Thanh Hải
Sự ăn miếng trả miếng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến các công ty tài chính toàn cầu phải đánh giá lại rủi ro khi kinh doanh ở Trung Quốc. Ảnh một bảng hiệu trên phố Wall. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)
Sự ăn miếng trả miếng ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan đang khiến các công ty tài chính toàn cầu phải đánh giá lại rủi ro khi kinh doanh ở Trung Quốc. Trước đó, các tổ chức tài chính quốc tế này đã thua lỗ hàng tỷ USD tại Nga.
Trong vài tháng qua, một số ngân hàng quốc tế, bao gồm Societe Generale, JPMorgan và UBS, đã yêu cầu nhân viên xem xét các kế hoạch dự phòng, theo tờ Bloomberg. Đồng thời, các công ty bảo hiểm quốc tế bắt đầu ngừng ban hành các chính sách mới đối với các công ty đầu tư vào Trung Quốc và Đài Loan. Chi phí bảo hiểm rủi ro chính trị đã tăng hơn 60% kể từ cuộc chiến Nga-Ukraine.
Rủi ro chính trị xung quanh các lệnh trừng phạt Mỹ-Trung “đang khiến các nhà quản lý rủi ro phải bận rộn”, giáo sư Mark Williams của Đại học Boston cho biết.
Ông nói: “Một cuộc chiến trừng phạt sẽ làm tăng đáng kể chi phí hoạt động và thúc đẩy các ngân hàng Mỹ phải suy nghĩ lại về chiến lược kinh doanh tại Trung Quốc”.
Gần đây, căng thẳng ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan đã khiến các công ty cảm nhận được bầu không khí bất an.
Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Biden đã nói trong chương trình “60 minutes” của đài CBS rằng, nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan, quân đội Hoa Kỳ sẽ bảo vệ hòn đảo. Đây là tuyên bố rõ ràng nhất mà ông Biden đưa ra kể từ khi nhậm chức, bất chấp việc Nhà Trắng tuyên bố rằng chính sách của Hoa Kỳ về Đài Loan không đổi.
Tuần trước, các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đã buộc các giám đốc điều hành ngân hàng Hoa Kỳ phải trả lời liệu họ có rút khỏi Trung Quốc hay không, trong trường hợp Trung Quốc xâm lược Đài Loan.
Các giám đốc điều hành của Bank of America, JPMorgan và Citigroup đều cho biết, các ngân hàng của họ sẽ tuân theo hướng dẫn của chính phủ Hoa Kỳ và thu hẹp quy mô hoạt động của họ ở Trung Quốc nếu Bắc Kinh xâm chiếm hòn đảo này.
ĐCSTQ không chịu thua kém. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng bất cứ ai cản trở quyết tâm thống nhất hai bờ eo biển sẽ bị “con tàu lịch sử khổng lồ đè bẹp”, “chỉ khi Trung Quốc thống nhất hoàn toàn thì mới có hòa bình ở eo biển Đài Loan”, “chúng tôi phải tấn công với quyết tâm cao nhất đối với hoạt động ly khai giành độc lập cho Đài Loan”, v.v.
Một giám đốc điều hành ngành tài chính nói với tờ Bloomberg rằng, họ nhận thấy nguy cơ xung đột vũ trang thấp nhưng khả năng bị trừng phạt giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng.
Điều đó có nghĩa sẽ có một sự thay đổi mạnh mẽ đối với Phố Wall, nơi đã đổ một lượng tiền khổng lồ vào Trung Quốc sau khi mở cửa lĩnh vực tài chính. Vào thời điểm căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đó là một khoản tiền lớn.
Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, các công ty đã tiến hành kiểm tra mức độ căng thẳng trong vài tháng qua, kiểm tra mức độ tiếp xúc của họ với tiền tệ, trái phiếu và cổ phiếu để xem liệu họ có thể xử lý sự sụt giảm đột ngột của thị trường hay không.
Societe Generale được cho là đã đánh giá số lượng nhân viên ở Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong, trong bối cảnh các giám đốc điều hành ở Paris lo lắng về tình hình này.
UBS đã yêu cầu các đơn vị tại Đài Loan xem xét các kế hoạch dự phòng, trong đó cân nhắc đến việc giảm các dịch vụ giao dịch ngoại hối cho khách hàng Đài Loan, một người quen thuộc với vấn đề này cho hay.
Societe Generale, JPMorgan và UBS đã từ chối yêu cầu bình luận của tờ Bloomberg.
Hai giám đốc điều hành ngân hàng cho biết, ưu tiên hàng đầu là giữ an toàn cho nhân viên, xác định những khách hàng có thể bị xử phạt và tìm cách giảm thiểu rủi ro của đối tác và tổn thất giao dịch tiềm ẩn.
Trong khi đó, các công ty bảo hiểm đã tăng giá bảo hiểm rủi ro chính trị liên quan đến Trung Quốc lên trung bình 67%, theo dữ liệu từ công ty quản lý rủi ro đa quốc gia Willis Towers Watson.
Tuy nhiên, một số ban lãnh đạo ngân hàng không muốn có các cuộc thảo luận chính thức hoặc đưa ra kế hoạch bằng lời nói vì lo ngại sự đáp trả của ĐCSTQ.
Ông Isaac Stone Fish, người sáng lập Strategy Risks, chuyên về quan hệ doanh nghiệp – Trung Quốc, cho biết: “Một số ngân hàng rủi ro lo ngại các kế hoạch dài hạn vì sợ Trung Quốc đáp trả”.
Một số giám đốc điều hành ngành tài chính lo ngại một tình huống giống như Nga, trong đó Bắc Kinh chặn các ngân hàng chuyển vốn ra nước ngoài để đáp trả các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Ông Dale Buckner, giám đốc điều hành của Global Guardian, một công ty dịch vụ an ninh quốc tế cho biết: “Nga là một ví dụ thực sự tồi tệ về những gì đã xảy ra”.
“Mọi người đang đặt ra những câu hỏi ‘giả định’: Nếu có một cuộc phong tỏa, nếu các hệ thống mạng bị phong tỏa, nếu có một cuộc tấn công hải quân hoặc một cuộc chiến thực sự thì điều gì sẽ xảy ra?”, ông Buckner nói.
Ông nói, bước đầu tiên trong đánh giá là kiểm tra tài sản phần cứng và sở hữu trí tuệ của khu vực để hiểu dòng tiền của một công ty đang ở đâu và ai có quyền kiểm soát, nếu Trung Quốc quyết định tiếp quản hệ thống ngân hàng và từ chối quyền truy cập.
Trước đó, tờ Financial Times của London đưa tin, kể từ khi xâm lược Ukraine, các công ty phương Tây đã nhận thấy sự gia tăng nhu cầu họp giao ban về nguy cơ chiến tranh ở eo biển Đài Loan.
Ông Buckner cho biết vào thời điểm đó, bảy công ty trong danh sách Fortune 500 đã liên hệ với công ty của ông để lên kế hoạch dự phòng cho rủi ro ở Đài Loan, bao gồm cả việc sơ tán nhân viên khỏi hòn đảo nếu cần thiết. Ông tiết lộ, ba trong số đó là những công ty công nghệ có tiếng.
“Họ là những thương hiệu mà quý vị đều biết đến”, ông Buckner nói, “Và thành thật mà nói, họ rất sợ hãi”.
Thanh Hải
Theo The Epoch Times