kẻ thù nhằm đảm bảo an ninh và bình yên cho những người dân đang bị hành hung vô cớ”.

Bộ trưởng Tình báo Mahmoud Alavi hôm thứ Sáu cũng cảnh báo “những người theo chủ nghĩa nổi loạn” rằng “giấc mơ đánh bại các giá trị tôn giáo và những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng sẽ không bao giờ thành hiện thực”, theo trang web AsrIran.

Tổng thống Ebrahim Raisi cho biết, các cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ hôm thứ Sáu đã cho thấy sức mạnh của Cộng hòa Hồi giáo, đồng thời nói thêm rằng tình trạng hỗn loạn là không thể dung thứ.

“Sự hiện diện của người dân (trong các cuộc tuần hành) ngày hôm nay, là sức mạnh và danh dự của Cộng hòa Hồi giáo”, ông Raisi, đối mặt với các cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2019, nói trên truyền hình trực tiếp sau khi trở về từ New York, nơi ông tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã gặp ông Raisi tại New York vào hôm thứ Năm (22/9) và nêu ra các vấn đề nhân quyền, một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết.

Người phát ngôn Stephane Dujarric nói với các phóng viên rằng “Liên Hợp Quốc lo ngại” về các báo cáo về các cuộc biểu tình ôn hòa với việc sử dụng vũ lực quá mức dẫn đến hàng chục người chết và bị thương”.

Tấn công mạng

Tổ chức nhân quyền Hengaw cho biết, một cuộc tổng tấn công đã được tổ chức vào thứ Sáu ở Oshnavieh, Javanroud, Sardasht và các thị trấn khác ở phía tây bắc nước này, nơi có nhiều người trong số 10 triệu người Kurd ở Iran đang sinh sống.

Dịch vụ giám sát Internet NetBlocks và các cư dân cho biết, quyền truy cập đã bị hạn chế đối với Instagram – nền tảng truyền thông xã hội duy nhất mà Iran cho phép người dân nước này sử dụng, lên đến hàng triệu người dùng. Bên cạnh đó, một số mạng điện thoại di động đã bị ngắt.

NetBlocks cho biết, Internet di động đã bị gián đoạn lần thứ ba ở Iran.

Các tài khoản Twitter liên kết với “những kẻ tấn công  mạng” ẩn danh đã lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình và cho biết, họ đã tấn công 100 trang web của Iran, trong đó có một số trang web của chính phủ.

Các trang web của ngân hàng trung ương, Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei và một số hãng thông tấn trực thuộc nhà nước đã bị gián đoạn trong những ngày gần đây.

Các nhà cầm quyền giáo sĩ của Iran lo ngại sự hồi sinh của các cuộc biểu tình nổ ra vào năm 2019 do giá xăng tăng. Đây cũng là sự  kiện đẫm máu nhất trong lịch sử của Cộng hòa Hồi giáo. Tờ Reuters đưa tin, 1.500 người đã thiệt mạng trong sự kiện này.

Các nhóm nhân quyền như Hengaw và HRANA, luật sư và những người sử dụng mạng xã hội cho biết, lực lượng an ninh Iran đã bắt giữ trên diện rộng các sinh viên và nhà hoạt động tại nhà riêng của họ trong một nỗ lực rõ ràng nhằm kiềm chế các cuộc biểu tình.

Ông Majid Tavakoli, một thủ lĩnh sinh viên trở thành nhà hoạt động nhân quyền, đã bị giam giữ cả đêm, anh trai ông Mohsen cho biết.

“Họ đột kích vào nhà và bắt giữ Majid khi anh ấy đang ngủ … Chúng tôi không thể làm gì được. Xin hãy loan tin”, ông Mohsen Tavakoli đã đăng tải trên Twitter.

Lam Giang

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Ukraine gặp nhau ở New York

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu (23/9).

Đây là lần gặp trực tiếp công khai đầu tiên giữa hai nước kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Ukraine vào cuối tháng Hai, mặc dù họ đã tổ chức hai cuộc điện đàm trong thời gian đó.

Ngày 23/9, Nga đã bắt đầu các cuộc trưng cầu dân ý tại 4 khu vực của Ukraine bao gồm Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson về việc sáp nhập chúng vào lãnh thổ của mình. Kyiv và các đồng minh của họ đã lên án hành động này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ trong một tuyên bố, ngoại trưởng Vương Nghị nói với ông Kuleba rằng, “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước phải được tôn trọng… Các mối quan tâm an ninh chính đáng của tất cả các nước phải được coi trọng, và tất cả các nỗ lực có lợi cho việc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng phải được ủng hộ.”

Dù vậy, Bắc Kinh đã từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình muốn xây dựng một liên minh chiến lược chặt chẽ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để chống lại Hoa Kỳ.

Trung Quốc nhiều lần kêu gọi giải quyết xung đột một cách hòa bình thông qua đối thoại. Ông Vương cũng khẳng định với ông Kuleba: “Trung Quốc luôn cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, không bao giờ đứng yên, không bao giờ đổ thêm dầu vào lửa và không bao giờ lợi dụng tình hình để tư lợi.”

Nhưng trên thực tế, Trung Quốc không có hành động để tạo điều kiện thuận lợi cho điều đó.

Ngoại trưởng Kuleba cũng xác nhận về cuộc hội đàm trên Twitter. Ông viết: “Người đồng cấp của tôi tái khẳng định sự tôn trọng của Trung Quốc đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như việc nước này bác bỏ việc sử dụng vũ lực như một phương tiện giải quyết vấn đề.”

Trước đó, Bắc Kinh đã có một số cuộc gặp cấp cao với Moscow trong những tháng gần đây, bao gồm cuộc gặp của ông Vương hôm 22/9 với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, cũng bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, ông Tập đã có cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Putin tại Uzbekistan vào đầu tháng này trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông ở nước ngoài kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.

Ông Vương Nghị cũng đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 23/9, khi hai quốc gia nỗ lực kiềm chế căng thẳng gia tăng về một loạt vấn đề.

Nhật Minh (Theo AFP)

Người dân Iran xé chân dung “lãnh tụ tối cao” khiến cư dân mạng TQ thổn thức

Sau khi một cô gái “đội khăn trùm đầu không đúng cách” bị cảnh sát giết chết, các cuộc biểu tình quy mô lớn trên khắp Iran đã tiếp tục lan rộng, và biến thành cuộc biểu tình chính trị chống lại chính quyền. Một đoạn video quay lại cảnh người dân địa phương xé chân dung của “Lãnh tụ tối cao” Ruhollah Khomeini và Ali Khamenei được lan truyền trên mạng xã hội, làm dậy sóng cư dân mạng Trung Quốc.

Ngày 23/9/2022, cuộc đấu tranh của nhân dân Iran chống lại chế độ độc tài vẫn tiếp tục. (Ảnh: AFP qua Getty Image)

Theo đoạn video được lan truyền rộng rãi, 2 người đàn ông đã trèo lên bức tường bên ngoài của Tòa nhà Chính phủ ở Surrey, thủ phủ tỉnh Mazandaran, và xé nát ảnh chân dung của hai ông Khomeini và Khamenei. Đám đông bên dưới hò reo, vỗ tay nhiệt liệt và hô vang những khẩu hiệu như “Kẻ độc tài hãy chết đi”.

Ông Khomeini là cựu lãnh tụ tối cao của Iran, và ông Khamenei là lãnh tụ tối cao hiện tại. Họ là những người cai trị thực sự của đất nước, và là những nhà lãnh đạo tối cao của quốc gia tôn giáo này.

Họ cũng là 2 người duy nhất được gọi là “lãnh tụ tối cao” kể từ cuộc cách mạng của Iran năm 1978. Vì bị các tổ chức nhân quyền và tổ chức quốc tế liệt vào danh sách biểu tượng của “tội ác“, nên họ thường không ra nước ngoài.

Đoạn video xé chân dung của 2 “lãnh tụ tối cao” bị chặn nghiêm ngặt trên Weibo ở Trung Quốc Đại Lục, nhưng một số người vẫn đăng lại video. Nhiều cư dân mạng đã sử dụng các cuộc biểu tình của Iran, để bày tỏ sự bất lực, hoặc không đồng tình với hiện trạng, hay sự tức giận với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

(Nội dung: “Người dân Iran vừa xé ảnh chân dung của Khomeini và Khamenei, có ý nghĩa rất lớn”)
(Nội dung: “Mọi người đừng nhầm, đây là cảnh thanh niên biểu tình Iran xé ảnh Khamenei, không phải ở nước ta (Trung Quốc).”)
(Nội dung: “Cuối cùng thì Khamenei đã 404 (biến mất) rồi.”)

Iran quy định tất cả các bé gái trên 7 tuổi phải đội khăn trùm đầu ở nơi công cộng và phải che thân bằng quần áo rộng. Cảnh sát cũng tiến hành kiểm tra phụ nữ trên đường phố. Những người vi phạm sẽ bị bắt, và phải đối mặt với việc “giáo dục lại”, phạt tiền, nhục hình, đòn roi, thậm chí bị bỏ tù. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình của người dân.

(Nội dung: “Thế cục Iran: Một bức tranh biếm họa phản ánh việc phụ nữ Iran đánh đổ nền thống trị thần quyền của Khamenei, vì mưu cầu được giải phóng bản thân. Người Iran cố lên!”)
(Nội dung: “Luật sư Đới Hiểu Đông Tây An: Người dân Iran đã thức tỉnh, đối diện với chiếc quan tài sống, có những trải nghiệm sâu sắc. Hãy đứng lên lật đổ chiếc quan tài sống này. Những người phụ nữ phẫn nộ đốt cháy khăn chùm đầu, không chịu nỗi khổ trong địa ngục nữa.”)

Một số người nói rằng bất cứ chuyện gì xảy ra với một quốc gia tà ác, Hoa Kỳ đều sẽ bị mang ra đổ lỗi.

(Tài khoản “Cai thuốc vì bạn” viết: “Iran hãy điều tra xem ‘tên cảnh sát đạo đức’ đánh chết cô gái có phải là người máy do Mỹ chế tạo giả mạo hay không? Nước Mỹ quá tệ!”

Tài khoản “Trần Diêu Ioyal” viết: “Bên Mỹ: Người ta đang ở trong nhà, họa từ trên Trời rơi xuống.”)

Một số cư dân mạng cho rằng, ở đâu có áp bức, ở đó có phản kháng.

Có người mỉa mai: “Chính phủ Iran nói rằng chúng ta phải tự tin vào văn hóa truyền thống của mình. Phụ nữ đội khăn trùm đầu là một phụ nữ quý tộc và được pháp luật bảo vệ. Nếu phụ nữ không đội khăn trùm đầu, hoặc đội khăn trùm đầu không đúng cách, thì cô ấy là một tiện dân, và không được pháp luật bảo vệ. Bởi vì không đội khăn trùm đầu là không yêu nước, không đội khăn trùm đầu không phải là người Iran. Chúng ta đeo khẩu trang, điều này cũng tương tự. “

Giới truyền thông Iran đều đang đưa tin về cuộc biểu tình. Có người than thở, ở Iran có tự do báo chí và tự do biểu tình.

Có người ngấm ngầm đề cập đến sự kiện “trung chuyển chống dịch” (chở nhân viên liên quan đến kiểm dịch) ở Quý Châu, Trung Quốc, dẫn đến vụ lật xe và cái chết của 27 người.

(Nội dung: “Hoa Kỳ chết một người da đen, biểu tình bùng phát. Iran chết một cô gái, biểu tình bùng phát. Trung Quốc chết cả một xe chở đầy người.”)
(Nội dung: “Chết 1 người đã thế này, 28 người thì sao?”)

Chính quyền Trung Quốc coi truyền thông như bộ máy phát ngôn và định hướng dư luận của đảng với chính phủ. Khi mới thành lập, ĐCSTQ đã nêu cao khẩu hiệu: “Báng súng – ngòi bút, đoạt lấy chính quyền, củng cố chính quyền chính là nhờ vào 2 thứ này.”

Sau khi thành lập chính quyền, ĐCSTQ đã khống chế nghiêm ngặt tất cả các kênh truyền hình, phát thanh, báo chí, tạp chí, và cả truyền thông xã hội. Hệ thống tường lửa Great Fire Wall khổng lồ còn được thiết lập nhằm ngăn chặn người dân truy cập những trang web mà chính quyền không cho phép.

Các cơ quan ngôn luận còn được chỉ thị: “Sự thật cần phải vì chính trị mà phục vụ, lịch sử và tin tức, không được nói sự thực, chỉ nói những gì mang tính khuynh hướng.” Điều đáng sợ là đa số người dân Trung Quốc vẫn tin vào tuyên truyền chính trị của chính quyền.

Bình Minh

Related posts