Trong tập thứ hai của loạt video về quan hệ Mỹ-Trung được Viện Nghiên cứu Hudson đăng tải vào ngày 26/9, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã vạch trần lời nói dối của ĐCSTQ về việc ‘nước Mỹ phân biệt chủng tộc’.
Viện Nghiên cứu Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, đã thành lập “Trung tâm Trung Quốc” và cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo làm chủ tịch ủy ban cố vấn của trung tâm này.
Ông Pompeo đã phát hành tập video đầu tiên của loạt video vào ngày 14/9 và nói rõ rằng, mục đích của việc sản xuất loạt video này là để cung cấp thông tin thực tế về quan hệ Mỹ-Trung trực tiếp cho người dân Trung Quốc.
Chủ đề của tập thứ hai của loạt video với tiêu đề “ĐCSTQ nói dối về vấn đề chủng tộc ở Mỹ”, được Viện Hudson đăng tải vào ngày 26/9. Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã phân tích cách ĐCSTQ đang cố gắng chia rẽ người Mỹ về vấn đề chủng tộc, cũng như cách tổ chức này nói dối với thế giới về chủng tộc Mỹ.
“Twitter bị cấm ở Trung Quốc, nhưng các nhà tuyên truyền Trung Quốc lại sử dụng nền tảng này”, ông Pompeo nói. “Thông qua Twitter, ĐCSTQ lan truyền sự dối trá ra thế giới, khiến người dân Mỹ bị ô nhiễm bởi nó”.
Ông nói trong video rằng “lời nói dối tồi tệ nhất” mà ĐCSTQ đã lan truyền là “Hoa Kỳ là một quốc gia phân biệt chủng tộc theo một cách nào đó”, nhưng điều này hoàn toàn sai sự thật.
“Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng tất cả con người sinh ra đã có quyền bình đẳng. Nước Mỹ không hoàn hảo. Nhưng như bạn của tôi, Thượng nghị sĩ Tim Scott của Nam Carolina từng nói, ‘Tội lỗi nguyên thủy không bao giờ là kết thúc của câu chuyện. Không phải trong tâm hồn chúng ta, và không phải cho quốc gia của chúng ta. Câu chuyện có thật luôn là sự chuộc lỗi (redemption). Chúng ta đã chiến đấu trong một cuộc nội chiến vì chế độ nô lệ. Thông qua việc xóa bỏ chế độ nô lệ, quyền công dân và phong trào bầu cử của phụ nữ, chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn và mạnh mẽ hơn”.
Mặc dù người dân Mỹ đã có nhiều nỗ lực khác nhau để xóa sổ chế độ phân biệt chủng tộc, nhưng những thông tin tiêu cực vẫn xuất hiện trên các kênh truyền thông của ĐCSTQ.
Vào ngày 17/9, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đã tổ chức một sự kiện xin lỗi cựu nữ diễn viên Sacheen Littlefeather.
Năm 1973, ông Marlon Brando đoạt giải Oscar cho vai “Bố già” trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Mỹ gốc Ý, Francis Ford Coppola. Thế nhưng ông không tham dự mà để cho thư ký của ông lúc bấy giờ là bà Littlefeather thay mình lên phát biểu và từ chối nhận giải. Bà Littlefeather đã có một bài phát biểu tại lễ trao giải Oscar về cuộc thảm sát người da đỏ ở Wound Knee, Nam Dakota trong vỏn vẹn 60 giây.
Bà Sacheen Littlefeather phải chịu đựng hàng loạt tiếng la ó từ khán giả, những cử chỉ phân biệt chủng tộc và bị đe dọa bạo lực ngay sau sân khấu lễ trao giải Oscar năm đó của Viện Hàn lâm.
Kể từ đó, bà Littlefeather vắng bóng trong làng giải trí và chuyển sang ngành dinh dưỡng và y học cổ truyền. Giờ đây, bà Littlefeather đang là Phó chủ tịch giáo dục và quan hệ công chúng tại Bảo tàng của Viện Hàn lâm.
50 năm sau, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ xin lỗi về sự đối xử mà bà nhận được vào buổi tối hôm đó, đồng thời tổ chức một chương trình và cuộc trò chuyện đặc biệt có tựa đề Một buổi tối với Sacheen Littlefeather vào ngày 17/9.
Mặc dù bà Littlefeather đã chấp nhận lời xin lỗi, nhưng bản tin của ĐCSTQ vẫn nhấn mạnh rằng: Sự phân biệt chủng tộc là một nỗi đau không thể chữa lành trong xã hội Mỹ.
Nhưng không phải tất cả người Trung Quốc đều tin lời tuyên truyền của ĐCSTQ, ông Pompeo nói: “Với tư cách là ngoại trưởng, tôi đã nghe các báo cáo xúc động từ các nhà ngoại giao của chúng tôi rằng những người xếp hàng dài nhất trên thế giới để xin thị thực Hoa Kỳ là ở Lãnh sự quán ở Trung Quốc. Vô số người Trung Quốc muốn đến đây để tham quan, học tập, và thậm chí nhập cư”.
“Ngày nay, Hoa Kỳ là nơi sinh sống của người dân thuộc mọi chủng tộc, bao gồm hơn 5 triệu người Mỹ gốc Hoa. Họ đã có những đóng góp vô cùng to lớn vào lối sống của chúng ta, cũng như thử nghiệm của Hoa Kỳ về một chính phủ tự quản”.
“Người Mỹ chỉ ra sự phân biệt đối xử ở nước ngoài khi chúng tôi thấy điều đó, đặc biệt là sự phân biệt chủng tộc có hệ thống của Bắc Kinh ở Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông và những nơi khác”.
Về những hành động tàn bạo nhân quyền của ĐCSTQ, ông Pompeo nói, “Một thực tế không thể chối cãi là, lực lượng chống Trung Quốc nhiều nhất trong lịch sử chính là ĐCSTQ. Lực lượng này dựa trên hệ tư tưởng Mác-xít đã sát hại hàng chục triệu người Trung Quốc. Trên hết, nó đã phát động một cuộc Cách mạng Văn hóa đã phá hủy hàng nghìn năm văn hóa Trung Quốc và không thừa nhận bất kỳ tội ác nào trong số đó”.
Ở cuối video, ông hy vọng rằng “người dân Trung Quốc sẽ có thể tham gia vào những cuộc tranh luận và đấu tranh cho tự do mà người Mỹ đã từng có từ năm 1776” vì “người dân Trung Quốc xứng đáng được đối xử tốt hơn nhiều”.
Ông Pompeo hiện là chủ tịch ban cố vấn của Trung tâm Trung Quốc. Viện Hudson đã thành lập Trung tâm Trung Quốc để nghiên cứu tư tưởng, cấu trúc và các điểm mạnh, điểm yếu và khiếm khuyết trong và ngoài nước của Trung Quốc từ lâu đã ảnh hưởng đến các ý định chiến lược của họ, để Hoa Kỳ có thể đối phó với những thách thức từ ĐCSTQ dựa trên các giá trị toàn diện, hiệu quả, phi đảng phái.
Ông Dư Mậu Xuân (Yu Maochun) một cựu cố vấn kế hoạch và chính sách cấp cao đến từ Trung Quốc cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, là giám đốc của Trung tâm Viện Hudson.
Ông từng là cố vấn chính sách về Trung Quốc của ông Pompeo, cũng từng hoạch định chiến lược cho chính quyền cựu Tổng thống Trump về việc hiểu rõ bản chất của ĐCSTQ, phân biệt ĐCSTQ với người dân Trung Quốc đồng thời áp chế ĐCSTQ trên mọi phương diện.
Năm 1985, ông Dư Mậu Xuân đến Mỹ với tư cách là một sinh viên trao đổi. Cuộc thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn của ĐCSTQ năm 1989 đã thúc đẩy ông trở thành sinh viên ủng hộ phong trào dân chủ Trung Quốc. Năm 1994 ông trở thành giáo sư về Lịch sử Quân sự và Trung Quốc Hiện đại tại Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis bang Maryland, cho đến bốn năm trước khi ông về làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, theo Visiontimes.
Thanh Hải