Sáng ngày 27/9 (theo giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo trên trang web chính thức rằng tàu vũ trụ thực hiện thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) đã hoàn thành sứ mệnh đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos.
Đây là lần đầu tiên một tàu vũ trụ của NASA đâm thành công vào tiểu hành tinh trong không gian, sự kiện được giới khoa học xem là một phần trong cuộc thử nghiệm tác động tới quá trình di chuyển của tiểu hành tinh.
Trong sự kiện được phát trực tiếp trên trang chủ cùng nhiều nền tảng mạng xã hội khác, NASA tuyên bố: “Tác động đã được xác nhận cho sứ mệnh phòng thủ lần đầu tiên trước mối đe dọa hành tinh”.
Trước đó, các nguồn tin cho biết tàu vũ trụ tham gia sứ mệnh DART, trị giá 330 triệu USD, sẽ lao thẳng vào một tiểu hành tinh nằm trên Ấn Độ Dương 11 triệu km. Đây là sứ mệnh được triển khai nhằm giúp các nhà khoa học đánh giá liệu có thể làm chệch hướng các tiểu hành tinh có nguy cơ đe dọa tới Trái Đất trong tương lai hay không. Có ý kiến khẳng định rằng một cú va chạm đúng thời điểm và đúng vị trí có thể ngăn xảy ra việc tiểu hành tinh đâm vào Trái Đất.
Ở một diễn biến khác, NASA đã quyết định không phóng tàu vũ trụ Orion lên Mặt Trăng vào ngày 27/9 như đã dự kiến.
Quyết định trên được đưa ra vào hôm 24/9 vừa qua, sau cuộc họp của ban phụ trách sứ mệnh Artemis 1, do lo ngại ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới Ian đang di chuyển về phía Cuba và tiểu bang Florida (Mỹ).
Như vậy đây là lần hoãn thứ 3 của sứ mệnh Artemis 1. Trước đó, NASA từng 2 lần đã buộc phải hoãn phóng tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) mang theo tàu vũ trụ Orion (không có phi hành đoàn) lên Mặt Trăng trong những tuần gần đây, sau khi phát hiện một số vấn đề kỹ thuật như cảm biến nhiệt bị lỗi hay xuất hiện vết nứt trong thùng chứa nhiên liệu… Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định việc sửa lỗi kỹ thuật đã được hoàn tất và cuộc kiểm tra ngày 21/9 cho thấy các bể chứa nhiên liệu đã được làm đầy.
Ngoài thời điểm ngày 27/9, NASA cũng đã lên kế hoạch phóng dự phòng tàu vũ trụ Orion lên Mặt Trăng vào ngày 2/10. Artemis 1 là sứ mệnh đầu tiên trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng mang tên Artemis. Vụ phóng sắp tới của NASA cũng là chuyến bay đầu tiên của tên lửa SLS nhằm đưa tàu vụ trụ Orion lên quỹ đạo, với mục tiêu thử nghiệm khả năng sẵn sàng của các phương tiện này trong việc đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng. Sau nhiệm vụ Artemis 1, các phi hành gia sẽ thực hiện hành trình vào năm 2024 và 2025 trong nhiệm vụ Artemis 2 và Artemis 3, với sự góp mặt của các phi hành gia trên tàu.
Phan Anh
Blog: Ông Tập Cận Bình sẽ không “chia tay” ông Putin
Tại cuộc gặp giữa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Nga Putin diễn ra hồi tháng Hai năm nay ở Bắc Kinh, ông Tập đã lên tiếng về cái gọi là “hợp tác không có giới hạn” với Nga. Tuy nhiên, biểu hiện sau khi Nga xâm lược Ukraine cho thấy phải chăng đó chỉ là “ngôn từ ngoại giao”?
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau (Nguồn: Kremlin.ru, 2019CC-BY-4.0).
Ông Tổng thống Nga Putin đang thúc đẩy cái gọi là “trưng cầu dân ý” về việc cho sáp nhập các khu vực của Ukraine do Nga chiếm đóng vào lãnh thổ Nga. Ngoài ra, ông Putin còn huy động thêm 300.000 binh sĩ dự bị đến chiến trường trong lệnh tổng động viên một phần. Điều kinh khủng hơn nữa là ông ta còn đe dọa vũ khí hạt nhân và xảo biện “chiến tranh xâm lược” thành “chiến tranh vệ quốc”. Lúc đầu, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình như đã tuyên thệ với ông Putin: “Hợp tác chiến lược Trung-Nga không có giới hạn”, nhưng giờ đây ông Tập không thể thực hiện lời hứa này với “người bạn cũ” ngày càng bị cô lập.
Tờ Le Monde của Pháp đã đăng một bài xã luận hôm thứ Năm, chỉ ra rằng: Được thúc đẩy từ hỗ trợ quân sự của phương Tây, cuộc phản công của Ukraine đã mang lại cho người dân hy vọng. Trung Quốc, nước thuộc cùng phe “xét lại” với Nga trong các vấn đề thế giới, đang bắt đầu cho thấy một số dấu hiệu khó chịu. Trước khi ông Putin kết thúc bài phát biểu ngất trời của mình, Bắc Kinh đã nhắc lại yêu cầu ngừng bắn, đồng thời nhắc lại tầm quan trọng của nước này đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, tất nhiên là bao gồm cả Ukraine.
Tuy nhiên, bất chấp lập trường không thoải mái hiện tại của ông Tập, AFP đưa tin một số chuyên gia phương Tây tin rằng ông Tập nhiều khả năng sẽ không từ bỏ “người bạn cũ” Putin. Về “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine, ông Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây nói trước Liên Hợp Quốc với người đồng cấp là Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, “Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì lập trường khách quan và công bằng, thúc đẩy các cuộc đàm phán cho hòa bình và hy vọng rằng tất cả các bên sẽ không từ bỏ các nỗ lực đối thoại, nhấn mạnh vào việc giải quyết các mối quan ngại về an ninh thông qua các cuộc đàm phán hòa bình”.
Điểm khác biệt duy nhất giữa phát biểu này của ông Vương Nghị và những gì ông ta nói hồi giữa tháng Hai là thay đổi ngôn từ: “Trung Quốc hiểu những lo ngại về an ninh của Nga” thành “giải quyết lo ngại về an ninh [của Nga] thông qua đàm phán hòa bình”.
Cả ông Tập và ông Putin đều đối đầu phương Tây và chỉ trích “bá quyền toàn cầu” của Mỹ. Trong gần năm qua, họ càng thân cận nhau hơn. Cho đến ngày 4/2, họ đã lên tiếng về cái gọi là “hợp tác không có giới hạn” khi hội ngộ tại Bắc Kinh. Chỉ sau đó 20 ngày, ông Putin phát động chiến tranh xâm lược Ukraine, việc ông Tập Cận Bình có bị ‘mắc lỡm’ ông Putin hay không luôn là một ẩn số.
Nhưng kể từ đó, Trung Quốc đã luôn thận trọng không cung cấp cho Nga bất kỳ hỗ trợ vật chất trực tiếp nào để tránh các lệnh trừng phạt có thể có của phương Tây.
Bản thân ông Putin cũng nhận thức được hạn chế này. Cách đây không lâu khi ông Putin gặp ông Tập tại Uzbekistan trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, ông ta đã công khai thừa nhận những lo ngại của Trung Quốc về cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Ông Putin nói với ông Tập: “Chúng tôi hiểu những câu hỏi và mối quan tâm của các bạn”. Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc sau cuộc hội đàm không đề cập đến Ukraine.
Người sáng lập Tổ chức tư vấn Globalization (Center for China and Globalization) có trụ sở tại Bắc Kinh là ông Vương Huy Diệu (Wang Huiyao) cho biết: “Tôi không thấy lập trường mới nào, Trung Quốc không ủng hộ chiến tranh, cũng không ủng hộ xung đột, vấn đề này rõ ràng ngay từ đầu”.
Có quan điểm cho rằng chắc chắn Trung Quốc muốn chiến tranh sớm kết thúc. Dù vậy, nhiều chuyên gia chỉ ra những thất bại gần đây của ông Putin ở Ukraine không khiến Trung Quốc lo lắng hoặc thay đổi bản chất của mối quan hệ. Yếu tố quan trọng trong quan hệ Trung-Nga vẫn là địa chính trị, bao gồm cả sự cạnh tranh với Mỹ.
Hơn nữa trong tư cách là nước láng giềng, khả năng tăng cường hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Nga là quan trọng hơn, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ một lượng lớn năng lượng giá rẻ của Nga, chiều ngược lại Nga có thể sử dụng thị trường Trung Quốc để bù đắp thiệt hại do đóng cửa thị trường châu Âu.
Giáo sư Tăng Nhuệ Sinh (Zeng Ruisheng), Viện trưởng Học viện châu Phi thuộc Đại học London (Anh), phân tích rằng điều quan trọng nhất đối với ông Tập Cận Bình là ông Putin không bị hạ bệ, hoặc không gây ra hỗn loạn có thể kéo theo thảm họa thứ cấp cho Trung Quốc, chủ yếu là về kinh tế. Ông nhận định chính sách đối ngoại của ông Tập là “Trung Quốc trên hết” .
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hầu như không đưa tin phát biểu của ông Putin về việc điều động quân dự bị của Nga tới chiến trường, trái ngược hoàn toàn với lên án kịch liệt của phương Tây. Tuy nhiên, nhiều bình luận về phát biểu của ông Putin (cả chỉ trích và tán thành) không bị xóa bỏ trên Weibo Trung Quốc.
Giáo sư Viên Kính Đông (Yuan Jingdong) tại Đại học Sydney (Úc), chỉ trích sự kiên trì không công khai biểu lộ của Trung Quốc, tức là không chỉ trích công khai Nga nhưng cũng như không bày tỏ thiện cảm với Ukraine, cố gắng không thể hiện tán thành với hành động của ông Putin. Ông nói: “Ở giai đoạn này, lựa chọn của Bắc Kinh dường như là để tránh rơi vào tình trạng hỗn loạn và nguy hiểm nghiêm trọng do việc Nga xâm lược Ukraine”.
An Đức Liệt
Đồng Nhân dân tệ tiếp tục yếu đi so với Đô la Mỹ, thấp nhất từ năm 2008
Đồng nhân dân tệ (CNY) đang tiếp tục mất giá so với đồng đô la Mỹ (USD), về mức gần thấp nhất kể từ đầu năm 2008. Tính từ đầu năm nay, đồng CNY đã mất hơn 11% giá trị, rơi về mức 1 USD đổi 7.158 CNY vào lúc 17h ngày 26/9 (giờ địa phương).
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm thứ Hai cho biết họ sẽ áp đặt yêu cầu dự trữ rủi ro là 20% đối với hợp đồng giao dịch tiền tệ kỳ hạn của các ngân hàng.
Kể từ tháng 8, PBOC đã tìm cách hạn chế thiệt hại của đồng nhân dân tệ thông qua tỷ giá tham chiếu (biên độ 2%) hàng ngày, cũng như yêu cầu các tổ chức tín dụng dành nhiều ngoại hối hơn làm dự trữ.
“Bằng cách áp đặt yêu cầu dự trữ rủi ro, PBOC đặt mục tiêu làm chậm tốc độ mất giá nhưng nó sẽ khó có thể lật ngược tình thế”, Peiqian Liu, nhà kinh tế tại NatWest Markets cho biết.
Đồng nhân dân tệ đã giảm 0,4%, xuống 7,1588 mỗi đô la Mỹ vào lúc 17h theo giờ địa phương, từ đầu năm đến nay đã mất hơn 11% giá trị. Nếu nó mất giá qua mức 7,1854 mỗi đô la, nó sẽ là mức yếu nhất kể từ đầu năm 2008.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nâng dự trữ rủi ro cho giao dịch kỳ hạn ngoại hối từ 0% lên 20% vào năm 2015, trước khi hạ dự trữ 2 năm sau đó và tăng trở lại vào năm 2018. PBOC đã loại bỏ nó vào năm 2020 sau khi đồng nhân dân tệ phục hồi.
Liu Guoqiang – Phó thống đốc PBOC cho biết vào đầu tháng này rằng ngân hàng trung ương sẽ không cho phép thay đổi tỷ giá hối đoái, trong khi cảnh báo các nhà giao dịch không nên đặt cược vào các mức nhân dân tệ cụ thể.
PBOC có nhiều công cụ chính sách hơn trong tay để bảo vệ đồng tiền này, Jingyang Chen, một chiến lược gia ngoại hối tại HSBC Holdings Plc cho biết.
Sự suy yếu của đồng nhân dân tệ có thể thúc đẩy PBOC trì hoãn bất kỳ việc nới lỏng chính sách tiền tệ nào nữa cho đến cuối năm nay. Sau khi bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản vào tháng 8, PBOC đã tạm dừng nới lỏng trong tháng này khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
Bloomberg Economics ước tính Fed sẽ thắt chặt đến hết năm 2022 và 2023, và PBOC sẽ duy trì lập trường nới lỏng trong giai đoạn này, cắt giảm lãi suất một năm xuống còn 2,45% vào cuối năm 2023.
Nhất Tín, theo Bloomberg
Ukraine nói nhiều người Nga gọi đến đường dây nóng hỏi cách đầu hàng
Người phát ngôn của cơ quan tình báo quân sự Ukraine nói rằng những người đàn ông Nga được gọi đi cho nỗ lực chiến tranh của Điện Kremlin đang tìm cách đầu hàng chính quyền Ukraine để bảo toàn mạng sống.
Andriy Yusov, phát ngôn viên của Cục tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, nói với truyền hình nhà nước hôm thứ Hai rằng những người Nga được huy động gần đây đã liên hệ với một đường dây nóng do cơ quan an ninh Ukraine thiết lập để yêu cầu đầu hàng, Ukrainska Pravda đưa tin.
“Hiện có rất nhiều cuộc gọi đến đường dây nóng từ những người Nga mới được điều động hoặc thậm chí từ những người chưa được điều động”, ông Yusov nói trong buổi phát sóng, theo Pravda. “Họ gọi và nói: ‘Nếu tôi được điều động, tôi phải làm gì, tôi nên đầu hàng như thế nào?’”
Sau khi các lực lượng Ukraine tái chiếm thành công các phần đất của đất nước trong cuộc phản công trong tháng này, Tổng thống Nga Putin đã công bố tổng động viên một phần vào tuần trước, áp dụng cho các công dân Nga trong lực lượng dự bị quân sự hoặc những người đã phục vụ trong lực lượng vũ trang với “một số chuyên ngành quân sự nhất định và kinh nghiệm liên quan.”
Ông Yusov cho biết Nga đã cạn kiệt lính nghĩa vụ sẵn có ở các khu hành chính Donetsk và Luhansk, hai khu vực do phe ly khai thân thiện với Điện Kremlin kiểm soát. Người Nga không có động cơ chiến đấu ở Ukraine, và những người đã được huy động hoặc chưa được điều động đang gọi đến đường dây nóng của Ukraine, ông Yusov nói.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật về cuộc chiến hôm thứ Hai rằng những người đàn ông được huy động đang đối mặt với “thách thức về hành chính và hậu cần” liên quan đến việc huấn luyện.
Bộ này cho biết: “Việc thiếu các huấn luyện viên quân sự và việc Nga bắt đầu điều động quá vội vàng, cho thấy rằng nhiều binh sĩ mới sẽ được triển khai ra tiền tuyến chỉ với sự chuẩn bị tối thiểu”. “Họ có khả năng phải chịu một tỷ lệ thương vong cao.”
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết trong bản cập nhật hôm Chủ nhật rằng lệnh điều động một phần của ông Putin “không hiệu quả.” Nhóm nghiên cứu cho biết lực lượng mới được tập hợp sẽ không bổ sung đáng kể sức mạnh quân sự của Nga và trước tiên ông Putin cần phải khắc phục “những thiếu sót cơ bản trong hệ thống thiết bị và quân nhân Nga.”
Tổng thống Ukraine trong video thường nhật hôm thứ Hai cho biết việc huy động quân chỉ nhằm cung cấp cho các chỉ huy trên mặt đất của Nga tại Ukraine một hàng rào “bia đỡ đạn” liên tục, và việc Nga đang liên tục tấn công ở khu vực Donetsk “chắc chắn sẽ đi vào lịch sử các cuộc chiến tranh như một trong những vụ giết người ghê tởm nhất đối với binh lính của chính mình.”
“Họ cảm thấy rằng họ sẽ thua, và họ chỉ đơn giản là cố gắng trì hoãn thời điểm này, để đảm bảo ít nhất một số hoạt động vẫn diễn ra ở phía trước, để họ có thể thay thế người chết bằng ít nhất một người khác có vũ khí trong tay.
Thật không may, xã hội Nga vẫn chưa nhận thức được tất cả sự tàn bạo của chính phủ Nga đối với người dân của mình. Nhưng chúng ta phải làm mọi cách để mọi công dân Nga nhận ra rằng chính nhà nước của họ đang tước đi điều quan trọng nhất – quyền được sống.”
Gọi đây là cuộc điều động “tội ác”, ông nói việc này không chỉ để kéo dài sự đau khổ của người dân Ukraine và gây bất ổn hơn nữa trên thế giới, mà còn để tiêu diệt đàn ông – đại diện của các dân tộc bản địa sống trong các vùng lãnh thổ tạm thời do Liên bang Nga kiểm soát.
“Không phải ngẫu nhiên mà cuộc vận động tội phạm do Nga tuyên bố ngay lập tức được gọi là “cuộc vận động xuống mồ” của chính công dân Nga. Các chỉ huy Nga không quan tâm đến mạng sống của người Nga – họ chỉ cần bổ sung những chỗ trống còn lại.”
Nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi người Nga phải quyết định gấp rút giữa thời khắc sống – chết này. “Thà không nhận giấy nhập ngũ còn hơn chết ở xứ lạ với tư cách tội phạm chiến tranh. Thà chạy trốn cuộc huy động tội ác này còn hơn bị què rồi phải hầu tòa vì đã tham gia chiến tranh xâm lược. Thà đầu hàng còn hơn là bị giết bởi các cuộc tấn công bằng vũ khí của chúng tôi.”
Lê Vy
Nga cảnh báo Hoa Kỳ đang tiếp cận “lằn ranh nguy hiểm”
Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo Hoa Kỳ không nên khiến căng thẳng với Nga “tiến gần đến lằn ranh nguy hiểm” sau khi các quan chức hàng đầu của chính quyền Biden cảnh báo Moscow không được sử dụng vũ khí hạt nhân.
Khả năng Điện Kremlin sử dụng vũ khí hạt nhân đã trở thành mối quan ngại toàn cầu khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2. Sau bảy tháng giao tranh, các lực lượng phòng thủ mạnh hơn dự đoán của Ukraine khiến quân đội Nga không thể đạt được bất kỳ mục tiêu quan trọng nào trong cuộc xung đột.
Trong bối cảnh tổn thất ngày càng tăng của quân đội Nga ở Ukraine, hôm thứ Tư tuần trước (21/9), Tổng thống Putin tuyên bố tổng động viên một phần nhằm nỗ lực tuyển 300.000 quân dự bị. Tuyên bố của tổng thống Nga khiến nhiều người lo ngại rằng ông có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Cuối tuần qua, các quan chức Mỹ cảnh báo Nga không được sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong lần xuất hiện trên chương trình 60 Phút của đài CBS, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, các quan chức Hoa Kỳ đã nói “rất rõ ràng” với Nga về những hậu quả của việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông không đề cập những hậu quả đó là gì, nhưng ông cho hay, chính quyền Biden đã có sẵn kế hoạch nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng trong cuộc xung đột.
Ngoại trưởng Blinken lưu ý: “Chúng tôi đã nói rất rõ ràng với người Nga một cách công khai, cũng như một cách riêng tư, để ngăn chặn cuộc nói chuyện lung tung về vũ khí hạt nhân.”
Trên chương trình Meet the Press của đài NBC, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cảnh báo rằng Nga sẽ phải đối mặt với “những hậu quả thảm khốc” nếu họ đi theo con đường đen tối sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Ông Sullivan giải thích: “Nga hiểu rất rõ những gì Hoa Kỳ sẽ làm để phản ứng với việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine bởi vì chúng tôi đã nói rất rõ việc này với họ, và hôm nay tôi sẽ không nói thêm gì về vấn đề đó. Tuy nhiên, đối với câu hỏi về khả năng răn đe được mọi người quan tâm, bạn biết đấy, Nga sẽ đưa ra quyết định của mình, nhưng họ hoàn toàn hiểu rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng một cách dứt khoát.”
Theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, hôm thứ Hai (26/9), phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Nga sau những cảnh báo của Hoa Kỳ, Thứ trưởng Ryabkov khuyến cáo, Hoa Kỳ nên “hạ nhiệt” trước khi đưa cuộc xung đột “đến gần lằn ranh nguy hiểm”.
Theo RIA Novosti, Thứ trưởng Ryabkov cho biết: “Chúng tôi nhiều lần yêu cầu những người đối thoại người Mỹ của chúng tôi rằng hãy sử dụng từ ngữ trung lập nhất, [và] như họ nói, họ nên hạ nhiệt và không làm tình hình căng thẳng thêm, không nên đưa nó đến gần lằn ranh nguy hiểm.”
Nga nói gì về vũ khí hạt nhân trong bối cảnh tổng động viên một phần
Hôm 21/9, Tổng thống Putin tuyên bố tổng động viên một phần quân dự bị của Nga sau khi quân đội Kyiv giành được một số thắng lợi đáng kể trong cuộc phản công vào các thành phố quan trọng bị Nga chiếm đóng như Kherson và Kharkiv. Đã có nhiều thông tin trái chiều đến từ Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong khi các quan chức Nga đôi khi tỏ ra thận trọng khi nói về vấn đề này, nhưng truyền hình nhà nước Nga đôi khi đưa ra những phát biểu khích động hơn.
Trong bài phát biểu khi tuyên bố tổng động viên một phần quân dự bị, Tổng thống Putin dường như đe dọa về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông cho biết sẵn sàng đáp trả cái mà ông gọi là “đe dọa hạt nhân” từ phương Tây bằng cách sử dụng vũ khí của chính đất nước mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Nếu Nga cảm thấy sự toàn vẹn lãnh thổ của mình bị đe dọa, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương pháp phòng vệ theo ý mình, và đây không phải là một trò lừa bịp.”
“Những ai đang cố gắng đe dọa chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân nên biết rằng gió cũng có thể đổi hướng về họ.”
Gia Huy (Theo Newsweek)