Trí Đạt
Việc ông Tập Cận Bình vắng mặt một cuộc hội thảo về cải cách quốc phòng và quân sự của ĐCSTQ một cách hiếm thấy, cùng việc ông đã ẩn thân hơn 1 tuần từ khi về nước sau chuyến thăm Trung Á, làm dấy lên tin đồn ông bị đoạt quyền.
Tin dồn dấy lên khắp nơi về việc ẩn thân của ông Tập sau chuyến thăm Trung Á
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, Hội thảo Cải cách Quân đội và Quốc phòng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 21/9. Hai Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) và Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia) đã phát biểu tại hội nghị, các ủy viên Quân ủy Trung ương Lý Tác Thành (Li Zuocheng), Miêu Hoa (Miao Hua), Trương Thăng Dân (Zhang Shengmin) đã tham dự cuộc họp.
Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã không tham dự hội nghị, mà chỉ đưa ra “chỉ thị” cho hội nghị, yêu cầu quân đội tập trung vào việc chuẩn bị cho chiến tranh, v.v. Một thành viên khác của quân ủy vắng mặt là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), ông là tướng lĩnh do đích thân ông Tập Cận Bình đề bạt trọng dụng.
Cảnh quay đưa tin của CCTV cho thấy ông Lý Kiều Minh (Li Qiaoming – 61 tuổi), nguyên Tư lệnh Chiến khu Bắc bộ bị miễn nhiệm trước đó, cũng tham dự hội nghị này và ngồi ở hàng ghế đầu. Trước đó có nhiều tin đồn cho rằng ông Lý Kiều Minh dính líu đến một cuộc “binh biến”.
Ông Lý Kiều Minh ngồi ở hàng ghế đầu đeo huy hiệu Quân đội trước ngực tại cuộc họp. Sự xuất hiện của ông không chỉ đồng nghĩa với việc đập tan tin đồn ông có liên quan đến “binh biến”, mà còn cho thấy ông vẫn được ông Tập tin tưởng.
Ông Tập Cận Bình đã thăm Kazakhstan và Uzbekistan liên tiếp từ ngày 14 đến ngày 16/9, và tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do ĐCSTQ và Nga dẫn đầu. Theo Nhân dân Nhật báo, sau khi hội nghị thượng đỉnh SCO kết thúc vào ngày 16/9, ông Tập Cận Bình đã “ra thẳng sân bay đáp chuyên cơ trở về Trung Quốc” từ địa điểm tổ chức thượng đỉnh và trở về Bắc Kinh vào nửa đêm ngày 16/9.
Ông Tập Cận Bình đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông trở về Bắc Kinh, và đã ẩn hình trong hơn một tuần.
Tân Hoa Xã từng đưa tin, vào ngày 22/9 ông Tập Cận Bình đã gửi lời thăm tới “Lễ hội thu hoạch của nông dân Trung Quốc”; vào ngày 23/9, ông Tập đã gửi thư chúc mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Thông tấn xã Trung Quốc (CNS).
Trong giai đoạn này, rất nhiều tin tức bất lợi về ông Tập đã được lan truyền trên Twitter và thậm chí trên WeChat ở Trung Quốc Đại Lục. Một trong những tin tức phổ biến nhất trên Twitter là ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo đã thuyết phục thành công ông Tống Bình (Song Ping), cựu Ủy viên Thường vụ, nắm quyền kiểm soát Cục Cảnh vệ Trung ương. Ông Tập trở về Bắc Kinh vào tối ngày 16/9, bị kiểm soát tại sân bay, và bị quản thúc tại nhà ở Trung Nam Hải, Hội nghị Trung ương 7 khóa 19 sẽ tuyên bố sự thật, v.v.
Một nhà văn ẩn danh trên mạng Internet Đại Lục, nói với phóng viên Epoch Times vào ngày 23/9 rằng thông tin mà ông nghe được là hiện giờ ông Tập Cận Bình hiện chỉ gửi thông tin từ xa và đang bị giam lỏng, không được phép lộ diện. Ông cũng không được tham gia cuộc họp quan trọng về cải cách quân ủy.
Vị này cho rằng nếu thực sự bị giam lỏng, thì có thể không cần đợi đến phiên họp toàn thể lần thứ bảy (Hội nghị Trung ương 7) mới tuyên bố, chính sách ‘zero COVID’ cũng sẽ lập tức kết thúc.
Tuy nhiên, một số cư dân mạng trên Twitter cho rằng lý do ông Tập Cận Bình ẩn thân và vắng mặt trong cuộc họp, có thể là do ông cần phải cách ly một thời gian theo quy định phòng chống dịch sau chuyến thăm nước ngoài.
Phân tích: Tin đồn chống Tập để tỏ sự bất mãn
Nhà quan sát các vấn đề thời sự Vương Hách nói với Epoch Times hôm 23/9 rằng ông Tập Cận Bình có lộ diện hay không không thành vấn đề, bởi trước đây ông đã từng thường không xuất hiện trong một thời gian dài. Trước Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 (Đại hội 20) của ĐCSTQ, chuyến thăm Trung Á của ông Tập Cận Bình là một biểu hiện nắm chắc phần thắng, ông ấy không phải là mạo hiểm ra nước ngoài.
Nhà bình luận Vương Hách tin rằng rất nhiều người không muốn ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, vì vậy họ muốn làm gì đó. “Giống như tin đồn khắp nơi như thế này, từ góc độ chính trị mà nói, nó không có ý nghĩa thực chất. Chỉ là biểu đạt một kiểu bất mãn.”
Ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), người dẫn chương trình truyền thông nổi tiếng “Chính luận thiên hạ” cho rằng tin đồn liên quan đến việc ông Tập bị đoạt quyền không phù hợp kiến thức thông thường về chính trị cơ bản. Ông nói, nếu ông Tập Cận Bình mất quyền lực thì làm sao có khả năng kết án nghiêm khắc các thành viên trong băng đảng chính trị của Tôn Lực Quân?
Trong khoảng thời gian ông Tập ẩn thân, “6 con hổ chính trị pháp luật” thuộc bè phái chính trị Tôn Lực Quân đã bị kết án nghiêm khắc trong 3 ngày qua, trong đó có Vương Lập Khoa, Phó Chính Hoa, Tôn Lực Quân, lần lượt bị kết án tử hình hoãn thi hành án, bị giam giữ suốt đời.
SCMP bóng gió ông Tập Cận Bình tái nhiệm?
Tờ South China Morning Post (SCMP) tại Hồng Kông, được coi là có bối cảnh tuyên truyền đối ngoại, vào ngày 22/9 đã đưa tin Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể tới Bắc Kinh để gặp ông Tập Cận Bình vào tháng 11 năm nay.
SCMP do doanh nhân Trung Quốc Jack Ma kiểm soát, cũng được cho là thân cận với Tăng Khánh Hồng thuộc phe Giang Trạch Dân. Ngày 18/7, tờ báo này cũng loan tin 4 nước châu Âu sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 11, nói rằng “thực tế này gián tiếp xác nhận rằng ông Tập Cận Bình sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba”. Tuy nhiên vào hôm sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi đó là “tin giả”. Ngày 19/7, SCMP lại đưa tin, lời mời liên quan dự kiến sẽ được chính thức xác nhận vào cuối năm nay.
Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất nói với Epoch Times rằng SCMP là một tờ báo ở Hồng Kông, cho nên nội dung mà nó đưa tin có hạn chế nhất định. Bất kỳ tin tức nào động chạm đến nội bộ ĐCSTQ đều có thể dễ dàng được coi là ĐCSTQ đang tung tin. Nhưng đôi khi tin tức không nhất thiết phải từ cùng một phe, và có yếu tố đấu đá nội bộ. Ví dụ, tin tức lần này có thể được coi là đến từ phe Tập, để cho thấy rằng ông Tập về cơ bản sẽ tái đắc cử.
Nhà bình luận Vương Hách cho rằng từ góc độ bố cục ngoại giao của ĐCSTQ, việc các nhà lãnh đạo của các nước châu Âu có thể thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 là có khả năng. ĐCSTQ hiện đang cố gắng lôi kéo Liên minh Châu Âu (EU). Sau khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử, ông ta sẽ muốn chia rẽ mối quan hệ giữa Mỹ và EU, và đối đầu với Mỹ. Nhưng sau khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, sau khi có địa vị vững chắc thì mời mời các nhà lãnh đạo châu Âu đến.
Ông nói, “Ông ấy chắc chắn sẽ nỗ lực ngoại giao trong vấn đề này. Nhưng trước khi thành công, ông ấy sẽ không tiết lộ.”
Trí Đạt